Friday, September 10, 2010

Nguyễn Khắc Viện và những “di cảo” chưa công bố

Bác sỹ, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) đã viết hàng trăm bài báo, hàng chục bản “kiến nghị” bàn về nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Trong di cảo của Nguyễn Khắc Viện có một tư liệu chưa hề được công bố chính thức đó là gần 30 bản kiến nghị, tham luận, thư gửi các cơ quan, lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong 16 năm (1976-1993). Xin trích một vài đoạn trong tư liệu này.

Vai trò lãnh đạo của Đảng - Công tác cán bộ - Chống quan liêu tham nhũng
"... Một mặt tiêu cực quan trọng chính là nằm trong nội bộ Đảng và Nhà nước, tức là tệ quan liêu. Nó làm cho cán bộ không đoái hoài đến quyền lợi của dân, chỉ biết địa vị của mình; vì không nhận lấy trách nhiệm của từng người, từng cấp, nên đẻ ra hàng nghìn hàng vạn thủ tục phiền hà, chủ yếu để đùn trách nhiệm cho tập thể, cho cấp trên, những thủ tục thể lệ ràng buộc không cho ai có một sáng kiến gì, thực hiện được một việc nhỏ cũng phải qua nhiều cửa ải, xin chữ ký, xin con dấu, mất hàng tuần hàng tháng… Nhân dân ta như một anh khổng lồ, tiềm năng rất lớn, nhưng bị trăm nghìn sợi dây nhỏ trói lại như vậy, không cựa cạy nổi...
... Ta cử lên những giám đốc xí nghiệp, công trường, cục trưởng... trong tay nắm cả chục, cả trăm triệu bạc vốn, nhiều máy móc hiện đại, chỉ huy hàng trăm hàng nghìn kỹ sư công nhân - kể cả chuyên gia, mà không hề biết kỹ thuật hay quản lý kinh tế. Làm sao tránh khỏi công việc bị chậm trễ, người có quyền quyết định thì không biết công việc, người biết việc thì không có quyền; làm sao tránh khỏi những sai lầm lớn lao làm cho Nhà nước thua thiệt, bỏ lỡ không biết bao nhiêu thời cơ; làm sao cạnh tranh nổi trên trường quốc tế?...
Bộ máy tổ chức của ta, một cơ quan đặc biệt quan trọng của chế độ, hoạt động theo những nguyên tắc phương châm không phù hợp nữa. Tư tưởng thành phần còn đè nặng, đề bạt ai, kết nạp ai vào Đảng, truy nguyên đến đời ông đời cố... Liên quan đến một ông chú đi nước ngoài mất tích hai ba chục năm là hết đi nước ngoài, hết được kết nạp. Cử đi một hội nghị khoa học quốc tế thì lựa những người trên những tiêu chuẩn phi khoa học, làm cho cuộc đi tốn kém vô ích, mà còn bêu xấu với người nước ngoài..."
(Trích kiến nghị gửi Bộ Chính trị trước Đại hội V- 1981)
"... Cán bộ lãnh đạo khi đã thiếu năng lực rất dễ sa vào bệnh lạm dụng quyền lực. Trước hết muốn cho cơ quan đơn vị, địa phương của mình có một bộ máy đông đảo gồm những người chỉ biết tuân lệnh; dễ sa vào công thức, nghi thức, chi tiêu vào lễ tiết nhiều hơn là vào công tác. Những cán bộ lãnh đạo như vậy khó mà tránh khỏi sự cám dỗ về vật chất. Không đủ năng lực mà vẫn giữ chức vụ quan trọng tất nhiên dẫn đến tệ báo cáo láo lên trên, trù dập những người trung thực bên dưới, rồi sa đọa vì hưởng thụ.
Đã đến lúc phải đặt vấn đề thay thế hàng loạt cán bộ lãnh đạo ở tất cả các cấp, kể cả những người đã có một quá trình vẻ vang. Thay đổi nhân sự một cách mạnh dạn chính là một tín hiệu gây tín nhiệm..."
(Trích kiến nghị với Đại hội VI - 1986)
"... Không thể đổi mới với những con người cũ. Cũ về tư duy, về cách làm ăn, cũ vì đã có những sai lầm nghiêm trọng mất hết tín nhiệm trong cán bộ và nhân dân, chứ không phải già hay trẻ, có bằng cấp hay không. Không có gì phá hoại lòng tin bằng việc một cán bộ cao cấp phạm lỗi lại được cử làm một chức vụ khác có khi lại cao hơn. Không có gì làm mọi người chán nản bằng cảnh Đại hội một số Đảng bộ cấp thành hay Tỉnh, nói gì thì nói, có khi tha hồ nói, nhưng bộ máy tổ chức đã bố trí sẵn, cho nên những vai chủ chốt cấp uỷ vẫn là những người cũ, nhiều khi đã mất hết tín nhiệm...”
(Trích thư gửi Tổng Bí thư Trường Chinh trước Đại hội VI- 1986)
"... Ước mơ của tôi là Đại hội 7 tập trung và dứt khoát giải quyết hai vấn đề:
