Tuesday, March 16, 2010

Làm cách nào để thành công trong khoa học?

Đây là bản dịch của một bài viết rất hài hước về cách thức làm việc của các nhà khoa học “dỏm”. Bài viết này (nguyên bản tiếng Anh) từng được trao giải thưởng “Bài báo hay nhất trong năm” của Tập san Perspectives in Biology and Medicine. Có lẽ qua bài viết, người ta muốn cảnh cáo những ai nuôi ảo vọng làm khoa học theo hiểu mà tác giả nêu lên dưới đây. Cố nhiên, ý của tác giả là nếu các bạn muốn trở thành một nhà khoa học chân chính thì phải làm tránh hay thậm chí làm ngược lại những “lời khuyên” trong bài này. .

Dường như phần đông các nhà khoa học trẻ chưa được huấn luyện về những phương cách để thành công trong hoạt động khoa học, như xin tài trợ, được giới đồng nghiệp ghi nhận, hay có một bản lí lịch dài hơn danh sách các bài báo đã công bố, v.v... Để khắc phục sự thiếu sót này, tôi xin trình bày một số chỉ dẫn cụ thể sau đây. Cố nhiên, thỉnh thoảng cũng có vài chú cừu đen, những chú cừu nhất định theo đuổi một lí tưởng khoa học, bất chấp thành công hay được ghi nhận hay không, và trong trường hợp đó, những chỉ dẫn sau đây sẽ không áp dụng cho họ. Tuy nhiên, chú ý rằng những nguyên lí được trình bày sau đây sẽ giúp cho các bạn một cái khung để xây dựng và bồi đấp thêm.

1. Thoải mái! Chúng ta chỉ ở giữa cái gọi là “mô thức” (paradigm) và cách mạng mà thôi. Phần lớn những lo lắng, phiền muộn gắn liền với việc nghiên cứu khoa học ngày nay đã được Thomas Kuhn giải tỏa từ lâu lắm rồi. Đại đa số các nhà khoa học ngày nay chỉ làm nghiên cứu khoa học bình thường, làm khoa học trong mô thức, chẳng hạn như phân tích các phân tử trong nước. Những tiến bộ thực sự phải chờ đến một cuộc thay đổi về mô thức và chỉ xảy ra trong tương lai.

Do vậy, các bạn nên thoải mái, vì những nghiên cứu của các bạn sẽ chẳng có tác dụng gì lâu dài cả. Dĩ nhiên, có người có thể sẽ tham gia vào việc làm thay đổi mô thức, và chẳng ai có thể ngăn cản họ. Tuy nhiên, phần lớn các nhà khoa học khác cần nhận thức rằng việc làm sáng tỏ mô thức đương đại là cần thiết cho những cuộc cách mạng khoa học trong tương lai. Thử tưởng tượng xem: muốn đưa ra những cống hiến cơ bản làm thay đổi lối suy nghĩ của mọi người, làm cho mọi người phải xem xét lại những giả định mà họ dùng trong nghiên cứu hàng ngày thì nó khó biết là dường nào. Chẳng phải là một việc đội đá vá trời ư!

2. Chiến lược để trở thành nổi tiếng. Một khi đã có một thái độ thoải mái về tầm quan trọng của nghiên cứu của chính mình, các bạn sẽ cảm thấy rất dễ dàng tập trung vào công việc của một nhà khoa học. Trong chiều hướng này, trở thành nổi tiếng là một ưu tiên thứ hai. Khổ một nỗi là rất nhiều người trong các bạn quá coi thường việc trở thành nổi tiếng, nhất là trong lĩnh vực xin tài trợ và … đi du lịch. Nhưng để trở nên nổi tiếng là một việc làm dễ hơn nhiều người tưởng. Có nhiều lựa chọn lắm. Một trong những cách chắc ăn nhất và nhanh chóng chất để trở nên nổi tiếng là làm việc với những người đã nổi tiếng. Điều này sẽ bảo đảm thanh danh hạng hai, rất cần thiết để tự mình xây dựng sự nghiệp và tên tuổi của chính mình.

