Hà Văn Thịnh, Khoa Sử, Đại học Khoa học Huế.
Đã có hàng ngàn bài nghiên cứu, báo và sách viết về Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, gần như càng ngày lại càng có nhiều ý kiến nói ngược; thậm chí, đi khác chiều hoàn toàn với sự thật, hòng làm khác đi hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng dân tộc Việt Nam. Bài viết dưới đây như là một đóng góp nhỏ bé về ý nghĩa nghiên cứu nhưng có mục tiêu rất rõ ràng là đưa ra một cái nhìn khác và, chắc chắn là, sẽ gặp phải không ít những ý kiến không đồng tình - thậm chí phủ định hoàn toàn. Tuy nhiên tôi tin rằng cách đặt vấn đề sau đây có thể có chút ít điều gì đó để bạn đọc cùng suy ngẫm, nhất là chuyện Hồ Chí Minh tìm mọi cách để liên minh với Hoa Kỳ nhưng cuối cùng đành bất lực...
1. Dù ai nói ngả nói nghiêng thì Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, trong cách nghĩ và cách nhìn và tâm khảm của đại bộ phận người Việt Nam, vẫn là vị lãnh tụ đi nhiều, biết nhiều, vốn sống phong phú nhất, hiểu rộng nhất so với tất cả các bậc tiền bối cũng như các vị lãnh tụ nổi tiếng đương thời. Marx và Engels chỉ sống và làm việc xung quanh vài nước Tây Âu. Lê Nin thì chỉ có Nga và Phần Lan (vài điểm dừng thoáng qua ở vài nước khác nên không tính). Mao chỉ sống ở Trung Quốc. Chu Ân Lai ở Pháp và Trung Quốc. Fidel chỉ có nước duy nhất ngoài Cu Ba là Mexico. Stalin và Kim Nhật Thành, Ceaucescu, Gottwald, Honecker... là những nhân vật không cần phải bàn đến bởi họ có quá nhiều tội ác, sai lầm.
Không giống - hoàn toàn không giống với những nhân vật trên, Nguyễn Tất Thành khi rời Việt Nam đã chọn điểm dừng chân và sống đầu tiên là Hoa Kỳ, thành phố Boston – Quê hương của Cách mạng Mỹ, 17.12.1773 (một trong những cuộc cách mạng vĩ đại nhất của loài người) – cũng là thành phố số 1 thế giới theo tiêu chuẩn thành phố xanh hiện nay. Chúng ta chỉ có thể nói đó là sự mẫn tiệp của một thiên tài. Không ai làm được nếu không có cái linh cảm đặc biệt từ vô thức của tiên tri. Mỹ là nước khởi đầu cho nền văn minh hiện đại. Hai năm sống ở đó đủ để cho Nguyễn Tất Thành hiểu rằng tại sao cũng là thuộc địa như Việt Nam mà Mỹ lại trở thành cường quốc? (1) Câu hỏi này sẽ ám ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời (xin được bàn sau). Một trong những trăn trở lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tại sao không thể kết liên với Hoa Kỳ? Đó là sự thật lịch sử. Nước thứ hai Nguyễn Tất Thành đến và sống là Anh – cái nôi của nền văn minh công nghiệp mà dù muốn hay không, tất cả mọi nhà nước trên thế giới này, ngày nay, đều phải đi theo mô hình đó. Thời gian ở Pháp (bây giờ vẫn chưa có đủ tài liệu nào chứng minh nổi là Bác Hồ đã đến Pháp năm nào (1917?), chúng ta đành tạm chấp nhận khoảng thời gian 1917-1923; có nghĩa là thời gian sống ở Mỹ và Anh là 7 năm trước đó (1911-1917). Nước Pháp là cái nôi, điển hình của văn minh phương Tây. Tiếp đó là thời gian Người sống và hoạt động cách mạng ở Liên Xô (Quê hương của Cách mạng tháng Mười) và Trung Quốc - Một trong những nền văn minh vĩ đại nhất thời cổ - trung đại (1923- 1941 – không tính Xiêm và vài nơi khác) (2).