- Cương quyết tuyên bố Đảng trả lại mọi quyền hành cho các cơ quan dân cử và Nhà nước. Và cụ thể hóa là giải thể một loạt bộ phận trực thuộc Trung ương cũng như cấp uỷ các địa phương, trả lại Nhà nước một loạt nhà cửa, chuyển sang khoảng 2/3 cán bộ. Giảm biên chế bắt đầu từ tổ chức Đảng.
- Các đồng chí lãnh đạo tối cao của các ban trung ương hiện nay tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho những người mới. Đó sẽ là một hành động cao quý, nói lên lòng yêu nước vì dân..."
(Trích thư góp ý với Đại hội Đảng VII-1991)
Vai trò của khoa học xã hội và thực hiện dân chủ
"... Làm sao phát động tinh thần độc lập suy nghĩ, có sáng kiến trong mỗi cán bộ đảng viên, mỗi người dân?
... Xin đề nghị: báo, sách, đài, vô tuyến một mặt là những cơ quan của lãnh đạo để phổ biến đường lối chủ trương, một mặt là của nhân dân để nói lên nhiều ý nghĩ trong quần chúng. Có bài nào, có ý nào, có sách nào đạt 2 điều kiện: Không chống lại đường lối chung của Đảng; Luận cứ nghiêm túc, không bâng quơ, thì dù có khác hẳn chính sách chủ trương của một ngành, một bộ, một địa phương nào, các cơ quan thông tin tuyên truyền có nhiệm vụ đưa ra; nếu cần, gây tranh luận... Như vậy gây dư luận và suy nghĩ trong quần chúng, buộc cơ quan phụ trách công khai lãnh trách nhiệm, công khai bảo vệ ý kiến của mình trước mọi người... Tránh tình trạng độc tôn trong các ngành. Độc tôn bao giờ cũng dẫn đến tê liệt trong quần chúng cũng như trong cấp phụ trách.
... Một nguyên nhân nữa làm cho lãnh đạo không nắm được tình hình một cách chính xác là tình trạng quá yếu của khoa học xã hội ở nước ta. Lãnh đạo như một người thầy thuốc chữa bệnh, ngoài việc bản thân khám xét, phải được những phòng xét nghiệm cho biết chụp phim, thử máu kết quả ra sao, rồi tổng hợp các thông tin lại mới chẩn đoán và chữa bệnh... ”
(Trích thư gửi Bộ Chính trị tháng 8.1978)
"... Hiện nay chúng ta mới quan tâm đến khoa học kỹ thuật tự nhiên, khoa học xã hội chưa có vị trí thích đáng. 20 năm qua, khoa học xã hội chỉ làm công việc minh họa đường lối chính sách, chạy theo những nhiệm vụ trước mắt... Ai có ý kiến khác của lãnh đạo hoặc của cơ quan chuyên trách mà nói ra thường bị chụp mũ, và trên gặp dưới thì thường đả thông, hơn là nghe. Xã hội ngày nay rất phức tạp không như trước nữa, không thể nắm một vài nguyên lý rồi ngồi suy diễn, phải có nhiều điều tra thực thể, tập hợp lại, dùng nhiều phương pháp khoa học đúc kết lại... Có thể nói là có một cuộc khủng hoảng trong khoa học xã hội hiện nay, nếu không gỡ ra, thì toàn bộ xã hội sẽ sống trong một không khí trầm lặng, rút cục đến sáng kiến sáng tạo trong khoa học tự nhiên rồi cũng chịu ảnh hưởng. Mà lãnh đạo cũng thiếu một cánh tay đắc lực...”
(Trích thư gửi Ban Chấp hành TƯ Đảng Cộng sản VN ngày 20.2.1979)
“... Để chống lại tư bản man rợ, không để nó tác oai tác quái, nay phải dựng lên một Mặt trận cũng dân tộc, nhân dân, quốc tế còn rộng lớn hơn, tiến hành một cuộc kháng chiến mới, lâu dài hơn, đa dạng hơn, mới mong hạn chế được tham nhũng, bảo vệ được môi trường, giảm nhẹ bất công xã hội, phân hóa giàu nghèo, giữ gìn được thuần phong mỹ tục, phát huy tình người, tôn trọng quyền phụ nữ, trẻ em, các nhóm thiểu số. Một cuộc kháng chiến nhiều mặt, với báo chí, tivi, sách vở, phim ảnh, thành lập đủ thứ hội đoàn, đình công, biểu tình, với lá phiếu bầu cử, phát triển khoa học nhân văn. Không bỏ sót một ngóc ngách nào. Trong nước, ngoài nước, đứng ở bất kỳ vị trí nào cũng có thể tham gia.
Chỉ có khác là kháng chiến lần này, chúng ta không cần đến súng đạn. Và lần này, Marx cũng là thầy dẫn đường với một câu: Một tư tưởng được thâm nhập đại chúng biến thành một lực lượng vật chất.
Chúng ta sẽ làm cho những tư tưởng dân chủ, công bằng xã hội, tinh thần quốc tế, tình nghĩa giữa người với người thâm nhập vào đại chúng. Kỹ thuật hiện đại trao cho chúng ta đầy đủ phương tiện làm việc này, biến tư bản man rợ thành tư bản văn minh...”
(Trích bài viết tháng 6.1993 bằng hai thứ tiếng Pháp-Việt có nhan đề “Bước vào cuộc kháng chiến mới”)