Một cách khác để trở thành nổi tiếng là đứng ra tổ chức một hội thảo về một đề tài “nóng” nào đó và mời tất cả những người nổi tiếng trong lĩnh vực đó, kể cả người mà bạn đang làm chung, tham gia. Rồi liệt kê tên mình trong danh sách của chương trình hội nghị. Kĩ thuật này có hiệu quả diệu kì, và đã là con đường đưa vô số các nhà khoa học vô danh trở nên nổi tiếng trong một thời gian rất ngắn.

Một cách có hiệu quả khác là công bố những bài báo hay những bài tóm lược (abstract) mỗi tuần trong lĩnh vực mà các bạn chọn. Phương pháp này cần chút nỗ lực nhưng nếu thực thi cẩn thận (kèm theo những chỉ dẫn dưới đây) sẽ đem lại kết quả rất mĩ mãn.

3. Công bố những bài báo thường xuyên dưới dạng tóm lược. Các nhà khoa học hiện đại không có thì giờ để đọc hết tài liệu chuyên môn. Như nói trên, phần lớn nghiên cứu không có ảnh hưởng gì lâu dài, và cũng chẳng có bao nhiêu người chú ý. Thành ra, việc đọc tài liệu chuyên môn là một sự phung phí thời gian! Do đó, cần phải lợi dụng vào một thực tế là các bạn chỉ có thể ảnh hưởng các đồng nghiệp qua các công trình nghiên cứu của các bạn qua … tên tuổi. Lenin từng nói một lời nói dối được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành chân lí. Áp dụng nguyên lí đó, các nhà quảng cáo hay lặp đi lặp lại những gì đơn giản, dễ hiểu, và phương pháp này cũng rất có hiệu quả trong khoa học. Tên tuổi các bạn càng hiện ra trên mặt giấy càng nhiều, mức độ ảnh hưởng của các bạn càng cao và càng nổi tiếng.

Cố nhiên, việc chọn lựa phương tiện cũng rất quan trọng; nói chung, các bạn nên công bố càng thường xuyên càng tốt trên các báo chí và tạp chí khoa học phổ thông, nhưng các tập san khoa học cũng có thể dùng đến. Các bạn nên cố gắng công bố khoảng một trang cho mỗi tuần, và tên bạn nên xuất hiện tác giả đầu hay tác giả sau cùng. Càng nhiều đồng tác giả càng tốt, bởi vì ai cũng biết chỉ có tác giả sau cùng mới thật sự là người điều hành mọi chuyện, và nó cũng cho thấy bạn chắc phải là người đã có tiếng tăm nên mới có nhiều nhà khoa học làm việc cho bạn như thế.

Một số người sẽ cãi lại rằng mỗi bài báo nên chứa những thông tin mới, nhưng những người này không biết đến những bài học từ Đại lộ Madison. Trong thực tế, khi các bạn càng nói nhiều về một điều nào đó, thì người ta càng nhớ đến tên tuổi của các bạn. Một khi các bạn công bố một dữ kiện nhiều lần, và mỗi lần với vài thay đổi nho nhỏ, bạn sẽ càng có thêm uy tín trong đồng nghiệp và trong tâm trí của chính bạn. Thêm nữa, ngay cả lĩnh vực chuyên môn mà bạn làm việc từng bị xem là ngành hẹp hay thiếu hấp dẫn, cũng có thể trở nên quan trọng khi mỗi lần chúng xuất hiện trên giấy in.