Bây giờ, nếu tỉnh táo, chúng ta thử nghĩ xem, một người, 30 năm sống ở năm nền văn minh lớn nhất của thế giới từ cổ đại đến hiện đại thì kiến thức sâu rộng biết chừng nào? Từ cái cơ sở de facto này, tôi tin rằng tầm hiểu biết của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, nếu không lớn hơn thì cũng không thua kém bất kỳ một lãnh tụ nào trong thế giới của chủ nghĩa Mác - Lê Nin. Tất nhiên, sẽ có phản biện rằng sống là chưa đủ. Thế nhưng, để chứng minh về tầm hiểu biết thì cũng là việc không mấy khó khăn. Dẫn chứng có nhiều, chỉ xin nêu hai ví dụ. Một, với tờ báo Le Paria, đã chứng minh rất rõ về kiến thức uyên bác của Nguyễn Ái Quốc: Paria là tầng lớp khốn khổ tận cùng trong đẳng cấp “dưới đáy” là Sudra ở Ấn Độ. Hai, chúng ta có thể coi nhận xét của Duiker – nhà “Hồ Chí Minh học” nổi tiếng nhất phương Tây là một minh chứng: “... ông (NAQ) là một cuốn từ điển thống kê sống về cuộc sống ở các nước thuộc địa... một người có sức thu hút cá nhân lớn... và một nhân cách tinh tế” (3)
2. Từ cách đặt vấn đề của (1) chúng ta lại thêm một lần nữa tiếp cận với những gì mà Nguyễn Ái Quốc đã làm để trở thành Người sáng lập đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3.2.1930 và trở thành Hồ Chí Minh trong khoảng từ mùa xuân đến mùa hè năm 1941, ngày 19.5?
Con đường giải phóng mà Nguyễn Ái Quốc đã chọn cho dân tộc ta là con đường đúng nhất, tốt nhất vào thời điểm đó. Lịch sử không ngẫu nhiên. Tiếng súng của cuộc khởi nghĩa Yên Bái một tuần sau ngày thành lập đảng (9.2.1930) là sự cáo chung sứ mệnh lịch sử của bộ phận dân tộc này để được thay thế bằng một bộ phận dân tộc khác xứng đáng hơn (Tất nhiên, sứ mệnh trong nhiệm vụ “giải phóng” của giai cấp công nhân, nông dân không giống như vai trò của hai giai cấp này khi đảm trách nhiệm vụ xây dựng, phát triển. Không đủ trình độ và hiểu biết để tổ chức xã hội là khiếm khuyết tự nhiên của hai giai cấp này. Nếu không nhận ra điều đó là chúng ta phủ nhận quy luật lịch sử). Sự bóc lột tàn nhẫn của thực dân Pháp, sự ươn hèn của giới quý tộc – trí thức (thời nào cũng vậy) là cái nguyên nhân dẫn đến vai trò mặc nhiên của giai cấp công nhân (trong liên minh công nông), gắn liền với Hồ Chí Minh.
Thử hỏi, trước Hội nghị Trung ương VIII (10-19.5.1941), với tổ chức Mặt trận có tên gọi rắc rối, dài dòng, khó hiểu là Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế Đông Dương thì người dân ít học biết đó là đâu? Họ không theo, phong trào nhạt nhòa là chuyện bình thường. Nguyễn Ái Quốc – và từ đây, trở thành Hồ Chí Minh, với ngày sinh nhật được lấy để Kỷ niệm ngày kết thúc Hội nghị VIII, như là sự ‘sinh lần thứ hai’; đã đặt tên cho Mặt trận mới là Việt Nam Độc lập Đồng minh – gọi tắt là Mặt trận Việt Minh. Trước Hồ Chí Minh và, kể từ khi chiến tranh bùng nổ, đã có ai đặt một cái tên hay và đúng đến như thế về số phận, nhiệm vụ của một dân tộc; về cái lẽ liên hiệp, tức là đứng về phe Đồng Minh chống phát xít? Chỉ có 6 chữ thôi nhưng là tầm, vị thế, sức mạnh của một thiên tài: Cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam; mục tiêu duy nhất là giành độc lập và Việt Minh là một bộ phận của phe Đồng minh chống chủ nghĩa fascio (lâu nay quen gọi một cách sai lạc là chủ nghĩa phát xít). Sau Hồ Chí Minh, một người nữa cũng có cách đặt – gọi tên rất hay là John Fitzerald Kennedy, TT Mỹ (20.1.1961 - 22.11.1963). Khi lên làm TT, Kennedy thấy rằng cơ quan nào cũng viện trợ cho nước ngoài nên mọi sự cứ rối tinh cả lên. Ông đã quy về một mối và đặt tên cho cơ quan mới là “Cục Phát triển Quốc tế” – Agency for International Development = AID. Chữ AID nếu đứng riêng, cũng có nghĩa là “giúp đỡ”, “viện trợ”. Tuyệt vời!
