Thursday, December 23, 2010

Nghĩ về cái khó của trí thức Lam Sơn thuở ấy...


TTCT - Tiểu thuyết Hội thề của nhà văn NGUYỄN QUANG THÂN vừa được trao giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam lần 3 (2006-2009). Một cuốn tiểu thuyết lịch sử nhưng “không kể chuyện lịch sử“ mà tái hiện một thời khắc, với cái nhìn và tâm thế của người hôm nay.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân - Ảnh: T.N.T.

* Thưa ông, tiểu thuyết Hội thề tuy dài gần 400 trang nhưng chỉ thuật lại câu chuyện của dăm bảy ngày trước trận Xương Giang lịch sử. Tại sao ông lại chọn cái thời khắc ấy?

- Nhà văn Nguyễn Quang Thân: Khi cuộc chiến tranh giải phóng - khởi nghĩa Lam Sơn - bước vào giai đoạn chót là lúc chuyện cũ kể chưa xong mà chuyện mới đã bắt đầu. Le lói những vấn đề hậu chiến, tranh giành và phân chia quyền lực, quyền lợi trong triều đại mới. Khác với bảy ngày trước đó, cuộc chiến là bản hùng ca với tiếng kèn đồng hào sảng. Nhưng trước sau trận Xương Giang, khi đội quân hùng mạnh của Bắc triều đang khốn đốn bên bờ vực bị tiêu diệt dễ như trở bàn tay, hãy lắng nghe cho được những âm thanh khác từ nhiều phía, kể cả phía kẻ thù. Trên bình diện ngoại giao, vấn đề là thắng một trận lẫy lừng cho Nhị Hà “vạn cổ huyết do hồng” hay nghĩ cách thắng mà vẫn có trăm năm hòa hiếu, hòa bình? Và cả trong lòng người với những toan tính cũng rất người. Tôi có tham vọng dựng lại nhát cắt ấy của lịch sử, ngắn gọn nhưng bao trùm và có chiều sâu.

* Như vậy việc Nguyễn Trãi đưa ra kế sách giảng hòa, trong khi quân Lam Sơn của Lê Lợi đang hừng hực khí thế và hoàn toàn có thể chiếm thành Đông Quan trong oanh liệt, phải chăng là câu chuyện của quân sư và nhà vua với điệp trùng uẩn khúc, hiểm họa... mà ông vốn nghiền ngẫm, tâm đắc?

- “Mưu kế này của vua ta cổ kim chưa từng có”, đó là lời bình của Lê Quý Đôn. Một quyết định, đúng hơn là một mưu kế được thực thi trong vài ngày mà đem lại 365 năm hòa bình (tính đến ngày Tôn Sĩ Nghị phi ngựa qua biên ải) bên cạnh anh hàng xóm phương Bắc luôn lăm le tham vọng thì quả thật chưa từng có. Trí tuệ này của cha ông đáng ngợi ca muôn đời! Cũng không nên chỉ gán cho Nguyễn Trãi là tác giả duy nhất. Mà trước hết là vua ta - Lê Thái Tổ - và toàn bộ tham mưu nghĩa quân. Nhưng nếu không có những Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Trú... những nhà khoa bảng tham gia trong bộ tham mưu ấy, nếu họ, những kẻ hay có ý kiến nghịch nhĩ ấy bị ghẻ lạnh, bị “khinh bỉ như trẻ con”, thậm chí bị mời đi chơi chỗ khác thì liệu chiến tranh có kết thúc được theo cách “cổ kim chưa từng có” ấy không?

Liệu khởi nghĩa Lam Sơn có trở thành cuộc chiến tranh giải phóng mẫu mực nhất của lịch sử dân tộc, mẫu mực về chiến lược chiến thuật, về cách kết thúc và cả chính sách thời hậu chiến, với kẻ thù và cả với nội bộ nhân dân vừa ra khỏi hai chiến tuyến đối nghịch? Nhưng trí thức đi với khởi nghĩa dù là giải phóng dân tộc, thích nghi không dễ. Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử chỉ là “nói vọng”, “nói leo”, dù vậy tôi vẫn muốn người đời nay suy nghĩ về cái khó của trí thức Lam Sơn thuở ấy như thế nào.

* “Ngẫm lại thấy mọi can qua đều do lòng tham đã đành nhưng cũng còn do coi thường kẻ khác”, đó là câu mà Thái Phúc nói với Nguyễn Trãi trong tiểu thuyết. Cũng có thể xem đây là cốt lõi của văn hóa, là đạo của sinh tồn?

- Hàng tướng có học Thái Phúc vì sợ vạ miệng nên không dám nói thẳng. Nhưng chính ông ta đang nói về cái nước lớn luôn trịch thượng với láng giềng của ông. Thầy Trần Quốc Nghệ, ông thầy “siêu giỏi” của chúng tôi, có lần muốn “cải” Khổng Tử. Thầy nói: “Giá như Khổng Khâu chỉ viết “tứ hải giai huynh” (bốn bể đều là anh của ta) thì hay biết mấy, chắc thiên hạ đã tránh được nhiều cuộc chém giết giành đất, giành biển”. Tôi có kể lại chuyện này tại một cuộc gặp mấy nhà văn ở Hội Nhà văn Thượng Hải, họ đều trầm trồ: “Thầy của ông nói đúng quá!”. Dạo đó (năm 1996) thế giới chưa ai thấy có cái lưỡi bò muốn ngọ nguậy trên biển Đông. Hãy cứ gọi tha nhân là “anh”, người ta sẽ gọi mình là “anh”. Cái văn hóa văn minh ấy theo như thầy tôi nói, chính ông thánh Khổng Tử cũng chưa thật “quán triệt”.

* Thưa ông, vì sao ông lại chọn thể loại tiểu thuyết lịch sử?

- Hình như nhà văn A. Dumas (cha) có nói một câu đại khái thế này: “Lịch sử là cái mắc áo mà tôi mượn để treo cái áo của tôi”. Mắc áo thời nay không quá hiếm để tôi phải mượn của lịch sử. Với các tiểu thuyết Một thời hoa mẫu đơn, Ngoài khơi miền đất hứa và Con ngựa Mãn Châu tôi đã tự làm lấy mắc áo để treo các áo của tôi rồi, không phải mượn của ai. Tôi chọn thể loại tiểu thuyết lịch sử vì yêu mến đất nước và bái phục cha ông ta đã để lại những bài học giá trị không những cho con cháu hôm nay mà cho loài người.

Friday, December 3, 2010

Vài ý nhỏ nhân đọc bài Thử tìm hiểu tầng lớp trí thức Việt Nam


Nguyễn Ngọc Lanh
Nhà giáo nhân dân, nguyên GS trường đại học Y Hà Nội


Chungta.com đã tập hợp gần như đủ những bài bàn về tiêu chuẩn, phẩm cách, trách nhiệm và thiên chức của trí thức trong xã hội, trong đó có mấy bài rất đáng đọc của TS Chu Hảo. Bài viết gần đây nhất (Thử tìm hiểu tầng lớp trí thức Việt Nam) là sự tiếp thu, chắt lọc, cộng với những suy nghĩ, và nhận định của cá nhân ông.

- Về lập luận chung, ông đưa ra tiêu chuẩn để người “có học” trở thành trí thức.

chúng ta có thể suy ra rằng tầng lớp trí thức của xã hội có thiên chức sau:

1) Tiếp thu và truyền bá tri thức KH&CN hoặc VH&NT ;

2) Sáng tạo các giá trị mới của tri thức KH&CN hoặc VH&NT;

3) Đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề của xã hội;

4) Dự báo và định hướng dư luận xã hội.

Trong đó, hai điểm đầu tiên là chung cho những người lao động trí óc. Còn hai điểm sau chủ yếu là riêng cho tầng lớp trí thức.

- Về “tầng lớp trí thức XHCN” nước ta, ông đặt họ trong ngoặc kép và cho rằng - ngoài những ưu điểm được Đảng thừa nhận (và cũng là kết quả của sự giáo dục của Đảng) – họ có những tiêu cực điển hình mà nguyên nhân chính là do mất dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng, kể từ khi ý thức hệ đấu tranh giai cấp và phương pháp tư tưởng Mao tràn vào Việt Nam theo con đường chính thống.

…những tiêu cực không thể phủ nhận được là hết sức điển hình:
- Hời hợt trong tư duy và thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu.
- Tính cơ hội, thực dụng và vụ lợi trong hành xử.
- Ưa thành tích và chấp nhận sự giả dối một cách dễ dàng.
- Thiếu tinh thần hợp tác và ít lòng vị tha.

- Về tình cảnh trí thức Việt Nam, ông thấy họ cũng chung số phận với trí thức mọi nước XHCN: từng bị nghi ngờ, coi rẻ, thiếu tự do tư tưởng. Từ nguyên nhân này, ông đã kiến nghị giải pháp: “thật sự” thực hiện tự do tư tưởng và ngôn luận.

Với bài viết rất công phu của TS Chu Hảo, tôi chỉ xin phát biểu vài ý nhỏ chưa hẳn đã liên quan.

Thay đổi nội hàm gốc của các khái niệm nhập nội: Hữu ý và vô tình

Thế kỷ 19 và trước nữa, khi phương Đông còn chìm đắm trong nông nghiệp lạc hậu với chế độ phong kiến vừa chuyên chế, vừa trì trệ thì phương Tây đã tiến hành công nghiệp hoá được mấy trăm năm, đạt trình độ đủ để nổ ra các cuộc cách mạng, tạo ra một thể chế tiến bộ, khác hẳn trước.

Xấu và Tốt giữa chế độ phong kiến và chế độ tư bản cách nhau “một trời một vực”. Do vậy nhiều khái niệm mới mẻ và cao cả của xã hội tư bản đã được giới sĩ phu, học giả ở phương Đông (Trung Quốc, Việt Nam…) tiếp thu và vận dụng vào sự nghiệp nâng cao dân trí, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Ví dụ, khái niệm về Tự Do, Dân Chủ, Dân Quyền, Pháp Quyền, Tam Quyền phân lập, Chủ Nghĩa cá nhân, Trí Thức… vân vân.

Tuy nhiên, nhiều khái niệm khi vào nước ta đã bị thay đổi, thậm chí bị hiểu theo nghĩa ngược lại. Có thể do trình độ lĩnh hội hoặc do ý thức hệ.

Vài ví dụ.

- Chủ nghĩa cá nhân là một thành to lớn về tư tưởng của thế kỷ 19, là cơ sở để sau này hình thành khái niệm Quyền Con Người. Nhưng khi vào Việt Nam bằng con đường chính thống, nó lại mang ý nghĩa hết sức xấu xa. Nguyên nhân: Các nước XHCN tuyệt đối đề cao chủ nghĩa tập thể, do vậy tất nhiên kỳ thị tới mức mạt sát chủ nghĩa cá nhân. Chính vì vậy, ở nước ta có hai cách về hiểu chủ nghĩa này, trong đó cách hiểu sai cho đến hôm nay vẫn đang tuyệt đối áp đảo.

- Intellectuel (tính từ trở thành danh từ) mang nội hàm hoàn toàn mới mẻ ở phương Tây từ đầu thế kỷ 20. Khi sang phương Đông, nó càng là mới. Nó được chuyển ngữ thành trí thức – cũng là từ chưa từng có trước đó. Hẳn là người chuyển ngữ đã lĩnh hội đúng nội hàm của khái niệm này, do vậy đã không dùng những từ sẵn có (sĩ phu, bậc hiền tài, học giả, thức giả, người “có học”…) mà sáng tạo ra từ trí thức - gồm tài tríthức tỉnh, trong đó cái mới là “thức tỉnh”.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, mọi người đã quá quen dùng trí thức để chỉ những người có học vấn tương đối cao (so với mặt bằng dân trí chung) và sống bằng lao động trí óc. Và chỉ có thế. Đây là sự cắt xén nội hàm. Dẫu vậy, trong một thời gian dài cách dùng này cũng chưa gây tác hại lớn. Tuy nhiên, đã tới lúc nhiều người thấy cần “suy nghĩ về khái niệm trí thức”, để trở về nội hàm gốc của từ này (2007) trước khi quá muộn.

Không thiếu những khái niệm bị thay đổi, bóp méo nội hàm ở mức khó (hoặc không thể) chấp nhận, dù do vô tình hay cố ý. Vấn đề là, đã vay mượn một khái niệm do người khác, nơi khác sáng tạo ra, thì phải tôn trọng nội hàm gốc của nó. Nó thể hiện sự minh bạch, sòng phẳng và lương thiện. Nếu không đồng ý với nội hàm gốc, chúng ta có vẫn quyền tự đặt ra một từ mới, với nội hàm mới, cơ mà.

Tiêu chuẩn, phẩm cách trí thức

Khuôn mẫu để xây dựng khái niệm trí thức là hình ảnh nhà văn Zola và các đồng chí của ông trong cuộc dấn thân đấu tranh đến cùng nhằm vạch ra sự lộng hành của nhóm quyền lực tột đỉnh cố ý gây ra vụ án oan cho một cá nhân cô độc, vô phương tự vệ. Họ sẵn sàng hy sinh thời gian, của cải, sức lực, sinh mạng để loại trừ cái Ác, xây dựng cái Thiện. Cụ thể là minh oan cho nạn nhân, lên án thủ phạm.

Khái niệm Chân - Thiện - Mỹ ra đời chính là để xác định một cách tổng quát nhất phẩm cách của trí thức. Trí thức chỉ tôn thờ (và dám hy sinh để bảo vệ) sự thật, cái thiệncái đẹp. Đã là trí thức, không thể nín nhịn khi sự thật bị che dấu, cái giả dối lộng hành; cái thiện bị cái ác lấn lướt, cái đẹp chìm lấp trong cái xấu.

Dân chủ, tự do và pháp quyền trong xã hội phương Tây ngày càng mở rộng và hoàn thiện, mà người được hưởng trước hết là tầng lớp “có học”. Do vậy, Zola và những người cùng tầng lớp có thể nêu lên những bất cập, sai trái, bất công trong xã hội mà không bị phiền nhiễu hoặc đàn áp. Nay, những việc Zola đã làm được gọi là phản biện - mà mục đích duy nhất là xác lập Chân - Thiện - Mỹ, qua đó thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Lớp người “có học” thì chế độ nào cũng có; và chính chế độ xã hội là nhân tố quyết định phẩm cách của họ. Chỉ khi chế độ dân chủ ra đời, người “có học” mới có điều kiện trở thành trí thức, tức là có thể phản biện. Do vậy có thể xem xét cách hành xử của trí thức trong xã hội để kết luận xã hội đó là chuyên chế hay dân chủ.

Không có chuyện sĩ phu dưới chế độ phong kiến dám “phản biện” vua.

Can đảm nhất là dâng sớ điều trần hoặc can vua (với lời lẽ cực kỳ tâng bốc, ca ngợi); cương trực nhất là dám trả ấn, lễ phép từ quan (nhiều khi chỉ là để tránh bị trả thù); cao thượng nhất là xa lánh công danh.
Cụ Chu Văn An cũng chỉ dám hành xử đến mức ấy.
Bậc sĩ phu, dù cao thượng, khảng khái cũng chưa thể trở thành trí thức.

Điều này không do tư cách cá nhân, mà do chế độ phong kiến chưa cho phép.

Gắn thêm tính từ XHCN để tăng tính “hơn hẳn” của khái niệm

Khi Chủ Nghĩa Xã Hội (CNXH) xuất hiện - trên lý thuyết và sau đó là trên thực tế - nếu so với Chủ Nghĩa Tư Bản (CNTB), đương nhiên chúng ta phải nghĩ và nói rằng sự khác nhau (tốt và xấu) cũng phải “một trời một vực”, đúng như sự cách biệt giữa phong kiến và tư bản. Hàng tỷ dân, hàng triệu người “có học” từng ngưỡng mộ CNXH chính vì đã nghĩ như vậy.

Dưới chế độ XHCN, đương nhiên các vị lãnh tụ đã tạo những khái niệm mới (như đấu tranh giai cấp, công hữu hoá, tập trung dân chủ, chuyên chính vô sản, tính đảng, tính giai cấp…) nhưng hầu hết vẫn phải sử dụng các khái niệm có sẵn mà chế độ TB sáng tạo ra. Và phải tiếp nhận mọi phẩm cách ưu việt của các khái niệm đó, vì những phẩm cách này đã trở thành giá trị chung của nhân loại. Có như vậy mới là sòng phẳng, lương thiện.

Tuy nhiên, dưới chế độ XHCN các khái niệm đó phải được gắn thêm tính từ XHCN, để nói lên “tính hơn hẳn”. Ví dụ, cụ Lênin khẳng định rằng “dân chủ XHCN” ưu việt gấp triệu lần “dân chủ tư sản”.

Ngày nay, chúng ta đã quen với các từ pháp quyền XHCN, hiến pháp XHCN, dân chủ XHCN, nhà trường XHCN, con người XHCN, trí thức XHCN…

Ngay những khái niệm hết sức cụ thể, hết sức dễ hiểu (ví dụ, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do ứng cử…) cũng có sự khác nhau giữa XHCN và TBCN, với Tốt và Xấu khác nhau “một trời một vực”.

Nhưng bài của TS Chu Hảo bàn về trí thức và tầng lớp trí thức XHCN. Vậy thế nào là trí thức xã hội chủ nghĩa?

Về nguyên tắc, trước hết người trí thức XHCN phải có đầy đủ phẩm cách cao cả của một trí thức (tư sản) nói chung. Đơn giản, như trên đã nói, vì những phẩm cách đó đã từ lâu trở thành giá trị của nhân loại rồi. Ví dụ, chỉ tôn thờ Chân - Thiện - Mỹ. Tiếp đó, trí thức XHCN phải có thêm những phẩm cách ưu việt khác, đặc trưng, mà tính từ XHCN thể hiện. Chúng là gì, tôi chưa thể nghĩ ra.

Theo TS Chu Hảo, thì những ưu điểm của “tầng lớp trí thức XHCN” nước ta - được đảng thừa nhận - là: 1) Yêu Tổ quốc và CNXH; 2) Trung thành với Đảng và nhân dân; 3) Cần cù, thông minh, sáng tạo; 4) Không ngại khó khăn gian khổ...

Đến đây, tôi không còn đủ hứng thú để bàn tiếp nữa. Tôi thấy TS Chu Hảo có lý khi đặt “tầng lớp trí thức XHCN” nước ta trong ngoặc kép.

Thursday, December 2, 2010

Nhìn thẳng hay nhìn vòng “về sự im hơi lặng tiếng”

Nguyễn Hoàng Đức

Vừa qua báo điện tử Việt Nam Net, có đăng bài “Vì sao các văn nghệ sĩ im hơi lặng tiếng”, thực ra đây là một đề tài đã luôn luôn trễ tầu, bởi lẽ, thứ nhất Hội Nhà Văn Việt Nam đã lên tiếng nhiều lần về nền văn học nghệ thuật chỉ có tác phẩm bé và vừa, thứ hai văn nghệ sĩ là giới cầm bút của nước nhà hiển nhiên luôn luôn phải mang sứ mệnh đi hàng đầu trong cuộc dằn vặt lương tâm làm sao để sống và viết ( người không viết được chí ít phải biết sống coi như chính mình đang hoá thân thành tác phẩm ) – làm được việc gì có ích, ra tấm ra món cho dân tộc. Từ lâu rồi, chúng ta vẫn kêu đòi nói thẳng nói thật, người Việt có câu “thuốc đắng dã tật”, vậy thì đứng trước một đề tài sống còn về tài năng cũng như nhân cách, tôi muốn được bàn thẳng mấy điểm sau:

1- Im hơi lặng tiếng vì tâm lý nô tài

Lịch sử Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm phong kiến, cái ách đè nén “quân sử thần tử thần bất tử bất trung, phụ sử tử vong tử bất vong bất hiếu”... Chơi cờ với vua, nếu cứ đem tinh thần hiếu thắng thể thao đánh thắng vua, thì có thể nhận một lời thánh chỉ lạnh tanh rơi trên gáy “lôi ra chém, đồ khi quân, lôi cả ba họ nhà nó ra chém...” bề tôi gặp vua quì mọp, khấu đầu... Chính thế mà đa phần mang tâm lý sợ sệt nô tài, lúc nào cũng nói nước đôi để phòng thủ, và tốt nhất là không nói, vì như vậy cùng lắm vua chỉ có thể bắt tội hèn nhát, chứ không thể nào khép tội khi quân cụ thể được

Người Việt có câu “ngậm miệng ăn tiền” là vậy. Ngậm miệng, tức là chẳng có chính kiến gì, cũng chẳng phải chịu trách nhiệm gì, như thế tha hồ gối cao ngủ kỹ . Người Việt cũng bảo “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết”, tức là trí khôn của người ta chỉ có thể được thể hiện tối cao ở nơi hội đường – công lý, khi nói phải chịu trách nhiệm phổ quát, và mới có thể được xem là khôn ngoan, trái lại ở xó nhà dù nói hay đến mấy cũng chỉ là thứ “anh hùng xó bếp”.

Người Việt cũng bảo “ấp úng như ngậm hột thị”, tức đó là kẻ ăn vụng hai lần. Thứ nhất, kẻ ăn vụng bình thường là kẻ ăn đồ ăn dùng được. Thứ hai, đằng này kẻ ăn hột thị là thứ “chỉ để ngửi mà không ăn”, nên nó đã ăn vụng cả đồ ăn không chính đáng, vì thế mới ấp úng.

Kinh Thánh có câu “Lòng có đầy miệng mới nói ra”. Trong óc, trong tim không có kiến thức thì biết nói gì. Vì thế việc “im hơi lặng tiếng” có hai lý do chính:
-một: vì hèn nhát, muốn vinh thân cầu an
-hai: vì dốt nát.

2- Tiểu nông, tiểu trí và tiểu xảo

Xã hội ta đã và đang là xã hội tam nông. Trình độ nghệ thuật văn chương của ta có thể nói là “nghiệp dư, truyền khẩu” – tranh tre nứa lá - rổ rá rau dưa. Âm nhạc chuyên nghiệp ít nhất đòi hỏi hai thứ:
- một: ký xướng âm bằng bản nhạc, bút mực, ký hiệu
- hai: nhạc cụ là những khí cụ được chế tác chính xác trên cơ sở thước đo.

Trong khi đó, nhạc dân gian còn cắt khúc nứa, quả bầu, mẩu trúc áng chừng, rồi tò te tấu gẩy, vỗ... khúc nhạc thì ê a học thuộc lòng bằng miệng...

Đó là chất nghiệp dư của âm nhạc. Nghệ thuật chuyên nghiệp là gì ? Ít ra người ta sẽ mô tả được quá trình sáng tạo nó, sau đó đúc kết để truyền nghề cho người khác.

Chúng ta có hơn 80% nông dân, chúng ta buông tay cày đứng bên bờ ruộng, rút bút chỉ có thể làm thơ. Chắc chắn hầu như người nông dân không thể viết được tiểu thuyết và càng không bao giờ viết được chuyên luận. Tâm lý tiểu nông thì sao? Thích nhóm họp, tụ bạ, a dua, kết nghĩa cánh hẩu để chiếm ưu thế so với người khác. Sau khi kiếm được một chút giải thưởng thì đắc chí. Tâm lý tiểu nông, chắc chắn đi kèm tiểu trí và tiểu xảo, vì thế mà chúng ta mới chỉ có tiểu tác phẩm.

Người đời có câu : “Không ai có thể cho cái mà mình không có”. Người đứng ở tầm thấp, không phải trên vọng gác làm sao có thể báo cho người khác biết tầm nhìn xa “không có” của mình, vì thế mà lâu nay các cuộc cảnh báo “bé và vừa”, “im hơi lặng tiếng” của chúng ta chỉ là một thói quen tu từ, hay lối tập trận giả lối trẻ con rúc đống rạ ở nhà quê của mấy trẻ mục đồng...

3-Thiếu cái nhìn lý tưởng

Từ anh học trò tiểu nông ( tôi cũng là một tiểu nông ), chúng ta hăm hở bước vào Hội Nhà văn để trở thành cán bộ viết văn nghiệp dư nhưng lại là nhà quản lý chuyên nghiệp, hầu hết lo biên tập, kiếm lương về giúp đỡ vợ con... Tôi gặp quá ít (hình như là không) những con người có khao khát lý tưởng như tự do, bình đẳng, bác ái, huynh đệ, nhân vị, danh dự... đa số chỉ viết về sinh hoạt nào gia đình, cơ quan, vợ con, làng xã, trí tuệ và văn hoá là cái gì đó luôn bắt người khác phải tế nhị, châm chước, bỏ qua, bao dung... thì làm sao có thể có tác phẩm lớn được. Đại tác phẩm làm sao có thể ra đời từ tiểu tác giả tiểu nông, tiểu trí, tiểu xảo ?

Hôm nay, tôi xin sơ qua bàn về đề tài rất quan trọng nhưng vẫn đang ngủ ngáp vặt này. Mong có dịp dược bàn đến cách tổng quát hơn.

Số lượt đọc: 670 - Cập nhật lần cuối: 15/08/2009 11:07:38 AM

Tìm cái mới trong khả năng sáng tạo của người Việt chúng ta

Nguyễn Hoàng Đức

Cái mới không phải là cái cũ, nhưng, luôn đi ra từ cái cũ. Muốn tạo ra cuộc nhảy vọt mới người ta luôn phải xác định nhảy qua cái gì của quá khứ, hay đường rẽ mới luôn bắt đầu tạo khúc ngoặt ngay trên con đường cũ, và một bình minh mới luôn khởi sự mọc lên giữa một bóng đêm tàn. Vậy, hẳn nhiên, muốn đi tìm cái mới, chúng ta luôn phải bắt đầu nhận diện chỗ đứng của mình, con đường của mình, tầm vóc của mình... để sửa soạn một cuộc vượt mình đem theo toàn bộ sức nặng cũ phóng vào giữa lộ trình mới.

Nhận thức mình! Vượt mình! Phóng mình! Và thiêu đốt mình bằng một nguồn nhiên liệu không bao giờ cạn lao trên con đường đã mở của mình, càng xa càng tốt, đó hẳn là cuộc hành trình của kẻ hành hương cái mới trên con đường sáng tạo. Từ Socrates đến Nietzsche, nguyên lý hành hương cái mới có lẽ chưa từng khác đi. Socrates đã mở màn cuộc sửa soạn vượt mình bằng một khởi điểm "Hãy tự hiểu mình" (connais toi - toi même) đến Nietzsche thì nhận thức đó đã biến thành "con người là cái gì đó cần phải bị vượt qua."

Để vượt qua con người cầm bút của chúng ta, những Phạm, Trần, Lê, Nguyễn... chưa một lần bén mảng đến vòng ngoài của hào quang Nobel, chẳng còn cách nào khác hơn để chúng ta làm, là mở màn nhận thức toàn diện về mình, về chỗ đứng, về khả năng, về truyền thống, về dự phóng của mình... mong mở màn bước trên con đường mới tinh khôi và sung mãn. Bởi xuất phát từ nền tảng đó, tôi xin được đề cập những gì cốt yếu mà con người và nghệ thuật Việt Nam sống và trải nghiệm, mong được chia xẻ ở mọi khía cạnh, vừa khả lý vừa khả nghiệm, hay thông cảm, ngõ hầu chúng ta cùng hợp sức tìm kiếm một con đường sáng tạo lớn vì quê hương và cho quê hương.

Do hoàn cảnh thổ nhưỡng, cần vượt qua một chất thể nhu nhược

Nhờ xây dựng một công trình lớn, phải nhập các chủng loại đá từ nhiều nước về, một anh bạn kiến trúc sư của tôi cho biết: sở dĩ, chúng ta phải nhập đá xây dựng, vì đá của chúng ta chỉ chịu đựng được sức ép từ 300-500 kg (trên độ dày cm3?) trong khi đó đá nhập ngoại có thể chịu đựng được sức ép từ 2000-2500 kg. Qua khảo sát kỹ hơn, tôi nắm được, đá của chúng ta mới chỉ ở mức đá vôi - marble (chưa cho vào lửa đã chảy rồi), chỉ có một vùng đá nằm ở khu vực tỉnh Lai Châu mới nhú lên được chút xíu để mớm chân vào hàng đá granit non. Xin quí độc giả đừng vội sốt ruột! Sở dĩ phải đề cập kỹ về đá đôi chút, vì đá là xương của đất. Và dãy núi Hoàng Liên Sơn chạy thành dãy Trường Sơn chính là dải xương sống của miền đất quê hương. Chính vì mang trong mình một cột sống "đá vôi" người Việt ta có thể tạng uể oải, chóng mệt mỏi, chưa học, chưa làm đã muốn nghỉ. Vì thế, cái chí tiến thủ cũng chóng mỏi, không duy trì được khát vọng đi xa. Để hiểu thêm điều này, chúng ta hãy nghe các nhà toán học trong nước tâm sự: Việt Nam đoạt được rất nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi toán quốc tế, điều đó thật đáng tự hào về trí khôn của con em chúng ta. Song có một điều đáng tiếc, chúng ta có nhiều người học giỏi toán như vậy, nhưng lại không có nổi một nhà lý thuyết toán học tầm cỡ. Điều đó chứng tỏ, những con chim đầu đàn toán học của chúng ta mới chỉ đạt tới mức "làm chim công" múa may khoe khéo khoe khôn cho thiên hạ, sau đó tìm một nơi đậu đẹp để an toạ, chứ không muốn bay xa. Chúng ta sắm cho mình một đôi cánh thật lớn sau đó để tìm nơi đậu thật ấm, chứ không phải để phiêu lưu bay vào trong khoảng trời mênh mông giá lạnh.

Mặc cảm là một năng lực giúp con người trở thành vĩ đại. Chẳng phải một Napoleon đã mang theo mặc cảm đảo Corse trên suốt con đường trở thành hoàng đế của mình? Chẳng phải nước Anh từng mang nỗi tủi hờn về một xứ Anglo-Saxon bị người Norman khai hoá mà cố trở thành vương triều văn hoá? Và chẳng phải một nước Pháp vẫn mang nặng mặc cảm thất thủ nơi chiến luỹ Maginot trong cuộc chấn hưng sức mạnh của mình? Bởi thế, khi đề cập đến thổ nhưỡng "núi chưa cao sông chưa sâu" của quê hương, không có nghĩa là nói xấu Tổ quốc rừng vàng biển bạc, mà để gợi lên giữa lòng mặc cảm của chúng ta một sức mạnh muốn khắc phục chính mình. Người Việt vẫn nói "Đã yếu còn đòi ra gió." Không! Để hội nhập giá trị văn chương nhân loại, tất yếu chúng ta phải ra gió, không sợ gió, và đương đầu với gió! Tuy nhiên, phải bằng cách biết và lượng sức mình. Yếu hơn người thì phải chăm hơn người, "năng nhặt có ngày chặt bị." Ông cha ta đã để lại bài học: Phải miệt mài cắm cổ chạy như rùa thì mới mong thắng thỏ. Chứ đã chậm như rùa, lại vừa đi vừa tự ngắm mình, thỉnh thoảng lại leo lên mô đất cao bận rộn đăng quang mình, thì hòng gì có ngày kịp "thỏ".

Vượt qua cảm xúc bé mọn của nghệ thuật "phên-tre-nứa-lá" nhắm đến cảm xúc bi hùng kịch

Người Việt Nam nổi tiếng về tài bài binh bố trận thiết kế những cuộc thư hùng lẫy lừng lịch sử. Không chỉ thế, cả bi kịch cũng mang nỗi đau độc nhất vô nhị. Nói đâu xa, cuộc chiến dài đằng đẵng trong thế kỷ XX, Việt Nam đã trở thành điểm hội tụ sức nóng của các thế lực cường quốc trên hành tinh: nào chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản, nào Liên Xô và Trung Quốc với Mỹ, Pháp, Nhật, Tầu Tưởng... Sau 30.4.1975, khi ngọn cờ "đại thắng" được kéo lên thì cũng là cờ hiệu cho cuộc rút chạy thê lương của một bộ phận dân chúng. Thế mà, cho đến nay, những cây bút "bên này" vẫn chưa viết được cuốn sách nào khả dĩ lột tả nổi tầm vóc của "đại thắng"; còn những cây bút "bên kia" cũng vẫn chưa viết nổi cuốn sách nào cô đúc được bài học của thất trận và bất hạnh. Tất cả mới chỉ dừng ở mức lột tả những tâm trạng, tâm cảm, hay tâm lý hiu hiu, nhè nhẹ, buồn buồn... nổi lên như một khúc kèn lá, hay một bài ca "sến" sướt mướt nào đó.

Quay lại chuyện thổ nhưỡng, một anh bạn làm đàn có kể với tôi: anh bạn đi suốt từ Bắc chí Nam, chọn gỗ, ngâm, phơi để làm một cây đàn dân tộc. Song thật kỳ lạ, bất kỳ khúc gỗ nào đã tẩm ướp phơi khô xong, khi gõ chỉ vang lên tiếng ngũ cung. Cuối cùng anh bạn chợt nhớ ra, ngay những chiếc đàn đá, đục khoét từ giữa vách núi, khi gõ lên cũng chỉ có ngũ cung (không cứ Ta, cả Tầu cũng vậy). Điều đó nói lên tâm hồn nghệ thuật của chúng ta từ trong thể chất vang lên đã khá nghèo nàn. Nhiều nhạc sĩ cả đời chỉ sáng tác được một giọng thứ hay một giai điệu na ná nào đó. Không khí nghệ thuật của quê hương thực tế còn khá nghèo và khá yếu. Bởi vậy, giới nghệ thuật trong nước đã đặt tên rằng: "nghệ thuật của chúng ta còn rất Phên-tre-nứa-lá."

"Phên-tre-nứa-lá" là gì? Chẳng hạn như một chiếc đàn Krông-pút được làm bằng những ống nứa chặt "ngẫu nhiên" ở trên rừng, và người chơi biểu diễn bằng cách vỗ tay vào. Điều đó nói lên trình độ nghệ thuật của chúng ta còn rất "rừng rú" - nặng bản năng - mới chỉ đạt ở mức hồn nhiên - tự nhiên chứ chưa đạt đến mức siêu tự nhiên. Và, nỗi buồn của tre nứa ngẫu nhiên mọc sổi trên mặt đất được chăng hay chớ làm sao có thể biểu hiện được những đau khổ lớn của con người. Trong khi đó những chiếc kèn đồng hay dây đàn được tinh chế, nấu chảy, và đổ khuôn bằng toàn bộ trí tuệ của con người đã rúc lên những nỗi buồn của những vỉa quặng được hun đúc hàng triệu năm trong lòng đất... Nếu quí vị không thích lối ví von này lắm, thì xin chia xẻ với tôi ý nghĩa biểu tượng của nó. Ngay từ trước công nguyên, người Hy Lạp đã thiết kế lên những nỗi sầu bi kịch, để tạo ra một nghệ thuật bi hùng, nhắm cứu rỗi định mệnh thảm kịch làm người. Trong khi đó, những nỗi sầu của văn chương và nghệ thuật chúng ta mới chỉ ở mức buồn nhớ hiu hiu, rầu rầu tâm trạng, hay bàng bạc nuối tiếc... Tôi tin chắc, đây là một lý do xác đáng, bởi lẽ cho đến nay văn chương và nghệ thuật của ta chưa đủ vóc tâm hồn lớn ngang với những biến cố đã sản sinh ra chúng.

Vượt qua con người tài tử nhắm đến con người chuyên môn

Nhìn nền văn chương Việt Nam thấy nổi lên ngay một tình cảnh bẽ bàng này: Dù các tác giả có nổi tiếng đến mấy chăng nữa, nhưng khi đọc, tra cứu danh tài của họ, thật ít ỏi làm sao! Chưa tìm đã xong! Chưa đọc đã hết. Ngay các tác giả nổi tiếng đương thời cũng chóng qua mau như những thời vụ, vài chục truyện ngắn, một cuốn sách lỡ cỡ giữa khoảng một truyện ngắn dài và một tiểu thuyết ngắn, dăm ba tập thơ mỏng mảnh... Đã thế trong nước, đa số nhà văn, nhà thơ dường như chỉ được phong tên ở giai đoạn đầu ngắn ngủi, sau đó các vị bận chuyển qua làm cán bộ thơ, thủ trưởng văn, hay gác cửa biên tập. Ngoài nước, thì đa số viết văn tài tử, chữ nghĩa chỉ là thứ bán chuyên nghiệp, lúc tiện thì viết. Danh dự chuyên môn của nhà văn rất cao, song danh dự đó cũng là một thách thức rất lớn. Chúng ta đứng trước một thách thức rằng: Chúng ta chưa giỏi, chưa giàu truyền thống, chưa giàu đỉnh cao, vậy mà chỉ viết văn 'nghề tay trái' thì bao giờ mới bằng nhân loại?

Vượt qua con người đời thường nhắm đến con người dấn thân cho nghệ thuật

Vì sao chúng ta mới chỉ viết văn bằng tay trái? Vì chúng ta còn mải lo kiếm sống bằng một nguyên do biện chính đầy mãnh liệt rằng cơm áo không đùa với khách thơ! Sự biện chính không chỉ nằm trong khuôn viên thơ. Điều đó có chính đáng không? Khi chúng ta còn quá bận tâm đến khuôn viên của chiếc dạ dày, thì làm sao còn sức để mở rộng biên giới của khuôn viên văn chương. Một lần, nghe một vài nhà văn của ta cứ ca thán về điều kiện vật chất eo hẹp của Việt Nam, các nhà văn, các nhà khoa học chưa được đáp ứng đầy đủ điều kiện để làm việc, nên chưa có được tác phẩm và công trình lớn, tôi có đáp lại họ rằng: "Nước Đức là nước có truyền thống trọng dụng các nhân tài khoa học, vậy mà quí vị thử xem họ đã bỏ đói Emmnuel Kant như thế nào? Và chính bản thân Kant, ông có bao giờ bị ám ảnh dù chỉ một lần về sự nghèo túng của mình, hay ông chỉ luôn thao thức về những đề tài suy tưởng?" Một lần khác, nghe dăm nhà thơ kêu nỗi lo phải chạy vạy nỗi khó khăn đời nên họ không toàn tâm cho thơ được, tôi có thưa với họ: "Chưa nói đến việc các anh sợ nghèo, chỉ nói đến nỗi cô đơn thôi, các anh đã không một lần dám chấp nhận việc gánh vác nó." Họ đều im lặng.

Nghèo đói, cô đơn là đức dấn thân đầu tiên của nghệ thuật. Đó là chưa kể đến các đức dấn thân lớn hơn cho công chính, tự do, và bác ái... Nếu chúng ta lẩn trốn những con đường dấn thân đó thì nghệ thuật đến với chúng ta bằng ngả nào?

Vượt qua con người bình thường nhắm đến con người đối thoại

Từ cổ đại đến nay, cốt lõi của mọi loại hình nghệ thuật là đối thoại. Đó cũng là yếu tố đầu tiên của mọi văn phẩm mà Aristotle đã chỉ ra là story. Plato nói: "Suy tư là đối thoại, khi một người suy tư, anh ta thủ các vai trên sân khấu trí tuệ của mình. Anh ta hỏi, anh ta trả lời câu hỏi của mình. Rồi anh ta tự đánh giá lấy." Cái yếu đầu tiên của nền văn học chúng ta là kịch tính - bởi vì tính đối thoại yếu! Các nhân vật lờ phờ nói chuyện với nhau, bởi thế không thể đánh lửa lên cho các cuộc xung đột tìm kiếm tâm lý, cảm xúc, sự thật, hay lý tưởng. Hơn cả thế, nền văn chương dậm chân quá lâu tại những kinh nghiệm và quan niệm bởi nó không có được không khí luôn luôn đối thoại để cọ sát trí tuệ. Nhìn qua Âu - Mỹ thấy nền văn học của họ phát triển nhanh nhờ bởi các sinh hoạt đối thoại trí tuệ luôn luôn diễn ra tại các salon văn học. Không đối thoại tức là từ chối trí tuệ, và từ chối sự thẩm giá tác phẩm cũng như không khí sinh hoạt cho nền văn. Một nhà thơ Việt Nam đã ví "các nhà thơ đi đâu cũng giống con ốc cõng theo nhà" vừa từ chối đối thoại, vừa lẩn trốn đối thoại. Là hiệp sĩ thì phải so kiếm mới thấy được tài ba, mong rằng nền văn học của chúng ta sẽ xây dựng được không khí đối thoại để giúp nhau đào luyện và nâng cao bản lĩnh cho bút mực.

Vượt qua những ông thầy

Người Việt có một niềm tự hào và cũng là một nỗi khổ, đó là hiện tượng Nguyễn Du "viết một lần cho tất cả" và "ca ngợi một lần cho xong". Các cây bút hậu thế lúc nào cũng vừa rụt đầu rụt cổ chiêm ngưỡng vừa luôn đem bức tượng đài Lục Bát đó ra làm bảo bối bảo hiểm cho danh dự của cả nền văn học mọi thời và mọi chỗ. Chưa hết, nhiều người còn tự hào về thơ Đường như thơ của dân tộc mình và coi nó như một đỉnh cao đã xây sẵn trong quá khứ chẳng cần xây gì thêm nữa cả.

"Đồ đệ ấy sẽ phản bội thầy, bởi chính đồ đệ ấy cũng có sứ mệnh phải làm thầy."

Trả lời bài “Chúng ta chưa có con ngựa văn hoá để cưỡi” của Nguyễn Trần Bạt

Xem thêm:

Trước hết cám ơn tác giả Nguyễn Trần Bạt về bài trả lời rất xúc tích, thẳng thắn, nhiệt tình và rất khả lý này. Đó là bài viết mang tầm của một nhạc trưởng, một kiến trúc sư trưởng. Một người đứng ngoài ngành văn nhưng lại ở trên vọng gác bao quát cả ngành văn, thông hiểu từ trong ra ngoài một cách hết sức bản chất và nguyên lý. Đây là một bài viết tổng quát của một cách nhìn phổ quát.

Tôi rất tâm đắc với mấy điểm chính của tác giả:

1-Tri thức, tầm văn hoá của các nhà văn Việt Nam rất thấp và dù có muốn cũng chưa thể nào cải thiện.

Tại sao: vì các nhà văn Việt Nam rất nóng vội đem mình ra ăn để vinh danh, chưa kịp thu nhập cho đầu vào đã vội vàng nhả tơ ở đầu ra. Có nhà văn còn biện hộ với tôi rằng: chưa chắc đầu vào nhiều đã có đầu ra tốt. Và anh ta muốn ám chỉ rằng dù anh ta học còn sống sít nhưng được ban thiên bẩm để có ít xít được ra nhiều.

2- Nhà văn Việt chỉ thấy tự mãn mà không thấy tự tin.

Theo tôi: Học hành chưa đến nơi đến chốn, lại chăm chắm đòi viết bằng bản năng, thì làm sao dám tự tin.

3- Nền văn hoá Việt Nam chưa phải lúc bàn về giải Nobel.

Thật là chí lý. Có một nhà văn hiện đại viết “Kẻ nào viết văn để giật giải Nobel, sẽ không thể nào giật được”. Giải Nobel hay bất cứ giải nào trên đời, đó chỉ là một giá trị ngang giá tự thân chứ đâu phải một diễn văn “kiễng chân”, “leo thang” hay tự cầm tóc nhấc lên. Tôi mới xem một bài viết về dân tộc Hungary chỉ có chục triệu người mà giật cả mười giải Nobel, thật đáng thán phục thay. Soi vào đó, thấy cái cách nhiều người Việt đi tìm cũng như bàn cách vợt được giải Nobel sao mà thấy nhỏ bé, nhếch nhác, mặc cảm tự ti hãnh tiến làm sao, dường như họ ám thị rằng: khi họ bàn đến Nobel thì có tầm Nobel. Nếu ai đó muốn có tầm nhìn lên các vì sao, thì trước hết không phải chỉ nghĩ xuông mà hãy sắm cho mình một ống kính viễn vọng, sau đó phải trèo lên đỉnh núi – vì đó mới là chỗ xứng đáng để quan sát... Còn ai muốn cắm cờ trên Bắc Cực thì đừng tưởng khoe cái cờ có bao nhiêu mầu, mà hãy sắm áo lông, giầy lông, thực phẩm, và xe kéo để thực hiện cuộc cắm cờ đó. Chứ đừng ảo tưởng ta đã có cờ và cán chỉ còn việc cắm vào Bắc Cực.

Muốn bàn đến tầm Nobel phải đủ kiến thức về hành trình Nobel, giống muốn bàn đến dàn nhạc cổ điển phải hiểu biết hoà thanh, giai điệu, bè, phối khí... chứ đừng có nghĩ ta biết nghe tiếng động tức là có thể bàn về âm nhạc. Beethoven tai điếc nhưng lại sáng tác nhạc giao hưởng, không phải chỉ vì ông nghe thấy mà phải đủ trình độ và ý thức cho điều đó.

Tôi cũng rất tâm đắc, việc tác giả cho rằng: nhà văn ta chỉ loanh quanh đứng ngoài lô cốt chính trị, mon men canh tác trên những cánh đồng không chính thống, thì làm sao có thể có được tác phẩm lớn cho thời đại.

Trình độ người viết và người đọc xứ ta thấp đến mức nào ? Đã bao giờ chúng ta có một cái nhìn nghiêm túc thẳng thắn về mình? Chẳng hạn, tôi dường như chưa gặp một công dân nào ở Việt Nam. Công dân là gì? Là người khao khát học hỏi, hiểu biết, và quan tâm đến chính trị, bởi vì chính trị chính là môi trường cũng như mối ưu tư thường trực trong đời sống của các công dân. Ở ta thì sao, cứ thấy nói đến chính trị thì ù té, xua tay, lảng tránh như thể đó là chuyện của các vì sao.

Trình độ xứ ta chủ yếu là Tam nông: tiểu nông , tiểu trí và tiểu xảo. Chưa kịp viết văn đã loay hoay khôn vặt, co cụm, tụ bạ, canh ty cánh hẩu, cục bộ địa phương, luôn luôn từ chối lý trí và giá trị phổ quát thì làm sao có thể khai sinh những tác phẩm lớn.

Tôi hầu như cũng chưa được gặp những quí ông trưởng thành đích thực , những người biết đề cao người khác như những quí ông để tôn vinh chính bản thân mình, những người luôn chú trọng đến danh dự và uy tín của mình; trái lại tôi gặp những người sẵn sàng mày tao chí tớ, đại từ nhân xưng thay đổi và đánh lấn luôn xoành xoạch, đó là cách tuỳ tiện mà người Trung Quốc gọi là đám hạ tiện. Về điểm này tôi rất bái phục và thông cảm khi thi sĩ Tản Đà than:

Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con

Khi chúng ta là quí ông thì mới có thể sống cao thượng như những quí ông. Có thể cư xử như quí ông, và viết như quí ông. Ngược lại khi chúng ta là quí thằng thì chỉ có thể sống, đạo đức, sáng tạo như một quí thằng mà thôi. Đó chính là nguyên lý : cây nào sinh trái ấy.

Nhưng có một điểm tôi không đồng ý với tác giả Nguyễn Trần Bạt, dường như ông cho rằng thiên bẩm là món quà viếng thăm chóng vánh của Thượng Đế. Tôi tâm đắc ý tưởng này hơn “Bí quyết của thành công là luyện tập”. Theo tôi, thành công còn mang đầy đủ ý nghĩa hơn thiên tài, vì đó là một thành phẩm đã hoàn bị và tựu thành, giống việc Thiên Chúa dẫn dắt dân Do Thái qua Biển Đỏ vậy. Trước đó là Thiên Chúa, ngang chừng cũng Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa cũng hoàn tựu chính Ngài khi đã làm xong sự kiện Vượt Qua... Thiên tài là một báu vật mang tính cấu năng cũng như cấu thành, giống Mozart hay Beethoven có thể tập đàn 12h hay 16h / một ngày không thấy mệt còn phấn khích, nghĩa là thiên tài đó song hành với họ từng giây từng phút, chứ không phải chỉ ban cho họ lúc biểu diễn trên sân khấu.

Người đàn ông đích thực thì “đấu kiếm” và đối thoại, đó là cách thêm một lần nữa cảm ơn tác giả Nguyễn Trần Bạt, vì chính bài của ông đã khiến tôi “sờ” vào bàn phím để bước vào đấu trường trí tuệ. Cám ơn và hẹn gặp lại.

Hà Nội, 31/08/2009

Chúng ta chưa có con ngựa văn hóa để cưỡi

Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
Tạp chí Văn Việt, tháng 8/2008

Hỏi: Ông có cho rằng môi trường văn hoá tạo nên tài năng không? Chúng ta biết phong trào Thơ mới đánh dấu một sự bùng nổ thi ca với sự xuất hiện của nhiều tài năng trẻ tuổi như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận... Phải chăng đó là ảnh hưởng của tư tưởng tự do từ nền văn hoá Pháp? Ngày nay, ở đất nước chúng ta không thiếu những người trẻ tuổi có tài, nhưng họ bị thui chột rất nhanh trong môi trường xã hội Việt Nam. Ngược lại, một đứa trẻ đang học ở Việt Nam rất bình thường, nhưng nếu sang một môi trường được giáo dục tiên tiến hơn, như Mỹ chẳng hạn, thì lại vượt hẳn lên.

Trả lời: Hiện tượng bùng nổ do những trạng thái phát triển mới về tự do không phải là hiện tượng chỉ có ở Việt Nam. Thời kỳ Phục hưng, thời kỳ Khai sáng là những thời kỳ làm bùng nổ rất nhiều tài năng, có những người đã trở thành tài năng kinh điển như Michelangelo, Raphael, Shakespeare, Goethe, Rousseau, Voltaire, Montesquieur... Những trạng thái bùng nổ tinh thần tạo ra sự bùng nổ các tài năng là một hiện tượng có thật. Ở Việt Nam cũng có nhiều lúc như vậy.

Phải nói rằng, những tài năng nghệ thuật ở Việt Nam xuất hiện ở nhiều giai đoạn chứ không phải chỉ trong giai đoạn Thơ mới. Tất nhiên giai đoạn Thơ mới là giai đoạn điển hình, ở đấy người ta bắt đầu ý thức về thân phận con người, thân phận dân tộc. Hoàng Ngọc Phách là người bắt đầu viết tiểu thuyết bằng văn xuôi. Văn xuôi thể hiện năng lực tư duy, năng lực cấu trúc, còn thơ thể hiện năng lực sáng tạo ngôn ngữ. Sự xuất hiện của những nhà thơ như Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, hay những nhà văn như Hoàng Ngọc Phách, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam... là hiện tượng bùng nổ các tài năng có thật ở Việt Nam. Chúng ta cũng đừng nhầm lẫn rằng ở trong môi trường hiện nay chúng ta không có tài năng. Tài năng là một trạng thái chứ không phải là một con người cụ thể. Cũng không nên nhầm lẫn tài năng như một con người với tài năng như một trạng thái của con người. Tôi cho rằng, tài năng hay thiên tài là kết quả của trạng thái thần thánh mà con người bắt gặp chứ không phải chính nó. Do vậy, đừng nhầm lẫn giữa tác giả và tác phẩm, cũng đừng nhầm lẫn giữa tác giả và con người ấy. Nếu có thiên tài thì mỗi con người chỉ là quán trọ của những trạng thái thiên tài mà thôi.

Chúng ta tôn trọng trạng thái thiên tài của con người, chúng ta thưởng thức trạng thái thiên tài của con người và chúng ta trân trọng con người. Có những người cụ thể rất bần tiện, ích kỷ, khó tính trong đời thường, nhưng đọc tác phẩm của họ thì người đọc không ngờ có những lúc họ lại có sự biểu đạt đẹp đến thế, có những phát hiện thần thánh đến thế. Những câu thơ của Chế Lan Viên như: "Nhà dân chật, dân lên đây phơi thóc. Thóc của dân che kín mộ anh hùng", đấy là những phát hiện thần thánh! Nhưng Chế Lan Viên không phải là thần thánh. Nói cách khác, những trạng thái thần thánh ngụ tạm ở con người Chế Lan Viên trong những thời khắc nào đó. Trong nhiều bài thơ của ông cũng chỉ có 15 - 20% trạng thái thần thánh như vậy thôi, nhưng đừng xem đó là điều bình thường. Bởi vì con người chỉ cần một trạng thái thần thánh cũng đã ghê gớm lắm rồi. Tôi kính trọng Chế Lan Viên chính bởi những trạng thái thần thánh như vậy.

Tuy nhiên, trạng thái thần thánh chỉ xuất hiện trong một điều kiện, trong một sự hỗ trợ nào đó. Nếu không có tự do thì các trạng thái thần thánh không xuất hiện được, hoặc có xuất hiện thì nó cũng bị méo mó. Sự phát hiện ra các giá trị thần thánh trong một tác phẩm văn học không phải chỉ là công việc của người tạo ra tác phẩm, mà còn có cả sự bức xúc thần thánh của người đọc. Cho nên, không có một sân chơi chung, một sân khấu chung để người đọc, tác giả và phần thần thánh của tác giả gặp nhau thì không thể có sự thức tỉnh về giá trị được.

Vậy cái sân chơi chung ấy là gì? Đó là mảnh đất tự do mà ở đấy người viết mô tả một cách tự do trạng thái thần thánh mà mình bắt gặp và người đọc đọc những thông điệp thần thánh đòi hỏi phải đọc. Nếu xã hội không nhận biết được giá trị thần thánh của một tác phẩm thì làm sao mà tác phẩm ấy đến một cách rõ rệt với cuộc đời được? Nếu không được kích thích bởi tình yêu đối với các giá trị thần thánh thì làm sao tác giả viết ra được? Thực ra cuộc sống luôn luôn khó đối với những người sáng tạo. Voltaire, Rousseau, Pasternak... là những người bị truy đuổi, phải sống lưu vong. Sự bất hạnh không phải là yếu tố ngăn cản sự sáng tạo, mà nguyên nhân chính là sự thiếu tự do. Muốn đi trốn thì phải có chỗ để trốn. Khi một con người sáng tạo không còn chỗ để trốn nữa thì không thể có môi trường để sáng tạo được. Những sáng tạo vĩ đại thường không được hoan nghênh ngay từ đầu, phải có thời gian để chất lượng thần thánh trong tác phẩm gặp gỡ chất lượng thần thánh trong người đọc. Cho nên, tôi nghĩ tự do không chỉ tạo ra sự kiên nhẫn, sự dũng cảm của người viết, tự do còn tạo ra sự thức tỉnh các nhu cầu của người đọc.

Quay trở lại vấn đề Thơ mới. Thơ mới không phải là một hiện tượng, một phong trào thần thánh duy nhất trong lịch sử văn chương Việt Nam. Phải nói rằng, thời đại nào chúng ta cũng có những tác phẩm hay, thời chống Pháp, chống Mỹ và bây giờ cũng vậy. Trong thời kỳ chống Mỹ các tác giả bắt buộc phải khoác lên tác phẩm của mình một đống xù xì nhiều thứ phải đạo. Nhưng với tư cách là một người đọc có hiểu biết, người ta phải chịu khó lột cái áo khoác xù xì ấy ra thì mới đọc được cái chân chất, cái cốt lõi ở bên trong để thấy rằng đó cũng là một giai đoạn thúc bách con người sáng tạo. Chẳng hạn, đọc “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu, nếu không biết lột cái tấm áo khoác phải đạo của nó ra thì không thể thấy được giá trị của "Dấu chân người lính". Người ta gọi đó là nền văn học ám chỉ. Cũng có những người sau này buộc phải mặc những bộ cánh rất tội nghiệp để tác phẩm của họ được ra đời, nhưng những thông điệp hay những tia sáng loé lên thông qua những lỗ thủng của cái áo khoác phải đạo của họ đôi khi là thiên tài. Tất nhiên, đọc những tác phẩm của nền văn học có kỷ luật trong thời kỳ chiến tranh và thời kỳ sau này, để tìm ra giá trị thật sự của nó rất vất vả, bởi vì những người viết buộc phải làm những việc có vẻ như hạ thấp mình xuống ngay cả với những giá trị thân thiết nhất của họ. Ví dụ, Chế Lan Viên viết:

Bạn thương mến đừng xua con chim nhỏ
Mỗi câu thơ đều muốn báo tin lành
Đều muốn trút hạt châu vàng khỏi cổ
Mỗi đêm tàn đều muốn hoá bình minh.
Cánh lông dù lạnh lẽo hạt sương đêm
Nhưng sờ xem, dưới lông chim, chim vẫn ấm
Đừng đuổi thơ tôi vì một chút chiều tà nào ngả bóng
Hãy kiên lòng, sẽ thấy nắng mai lên…

(Nhật ký một người chữa bệnh)

Tại sao tác giả “Điêu tàn” làm nghiêng ngả cả thi đàn Thơ mới từ năm 17 tuổi lại phải hạ giọng năn nỉ như vậy? Chúng ta thương, chúng ta xót cho những tài năng như vậy buộc phải mặc những bộ cánh không như ý muốn, thậm chí buộc phải tự hạ thấp mình xuống để tồn tại.

Hỏi: Trong Di cảo thơ Chế Lan Viên, bài "Tháp Bayon" cũng có những lời: "Anh là tháp Bayon bốn mặt. Giấu đi ba còn lại đấy là anh. Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc. Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình". Chúng ta thấy rằng, khi Liên Xô đổi mới, dù tác phẩm được in hay không, nhiều nhà văn vẫn viết, mặc dù không được ủng hộ. Đấy là bản lĩnh của nhà văn. Nhưng ở đất nước chúng ta không có chuyện ấy. Sau khi cởi mở hơn với văn nghệ, các nhà văn dường như không có thêm sáng tạo nào đáng kể, ngay cả nhóm Nhân văn Giai phẩm cũng vậy.

Trả lời: Không phải chỉ có nhà văn ở Liên Xô vẫn viết mà các nhà văn của chúng ta cũng viết. Sở dĩ chúng ta không đọc được các tác phẩm thời kỳ này là vì những tác phẩm đáng kể lẫn lộn trong nhiều cái không đáng kể và ngay cả có những tác phẩm đáng kể thì chưa chắc chúng ta biết đến để mà đọc. Tuy nhiên phải nói rằng, trình độ phát triển về văn hoá viết của người Việt chưa thể so sánh với văn hoá viết của người Nga được. Sự nghèo nàn của nhà văn hoặc của một tập thể nhà văn không phải do chính tâm hồn họ nghèo nàn mà do bản thân cuộc sống cũng nghèo nàn. Sự đói kém đến mức cằn cỗi trong cuộc sống hàng ngày cũng giết chết không biết bao nhiêu cơ hội để các trạng thái thần thánh xuất hiện trong tâm hồn của mỗi người viết. Còn hiện tượng

Nhân văn Giai phẩm thì còn có nhiều chuyện để bàn. Những thể nghiệm về cách tân thơ ca của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm... nói cho cùng là nhu cầu tự thân của họ, lúc đầu cũng rất bản năng. Chính sự vụng dại có đôi chút ác ý của một vài người cầm quyền văn nghệ lúc đó làm cho phản ứng của họ trở nên quyết liệt hơn, trở nên đối kháng hơn. Tuy nhiên phải khẳng định rằng cách tân cả nội dung lẫn hình thức là bản năng tự nhiên và lành mạnh của trí thức. Nếu không thế thì không phải là trí thức.

Hỏi: Tôi rất đồng ý với ông về điều ấy. Những nhà thơ như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm vì bị vùi dập, đè nén nên phải co lại, phải nói để người ta không hiểu được. Cuối cùng họ bị đẩy về phía cách tân, chứ thực chất không hoàn toàn như vậy.

Trả lời: "Không hiểu được" như anh nói bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố. Thứ nhất, không hiểu được là vì dần dần chúng ta mất đi cái bản năng tự nhiên để hiểu văn học trung thực. Xã hội không hiểu được văn học trung thực nữa. Cái đau khổ cho người Việt chúng ta là xã hội không còn đủ năng lực để hiểu các giá trị trung thực của văn học nghệ thuật nữa chứ không phải chỉ là “không hiểu được”. Thứ hai là xã hội không còn năng lực hiểu một cách trung thực nên sinh ra hiện tượng người viết viết một cách gian dối, bởi vì người ta biết buôn bán trạng thái không thể hiểu được của xã hội để hy vọng tạo ra cái "thiên tài" của mình. Trong một bài viết trước đây, tôi đã nói rằng, thiên tài là thứ mà người sở hữu nó là người cuối cùng biết về nó. Những "nhà sáng tạo" của chúng ta ý thức được thiên tài của mình trước khi sáng tác, cho nên chúng ta có rất nhiều người "giả vĩ nhân", nói những điều cao cả để hy vọng mình cao thượng, nói những điều bóng bẩy để hy vọng người ta không đọc được bụng mình, và thảng hoặc cũng có những người có ý tốt thì nói một cách cay nghiệt để chọc tức những kẻ mình căm ghét. Nhưng người ta quên mất rằng, trong khi chọc tức những kẻ mình căm ghét thì những người yêu mến mình họ đọc cái gì? Và khi họ đọc cái chọc tức của mình rồi thì họ có còn là kẻ sáng suốt nữa không?

Phải nói rằng, hầu hết các nhà văn nghệ của chúng ta không có điều kiện để tự mình hoàn chỉnh về văn hoá, học vấn và dù có muốn cũng không thể làm được, cho nên, khi viết được cái này thì mất cái kia. Đối với những người đọc chuyên nghiệp thì họ nhận ra ngay tính không chuyên nghiệp hoặc không hoàn chỉnh của người viết.

Hỏi: Tôi là một người đọc rất kỹ nhóm Nhân văn giai phẩm, nhưng nói thực là tôi thấy những sáng tác của họ không phải là những sáng tạo quá ghê gớm.

Trả lời: Tôi nghĩ rằng phải đặt vào bối cảnh lịch sử nhất định thì mới có thể nói về họ một cách công bằng được. Họ là những người viết hiếm hoi xem sự tồn tại giá trị văn chương của mình quan trọng hơn sự tồn tại của chính mình. Chỉ riêng điều ấy thôi cũng đáng để trân trọng rồi. Hơn nữa, trong tất cả cái mớ hỗn độn và đồ sộ của họ, quả thật có những cái rất đẹp. Tôi biết cái mà anh lên án chính là những thủ đoạn của họ trong việc thực thi các sáng tác để tạo ra vẻ hiền triết khó hiểu. Nhiều người cũng dị ứng với chuyện ấy. Có những người lớn tiếng chỉ trích, miệt thị mọi thứ cũng nghĩ mình là thiên tài, đó thực chất chỉ là những người to gan, mà to gan thì không phải là thiên tài. Nguyễn Huy Thiệp có lẽ là nhà văn hiện nay được ca ngợi nhiều nhất, cả ở nước ngoài cũng như ở trong nước, nhưng khi đọc xong các tác phẩm của anh ấy, kể cả tác phẩm nổi tiếng là “Tướng về hưu”, phải nói thật là tôi có cảm giác rùng mình vì sự thiếu nhân văn trong việc sử dụng các chi tiết. Tôi là người ham mê văn học cổ điển Pháp, tôi không thấy ai dùng những chi tiết thiếu nhân văn cả. Một trong những di chứng của nền văn nghệ tuyên truyền chính là ưa dùng các yếu tố kích động, mà kích động thì không phải là nghệ thuật.

Hỏi: Trong thơ ca, có một điều lạ là khi dịch sang một ngôn ngữ khác thì chỉ còn ý chứ điệu thì không giữ được nhiều. Vì các đặc trưng ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau.

Trả lời: Khi tôi đọc thơ của các tác giả phương Tây, tôi không đủ trình độ ngoại ngữ để đọc nguyên bản nhưng bao giờ tôi cũng đọc nguyên bản cho dù không hiểu. Như thơ Heinrich Heiner chẳng hạn, tôi đọc cả bản gốc, lẫn bản dịch. Tôi dùng nguyên bản để thẩm định lại chất lượng dịch thuật, mặc dù tôi không đủ năng lực thưởng thức nguyên bản. Riêng đối với thơ tôi thấy có một đặc trưng rất kỳ lạ, dường như nhịp điệu thông qua ngôn ngữ thơ ký gửi rất nhiều thông điệp. Trước đây, khi còn trẻ, tôi đọc thơ Nazim Hickmet hay thơ Heinrich Heiner do Xuân Diệu dịch, tôi thấy Xuân Diệu dịch cũng được, nhưng tôi muốn thẩm định xem ông ấy dịch bao nhiêu, phóng tác bao nhiêu. Nhưng phóng tác cũng không sao cả, con người đủ bản năng để hiểu thông điệp của tác giả, bất chấp mọi bản dịch. Bởi vì thiên tài là những người chỉ cần tạo ra một nét thôi là làm cho mọi ngôn ngữ đều trở nên thống nhất. Chúng ta không có những nhà thơ như vậy.

Hỏi: Đọc những bài thơ nước ngoài, mặc dù không cảm nhận hết được cái hay của nhịp điệu nhưng chúng ta vẫn nhận thấy đằng sau mỗi bài thơ đều ẩn chứa những ý tưởng rất sâu sắc. Còn thơ ca Việt Nam thì cứ à ơi vậy thôi, nó không có ý, không có nội dung gì cả.

Trả lời: Không phải không có ý mà phải nói thật rằng, chúng ta đôi khi nhầm lẫn giữa ý và cảm xúc. Thơ là ý chứ không phải cảm xúc, cảm xúc giống như cái thìa để nuốt cho gọn cái ý thôi. Tại sao không có ý? Vì ý là sản phẩm của trí tuệ mà để tạo ra sản phẩm của trí tuệ thì buộc phải thông tuệ. Người viết mà học vấn thấp thì làm sao mà có ý được? Bởi vì đây không phải là những ý thông thường mà là những ý mang chất lượng hướng dẫn. Nếu anh nhìn cái gì cũng giống cái gì thì không thể có ý được. Nếu ý mà nông nổi thì tuổi thọ của thơ rất ngắn.

Hỏi: Ở Việt Nam hay ở nước ngoài có những trường hợp là những đứa trẻ ra đời chưa được học hành gì cả, tự nhiên nó có những ý nghĩ rất khác thường. Vậy cái đó từ đâu ra?

Trả lời: Anh lấy gì để đảm bảo rằng người lớn tuổi thì thông thái hơn trẻ con? Tại sao người ta thiền? Thiền là một hoạt động cố gắng để đưa con người về trạng thái trẻ thơ. Con người càng già thì việc đưa mình về trạng thái trẻ thơ càng vất vả. Cho nên sự phát hiện của những đứa trẻ thông thái bất ngờ hơn nhiều so với sự lên gân của một ông già. Trần Đăng Khoa lúc trẻ và bây giờ là một ví dụ.

Hỏi: Ông có cho rằng có sự chuyển kiếp không?

Trả lời: Có chứ, thế mới có thiên tài. Thiên tài là sự gặp gỡ của Chúa với mình, mình nói đấy nhưng mà ý là của Chúa. Bây giờ không có Chúa thì làm sao có thiên tài. Trong khi viết, năm 1998 tôi có nói một câu thì năm 2008 tôi vẫn nói đúng câu ấy, mặc dù tôi không hề ý thức gì khi nói. Bởi vì câu ấy không phải là của tôi mà chúa ký gửi vào tôi câu ấy. Nhiều người cho rằng, khi mình lãng quên một điều gì đó đã viết ra, 10 năm sau mình viết lại thì sẽ hoàn chỉnh hơn.
Đó là một sự nhầm lẫn. Làm cho nó gần giống với hình hài mà người khác có thể hiểu được, làm cho người khác dễ hiểu hơn thì chưa chắc làm cho nó đẹp hơn. Có lẽ chuyện này là trừu tượng. Nhưng tôi biết rất rõ rằng, làm cho nó rõ hơn đối với người đọc thì không có nghĩa là làm cho nó đẹp hơn, xét về quan điểm mỹ học.

Hỏi: Đôi khi người ta vẫn tranh luận với nhau về chuyện bao giờ Việt Nam mình có giải Nobel?

Trả lời: Phải nói thật rằng, ở chúng ta đang hình thành một nền văn hoá đầy ảo tưởng: phải có trường Đại học đẳng cấp Havard, phải có giải Nobel… Điều này làm tôi buồn. Nobel không phải là giải thưởng cho một người tài đơn giản mà một người tài cưỡi trên một con ngựa văn hoá rực rỡ. Dân tộc chúng ta chưa có một con ngựa như vậy để cưỡi cho nên chúng ta không được vinh thăng bằng Nobel. Đừng vội vàng hy vọng những chuyện như vậy.

Chúng ta có một xã hội, có một nền chính trị, có một nền kinh tế chưa hoàn chỉnh thì chúng ta chưa nên hy vọng có được giải Nobel. Người ta sẵn sàng bỏ qua một viên kim cương trong vũng bùn bởi vì viên kim cương ấy không đủ giá để người ta cúi xuống bốc cái đống bùn ấy về đãi. Cho nên, nhiệm vụ của chúng ta là làm cho viên kim cương của mỗi một người có nằm trong một cái hộp nhung. Toàn bộ cố gắng vĩ mô của xã hội chúng ta là phải phấn đấu để Việt Nam trở thành một cái hộp bằng nhung chứ không bắt người đời cúi xuống đống bùn để nhặt viên kim cương ở trong ấy. Đấy là chúng ta nói chung như vậy, còn nếu xét về mặt văn chương thuần tuý, chúng ta cũng có những người viết hay, nhiều tác phẩm hay, nhưng tất cả đều bị vấy bẩn cả. Ai lục tung cái đám bụi ấy lên để mà tìm ra những thứ giá trị ở đấy bây giờ? Vì kẻ mua cái giá trị ấy không phải là chúng ta, chúng ta có hét to lên về sự đắt giá của mình thì cũng chẳng thay đổi được gì. Tất cả các giải thưởng được cấp bởi những người giàu có, những vùng phát triển, khi lục lọi trong một căn phòng bụi bặm phải bõ công, họ không mất công mất công như thế. Họ tìm thấy Nguyễn Du đã là một sự may mắn với chúng ta rồi.

Thực ra, chúng ta cũng có nhiều thứ có giá trị nhưng chúng ta không có một miền đất sáng giá để những thứ có giá trị được đặt đúng vị trí của mình. Tôi đi nhiều nước, tôi thấy các nhà văn nước ngoài cũng bụi bặm, đôi khi bê tha, rệu rã và nghèo đói như chúng ta. Nhưng cái khổ của cá nhân họ lại nằm trong một cộng đồng chói sáng, cho nên họ là những kẻ khuân vác những giá trị của xã hội ấy để trình bán cho thiên hạ, còn chúng ta thì khuân vác những giá trị ấy từ đâu? Các nhà văn là những người khuân vác những giá trị mà xã hội có để lắp nó lại thành một kết cấu có giá trị có thể bán được. Vậy các nhà văn của chúng ta khuân vác những thứ gì? Thực ra các nhà văn của chúng ta khuân vác những thứ có giá ở nơi khác đến Việt Nam cho nên, với tư cách là một độc giả đã đọc nhiều văn học nước ngoài, khi đọc các tác phẩm của Việt Nam tôi thấy nhiều người quen, phải gật đầu chào nhiều quá. Tôi nhớ có một nhà báo đã đến phỏng vấn tôi về bảo hộ quyền tác giả trong âm nhạc, tôi cười và nói rằng, các tác phẩm âm nhạc của chúng ta là những buổi dạ hội của những yếu tố quen biết, chúng ta bắt gặp ở trong đấy Chopin, Mozart, Beethoven... Những người có học thì đưa về được nhiều cái tử tế, còn những người ít học thì đưa về ít hơn. Xã hội chúng ta chưa đủ những yếu tố để lắp đặt tạo ra những thứ có giá. Những hiện thực thật sự lớn lao, thật sự khốc liệt thì luôn gắn bó với chính trị, gắn bó với các bí mật chính trị. Đấy vẫn là một cái lô cốt khép kín mà các nhà văn của chúng ta chỉ đứng ở bên ngoài để đoán mò mà thôi. Vì thế những cái đáng viết thì không được viết, cho nên các nhà văn nghệ của chúng ta chỉ canh tác trên những cánh đồng của những thứ không đáng viết.

Xã hội chúng ta chưa có các giá trị phổ quát. Một xã hội có những giá trị phổ quát là một xã hội có một nền văn hoá có giá trị phổ quát. Chúng ta chưa có một nền văn hoá có giá trị phổ quát. Tại sao lại như vậy? Điều này cần rất nhiều suy nghĩ và của rất nhiều người mới có thể giải đáp được. Riêng về văn học, chữ viết hiện đại mới có vài trăm năm, nên chúng ta chưa có những kinh nghiệm để tạo ra những tác phẩm có giá trị phổ quát. Nhiều người nói Vũ Trọng Phụng là thiên tài, lúc đầu tôi cũng nghĩ vậy nhưng sau thì chỉ thấy đó là những ghi chép bản năng, dung tục và đơn giản, vắng bóng những thông điệp có giá trị phổ quát và thiếu vắng vẻ đẹp phổ quát. Nếu đọc "Viên mỡ bò" của Guy de Maupassant, chúng ta sẽ thấy ông ta viết đẹp như thế nào và giá trị khái quát của nó lớn đến thế nào.

Hỏi: Đúng là đọc những nhà văn lớn của thế giới như Maupassant hay Dostoevsky, mình cảm thấy “sợ”. Cái cảm giác ấy không bao giờ có được khi đọc các tác giả Việt Nam.

Trả lời: Những nhà văn như thế thì không chỉ có mình “sợ”, mà kể cả những nhà văn lớn, những nền văn hoá lớn trên thế giới, họ cũng “sợ”. Bởi vì nếu đọc kỹ Dostoevsky thì chúng ta thấy ông ta còn giỏi phân tâm học hơn cả Freud. Những nhà văn lớn, trước khi ngồi vào viết, họ đã là bậc thầy của thiên hạ rồi. Họ là một kinh nghiệm sống khổng lồ trước khi viết cho nên tác phẩm của họ là một giáo trình sống khổng lồ. Tôi nói chuyện với nhiều nhà văn Việt Nam, kể cả những người có tên tuổi, tôi thấy khó khăn để nhìn thấy sự tự tin của họ, nhất là ở những nhà văn lớn và tử tế. Ở những đối tượng không lớn và tử tế thì tôi không nhìn thấy sự tự tin mà chỉ thấy sự tự mãn. Tự tin là kết quả của sự hiểu biết đúng đắn, Sự hiểu biết đúng đắn là kết quả của một nền giáo dục và đào tạo đúng đắn, Chúng ta chưa có nền giáo dục như vậy.

Cho nên hầu hết họ đều khai thác phần bản năng của mình, những kinh nghiệm sống thông thường của họ. Và khai thác bản năng và những kinh nghiệm sống thông thường thì rất khó có thể tạo ra những tác phẩm có chất lượng thiên tài được. Trần Đăng Khoa là một hiện tượng, anh ấy mở đầu cuộc đời nghệ thuật của mình bằng những cuộc gặp gỡ có chất lượng thần thánh, nhưngthần thánh rất sớm ra đi đối với Trần Đăng Khoa. Chúng ta phải thấy rằng, những thứ văn chương nhất thời ở Việt Nam chiếm một tỉ lệ khá lớn, trong đó bao gồm cả những tác phẩm phụ hoạ lẫn những tác phẩm chỉ trích chế độ.

Cả hai loại tác phẩm này đều ký sinh trên những khuyết tật của đời sống. Khi đời sống dịch chuyển đến độ hợp lý thì sự sống của những tác phẩm như vậy cũng chấm dứt.

Nguồn: chungta.com

Monday, November 29, 2010

Đầu tư công nghệ chế biến titan - bài toán khó?

Cách đây 30 năm, các nhà khoa học đã thử sản xuất TiO2 nhưng thất bại. Việc sản xuất titan ở Việt Nam đến nay vẫn theo công nghệ Trung Quốc. Các nước chỉ muốn mua quặng thô, chứ không muốn chuyển giao công nghệ chế biến, sản xuất titan...

"Nếu không nghĩ đến đầu tư công nghệ cả trong chế biến và khai thác, tài nguyên của chúng ta sẽ cạn kiệt trong khi nhu cầu năng lượng ngày càng cao. Nếu cứ đà này, chúng ta sẽ bị lệ thuộc rất nhiều vào thị trường năng lượng thế giới”, TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam tỏ ra bức xúc.


Titan - kim loại khó tính

Khảo sát một địa điểm quặng titan. Ảnh: Cục Địa chất và khoáng sản.

Vào khoảng năm 1976-1978, các nhà luyện kim Việt Nam phối hợp với Nhà máy Đức Giang sản xuất thử nghiệm TiO2 từ việc tách xỉ titan ở quy mô bán công nghiệp, công suất khoảng một tấn một tháng. Kết quả là cho ra thành phẩm TiO2, song việc sản xuất dừng lại ngay sau đó vì lý do có nhiều vấn đề về an toàn trong quá trình chưng cất titan sạch… PGS.TS Đặng Văn Hảo, Khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu (Đại học Bách khoa Hà Nội nhớ lại.

Thế nhưng, từ đó đến nay, Việt Nam mới chỉ có một vài nơi chế biến titan để sản xuất bột TiO2. Việc chuyển ilmenite sang oxit titan công nghiệp cũng từng có 2 điểm làm thử nhưng rồi phải dừng lại do chưa nắm vững công nghệ. “Titan là kim loại khó tính, đòi hỏi vốn đầu tư công nghệ cao, đồng bộ. Nếu không, sẽ bị thất bại thảm hại…”, PGS.TS Hảo nêu nhận xét.

Sự “thảm hại” ở đây được các nhà khoa học hướng tới đó chính là môi trường. TS Nguyễn Trọng Tĩnh, Viện trưởng Việt Vật lý ứng dụng và Thiết bị điện tử (Viện KH - CN Việt Nam) giải thích rõ hơn về bài học công nghệ khai thác titan. Trước đây, các nhà khoa học Việt Nam từng tham gia chế biến thử titan trong điều kiện vật chất thiếu thốn, tính ra thì có lãi nhưng hậu quả môi trường thì khó tính hết được!

Đã đến lúc đầu tư trọng điểm

Đó là câu chuyện của hơn 30 năm trước… Nay, đến lúc Việt Nam nghĩ đến công nghệ khai thác titan? Theo GS Hảo: “Để chế biến sâu titan, công nghệ với Việt Nam hiện vẫn là mới, do đó việc làm chủ công nghệ không vững, cộng thêm với việc không có ngân sách sẽ rất khó khăn”.

Dù vậy, theo ông Hảo, đây là thời điểm phù hợp để nhà nước hay các doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ chế biến sâu titan. “Hiện đội ngũ các nhà khoa học có thể đủ sức tiếp cận công nghệ, làm ra đến sản phẩm cuối cùng”, ông Hảo nói.

Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghệ chế biến sâu titan cũng không phải là điều đơn giản… TS Nguyễn Thành Sơn, một nhà chuyên môn trong lĩnh vực khoáng sản cho biết thêm về những trở ngại khi Việt Nam muốn tiếp cận công nghệ chế biến titan: “Hiện không có nước nào muốn chuyển giao công nghệ cho Việt Nam mà họ chỉ muốn mua quặng thô về chế biến. Vì vậy, phải khôn khéo đàm phán tìm được người sẵn sàng chuyển giao công nghệ”. Bên cạnh đó, cần tập hợp các nhà khoa học trong nước để nghiên cứu sâu về khâu chế biến titan nhằm làm chủ được công nghệ.

Lợi ích là rất lớn… Theo giới chuyên môn, nếu sản xuất được xỉ titan hoặc rutil nhân tạo, giá trị sản phẩm tăng khoảng 2,5 lần; sản xuất được pigment thì giá trị sản phẩm tăng khoảng 10 lần; sản xuất được titan kim loại thì giá trị sản phẩm tăng được khoảng gần 80 lần; sản xuất được zircon siêu mịn (từ zircon 65%) giá trị sản phẩm tăng 1,6 lần... Tuy nhiên, đến thời điểm này tại Việt Nam việc chế biến sâu titan mới chỉ dừng lại ở việc nghiền zircon mịn và siêu mịn theo công nghệ nghiền của Trung Quốc và của Tây Ban Nha. Còn sản xuất titan thì vẫn theo công nghệ Trung Quốc. Các dự án về chế biến pigment, rutil nhân tạo đến nay chưa thực hiện được.

Chế biến sâu titan thực chất là tập trung nghiên cứu công nghệ chế biến ilimenite thành sản phẩm pigment, bột titan dioxit (TiO2)… Theo thống kê, hàng năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 10.000 tấn bột titan dioxit với giá gần 3.000 USD một tấn từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Australia với tổng giá trị hơn 25 triệu USD.

Nhu cầu của thế giới về titan dioxit hiện tại là 4 triệu tấn một năm, dự báo sẽ tăng lên 5 triệu tấn một năm. Trong khi đó, nhu cầu về titan dioxit của Việt Nam trong những năm tới được dự báo sẽ vào khoảng 20.000 tấn một năm.

Theo www.baodatviet.vn

Saturday, October 9, 2010

Lực cản phát triển và trí thông minh một dân tộc

Bi kịch, và những thời cơ bỏ lỡ

Hành trình lịch sử ở đâu mà chẳng gặp bi kịch sinh ra từ khủng hoảng triều đại (buổi suy vi của một thể chế trước khi bị thể chế có triển vọng hơn thay thế). Hoặc khủng hoảng bế tắc của cả một thời đại; hoặc bị đô hộ, xẩy chiến tranh xâm lược, hay nội chiến... Nhưng bi kịch cũng là cảnh ngộ điển hình thử thách trí thông minh tìm lối thoát của người chèo lái.

Còn thời cơ bị bỏ lỡ thường được coi là bước chuyển ngoặt hoặc bước tăng tốc phát triển, thì thời cuộc đã tạo ra tiền đề và lối thoát, nhưng thể chế chính trị và người chủ soái hoặc không đủ thông minh, hoặc vì duyên do nào đó, đã không nhận ra. Rốt cuộc thời cơ tuột khỏi tầm tay.

Nhà cải cách Hồ Qúi Ly đã đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng thời mạt Trần - thời buổi vua u mê, quan lại ngu thần, Chu Văn An dâng sớ chém 7 tên gian thần lộng hành. Lên ngôi vua triều Hồ (1400), ông đã thực thi hàng loạt chính sách mới mẻ, trên mọi lĩnh vực đời sống.

Ông "hạn điền, hạn nô" để xóa bỏ chế độ điền trang thái ấp và nô tỳ lỗi thời. Ông phát hành tiền giấy để giao dịch thuận tiện và phổ biến hơn tiền đúc bằng đồng những thời trước, nhằm thúc đẩy thương mại. Ông cải tổ giáo dục, chống lại lối học sáo rỗng. Ông cho mở các bệnh viện công, v.v.

Nhưng tiếc thay, mộng lớn không thành bởi bi kịch ập đến từ gươm giáo xâm lược của quân Minh. Bẩy năm quá ngắn ngủi khiến các chính sách mới chưa đưa lại hiệu quả trong thực tiễn, khả dĩ tăng tiềm lực quốc gia, thu phục lòng dân để có thể làm được cuộc chiến tranh nhân dân tất thắng.

Tuy thế, cũng thật đáng ngạc nhiên và khâm phục khi nhà Hồ đã có thể huy động được và tổ chức quân đội gần trăm vạn, lập các tuyến phòng thủ, và đánh tới cùng, cho dù cuối cùng, 3 cha con đều rơi vào tay giặc. Bi kịch này đã gây bất hạnh kép cho dân tộc: Mất nước, và nhà cải cách cùng thời cơ để phát triển đất nước lên bước mới, cũng mất theo.

Quang Trung - Nguyễn Huệ đã cùng toàn dân tộc làm nên võ công lừng lẫy, thành tựu huy hoàng. Nhưng bi kịch thế kỷ 18 lại do khủng hoảng thời đại, khi chế độ phong kiến ở Việt Nam đã suy vong, cần phải có bước ngoặt thời đại kiến tạo chế độ mới dựa trên nền tảng văn minh công nghiệp. Đất nước thì mới có manh nha, mà chưa xuất hiện lực lượng kinh tế-xã hội mới kinh doanh công thương nghiệp là lực lượng làm bước ngoặt thời đại.

Vị thương nhân ở ngôi Hoàng Đế đành phải "cưỡi cỗ xe vương triều" theo kiểu cũ, với các chính sách tiến bộ hơn trước, hướng đến bảo vệ đất nước và đời sống nhân dân, chăm lo phát triển cả nông-công-thương lẫn giáo dục, văn hóa... Ông cũng đã có chiến lược và kế sách giữ yên bờ cõi, thậm chí còn đòi lại đất đai bị chiếm. Hóa giải nguy cơ cuộc phản công của Nguyễn Ánh được thế lực phương Tây tiếp sức...

Nhưng bi kịch khác bất ngờ giáng xuống: Chỉ sau 3 năm khởi động tái thiết đất nước (1789-1792), Nguyễn Huệ đang thời sung sức-ở tuổi 39, đột ngột tạ thế!

Quang Toản kế vị cha. Nhưng không có chí lớn, đầu óc và tài năng kém cỏi, không nối được chí cha. Vẫn còn đó một cơ đồ, một quân đội mạnh, một nhân dân hướng về, các kế sách của người cha thiên tài quân sự, nhưng vị vua kế nghiệp vẫn bị thất bại. Triều Tây Sơn sụp đổ bởi cuộc phản công của Nguyễn Ánh, năm 1802.

Triều Nguyễn là sự kéo dài thêm gần thế kỷ, chỉ là để hoàn thiện hơn cách thức thống trị của thể chế phong kiến đã ruỗng nát, với ách chuyên chế hà khắc chưa từng thấy, lại "trọng nông, ức thương", làm ngơ trước văn minh kinh tế hàng hóa phương Tây đã đến gõ cửa Ngọ Môn.

Mô tả ảnh.
Kinh thành Huế - di sản của triều Nguyễn

Công lao lớn trong thời Nguyễn (tính từ 1802 đến 1865 là năm quân Pháp chiếm được một số tỉnh Nam Kỳ), là giữ được toàn vẹn và mở mang thêm lãnh thổ, làm ra thêm những thành tựu mang tư tưởng và diện mạo thời đại phong kiến, văn minh nông nghiệp.

Tiếc thay, không ít vua hay chữ, nhưng trí thông minh của số đông những người đứng đầu triều đại này không hướng về nhân dân, và không hướng ra đại dương, về phía những nền văn minh mới, mà hướng về nhà Chu lý tưởng và kinh điển Khổng Mạnh xa xưa!

Điển hình cho xu thế này là vua Tự Đức (1829-1883). Ông có sẵn tố chất thông minh trời cho, nhưng cực kỳ bảo thủ, trước sau vẫn lấy nhà Chu hơn 2000 năm trước làm mẫu mực noi theo. Ông dị ứng với văn minh phương Tây và sợ hãi sự xâm lăng của quân đội, súng đạn phương Tây ...

Tự Đức nhiều lần cự tuyệt các điều trần cải cách của những đầu óc canh tân lớn lúc bấy giờ như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ, Bùi Viện...

Rốt cuộc ông bỏ lỡ cơ hội lớn đã đến tận tay để canh tân đất nước bằng cách học hỏi và mở mang công nghệ, kỹ thuật, thương mại như phương Tây (điều mà người cùng thời là vua Minh Trị, Nhật Bản, làm vào năm 1866 và có thành tựu). ..

Tự Đức cũng lại cự tuyệt ý nguyện của nhân dân, của quân đội cùng đông đảo quan triều, sĩ phu cả nước là đứng lên kháng chiến ngay cả khi quân Pháp đã kéo đến nã đại bác lên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng, 1858). Và cuối cùng là để cơ đồ mất vào tay quân Pháp (1885).

Đất nước lại rơi vào bi kịch bị đô hộ gần thế kỷ! Những thập kỷ bị xóa tên, bị sỉ nhục, lầm than, nhen nhóm và dâng cao các phong trào cứu nước, đã kết thúc huy hoàng với Cách mạng tháng Tám 1945, làm thăng hoa mạnh mẽ trí thông minh và sức mạnh dân tộc bảo vệ nền độc lập non trẻ, kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

Đại thắng Mùa Xuân 1975 lần nữa tạo ra sự thăng hoa như thế, cho một bước phát triển được kỳ vọng của đời sống đất nước thời hậu chiến. Nhưng có sự hụt hẫng, dẫn tới bước khủng hoảng trong phát triển (1975-1990). Không phải là khủng hoảng và bế tắc ở định hướng và các mục tiêu thời đại đã lựa chọn từ năm 1945, mà là do thiếu hệ thống chính sách mở đường.

Bế tắc đã được bắt tay hóa giải khi công cuộc Đổi mới mở ra.

Lực cản phát triển trí thông minh hiện đại

Tuy vậy, trên con đường phát triển, dân tộc Việt Nam cũng gặp đầy rẫy những lực cản từ quá khứ, từ hiện tại, từ tiềm lực vật chất, từ thế giới tinh thần, tâm lý của nền sản xuất tiểu nông, và từ bên ngoài, khó mà kể hết.

Về đại thể, do trình độ sản xuất còn thấp, đất nước còn nghèo, đầu tư cho nguồn lực con người (giáo dục-đào tạo, an sinh xã hội...) còn cách xa yêu cầu phát triển có chất lượng, lại còn bị lãng phí do tiêu cực và do dùng vốn kém hiệu quả.

Do một nền giáo dục và đào tạo mà triết lý, hệ thống đã lỗi thời, chậm được cải cách triệt để theo đòi hỏi của thời kỳ đẩy nhanh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, nên tất yếu là sự khủng hoảng toàn hệ thống. Những đổi mới (cải tiến) ứng phó tình huống liên miên, gây rối loạn thêm hệ thống, rất tốn kém nhưng hiệu quả thấp, bấp bênh, không đủ gọi là lối thoát thông minh.

Mô tả ảnh.
Vượt lên chính mình là lối thoát sinh tồn và phát triển hiện đại duy nhất để lựa chọn. Bảo bối truyền đời là nền chính trị nhân văn, lấy lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân làm giá trị thiêng liêng và mục tiêu cao cả.

Hậu quả là lãng phí to lớn nguồn lực đầu tư, nẩy sinh bệnh chuộng hư danh, thành tích ảo mà coi nhẹ thực chất. Có thành tựu trong việc đáp ứng rộng rãi hơn nhu cầu học tập của nhân dân, nhưng lại lạm phát bằng cấp mà đào tạo ra rất ít thực tài; làm thui chột trí thông minh, nhu cầu sáng tạo của các thế hệ trẻ...

Ấy là chưa kể không khí xã hội thiếu bình yên, các giá trị cơ hồ đảo lộn... đã gây nhiễu loạn tâm lý đông đảo thế hệ trẻ, dễ nảy sinh hoài nghi vào chính con đường học tập, lập thân, lập nghiệp lương thiện và thực chất, khó có thể chuyên tâm vào học hành, rèn luyện.

Vượt lên chính mình là lối thoát sinh tồn và phát triển hiện đại duy nhất để lựa chọn. Bảo bối truyền đời là nền chính trị nhân văn, lấy lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân làm giá trị thiêng liêng và mục tiêu cao cả.

Sự bứt vượt trong mọi thời, đặc biệt ở khúc quanh sinh ra nhiễu loạn xã hội, phân rã tâm lý, đều đòi hỏi trước hết sự đột phá, nêu gương ở người chèo lái cơ đồ, về nhân cách vì nước vì dân, về trí tuệ tích hợp được tri thức của các tầng lớp tinh hoa xã hội.

Đó cũng chính là trí thông minh của một dân tộc thời hội nhập

Lực cản ghê gớm nhất lại nằm trong chính mỗi con người. Bên cạnh những đức tính tốt đẹp, những thói tật tiểu nông hàng nghìn năm bắt rễ sâu xa vào tận bản năng người Việt: Ích kỷ, háo lợi, háo danh, háo quyền, tham vặt, bon chen, cạn hẹp, nhỏ nhen, tùy tiện... lại được tiếp sức bởi đồng minh lý tưởng là mặt trái của kinh tế thị trường: Thực dụng triệt để; cạnh tranh phi pháp, phi luân; mua bán đổi chác mọi giá trị; sùng bái các giá trị vật chất, đồng tiền...

Lũ "âm binh quỉ quái" này đánh phá, tiêu hao dần mòn những đức tính tốt đẹp truyền thống, nên càng có sức tác oai tác quái. Chúng phá hủy đạo đức, nhân cách con người, phá hủy nền tảng đạo lý xã hội, uốn cong bóp méo cả luật pháp, chính sách...

Chúng đã có thể biến không ít người từng hy sinh, gian khổ cùng với dân giành lại toàn vẹn độc lập, thống nhất đất nước, nay được dân trao quyền thì xa rời dân, quan liêu và vô cảm với nỗi đau của dân, lấy lợi ích riêng của mình làm trọng.

Chúng đã có thể biến nhiều người dân vốn lương thiện thành những kẻ tội phạm, thành những người lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác, những người vô lương tâm làm ra ê hề hàng giả, không từ cả thực phẩm nhiễm bẩn, thuốc men nhiễm độc; thành kẻ mất nhân tính, dã man hành hạ cả trẻ em...

Đây là cuộc khủng hoảng dưới tầng ngầm của đời sống xã hội, giống như địa chấn trong lòng đất mà người ta thường chỉ nhận thấy được ở sự rung chuyển và phá hủy trên mặt đất. Dễ hiểu là tâm lý xã hội ngày càng bị phân rã, phân ly đáng lo ngại.

Hệ lụy là đời sống xã hội trên thực tế vượt ra khỏi tầm kiểm soát và điều chỉnh kịp thời của Nhà nước ở tầm vĩ mô. Hầu như chúng ta chạy theo để khắc phục hậu quả nhiều hơn là chủ động ngăn ngừa bằng dự báo thông minh để sớm khai thông chủ động dòng chảy thoát hiểm và phát triển lành mạnh.

Hoài bão và sự vượt lên chính mình

Đó là xu hướng chung của thế giới ngày nay, đặc biệt là các nước đang phát triển. Mọi quốc gia đều tìm kiếm con đường đi riêng trong hoàn cảnh lịch sử của mình, để thành cường quốc nếu không muốn bị lệ thuộc, bị đối xử bất bình đẳng và bị sai khiến bởi siêu cường.

Hoài bão đưa Việt Nam lên vị thế "sánh ngang các cường quốc năm châu", thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn và gửi gắm vào lớp măng non đầu tiên được hưởng nền giáo dục Việt Nam độc lập sau Cách mạng Tháng Tám 1945.

Ngày nay, dưới áp lực và với nhiều điều kiện thuận lợi của thời đại, với những thành tựu đã tích lũy được trong 20 năm đổi mới, hoài bão sánh ngang các cường quốc là trách nhiệm lịch sử trực tiếp của toàn dân tộc, đứng đầu là những người lãnh đạo quốc gia, và đã là khả năng thực tế.

Điều kiện quyết định nhất là nguồn lực con người hiện đại, với trí thông minh Việt hiện đại, năng lực hành động sáng tạo hiện đại, từ chính khách, chuyên gia đến người lao động. Ai cũng có thể nhận ra: Vượt lên chính mình là lối thoát sinh tồn và phát triển hiện đại duy nhất để lựa chọn.

Bảo bối truyền đời là nền chính trị nhân văn, lấy lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân làm giá trị thiêng liêng và mục tiêu cao cả.

Sự bứt vượt trong mọi thời, đặc biệt ở khúc quanh sinh ra nhiễu loạn xã hội, phân rã tâm lý, đều đòi hỏi trước hết sự đột phá, nêu gương ở người chèo lái cơ đồ, về nhân cách vì nước vì dân, về trí tuệ tích hợp được tri thức của các tầng lớp tinh hoa xã hội.

Đó cũng chính là trí thông minh của một dân tộc thời hội nhập

  • Thế Văn

Friday, September 10, 2010

Nguyễn Khắc Viện và những “di cảo” chưa công bố

Bác sỹ, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) đã viết hàng trăm bài báo, hàng chục bản “kiến nghị” bàn về nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Trong di cảo của Nguyễn Khắc Viện có một tư liệu chưa hề được công bố chính thức đó là gần 30 bản kiến nghị, tham luận, thư gửi các cơ quan, lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong 16 năm (1976-1993). Xin trích một vài đoạn trong tư liệu này.

Vai trò lãnh đạo của Đảng - Công tác cán bộ - Chống quan liêu tham nhũng
"... Một mặt tiêu cực quan trọng chính là nằm trong nội bộ Đảng và Nhà nước, tức là tệ quan liêu. Nó làm cho cán bộ không đoái hoài đến quyền lợi của dân, chỉ biết địa vị của mình; vì không nhận lấy trách nhiệm của từng người, từng cấp, nên đẻ ra hàng nghìn hàng vạn thủ tục phiền hà, chủ yếu để đùn trách nhiệm cho tập thể, cho cấp trên, những thủ tục thể lệ ràng buộc không cho ai có một sáng kiến gì, thực hiện được một việc nhỏ cũng phải qua nhiều cửa ải, xin chữ ký, xin con dấu, mất hàng tuần hàng tháng… Nhân dân ta như một anh khổng lồ, tiềm năng rất lớn, nhưng bị trăm nghìn sợi dây nhỏ trói lại như vậy, không cựa cạy nổi...
... Ta cử lên những giám đốc xí nghiệp, công trường, cục trưởng... trong tay nắm cả chục, cả trăm triệu bạc vốn, nhiều máy móc hiện đại, chỉ huy hàng trăm hàng nghìn kỹ sư công nhân - kể cả chuyên gia, mà không hề biết kỹ thuật hay quản lý kinh tế. Làm sao tránh khỏi công việc bị chậm trễ, người có quyền quyết định thì không biết công việc, người biết việc thì không có quyền; làm sao tránh khỏi những sai lầm lớn lao làm cho Nhà nước thua thiệt, bỏ lỡ không biết bao nhiêu thời cơ; làm sao cạnh tranh nổi trên trường quốc tế?...
Bộ máy tổ chức của ta, một cơ quan đặc biệt quan trọng của chế độ, hoạt động theo những nguyên tắc phương châm không phù hợp nữa. Tư tưởng thành phần còn đè nặng, đề bạt ai, kết nạp ai vào Đảng, truy nguyên đến đời ông đời cố... Liên quan đến một ông chú đi nước ngoài mất tích hai ba chục năm là hết đi nước ngoài, hết được kết nạp. Cử đi một hội nghị khoa học quốc tế thì lựa những người trên những tiêu chuẩn phi khoa học, làm cho cuộc đi tốn kém vô ích, mà còn bêu xấu với người nước ngoài..."
(Trích kiến nghị gửi Bộ Chính trị trước Đại hội V- 1981)
"... Cán bộ lãnh đạo khi đã thiếu năng lực rất dễ sa vào bệnh lạm dụng quyền lực. Trước hết muốn cho cơ quan đơn vị, địa phương của mình có một bộ máy đông đảo gồm những người chỉ biết tuân lệnh; dễ sa vào công thức, nghi thức, chi tiêu vào lễ tiết nhiều hơn là vào công tác. Những cán bộ lãnh đạo như vậy khó mà tránh khỏi sự cám dỗ về vật chất. Không đủ năng lực mà vẫn giữ chức vụ quan trọng tất nhiên dẫn đến tệ báo cáo láo lên trên, trù dập những người trung thực bên dưới, rồi sa đọa vì hưởng thụ.
Đã đến lúc phải đặt vấn đề thay thế hàng loạt cán bộ lãnh đạo ở tất cả các cấp, kể cả những người đã có một quá trình vẻ vang. Thay đổi nhân sự một cách mạnh dạn chính là một tín hiệu gây tín nhiệm..."
(Trích kiến nghị với Đại hội VI - 1986)
"... Không thể đổi mới với những con người cũ. Cũ về tư duy, về cách làm ăn, cũ vì đã có những sai lầm nghiêm trọng mất hết tín nhiệm trong cán bộ và nhân dân, chứ không phải già hay trẻ, có bằng cấp hay không. Không có gì phá hoại lòng tin bằng việc một cán bộ cao cấp phạm lỗi lại được cử làm một chức vụ khác có khi lại cao hơn. Không có gì làm mọi người chán nản bằng cảnh Đại hội một số Đảng bộ cấp thành hay Tỉnh, nói gì thì nói, có khi tha hồ nói, nhưng bộ máy tổ chức đã bố trí sẵn, cho nên những vai chủ chốt cấp uỷ vẫn là những người cũ, nhiều khi đã mất hết tín nhiệm...”
(Trích thư gửi Tổng Bí thư Trường Chinh trước Đại hội VI- 1986)
"... Ước mơ của tôi là Đại hội 7 tập trung và dứt khoát giải quyết hai vấn đề:
- Cương quyết tuyên bố Đảng trả lại mọi quyền hành cho các cơ quan dân cử và Nhà nước. Và cụ thể hóa là giải thể một loạt bộ phận trực thuộc Trung ương cũng như cấp uỷ các địa phương, trả lại Nhà nước một loạt nhà cửa, chuyển sang khoảng 2/3 cán bộ. Giảm biên chế bắt đầu từ tổ chức Đảng.
- Các đồng chí lãnh đạo tối cao của các ban trung ương hiện nay tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho những người mới. Đó sẽ là một hành động cao quý, nói lên lòng yêu nước vì dân..."
(Trích thư góp ý với Đại hội Đảng VII-1991)
Vai trò của khoa học xã hội và thực hiện dân chủ
"... Làm sao phát động tinh thần độc lập suy nghĩ, có sáng kiến trong mỗi cán bộ đảng viên, mỗi người dân?
... Xin đề nghị: báo, sách, đài, vô tuyến một mặt là những cơ quan của lãnh đạo để phổ biến đường lối chủ trương, một mặt là của nhân dân để nói lên nhiều ý nghĩ trong quần chúng. Có bài nào, có ý nào, có sách nào đạt 2 điều kiện: Không chống lại đường lối chung của Đảng; Luận cứ nghiêm túc, không bâng quơ, thì dù có khác hẳn chính sách chủ trương của một ngành, một bộ, một địa phương nào, các cơ quan thông tin tuyên truyền có nhiệm vụ đưa ra; nếu cần, gây tranh luận... Như vậy gây dư luận và suy nghĩ trong quần chúng, buộc cơ quan phụ trách công khai lãnh trách nhiệm, công khai bảo vệ ý kiến của mình trước mọi người... Tránh tình trạng độc tôn trong các ngành. Độc tôn bao giờ cũng dẫn đến tê liệt trong quần chúng cũng như trong cấp phụ trách.
... Một nguyên nhân nữa làm cho lãnh đạo không nắm được tình hình một cách chính xác là tình trạng quá yếu của khoa học xã hội ở nước ta. Lãnh đạo như một người thầy thuốc chữa bệnh, ngoài việc bản thân khám xét, phải được những phòng xét nghiệm cho biết chụp phim, thử máu kết quả ra sao, rồi tổng hợp các thông tin lại mới chẩn đoán và chữa bệnh... ”
(Trích thư gửi Bộ Chính trị tháng 8.1978)
"... Hiện nay chúng ta mới quan tâm đến khoa học kỹ thuật tự nhiên, khoa học xã hội chưa có vị trí thích đáng. 20 năm qua, khoa học xã hội chỉ làm công việc minh họa đường lối chính sách, chạy theo những nhiệm vụ trước mắt... Ai có ý kiến khác của lãnh đạo hoặc của cơ quan chuyên trách mà nói ra thường bị chụp mũ, và trên gặp dưới thì thường đả thông, hơn là nghe. Xã hội ngày nay rất phức tạp không như trước nữa, không thể nắm một vài nguyên lý rồi ngồi suy diễn, phải có nhiều điều tra thực thể, tập hợp lại, dùng nhiều phương pháp khoa học đúc kết lại... Có thể nói là có một cuộc khủng hoảng trong khoa học xã hội hiện nay, nếu không gỡ ra, thì toàn bộ xã hội sẽ sống trong một không khí trầm lặng, rút cục đến sáng kiến sáng tạo trong khoa học tự nhiên rồi cũng chịu ảnh hưởng. Mà lãnh đạo cũng thiếu một cánh tay đắc lực...”
(Trích thư gửi Ban Chấp hành TƯ Đảng Cộng sản VN ngày 20.2.1979)
“... Để chống lại tư bản man rợ, không để nó tác oai tác quái, nay phải dựng lên một Mặt trận cũng dân tộc, nhân dân, quốc tế còn rộng lớn hơn, tiến hành một cuộc kháng chiến mới, lâu dài hơn, đa dạng hơn, mới mong hạn chế được tham nhũng, bảo vệ được môi trường, giảm nhẹ bất công xã hội, phân hóa giàu nghèo, giữ gìn được thuần phong mỹ tục, phát huy tình người, tôn trọng quyền phụ nữ, trẻ em, các nhóm thiểu số. Một cuộc kháng chiến nhiều mặt, với báo chí, tivi, sách vở, phim ảnh, thành lập đủ thứ hội đoàn, đình công, biểu tình, với lá phiếu bầu cử, phát triển khoa học nhân văn. Không bỏ sót một ngóc ngách nào. Trong nước, ngoài nước, đứng ở bất kỳ vị trí nào cũng có thể tham gia.
Chỉ có khác là kháng chiến lần này, chúng ta không cần đến súng đạn. Và lần này, Marx cũng là thầy dẫn đường với một câu: Một tư tưởng được thâm nhập đại chúng biến thành một lực lượng vật chất.
Chúng ta sẽ làm cho những tư tưởng dân chủ, công bằng xã hội, tinh thần quốc tế, tình nghĩa giữa người với người thâm nhập vào đại chúng. Kỹ thuật hiện đại trao cho chúng ta đầy đủ phương tiện làm việc này, biến tư bản man rợ thành tư bản văn minh...”
(Trích bài viết tháng 6.1993 bằng hai thứ tiếng Pháp-Việt có nhan đề “Bước vào cuộc kháng chiến mới”)

Trung Sơn- 06/05/2007
http://www.nguoidaibieu.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/4/ContentID/13746/Default.aspx