Dĩ nhiên, hình thức cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thành công. Công bố những bài tóm lược (abstracts) có nhiều lợi điểm mà người ta thường hay không để ý đến. Thứ nhất, nó cho bạn cơ hội đi du lịch. Thứ hai, bài tóm lược ít khi nào được bình duyệt (và các bạn đã quá biết những câu chuyện khủng khiếp về việc bình duyệt bài báo khoa học. Những kẻ bất tài ghanh tị bạn không cho bạn công bố công trình tuyệt vời mà bạn theo đuổi cả … vài tháng). Thứ ba, và quan trọng nhất, những bài tóm lược cung cấp một tài liệu để các bạn có thể đề cập đến sau này, và nếu những dữ kiện trong bài tóm lược đúng thì bạn sẽ có tiếng, còn sai thì bạn chẳng cần phải đề cập đến nó. Cả hai trường hợp đều rất tiện lợi. Bài tóm lược cũng làm cho lí lịch khoa học các bạn dày hơn và oai hơn, vì có nhiều người không phân biệt được abstract và paper.

Trong vài trường hợp, nhất là một khi bạn đã có kinh nghiệm, bạn có thể công bố nhiều bài tóm lược cùng một lúc, mỗi bài viết về cùng một vấn đề với vài thay đổi nhỏ về chi tiết. Một số hiệp hội khoa học chỉ cho phép mỗi tác giả đệ trình một bài tóm lược, nhưng giới hạn này cũng rất dễ vượt qua. Phần lớn các nhà khoa học nhận thức rằng nghiên cứu sinh, cộng sự viên đều có thể trở thành tác giả, nhưng ít ai để ý đến các nhân viên hành chính, những người sẽ hoàn toàn vui vẻ để có tên xuất hiện trên báo! Với một kế hoạch soạn sẵn, bạn có thể có nhiều abstracts cùng công bố một lượt, một abstract với tên bạn đứng đầu, còn lại thì tên bạn đứng sau cùng. Có một huyền thoại rất nổi tiếng về một nhà khoa học nọ có tên trong tất cả các abstracts trong một buổi hội thảo! Bạn vẫn có thể làm nên huyền thoại đó.

4. Công bố những gì không thể phản biện hay phản nghiệm được. Nhiều nhà khoa học trẻ hiểu lầm rằng nên công bố các bài báo với những phân tích cẩn thận, và suy nghĩ sâu xa. Không hẳn thế: bạn có thể tiết kiệm thời gian bằng cách công bố những kết quả chẳng có ý nghĩa gì cả. Rất ít người đọc báo cáo khoa học. Thành ra, không nên tốn thì giờ vô ích để phân tích kết quả. Quan trọng hơn, nên tập trung vào kết quả mà bạn ghi nhận được, với vài khác biệt về phương pháp so với các công trình trước, thì sự khác biệt về kết quả đều có thể giải thích được, nếu cần. Bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy lỗi lầm, nhất là bạn không thèm bàn luận đến ý nghĩa và tầm quan trọng của kết quả nghiên cứu.

Một cách đơn giản nhất để tránh khỏi những phiền phức, xấu hổ, là chỉ công bố những kĩ thuật được cải tiến. Công bố những phương pháp mới ít khi nào dẫn đến những tranh cãi mang tính lí thuyết với đồng nghiệp mà vẫn cho phép một thảo luận hào hứng về độ pH. Tốt hơn nữa, phát triển một reagent mà đồng nghiệp có thể sử dụng được và phân phối cho các đồng nghiệp khác với một yêu cầu khiêm tốn là cho tên bạn vào các bài báo nào dùng đến cái reagent. Với phương pháp này, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy bản lí lịch của bạn sẽ kéo dài ra một cách đáng kể hồi nào mà bạn không hay! Nếu vì một lí do nào đó, bạn cần phải thảo luận hay suy luận về kết quả nghiên cứu trên mặt báo, thì bạn cần phải giới hạn những suy luận về những ý tưởng mà sẽ chẳng thể nào thử nghiệm trong khi bạn còn sống.