Chính nhờ cái tầm tư tưởng vĩ đại đó của Hồ Chí Minh mà Cách mạng Việt Nam mới tập hợp được mọi lực lượng (kể cả OSS – Office of Strategic Services – Cơ quan Tình báo Chiến lược của Hoa Kỳ).
Theo Currey thì từ năm 1942, Việt Minh đã cung cấp cho Đồng Minh nhiều tin tức tình báo có giá trị (4). Đặc biệt, ngày 2.11.1944, khi phi công Mỹ là Rudolph Shaw bị Nhật bắn hạ và nhảy dù xuống Việt Bắc, chính Hồ Chí Minh là người đã đưa Shaw đến Bộ Tư lệnh Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ đóng ở Côn Minh (Trung Quốc) và sau đó đã gặp tướng Claire L. Chenault – Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương (5). Sự hợp tác rất hiệu quả giữa Mỹ và Việt Minh trong những năm 1944-1945 là một trong những đóng góp quan trọng làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945(6). Thậm chí, nếu không có tính hiệu quả đó thì lịch sử đã khác đi ít nhiều(7).
3. Chúng tôi có thể khẳng định mà không hề băn khoăn rằng: Mối quan tâm về nước Mỹ và nhân dân Mỹ, hợp tác và liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ là một trong những mối quan tâm lớn nhất, quan trọng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi người sống với thời gian dài đầu tiên ở nước ngoài là Boston, Hoa Kỳ. Bài viết đầu tiên Người viết trong đời là bài: Thư gửi Tổng thống Mỹ, 18.6.1919 (8). Ở đây, cũng xin đặc biệt nhấn mạnh rằng những dòng chữ cuối cùng mà Bác Hồ đã viết là lá thư gửi Tổng thống Mỹ R. Nixon – đề ngày 25.8.1969 – một tuần trước khi Người đến với cõi vĩnh hằng (9)!
Hai lá thư – bài viết đầu tiên và cuối cùng đó của Hồ Chí Minh không thể là sự tình cờ của lịch sử, nếu chúng ta trở lại với những suy nghĩ và quan tâm của Người đến nước Mỹ những năm 1945-1947. Trong thư gửi trung úy Phen (Fenn) – Trưởng nhóm tình báo OSS ở Đông Dương, Hồ Chí Minh viết: “Tôi cảm thấy áy náy khi những người bạn Mỹ phải rời chúng tôi quá nhanh. Việc ra đi của họ khỏi đất nước này có nghĩa là mối quan hệ giữa ông và chúng tôi sẽ khó khăn hơn. Tôi trông chờ ngày hạnh phúc (chúng tôi nhấn mạnh - HVT) được gặp ông và những người bạn Mỹ của chúng ta ở Đông Dương hay trên đất Mỹ” (10). Ít tháng sau, Hồ Chí Minh viết: “... chúng ta không thể quên nước bạn của chúng ta là nước Mỹ, một nước dân chủ bao giờ cũng bênh vực sự tự do, độc lập cho các dân tộc nhỏ yếu” (11 – chúng tôi nhấn mạnh, HVT). Hai năm sau, trong lá thư gửi Việt Mỹ Ái hữu Hội đề ngày 2.9.1947, Hồ Chủ tịch nhắc lại: “Chúng ta không bao giờ quên sự hợp tác thân ái của các bạn người Mỹ hồi chúng ta du kích chống Nhật, và chúng ta mong rằng sự hợp tác đó được tiếp tục” (11). Từ những dẫn chứng vừa nêu, có thể đưa ra ba khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh rất hạnh phúc khi hợp tác với nhân dân Mỹ, chính phủ Mỹ; Người tha thiết mong muốn gặp người Mỹ bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào để bàn chuyện hợp tác; Người biết rõ, đến năm 1947, chính phủ Mỹ vẫn chưa giúp thực dân Pháp đánh lại Việt Nam.
