Friday, March 12, 2010

Minh triết không là gì?

Thay vì tìm cách định nghĩa "Minh triết là gì?", một cách đặt câu hỏi khác: "Minh triết không là gì?" sẽ giúp ích cho việc chỉ ra các đặc điểm mà vẫn giữ được tính Không và tính Mờ rất đặc trưng của Minh triết, đồng thời thấy được những hạn chế của Minh triết trong việc thúc đẩy sự phát triển.

>> Bài 1: Minh triết - Cô gái đồng trinh

Minh triết không lịch sử

Minh triết, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, là sự thông thái trong cuộc sống. Minh triết thường gắn với những trải nghiệm, tri thức và lựa chọn của cá nhân và ẩn vào cách sống, cách cư xử chứ ít khi kết thành tư tưởng trong trước tác của nhà hiền triết để đời sau có thể nghiền ngẫm, nghiên cứu như một thực thể tự nó. Sự kế thừa của Minh triết là sự bắt chước, học hỏi của các cá nhân những điều mà cá nhân đó cho là khôn ngoan nhất, thích hợp nhất với mình chứ bản thân Minh triết như một thực thể không có tính tự kế thừa và do đó, không có lịch sử. Khi nhà hiền triết mất đi, Minh triết của nhà hiền triết đó cũng mất đi theo, dù tư tưởng của nhà hiền triết đó, nếu có, vẫn có thể được lưu truyền trong đời sống. Trong thực tế, có những nhà hiền triết không tư tưởng.

Minh triết gắn liền với sự sống và sự lựa chọn trong cách ứng xử với cuộc sống, bao gồm cả ứng xử với thiên nhiên, xã hội và bản thân mình, nên Minh triết chỉ tìm thấy trong thì hiện tại, gắn liền với đời sống của một cá nhân.

Vì không có lịch sử, và chỉ sống ở thì hiện tại, nên Minh triết như một thực thể tự nó không có tương lai. Nói cách khác, không thể phỏng đoán những diễn tiến tương lai của Minh triết như của Triết học, Toán học, Vật lý, Sinh học... dựa trên quá khứ của nó. Vì đơn giản, những con người tương lai vẫn chưa ra đời để sống và thực hành Minh triết tương lai đó.

Ảnh: chungta.com
Minh triết không cấu trúc

Khác với Triết học, Minh triết không có cấu trúc, không kết thành một hệ thống lý luận chặt chẽ. Lý do là Minh triết luôn gắn liền với đời sống của một cá nhân. Mà mỗi cá nhân một khác, không có những cá nhân giống hệt nhau. Nên Minh triết của các cá nhân cũng khác nhau, dù có cùng một phông nền đời sống. Do đó, Minh triết của các cá nhân không kết nối thành một hệ thống có cấu trúc xác định.

Minh triết do đó chỉ là những mảnh rời tri thức và trải nghiệm của cá nhân về tự nhiên, xã hội và bản thân mình. Minh triết chỉ là một kho vật liệu về cuộc sống, chứ không phải là một tòa nhà tư tưởng về cuộc sống.

Triết học, khác với Minh triết, được xây dựng một phần lớn từ những khái niệm được định nghĩa chính xác và quá trình suy luận logic, nên có tính lặp lại với những cá nhân khác nhau, miễn sao các cá nhân đó đều thống nhất về ý nghĩa của các khái niệm và quá trình suy luận đó, nên Triết học là một bộ môn khoa học, có lịch sử, có kế thừa, có cấu trúc, trái ngược với Minh triết nhấn mạnh vào trải nghiệm và trực giác nên có hơi hướng của huyền học.

Minh triết không lý tính

Minh triết gắn liền với đời sống và nghiệm sinh của cá nhân, lại chủ yếu là những nghiệm sinh đời thường của các cá nhân đời thường, nên Minh triết nặng về trực giác và cảm tính thay vì lập luận logic và lý tính như Triết học hay các ngành khoa học cụ thể.

Minh triết có xu hướng sử dụng trải nghiệm và tri thức sao cho khôn ngoan nhất, có lợi nhất chứ không nhằm mục đích tạo ra tri thức. Sự thiếu hụt một hệ thống khái niệm được định nghĩa rõ ràng và một quá trình tư biện, suy luận logic cũng làm cho lý tính của Minh triết vốn đã yếu lại càng yếu hơn.