5. Trình bày công trình nghiên cứu trong mọi diễn đàn. Một trong những lợi ích của việc làm khoa học là cơ hội đi du lịch. Dĩ nhiên, càng có tiếng, cơ hội càng nhiều. Tương tự, càng xuất hiện trong công chúng càng nhiều, bạn càng dễ trở nên nổi tiếng. Thêm vào đó, phần lớn hội nghị cho bạn cơ hội để công bố ít nhất là một abstract. Khi trình bày abstract, cần chú ý đến những hình ảnh (slides) hấp dẫn, nhưng không quá chú ý đến phần chi tiết. Một lời khuyên quan trọng: bỏ đi những thông tin thống kê, đặc biệt là biểu đồ, bởi vì chúng thường làm cho người xem bị cuốn hút khỏi cái điểm chính của slide. Trái lại với trường hợp công bố bài báo trên tạp chí, trong các hội nghị, bạn cứ tự do suy luận. Thực ra, không cần phải để cho dữ kiện gò bó bạn. Nên nhớ rằng ảnh hưởng của bạn sẽ lớn hơn nếu bạn tuyên bố những kết luận vượt ra giới hạn của kết quả nghiên cứu. Nếu có ai chất vấn một cách nghiêm túc những phát biểu của bạn, thì bạn có thể tránh phiền hà bằng cách nói rằng đối phương chưa dùng đúng đúng độ pH.

Trình bày kết quả nghiên cứu trong các hội nghi khoa học là một điều cần nhưng chưa đủ để thành công. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Khi bạn được mời tham dự một hội nghị, nhớ ghi xuống ai mời bạn, để sau này khi bạn tổ chức hội nghị bạn mời lại họ. Sau nhiều lần như thế bạn sẽ thấy tổ chức một hội nghị sẽ rất dễ dàng, và bạn sẽ đi dự nhiều hội nghị như thế. Và nếu bạn đã thành công, bạn có thể nghĩ đến việc thành lập một hiệp hội gồm những người cùng cảnh ngộ hay hoạt động trong cùng một ngành nghiên cứu.

6. Viết đơn xin tài trợ cho những công trình mình đã làm xong. Thực ra, điều này không cần nói thì ai cũng biết. Có ai lại cho chúng ta tiền nếu chúng ta chưa chứng minh đã/sẽ làm được. Nhưng rất tiếc là vẫn còn nhiều nhà khoa học trẻ chưa nắm vững vấn đề, nên dám viết đơn đề nghị làm những nghiên cứu mà họ chưa từng làm. Phần đông những người duyệt đơn xin tài trợ loại bỏ những đơn đề nghị những ý tưởng mới, những công trình nghiên cứu táo bạo, họ chỉ thích yểm trợ những công trình nào mà họ nghĩ là chắc chắn sẽ thực hiện được.

Đương nhiên, trong bối cảnh như thế, bạn cần phải cẩn thận trong vấn đề thời điểm công bố những bài báo khoa học của mình sao cho những bài báo này chưa in khi đơn xin tài trợ đang được cứu xét. Những nhà khoa học loại “nai tơ” có thể sẽ lâm vào tình thế là không có khả năng làm thí nghiệm trước khi nộp đơn xin tài trợ. Cách hay nhất để giải quyết vấn đề này là để nghị công trình nghiên cứu tương tự như những gì mà mình đang làm với một nhân vật nổi tiếng nào đó. Nếu cách này không khả dĩ, thì bắt buộc bạn phải đưa ra những đề nghị mới. Nếu như thế, nhớ làm cho công trình nghiên cứu khác đi một chút so với công trình mà người khác đã làm trước đây. Điều này làm cho những người duyệt đơn nghĩ rằng công trình nghiên cứu của bạn nằm trong đường hướng nghiên cứu đương đại.

7. Không nên phí phạm thì giờ cho giảng dạy. Nên nhớ rằng mục tiêu tối hậu của bạn là thành công trên trường nghiên cứu khoa học. Dù một số giảng dạy có thể đem lại vài lợi ích, nhất là bạn có cơ hội tiếp xúc và có thể thu nhận những học sinh có khả năng làm việc cho bạn (và là nguồn tác giả cho các bài báo sau này), nhưng giảng dạy là một khía cạnh chiếm nhiều thì giờ. Chẳng ai đề bạt bạn lên chức danh giáo sư vì thành tích giảng dạy, vì thế đừng phí thì giờ với đám sinh viên gà mờ!

Có thể cấp trên sẽ làm áp lực bạn để bạn phải nhận lãnh trách nhiệm giảng dạy, nhất là trước khi bạn được vào biên chế chính thức, nhưng áp lực này có thể hóa giải một cách dễ dàng. Chẳng hạn như luôn luôn trình bày các công trình nghiên cứu của bạn một cách mà không đám sinh viên nào có thể hiểu được. Trong các khoa y, đây là một thói quen mà giới khoa bảng bên y đã dùng và khá thành công. Bác sĩ đang làm nghiên cứu sinh thì làm gì hiểu được các vấn đề chuyên sâu, nên các giáo sư y khoa tha hồ nói mà chính họ cũng chẳng biết họ nói cái gì!

Một cách khác cũng có hiệu quả là cung cấp những chi tiết về phương pháp mà bạn sử dụng trong phòng thí nghiệm, đặc biệt nhấn mạnh đến mức độ pH. Thông thường, nghiên cứu sinh bị dội một lượng bom thông tin rất nhiều, nên họ không có khả năng và thì giờ suy nghĩ để đặt những câu hỏi thông minh. Cái lợi điểm của cách này rất hiển nhiên: dần dần bạn sẽ thấy giảng dạy không tốn thì giờ nhiều, và trong khi đó bạn có thì giờ viết abstracts cho các hội nghị chuyên môn!

8. Thương mại hóa. Có tiếng tăm là một điều tốt, nhưng càng thoải mái hơn nếu tiếng tăm được kèm theo tài chính. Vai trò truyền thống của nhà khoa học không hẳn là hấp dẫn so với các ngành nghề khác. Nhưng tình trạng này đang thay đổi nhanh chóng. Một trong những lựa chọn hấp dẫn với khoa học hiện nay là khả năng ứng dụng và thương mại hóa những công trình nghiên cứu của giới khoa học. Nhiều nhà khoa học phát hiện rằng thành lập những công ti để thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình cũng đem lại nhiều lợi ích tài chính. Cái “đẹp” của hệ thống này là không có một sự rủi ro nào cả. Nếu ứng dụng vào thương trường mà không đem lại lợi tức, thì bạn vẫn có thể xin tài trợ thêm để nghiên cứu tiếp. Còn nếu công trình nghiên cứu của bạn thương mại hóa thành công, đem lại lời cho công ti, thì bạn vẫn có thể dùng các chức vụ khoa bảng của mình, dùng quan hệ chuyên môn trong ngành của mình để nắm vững thông tin về các đề tài khoa học “nóng” và đem những thông tin này cho công ti của mình. Do đó, thương mại hóa đem lại khá nhiều lợi ích về tinh thần lẫn vật chất.

Tóm lại, tuân thủ theo những nguyên lí trên đây sẽ không chắc chắn đem lại thành công, nhưng kinh nghiệm của nhiều nhà khoa học trong quá khứ rất nhất quán với giả thiết rằng các chỉ dẫn trên đây rất thực tế (p nhỏ hơn 0.05 dùng cách thử nghiệm Wilcoxon X-test với pH 5.5) và có thể nâng cao cơ hội bạn được kính trọng trong đồng nghiệp, giàu có, và sau cùng là được biết đến như là một nhà khoa học thành công. Nếu không hiệu quả như mong muốn, thì các chỉ dẫn trên đây cũng tối thiểu bảo vệ bạn không phải xa rời hay sa ngã quá xa những biên giới của khoa học bình thường, những lằn ranh mà bạn có thể bị chụp mũ là những người gây rối hay những con cừu đen.

Friday, March 12, 2010

Minh triết không là gì?

Thay vì tìm cách định nghĩa "Minh triết là gì?", một cách đặt câu hỏi khác: "Minh triết không là gì?" sẽ giúp ích cho việc chỉ ra các đặc điểm mà vẫn giữ được tính Không và tính Mờ rất đặc trưng của Minh triết, đồng thời thấy được những hạn chế của Minh triết trong việc thúc đẩy sự phát triển.

>> Bài 1: Minh triết - Cô gái đồng trinh

Minh triết không lịch sử

Minh triết, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, là sự thông thái trong cuộc sống. Minh triết thường gắn với những trải nghiệm, tri thức và lựa chọn của cá nhân và ẩn vào cách sống, cách cư xử chứ ít khi kết thành tư tưởng trong trước tác của nhà hiền triết để đời sau có thể nghiền ngẫm, nghiên cứu như một thực thể tự nó. Sự kế thừa của Minh triết là sự bắt chước, học hỏi của các cá nhân những điều mà cá nhân đó cho là khôn ngoan nhất, thích hợp nhất với mình chứ bản thân Minh triết như một thực thể không có tính tự kế thừa và do đó, không có lịch sử. Khi nhà hiền triết mất đi, Minh triết của nhà hiền triết đó cũng mất đi theo, dù tư tưởng của nhà hiền triết đó, nếu có, vẫn có thể được lưu truyền trong đời sống. Trong thực tế, có những nhà hiền triết không tư tưởng.

Minh triết gắn liền với sự sống và sự lựa chọn trong cách ứng xử với cuộc sống, bao gồm cả ứng xử với thiên nhiên, xã hội và bản thân mình, nên Minh triết chỉ tìm thấy trong thì hiện tại, gắn liền với đời sống của một cá nhân.

Vì không có lịch sử, và chỉ sống ở thì hiện tại, nên Minh triết như một thực thể tự nó không có tương lai. Nói cách khác, không thể phỏng đoán những diễn tiến tương lai của Minh triết như của Triết học, Toán học, Vật lý, Sinh học... dựa trên quá khứ của nó. Vì đơn giản, những con người tương lai vẫn chưa ra đời để sống và thực hành Minh triết tương lai đó.

Ảnh: chungta.com
Minh triết không cấu trúc

Khác với Triết học, Minh triết không có cấu trúc, không kết thành một hệ thống lý luận chặt chẽ. Lý do là Minh triết luôn gắn liền với đời sống của một cá nhân. Mà mỗi cá nhân một khác, không có những cá nhân giống hệt nhau. Nên Minh triết của các cá nhân cũng khác nhau, dù có cùng một phông nền đời sống. Do đó, Minh triết của các cá nhân không kết nối thành một hệ thống có cấu trúc xác định.

Minh triết do đó chỉ là những mảnh rời tri thức và trải nghiệm của cá nhân về tự nhiên, xã hội và bản thân mình. Minh triết chỉ là một kho vật liệu về cuộc sống, chứ không phải là một tòa nhà tư tưởng về cuộc sống.

Triết học, khác với Minh triết, được xây dựng một phần lớn từ những khái niệm được định nghĩa chính xác và quá trình suy luận logic, nên có tính lặp lại với những cá nhân khác nhau, miễn sao các cá nhân đó đều thống nhất về ý nghĩa của các khái niệm và quá trình suy luận đó, nên Triết học là một bộ môn khoa học, có lịch sử, có kế thừa, có cấu trúc, trái ngược với Minh triết nhấn mạnh vào trải nghiệm và trực giác nên có hơi hướng của huyền học.

Minh triết không lý tính

Minh triết gắn liền với đời sống và nghiệm sinh của cá nhân, lại chủ yếu là những nghiệm sinh đời thường của các cá nhân đời thường, nên Minh triết nặng về trực giác và cảm tính thay vì lập luận logic và lý tính như Triết học hay các ngành khoa học cụ thể.

Minh triết có xu hướng sử dụng trải nghiệm và tri thức sao cho khôn ngoan nhất, có lợi nhất chứ không nhằm mục đích tạo ra tri thức. Sự thiếu hụt một hệ thống khái niệm được định nghĩa rõ ràng và một quá trình tư biện, suy luận logic cũng làm cho lý tính của Minh triết vốn đã yếu lại càng yếu hơn.

Sự không lặp lại giữa các cá nhân, không thể kiểm chứng lại một cách chính xác thông qua suy luận hoặc thực nghiệm, làm cho phần lý tính của Minh triết bị nhòe đi do bị điều chỉnh chủ quan khi truyền từ cá nhân này sang cá nhân khác dưới dạng học hỏi, bắt chước.

Do sự nhòe đi như thế, và do sự lấn át của trực giác so với logic, cảm tính so với lý tính, cộng với việc thiếu hụt một bộ khung logic và khái niệm chính xác chống đỡ, nên so với Triết học - nếu được coi là động vật có xương sống - thì Minh triết có vẻ giống một loại động vật thân mềm.

Minh triết không hướng ngoại

Minh triết chủ yếu hướng sự quan tâm của mình vào những cách cư xử, những lựa chọn được cho là thông thái nhất cho cá nhân trong mỗi hoàn cảnh cụ thể, nên chủ yếu tập trung vào phục vụ đời sống con người, chứ ít khi đi xa hơn con người. Nếu có, thì cũng để thu lượm những cảm xúc, trải nghiệm hoặc tri thức để trở lại với con người. Vì thế, Minh triết hầu như không hướng tới thế giới tự nhiên như một đối tượng để tìm tòi nghiên cứu. Mà ngược lại, Minh triết luôn quanh quẩn với đời sống con người.

Sự thiếu hụt lịch sử tự thân, cấu trúc và lý tính càng hạn chế Minh triết hướng ra thế giới tự nhiên. Vì sự rộng lớn của giới tự nhiên đòi hỏi một hệ thống khái niệm và lý thuyết đồ sộ để diễn giải, điều mà Minh triết không có.

Minh triết vì thế, gắn liền với những vấn đề của con người như trật tự xã hội, ứng xử, đạo đức, văn hóa... với mục đích làm cho cuộc sống của con người tốt hơn thông qua việc kiểm soát và điều phối những vấn đề của con người mà hầu như bỏ qua việc tìm hiểu thế giới tự nhiên bên ngoài. Nói cách khác, Minh triết luôn hướng về con người và đặt con người vào trung tâm sự quan tâm của mình.

Minh triết không cố định

Minh triết gắn liền với cuộc sống đời thường. Mà cuộc sống đời thường thì không cố định bao giờ. Nên Minh triết, về bản chất, lưu tâm và chú trọng cái thay đổi, cái biến động, cái "thời" trong cuộc sống.

Sự thiếu hụt một bộ khung lý tính càng làm cho Minh triết dễ dịch chuyển, đôi khi chỉ bằng một cái chặc lưỡi cá nhân. Còn Triết học, do đặt giới tự nhiên - một thực thể tương đối ổn định trong khoảng thời gian dài - vào trung tâm của sự suy tưởng, nên Triết học ổn định và yên tĩnh hơn nhiều.

Cũng có thể dùng một hình ảnh khác để diễn tả sự mềm mại, linh hoạt của Minh triết, đó là nước. Nước mềm mại, nước luồn lách vào mọi ngõ ngách, nước luôn hướng về chỗ trũng giống như Minh triết luôn hướng về đời sống con người.

Những điều này tạo ra tính Không và tính Mờ rất đặc trưng của Minh triết phương Đông mà Minh triết Việt là một bộ phận cần được khám phá.

Tuy nhiên, tính Không và tính Mờ này có ý nghĩa về mặt bảo tồn Văn hóa nhiều hơn là thúc đẩy Phát triển, nên việc xây dựng Minh triết như một chủ thuyết phát triển cần phải hết sức thận trọng, nếu không muốn nói là không thể, để tránh sa vào những bẫy ngôn ngữ, bẫy giá trị và bẫy thời gian.

Sự thận trọng và tỉnh táo này còn giúp cho bản thân Minh triết không bị bóp méo thành nơi trú ẩn của những hủ lậu, những ám ảnh của quá khứ, làm tổn hại đến sự phát triển của đất nước. Vì sự phát triển có được, suy cho cùng là dựa trên những cái Có và Rõ, chứ không phải là cái Không và Mờ