Trung Sơn- 06/05/2007
http://www.nguoidaibieu.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/4/ContentID/13746/Default.aspx

Thursday, September 9, 2010

Trò chuyện với giáo sư Guy T.Houlsby

- Trong tháng 9, các giáo sư từ 6 trường ĐH danh tiếng của Vương quốc Anh như Oxford, Cambridge, Liverpool, Newcastle, Nottingham và Durham đã sang giảng bài cho sinh viên Việt Nam ở 7 trường ĐH về các chủ đề khoa học kỹ thuật, dưới sự hỗ trợ của Sterling Group và Hội đồng Anh. Đây là lần thứ ba Sterling Group đưa các giáo sư của Anh quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có sự tham gia của những ĐH hàng đầu như Oxford, Cambridge và có các giáo sư đứng đầu của các khoa sang giảng dạy.
Mô tả ảnh.
GS Guy T.Houlsby, ĐH Cambridge trả lời phỏng vấn VietNamNet tại khách sạn Hilton.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VietNamNet, giáo sư Guy T.Houlsby (ĐH Cambridge) đã cho biết nhiều kinh nghiệm của các trường ĐH Anh quốc trong việc phát triển nghiên cứu trong trường ĐH.

GS Guy T.Houlsby, Nhóm siêu dẫn khối lớn, Phó trưởng khoa kỹ thuật, ĐH Cambridge, nhấn mạnh: VN muốn có những nhóm nghiên cứu mạnh trong trường ĐH thì phải thu hút được những nhà nghiên cứu tầm cỡ quốc tế sang làm việc.