Sự không lặp lại giữa các cá nhân, không thể kiểm chứng lại một cách chính xác thông qua suy luận hoặc thực nghiệm, làm cho phần lý tính của Minh triết bị nhòe đi do bị điều chỉnh chủ quan khi truyền từ cá nhân này sang cá nhân khác dưới dạng học hỏi, bắt chước.

Do sự nhòe đi như thế, và do sự lấn át của trực giác so với logic, cảm tính so với lý tính, cộng với việc thiếu hụt một bộ khung logic và khái niệm chính xác chống đỡ, nên so với Triết học - nếu được coi là động vật có xương sống - thì Minh triết có vẻ giống một loại động vật thân mềm.

Minh triết không hướng ngoại

Minh triết chủ yếu hướng sự quan tâm của mình vào những cách cư xử, những lựa chọn được cho là thông thái nhất cho cá nhân trong mỗi hoàn cảnh cụ thể, nên chủ yếu tập trung vào phục vụ đời sống con người, chứ ít khi đi xa hơn con người. Nếu có, thì cũng để thu lượm những cảm xúc, trải nghiệm hoặc tri thức để trở lại với con người. Vì thế, Minh triết hầu như không hướng tới thế giới tự nhiên như một đối tượng để tìm tòi nghiên cứu. Mà ngược lại, Minh triết luôn quanh quẩn với đời sống con người.

Sự thiếu hụt lịch sử tự thân, cấu trúc và lý tính càng hạn chế Minh triết hướng ra thế giới tự nhiên. Vì sự rộng lớn của giới tự nhiên đòi hỏi một hệ thống khái niệm và lý thuyết đồ sộ để diễn giải, điều mà Minh triết không có.

Minh triết vì thế, gắn liền với những vấn đề của con người như trật tự xã hội, ứng xử, đạo đức, văn hóa... với mục đích làm cho cuộc sống của con người tốt hơn thông qua việc kiểm soát và điều phối những vấn đề của con người mà hầu như bỏ qua việc tìm hiểu thế giới tự nhiên bên ngoài. Nói cách khác, Minh triết luôn hướng về con người và đặt con người vào trung tâm sự quan tâm của mình.

Minh triết không cố định

Minh triết gắn liền với cuộc sống đời thường. Mà cuộc sống đời thường thì không cố định bao giờ. Nên Minh triết, về bản chất, lưu tâm và chú trọng cái thay đổi, cái biến động, cái "thời" trong cuộc sống.

Sự thiếu hụt một bộ khung lý tính càng làm cho Minh triết dễ dịch chuyển, đôi khi chỉ bằng một cái chặc lưỡi cá nhân. Còn Triết học, do đặt giới tự nhiên - một thực thể tương đối ổn định trong khoảng thời gian dài - vào trung tâm của sự suy tưởng, nên Triết học ổn định và yên tĩnh hơn nhiều.

Cũng có thể dùng một hình ảnh khác để diễn tả sự mềm mại, linh hoạt của Minh triết, đó là nước. Nước mềm mại, nước luồn lách vào mọi ngõ ngách, nước luôn hướng về chỗ trũng giống như Minh triết luôn hướng về đời sống con người.

Những điều này tạo ra tính Không và tính Mờ rất đặc trưng của Minh triết phương Đông mà Minh triết Việt là một bộ phận cần được khám phá.

Tuy nhiên, tính Không và tính Mờ này có ý nghĩa về mặt bảo tồn Văn hóa nhiều hơn là thúc đẩy Phát triển, nên việc xây dựng Minh triết như một chủ thuyết phát triển cần phải hết sức thận trọng, nếu không muốn nói là không thể, để tránh sa vào những bẫy ngôn ngữ, bẫy giá trị và bẫy thời gian.

Sự thận trọng và tỉnh táo này còn giúp cho bản thân Minh triết không bị bóp méo thành nơi trú ẩn của những hủ lậu, những ám ảnh của quá khứ, làm tổn hại đến sự phát triển của đất nước. Vì sự phát triển có được, suy cho cùng là dựa trên những cái Có và Rõ, chứ không phải là cái Không và Mờ

No comments:

Post a Comment