Thursday, April 8, 2010

Tuổi trẻ và bản lĩnh tự khẳng định mình

“Một con người có bản lĩnh” - đó là một lời khen tặng biểu thị một đánh giá về nhân cách. “Một dân tộc có bản lĩnh” thể hiện trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc ấy, là niềm tự hào của những thành viên trong cộng đồng người kết thành dân tộc, và điều đó được thế giới biết đến.

Vì rằng, "có những đất nước mà người ta chẳng biết gì ngoài cái tên, và cả cái tên cũng lạ hoắc. Còn với Việt Nam, một đất nước cũng xa xôi, nhưng tôi đã nghe về các bạn qua lịch sử, qua văn hóa lâu đời, những cuộc chiến tranh oanh liệt, và đặc biệt là hình ảnh về một đất nước đang cất cánh". Hình như nhận định của của Philip Kotler, người được xem là chuyên gia lừng danh về marketing ấy, không là "một cách marketing" về Việt Nam khi ông là khách mời được trân trọng ở đây cách nay không lâu. Chắc đây không chỉ là ý tưởng riêng của Philip Kotler!

Tuy vậy, đừng quên rằng, cũng đã có lúc dân tộc này dường như đã gần biến mất trong cả một mưu đồ đồng hóa suốt hơn nghìn năm Bắc thuộc từ năm 111 trước CN cho đến năm 905 sau CN. Sau gần mười thế kỷ kiên cường đấu tranh để tồn tại vớii tư cách là một quốc gia độc lập, lần lượt đánh tan các đạo quân xâm lược phương Bắc, thì đến nửa đầu thế kỷ XIX, tên của quốc gia ấy bị xóa khỏi bản đồ thế giới trong ngót một trăm năm đô hộ của phương Tây, để rồi người ta chỉ biết đến một bộ phận của xứ Đông Dương thuộc Pháp. Thế là đến cái tên cũng chẳng còn chứ không phải chỉ là "lạ hoắc"!

Ấy thế mà sau một nghìn năm chìm trong đêm dài trung cổ, dân tộc ấy vẫn đứng dậy được. Mà đứng sừng sững trước một thế lực phong kiến phương Bắc chưa lúc nào ngừng tham vọng nuốt chửng một dân tộc sống trên mảnh đất phương Nam cứng đầu không chịu khuất phục "thiên triều". Không chỉ là không chấp nhận sự đồng hóa về văn hóa trong tiến trình tiếp biến văn hóa, mà còn không chịu nhượng bộ một thước núi, một tấc sông trước tham vọng bành trướng về phía Nam với mọi thủ đoạn thiên biến vạn hóa: khi thì dùng sức mạnh quân sự "lấy thịt đè người" với bao binh hùng tướng mạnh tràn sang để rồi ôm đầu chạy trốn như Thoát Hoan, Vương Thông, Tôn Sĩ Nghị...; khi thì bằng "mưu ma chước quỷ" mua chuộc, lôi kéo những loại Việt gian kiểu Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống.

Chỉ đơn thuần nhìn vào vị thế địa chính trị và tham vọng chưa bao giờ dứt của các thế lực phong kiến phương Bắc thì người ta hay nói về cái thế kẹt "trứng nằm dưới đá", nhưng bằng bản lĩnh của chính mình, dân tộc ấy vẫn kiên cường tồn tại và phát triển bằng những chiến công được tạc vào lịch sử của thế kỷ XIII, thế kỷ XV, thế kỷ XVIII. Và rồi vào thế kỷ XX, sau một trăm năm nô lệ, dân tộc ấy đã đứng dậy làm cách mạng giải phóng dân tộc, đánh sụp chủ nghĩa thực dân cũ, kéo theo nó là cả phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, làm sụp đổ cả hệ thống thuộc địa, tiếp đó lại đánh tan chủ nghĩa thực dân mới, đứng đầu bởi một đế quốc chưa từng biết đến mùi thất bại trên thế giới.

Đó là một sự thật lịch sử. Mỗi một người Việt Nam, không phân biệt ý thức hệ, tôn giáo tín ngưỡng, đang ở trong hay ở ngoài nước đều có quyền tự hào về lịch sử dân tộc mình, và đều có thể cảm nhận niềm hạnh phúc vì đã biết tự hào về bản lĩnh của dân tộc mình. Hoàn toàn không là chuyện phải viện đến quá khứ nhằm mượn tên tuổi và y phục của người xưa để hiện lên trên sân khấu mới của lịch sử. Mà là, từ ánh phản chiếu của lịch sử để rọi sáng cái bản lĩnh vốn tiềm tàng trong sức sống của dân tộc, có lúc trước những bề bộn bê bối của cuộc mưu sinh, những tầm nhìn thiển cận và sai lầm ở một vài đường đi nước bước của sự nghiệp đất nước, trong những khúc quanh của dòng chảy bất tận của cuộc sống... cứ tưởng như bản lĩnh ấy đã phôi pha, thất thoát.

Nhưng không! Bản lĩnh ấy vẫn chìm sâu trong đời sống dân tộc, khi được khơi dậy, nó sẽ bùng phát mạnh mẽ. Đặc biệt, thế hệ trẻ của dân tộc ấy phải thấy cho rõ, cho sâu để biết tự hào về bản lĩnh ấy, biết phát huy bản lĩnh ấy lên một trình độ mới tương thích với đòi hỏi mới của quá trình hội nhập và phát triển hiện nay. Khơi dậy niềm tự hào dân tộc để đặt nền tảng cho tuổi trẻ tự khẳng định bản lĩnh của chính mình là việc có ý nghĩa vừa trực tiếp vừa lâu dài.

Vấn đề là biết cách khơi dậy. Vì, bản lĩnh dân tộc là chuyện của hiện tại chứ không chỉ là chuyện lịch sử. Cái tọa độ hôm nay cho phép nhận ra quá khứ và hiện tại vẫn liên thông với nhau, cho nên thế hệ trẻ hôm nay hoàn toàn có thể cảm thông và xúc động trước cái bản lĩnh toát lên từ một câu thơ: "Nam nhi tự hữu xung thiên chí. Hưu hướng Như Lai hành xứ hành" - làm trai phải có chí xông lên trời thẳm, việc gì cứ phải lẽo đẽo theo vết chân của Phật tổ Như Lai! Đây là một câu trong bài thơ "Đừng đi theo bước Như Lai" [Hưu hướng Như Lai] của Thiền sư Quảng Nghiêm viết cách đây mười thế kỷ.

Ngẫm cho sâu, thì ra chính cái bản lĩnh dám là mình, bản lĩnh sáng tạo tự tìm đường mà đi tới chứ không chịu giẫm lên vết chân của người khác, bản lĩnh ấy chống giáo điều từ gốc, dám bứt phá không chỉ từ ngọn, đã khiến cho dân tộc ta tồn tại và phát triển đến hôm nay. Hơn ai hết, lớp trẻ hôm nay phải nhận thức cho được cái chân lý lích sử ấy. Nếu dân tộc ta không có bản lĩnh tự khẳng định mình, không dám là mình thì đã bị nuốt chửng từ lâu rồi.

Chính cái bản lĩnh "có cứng mới đứng đầu gió" đã tạo nên cái nền tảng vững chắc cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc ta qua biết bao thách thức, hiểm nguy. Và dường như càng đương đầu với những thử thách khốc liệt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, dân tộc ta càng dày dạn, càng kiên cường, nhất là khi bị dồn vào chân tường thì sức bật dậy càng mạnh mẽ để tạo ra những bước đột phá mà đi tới. Những sự kiện lịch sử của thế kỷ XIII, XV, XVIII, XX vừa nhắc đã chứng minh rõ điều đó.

Ảnh: nvhtn.org.vn

Để tạo ra được bản lĩnh tự khẳng định mình, bản lĩnh dám là mình của thế hệ trẻ hôm nay cần có rất nhiều việc phải làm từ việc thể hiện nội dung đó trong Cương lĩnh, trong Chiến lược của Đảng và trong chủ trương, chính sách của Nhà nước. Ở đây chỉ xin gợi lên hai vấn đề :

1. Nếu không có một lớp trẻ dám có bản lĩnh tự khẳng đình mình, dám suy nghĩ, dám bứt phá bằng khối óc và trái tim của chính mình, mà chỉ biết ngoan ngoãn "gọi dạ bảo vâng", "ăn theo nói leo" thì làm sao tạo ra sức bật cho dân tộc trong thời đại hôm nay? Nếu chỉ bằng lòng với đám con cháu quen nếp "gọi dạ bảo vâng" ấy, một lời ban ra từ các bậc cha chú là được răm rắp vâng dạ, cung cúc cúi đầu tuân phục, thì chắc chắn các bậc cha chú còn giữ nguyên tập quán của quyền uy gia trưởng sẽ lấy làm hài lòng và an tâm. An tâm vì như vậy là tạo được sự "ổn định" cho cái ghế của mình. Cái ghế thì ổn, nhưng đại sự thì bấp bênh vì sức quật khởi của dân tộc dân tộc đang suy yếu và tàn lụi.

Đừng quên rằng, đã có một thời, phương châm trị nước được viện dẫn theo tư tưởng của Mạnh Tử chính là: "Người người thân yêu cha mẹ mình, kính trọng bề trên của mình, thế là thiên hạ bình" [Mạnh Tử. Thiên Ly Lâu thượng]. Tư tưởng ấy đươc củng cố trên nguyên lý "thiên hạ gốc ở nước, nước gốc ở nhà". Vì thế, phương châm hành động của tuổi trẻ được quyết liệt răn dạy là: "nối tiếp, làm theo, không thay đổi" [kế, thuật, vô cải]! Cho nên, những nhà tư tưởng của chế độ phong kiến thường lo ngại "lớp người sắp đến không như lớp người hiện nay" [Lai giả bất như kim dã], vì thế mà "hậu sinh khả úy" [Luận ngữ. Thiên Tử Hãn]. Ngoài cái ý về lớp hậu sinh sẽ vượt qua các bậc tiền bối còn có cái ý sợ chúng không còn dễ bảo như xưa!

Những vang bóng một thời vừa nhắc lại ấy tưởng đã quá lạc lõng với nhịp sống hiện đại. Nhưng xem ra, đây đó bóng dáng của chúng vẫn ám ảnh cuộc sống đương đại. Và hình như một số chiêu thức cổ xưa ấy vẫn còn đất dụng võ trong thời đại của nền văn minh trí tuệ và nền kinh tế tri thức đang mon men thâm nhập vào đất nước này!

Phải chăng bóng dáng và những "chiêu thức" cổ xưa ấy là cái kiểu "răn dạy" bằng những áp đặt một chiều từ trên dội xuống mà không chấp nhận sự phản ứng từ dưới bật lên. Một lớp trẻ "dễ bảo", không dám có chính kiến, không dám tự mình suy nghĩ, tìm tòi khám phá mà luôn phải nhờ đến người khác cầm tay chỉ việc sẽ làm hài lòng một số đầu óc thiển cận và độc đoán, muốn mỗi mệnh lệnh mình ban ra là phải được "quán triệt", được cung cúc phục tùng không có hoài nghi, chất vấn, không có phản biện và chắc chắn là không được đối lập!

Những chiêu thức cổ xưa ấy vẫn hiện diện trong cuộc sống dưới những dáng dấp có khi tinh vi, có khi sống sượng, khiến cho lớp trẻ phản ứng trở lại cũng bằng nhiều dạng thức cũng tinh vi hoặc sống sượng muôn hình muôn vẻ như thế! Điều này không có gì khó hiểu: "Mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá" [Ph. Ăngghen]. "Cái trạng thái cũ đang suy đồi" là một diễn giải mang tính khái quát triết học. Song trong thực tế thì chúng hiện diện như những thực thể quyền uy bằng xương bằng thịt nhưng đã được "tập quán thần thánh hóa". Chính cái "tập quán" đáng sợ đó dung dưỡng cho những áp đặt một chiều làm thui chột sức bật và khả năng sáng tạo của thế hệ trẻ.

Hệ lụy của sự áp đặt ấy nhiều khi ẩn giấu dưới những trạng thái tiêu cực có khi kỳ quặc trong lớp trẻ, như những hành vi hung bạo, gây gổ, đập phá làm rối loạn kỷ cương, cùng với những cái mà người ta gọi là sự xuống cấp về đạo lý, về nhân phẩm của lớp trẻ đang gây bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự nhìn nhận và phân tích nghiêm cẩn và khách quan để tìm đúng nguyên nhân, phải nhìn cho ra trong đó còn là cách chống trả lại sự áp đặt một chiều của những giải pháp mang tính phản dân chủ, phản tiến bộ.

2. Trong dịp lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào các văn kiện sẽ trình ra Đại hội XI của Đảng, cần phải có một hoạt động sôi động và thiết thực trong lớp trẻ. Phải làm sao để lớp trẻ, sinh lực của dân tộc và cũng là nguồn sống của Đảng phải được nói lên chính kiến của mình, nói một cách thẳng thắn, mạnh dạn và trực tiếp với tinh thần trách nhiệm cao về ý kiến của mình.

Phải làm sao cho lớp trẻ "không rụt cổ" như "nhân dân rụt cổ" như trong một bài viết mới trên VietNamNet ngày 26/3/2010: "Không chỉ nhân dân chung chung như chúng ta đã nói quá nhiều mà là những "nhân dân" cụ thể trong nhiều cơ quan Nhà nước đã lâu nay dùng liệu pháp "co mình trong vỏ ốc" trước những vấn đề của cơ quan đó. Thường là thủ trưởng hay phó thủ trưởng chủ trì những buổi họp hay những đợt lấy ý kiến về vấn đề của cơ quan đó, của ngành đó hoặc lớn hơn của đất nước và kêu gọi nhân dân phát huy dân chủ, đóng góp ý kiến. Nhưng nhân dân rụt cổ, nhân dân đùn đẩy cho nhau, nhân dân tìm những góc kín trong hội trường hay phòng họp cơ quan để xin hai chữ "bình an". Rồi nhân dân giơ tay biểu quyết mà chẳng có cảm xúc gì và nhân dân nhanh chóng lao ra khỏi phòng họp như chạy trốn khỏi một cuộc truy đuổi nào đó".

Đó là một sự thật phũ phàng đã được nhìn thẳng, nói thẳng. Mong rằng sự nói thẳng đó đến được với lớp trẻ . Phải làm sao cho lớp trẻ tránh được thực trạng đau lòng đó. Đây là nhiệm vụ trực tiếp của Đoàn Thanh niên. Nhưng chỉ Đoàn Thanh niên chắc không thể làm được nếu không có sự "bật đèn xanh" từ các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị.

Bản lĩnh của thế hệ trẻ được thể hiện muôn hình muôn vẻ trong mọi hoạt động. Tuy nhiên, thời điểm thử thách nhất cho việc thể hiện bản lĩnh ấy phải là dịp tuổi trẻ góp phần xây dựng Cương lĩnh và Chiến lược xây dựng đất nước do Đại hội XI của Đảng sẽ đề ra. Đảng đã có chủ trương công bố các Dự thảo quan trọng đó để toàn dân tham gia, chẳng những thế, lần này còn xác định "Lấy ý dân - vấn đề cốt tử của Đảng".

Tuổi trẻ phải thể hiện mình trong vấn đề cốt tử này của Đảng! Để làm được điều này, cần có những chuyển biến mới trong các hoạt động của Đoàn Thanh niên, mạnh dạn tổ chức những hình thức sinh động và sáng tạo cho các tầng lớp, các bộ phận thanh niên ở nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, hoạt động khác nhau có cách tham gia đóng góp vào các văn kiện của Đảng.

Càng tin ở thanh niên, càng phải chân thành và nghiêm túc lắng nghe nguyện vọng và ý chí của tuổi trẻ. Càng có nhiều ý kiến mạnh mẽ, quyết liệt được trình bày công khai, được tranh luận công khai sẽ càng là thước đo về bản lĩnh của tuổi trẻ và trình độ dân chủ mà xã hội đạt được.

Thật ra thì đây không chỉ là yêu cầu của thanh niên ta. Đây là một vấn đề mang tính thời đại. Trong cuộc thi dành cho lứa tuổi 16-18 trả lời câu hỏi "Ai là nhân vật quan trọng nhất thế kỷ 21"?, tạp chí Time đã trao giải nhất cho cô bé Carolin Pan, 16 tuổi, ở thành phố Quezon của Philippines với câu trả lời: "Tôi". Cô bé nói: "Tôi sẽ hét to điều này với tất cả thành phố nếu cần phải làm như vậy. Tôi cho rằng chính tôi, một học sinh trung học, là người quan trọng nhất thế kỷ. Tôi còn chưa ghi dấu ấn của mình vào lịch sử thế giới, và tôi không hề khao khát trở thành một Albert Einstein hoặc Bill Gates khác. Bởi vì tôi chỉ muốn là tôi... Chúng ta không biết cái gì hay hơn sao? Chúng ta không thể thử ghi dấu ấn bằng chính con người thực sự là của mình hay sao?"

Để tuổi trẻ khẳng định bản lĩnh của mình, dám là mình, thì phải dám mạnh dạn tổ chức trong thanh niên những hoạt động tranh luận về những vấn đề cốt tử của đất nước. Mà đã là tranh luận thì tất yếu sẽ có những ý kiến khác nhau tuy cùng đều lo toan cho vận mệnh của đất nước, của dân tộc, của Đảng. Về điều này xin nhắc lại ý kiến của đồng chí Phạm Văn Đồng trong một cuộc trao đổi về văn hóa: "Đừng có sợ, đừng có sợ một chút nào những ý kiến khác nhau! Nếu tất cả giống nhau thì xã hội thật là buồn! Ai không chấp nhận được điều này là vô văn hóa, phản văn hóa. Và những người này không thiếu đâu. Và điều đó dễ hiểu"! [1]