Vì sao ông sang Việt Nam để giảng dạy cho sinh viên?

Lý do tôi sang Việt Nam là để tìm kiếm sự cộng tác, trao đổi sinh viên, nghiên cứu và trao đổi học thuật, đặc biệt thúc đẩy quan hệ giữa khoa kỹ thuật ở Vương quốc Anh và ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam.

Trong đợt này, ông có định tìm những sinh viên hoặc nghiên cứu sinh giỏi của VN không?

Chúng tôi có rất nhiều ấn tượng tốt với sinh viên VN ở Vương quốc Anh, đặc biệt là SV VN ở ĐH Cambridge, họ học và làm việc rất tốt. Tuy nhiên vấn đề là quỹ nghiên cứu hiện nay rất hạn hẹp đã khiến nhiều SV Việt Nam giỏi đã phải sang Mỹ, và tôi thực sự thấy buồn khi họ ra đi.

Ông giảng dạy những vấn đề gì ở VN, nó có mới ở Vương quốc Anh không, ông có nghĩ là SV VN có hiểu được?

Ngày 8/9, tổ chức QS World University Rankings cho biết lần đầu tiên ĐH Havard đã phải nhường vị trí số một cho ĐH Cambridge của Vương quốc Anh.

Những vấn đề tôi giảng là nằm ở các nghiên cứu, mà những nghiên cứu thì luôn luôn mới. Tôi thường xuyên phải cập nhật những thông tin mới nhất cho nghiên cứu của mình. Bài giảng của tôi đề cập đến các đặc tính về của chất siêu dẫn nhiệt độ cao, cách chế tạo chúng và ứng dụng của vật liệu này.

Nhiệm vụ của tôi là phải làm cho người ta hiểu được, nếu tôi giảng mà không ai hiểu được thì đó là lỗi của tôi chứ không phải của sinh viên. (cười)

Ứng dụng của vật liệu siêu dẫn dùng cho tàu chạy bằng đệm từ trường, chụp ảnh cắt lớp hoặc dùng để lưu trữ năng lượng, đặc biệt là làm nam châm siêu dẫn (từ trường rất lớn so với nam châm thông thường).

Tôi đã có hai bằng phát minh sáng chế từ vật liệu siêu dẫn này, cả hai giúp chế tạo những vật liệu có tính chất ưu việt nhưng giá thành rất thấp, có thể ứng dụng được trong ngành công nghiệp.

Việc thành lập những công ty trong trường đại học đã đem lại lợi ích gì cho trường ĐH và các nhà nghiên cứu trong trường của ông?

Mô tả ảnh.
ĐH Cambridge, Vương quốc Anh năm nay xếp số 1 thế giới

Các trường ĐH, trong đó có ĐH Cambridge, có Khoa Công nghệ và khoa học, thường có rất nhiều sáng kiến cho trường.

Khoa này có tiềm năng kiếm tiền cho trường hay tạo ra các thiết bị. Trường ĐH của tôi cũng có Khoa Doanh nghiệp, khoa này đưa ra lời khuyên cho những người như tôi nên nghiên cứu về vấn đề gì để có thể thương mại hoá được. Nếu tôi có ý tưởng hay, trường ĐH sẽ tạo điều kiện nuôi dưỡng ý tưởng đó, hỗ trợ tôi đến khi đạt một mức nào đó và họ nói: điều này không còn thuộc phạm vi của trường ĐH, đây là công việc của một công ty, vì thế, chúng tôi có thể chuyển ra thành lập công ty mà nhà trường không đòi tiền chúng tôi.

Nếu tôi kiếm được tiền từ việc bán phát minh, sáng chế, tôi đầu tư trở lại nhóm nghiên cứu và sẽ có nhiều nhóm nghiên cứu hơn, làm được nhiều việc hơn, chẳng hạn như tuyển thêm người vào làm việc. Trong nhóm nghiên cứu của tôi, có ba người cùng làm là tôi, một sinh viên và một người làm sau tiến sĩ đều được hưởng lợi như nhau từ việc này.

Các trường ĐH Việt Nam cũng đang mong muốn thành lập những nhóm nghiên cứu như ở các nước phát triển, ông có lời khuyên nào không?

Sterling Group là tổ chức đại diện cho 20 trường ĐH hàng đầu về nghiên cứu kỹ thuật của Vương quốc Anh. Từ ngày 6-10/9/2010, chuyến thăm của Sterling bắt đầu bằng buổi nói chuyện với sinh viên và các bộ nghiên cứu muốn tìm học bổng tiến sĩ tại Anh. Các GS đã hướng dẫn cách viết đề cương nghiên cứu, tìm học bổng.

Đó là mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể thực hiện được trong thời gian dài. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải thu hút được những nhà nghiên cứu giỏi tầm cỡ quốc tế đến VN làm việc. Chẳng hạn như nhóm nghiên cứu của tôi, trong vòng 18 năm, chỉ tuyển có một người thuộc Vương quốc Anh, còn lại là Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan...Quan trọng nhất là thu hút được người giỏi nhất, chứ không phải là từ nước nào.

Nghiên cứu cơ bản đòi hỏi đầu tư rất nhiều tiền, có lẽ Chính phủ phải tài trợ việc này. Việc chúng tôi, những giáo sư từ các trường ĐH danh tiếng nước Anh đến giảng dạy ở các trường ĐH VN thông qua nhóm Sterling (có sự tài trợ của Chính phủ Anh) là giúp thực hiện một phần nhỏ cho mục tiêu ấy. Chúng tôi để lại địa chỉ liên hệ, thông tin về các trường ĐH, khuyến khích các bạn SV và hỗ trợ sự phát triển của giáo dục đại học VN.

Tất nhiên, việc thu hút những người nước ngoài đến làm việc ở VN cũng là một thách thức, bởi vì phải có nhiều tiền trả cho họ.

Ai tài trợ cho các nhóm nghiên cứu trong trường ĐH ở Vương quốc Anh thưa GS?

GS.jpg
GS Guy T.Houlsby tại Khoa Kỹ thuật, ĐH Cambridge

Từng nhóm nghiên cứu thì nhận được những tài trợ khác nhau. Ở Vương quốc Anh, Trường ĐH cần phải viết dự án và đệ đơn trình Chính phủ về việc tài trợ. Nếu đề tài của tôi thật tốt thì mới nhận được tiền của Chính phủ. Nhưng thông thường là rất khó khăn khi có được tiền nghiên cứu theo cách này.

Với Khoa kỹ thuật, chúng tôi thường làm việc với các công ty của Anh quốc. Hầu hết nghiên cứu của khoa chúng tôi là nghiên cứu công nghiệp cho nên hãng Boeing tài trợ phần lớn các nghiên cứu đó. Cứ ba năm, nhóm nghiên chúng tôi (gồm từ 8 đến 10 người làm việc) nhận được khoản tài trợ là 1 triệu bảng Anh. Trong khi đó, lương của tôi được trường ĐH Cambridge trả, vì tôi có hợp đồng dài hạn. Vì thế, khoản tiền tài trợ nhận được, tôi trả lương cho những người nghiên cứu, không phải trả cho tôi. Nếu tôi không tìm được quỹ tài trợ nghiên cứu, tôi vẫn được hưởng lương của trường ĐH.

Những thành quả nghiên cứu đó được sử dụng như thế nào?

Những nghiên cứu, khi đã được tài trợ chỉ hứa hẹn là nó sẽ mang tới một cơ hội thành công, nhưng không ai dám bảo đảm chắc chắn rằng nó sẽ được sử dụng như thế nào, nếu biết trước thì đã không gọi là nghiên cứu. Một tổ chức nghiên cứu tốt sẽ nói: chúng tôi chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra, chúng tôi sẽ làm thật tốt để khám phá nhưng không đảm bảo chắc chắn. Tất nhiên, kết quả của các nghiên cứu sẽ là các bài viết học thuật hay bài báo...