Hồ Chí Minh đã không thể thực hiện được mục tiêu liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ bởi có vô vàn sức ép, sau khi có sự kiện 1.10.1949, ở Trung Hoa. Và, đặc biệt là, những tư tưởng và ý định đó lại diễn ra trong bối cảnh cực kỳ nóng bỏng của “chiến tranh lạnh”.
Tại sao điều đó không xảy ra? Những bí ẩn lịch sử chưa cho phép chúng ta giải mã hoàn toàn về nguyên do là từ phía nào, do ai, để hợp tác Việt – Mỹ trong những năm bốn mươi của thế kỷ XX đã không diễn ra? Chúng ta chỉ có thể đoan chắc một điều rằng vì không có sự hợp tác tiếp tục đó mà lịch sử Việt Nam đã rẽ vào một lối ngoặt gian khổ, đau thương. Rất nhiều người có trách nhiệm đã không nhìn thấy cái lối rẽ tai họa ấy, trừ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Câu in đậm ở trên là câu tôi đã viết trên báo Quốc Tế, tháng 5.2005. Đó là cái nhìn và cái cảm của một thiên tài, tầm ngầm định phi thường của một vĩ nhân; tấm lòng hết mình vì nhân nghĩa, hòa hợp của một nhân cách chính trực, rộng lượng, bao dung cũng như Hồ Chí Minh đã đi trước thời đại để thấy rằng hợp tác, liên minh với Hoa Kỳ là lựa chọn tốt nhất cho dân tộc Việt Nam! Chúng ta thử đặt một câu hỏi rất nhỏ: Tại sao Hồ Chủ tịch lại chọn đúng ngày Quốc Khánh của nước ta để gửi thư cho TT Mỹ? Sức nặng của một Chủ tịch Nước dường như vẫn là chưa đủ nên Người biết rõ phải có thêm sức nặng của quốc gia, của toàn thể dân tộc Việt Nam.
4. Gần đây, có rất nhiều ý kiến bàn về đời tư của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Tại sao chúng ta không nghĩ rằng, như Marx đã nói – Con người về cơ bản là giống nhau? Bác Hồ cũng có những nhu cầu riêng tư như mọi người. Cái sai là ở chỗ rất nhiều người cố sức thần thánh hóa, theo cách của phương Đông. Nên nhớ rằng có vị thần nào của phương Đông phạm sai lầm đâu? Mặt khác, nếu có chuyện như Nguyễn Ái Quốc dự định kết hôn với Nguyễn Thị Minh Khai đi nữa (12) thì âu cũng là lẽ bình thường. Chuyện tình cảm của một đời người là những điều không một ai có thể khẳng định được rõ ràng. Cái sai lâu nay của giới truyền thông nước ta là đã thần thánh hóa con người bình dị Hồ Chí Minh. Đã là con người thì uống rượu hay hút thuốc, có tình cảm với ai đó là những điều thuộc về “khoảng không gian riêng tư” (individual space) – có gì đâu để băn khoăn?. Do vậy, xúc phạm đến đời tư của người đã khuất bằng cách coi đó là “tình tiết thông tin mới” e rằng không thỏa đáng. Ví dụ, tại sao Bill Clinton ngoại tình với Monica Lewinsky mà nước Mỹ vẫn tha thứ? Giản dị lắm: Ông không phải là người chồng mẫu mực nhưng là một TT tốt.
