Monday, November 29, 2010

Đầu tư công nghệ chế biến titan - bài toán khó?

Cách đây 30 năm, các nhà khoa học đã thử sản xuất TiO2 nhưng thất bại. Việc sản xuất titan ở Việt Nam đến nay vẫn theo công nghệ Trung Quốc. Các nước chỉ muốn mua quặng thô, chứ không muốn chuyển giao công nghệ chế biến, sản xuất titan...

"Nếu không nghĩ đến đầu tư công nghệ cả trong chế biến và khai thác, tài nguyên của chúng ta sẽ cạn kiệt trong khi nhu cầu năng lượng ngày càng cao. Nếu cứ đà này, chúng ta sẽ bị lệ thuộc rất nhiều vào thị trường năng lượng thế giới”, TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam tỏ ra bức xúc.


Titan - kim loại khó tính

Khảo sát một địa điểm quặng titan. Ảnh: Cục Địa chất và khoáng sản.

Vào khoảng năm 1976-1978, các nhà luyện kim Việt Nam phối hợp với Nhà máy Đức Giang sản xuất thử nghiệm TiO2 từ việc tách xỉ titan ở quy mô bán công nghiệp, công suất khoảng một tấn một tháng. Kết quả là cho ra thành phẩm TiO2, song việc sản xuất dừng lại ngay sau đó vì lý do có nhiều vấn đề về an toàn trong quá trình chưng cất titan sạch… PGS.TS Đặng Văn Hảo, Khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu (Đại học Bách khoa Hà Nội nhớ lại.

Thế nhưng, từ đó đến nay, Việt Nam mới chỉ có một vài nơi chế biến titan để sản xuất bột TiO2. Việc chuyển ilmenite sang oxit titan công nghiệp cũng từng có 2 điểm làm thử nhưng rồi phải dừng lại do chưa nắm vững công nghệ. “Titan là kim loại khó tính, đòi hỏi vốn đầu tư công nghệ cao, đồng bộ. Nếu không, sẽ bị thất bại thảm hại…”, PGS.TS Hảo nêu nhận xét.

Sự “thảm hại” ở đây được các nhà khoa học hướng tới đó chính là môi trường. TS Nguyễn Trọng Tĩnh, Viện trưởng Việt Vật lý ứng dụng và Thiết bị điện tử (Viện KH - CN Việt Nam) giải thích rõ hơn về bài học công nghệ khai thác titan. Trước đây, các nhà khoa học Việt Nam từng tham gia chế biến thử titan trong điều kiện vật chất thiếu thốn, tính ra thì có lãi nhưng hậu quả môi trường thì khó tính hết được!

Đã đến lúc đầu tư trọng điểm

Đó là câu chuyện của hơn 30 năm trước… Nay, đến lúc Việt Nam nghĩ đến công nghệ khai thác titan? Theo GS Hảo: “Để chế biến sâu titan, công nghệ với Việt Nam hiện vẫn là mới, do đó việc làm chủ công nghệ không vững, cộng thêm với việc không có ngân sách sẽ rất khó khăn”.

Dù vậy, theo ông Hảo, đây là thời điểm phù hợp để nhà nước hay các doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ chế biến sâu titan. “Hiện đội ngũ các nhà khoa học có thể đủ sức tiếp cận công nghệ, làm ra đến sản phẩm cuối cùng”, ông Hảo nói.

Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghệ chế biến sâu titan cũng không phải là điều đơn giản… TS Nguyễn Thành Sơn, một nhà chuyên môn trong lĩnh vực khoáng sản cho biết thêm về những trở ngại khi Việt Nam muốn tiếp cận công nghệ chế biến titan: “Hiện không có nước nào muốn chuyển giao công nghệ cho Việt Nam mà họ chỉ muốn mua quặng thô về chế biến. Vì vậy, phải khôn khéo đàm phán tìm được người sẵn sàng chuyển giao công nghệ”. Bên cạnh đó, cần tập hợp các nhà khoa học trong nước để nghiên cứu sâu về khâu chế biến titan nhằm làm chủ được công nghệ.

Lợi ích là rất lớn… Theo giới chuyên môn, nếu sản xuất được xỉ titan hoặc rutil nhân tạo, giá trị sản phẩm tăng khoảng 2,5 lần; sản xuất được pigment thì giá trị sản phẩm tăng khoảng 10 lần; sản xuất được titan kim loại thì giá trị sản phẩm tăng được khoảng gần 80 lần; sản xuất được zircon siêu mịn (từ zircon 65%) giá trị sản phẩm tăng 1,6 lần... Tuy nhiên, đến thời điểm này tại Việt Nam việc chế biến sâu titan mới chỉ dừng lại ở việc nghiền zircon mịn và siêu mịn theo công nghệ nghiền của Trung Quốc và của Tây Ban Nha. Còn sản xuất titan thì vẫn theo công nghệ Trung Quốc. Các dự án về chế biến pigment, rutil nhân tạo đến nay chưa thực hiện được.

Chế biến sâu titan thực chất là tập trung nghiên cứu công nghệ chế biến ilimenite thành sản phẩm pigment, bột titan dioxit (TiO2)… Theo thống kê, hàng năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 10.000 tấn bột titan dioxit với giá gần 3.000 USD một tấn từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Australia với tổng giá trị hơn 25 triệu USD.

Nhu cầu của thế giới về titan dioxit hiện tại là 4 triệu tấn một năm, dự báo sẽ tăng lên 5 triệu tấn một năm. Trong khi đó, nhu cầu về titan dioxit của Việt Nam trong những năm tới được dự báo sẽ vào khoảng 20.000 tấn một năm.

Theo www.baodatviet.vn