Vĩ nhân nào cũng có gót chân Achile. Nếu Hồ Chí Minh tàn nhẫn như Mao và độc đoán như Stalin thì làm sao những người xung quanh ông có thể gây sức ép để lấy cái gọi là “tập thể”, “đa số” nhằm buộc Hồ Chí Minh phải chấp nhận một nghị quyết như cải cách ruộng đất, phủ định chuyện kết giao với Hoa Kỳ, chẳng hạn? Xa hơn nữa, chính Lê Đức Thọ và một vài người nữa đã dựng lên “sự kiện Trần Dân Tiên” – đặt Hồ Chí Minh vào cái thế đã rồi. Tôi và gần 180 sinh viên khác trong lớp nghe GS Trần Quốc Vượng nói điều này năm 1974 (Thầy Vượng đã mất cách đây vài năm). Nếu không đau đớn vì sai lầm của chính mình thì Hồ Chí Minh đã không chết rất nhanh, sau Mậu Thân. Cũng không hề ngẫu nhiên khi một người có chỉ số IQ rất cao là Lyndon B. Johnson cũng đau đớn quá để rồi chết vào năm 1971! Người Mỹ không hiểu Hồ Chí Minh, những người xung quanh ông lại càng không hiểu. Chỉ riêng chuyện muốn coi Hoa Kỳ là “nước bạn của chúng ta” (31.12.1945) đã là sự vĩ đại vô cùng! Còn chuyện riêng tư, hãy nghĩ xem: Một mình một căn nhà, một cái đài Orionton, cô đơn và bất lực thì có những chuyện này, chuyện khác..., đều là những điều không đáng để bàn...
Ngay cả một người gần như đã thành huyền thoại là George Washington mà về cuối đời vấn mang tiếng khuất tất về mặt tiền bạc(!) Mặc dầu vậy, người dân Mỹ vẫn yêu quý và tôn thờ ông. Nguyên tắc của sự hiểu biết và tình cảm giản dị lắm: Chấp nhận một số sai lầm nào đó không đáng kể bởi điều đáng kể, đó là, mỗi dân tộc đều phải có một vị anh hùng dân tộc để tập hợp lực lượng, để thống nhất về ý chí, để phát triển và trường tồn. Sự vĩ đại của một con người thuộc về hình ảnh của con người đó trong lòng dân tộc.
Xin trích dẫn vài nhận xét mà Hồ Chủ tịch đã nói (nguyên văn hoặc đại ý) được các học giả có uy tín khẳng định để chúng ta hiểu rõ hơn phần nào cái tinh tế và sâu sắc của Bác Hồ. Moffat nhớ lại: “Trước khi tôi ra đi, Hồ Chí Minh đưa cho tôi những lá thư gửi tới Tổng thống Truman và Ngoại trưởng Mỹ”(13). Thomas, Chỉ huy trưởng lực lượng Deer (con nai) huấn luyện cho Việt Nam Giải phóng quân khẳng định rằng: “Hồ Chí Minh không phải là người cộng sản giáo điều, rằng ông là một người yêu nước chân chính”(14)...
Trong bài Diễn văn đọc tại Đại học Quốc gia Hà Nội tháng 11.2000, TT Mỹ Bill Clinton nói rằng Việt Nam và Hoa Kỳ có rất nhiều điểm chung như: Cả hai dân tộc đều trẻ (65% dân số dưới 35 tuổi); đều lập nước từ thân phận thuộc địa; đều hình thành quốc gia thông qua sự di chuyển (nam tiến và tây tiến); đều có câu mở đầu Tuyên ngôn Độc lập giống nhau...
Bill Clinton còn thiếu một điều: Cả hai tác giả của Tuyên ngôn Độc lập là Thomas Jefferson và Hồ Chí Minh đều mất vào ngày Quốc khánh của đất nước mình (4.7.1826 và 2.9.1969). Đó là sự trùng hợp duy nhất của hai vĩ nhân trong lịch sử toàn thế giới!
Đọc, hiểu, viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng là một điều rất đỗi khó khăn. Nghĩ về Hồ Chí Minh, trong tôi là điệp trùng của những đợt sóng từ biển cả của nhân ái và ấm áp tình người. Hồ Chí Minh là hình ảnh của dãy Trường Sơn ngút ngàn thẳm sâu của hiểu biết ...
Huế, tháng 5.2010. Tel: 0914.079.210.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment