Sunday, January 31, 2010

Trung Quốc: chiến dịch kéo nhân tài hồi hương

VietNamNet-Cập nhật lúc 11:38, Thứ Hai, 11/01/2010 (GMT+7)

Để thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển về công nghệ - kỹ thuật, Trung Quốc không tiếc tiền của để lôi kéo các nhà khoa học và học giả hàng đầu ở nước ngoài hồi hương.

Tiến sĩ Thi Nhất Công đã từ chối khoản tài trợ nghiên cứu trị giá 10 triệu USD và xin nghỉ việc ở Đại học Princeton (Mỹ) để trở về Trung Quốc đảm nhiệm vị trí chủ nhiệm Khoa các môn khoa học cuộc sống ở Đại học Thanh hoa, Bắc Kinh.
Tiến sĩ Thi Nhất Công đã từ chối khoản tài trợ nghiên cứu trị giá 10 triệu USD và xin nghỉ việc ở Đại học Princeton (Mỹ) để trở về Trung Quốc đảm nhiệm vị trí chủ nhiệm Khoa các môn khoa học cuộc sống ở Đại học Thanh hoa, Bắc Kinh. (Ảnh NYT)
Các nhà khoa học ở Mỹ không quá ngạc nhiên vào năm 2008 khi Viện y học Howard Hughes danh tiếng ở Maryland trao thưởng khoản tài trợ nghiên cứu trị giá 10 triệu USD cho Thi Nhất Công - một nhà nghiên cứu sinh vật học phân tử của Đại học Princeton.

Các nghiên cứu tế bào của Tiến sĩ Thi đã mở ra một hướng nghiên cứu mới trong việc chữa trị bệnh ung thư. Tại Princeton, phòng thí nghiệm của ông chiếm trọn một tầng và có ngân sách 2 triệu USD mỗi năm.

Điều ngạc nhiên, thực tế là sốc, xảy ra một vài tháng sau đó khi Tiến sĩ Thi, một công dân nhập tịch Mỹ đã sống 18 năm tại đất nước này, tuyên bố rằng ông sẽ ra đi mãi mãi để theo đuổi khoa học ở Trung Quốc. Ông từ chối khoản tài trợ nghiên cứu, xin nghỉ việc ở Đại học Princeton và trở thành chủ nhiệm Khoa các môn khoa học cuộc sống ở Đại học Thanh hoa ở Bắc Kinh.

"Tới ngày hôm nay, nhiều người không hiểu tại sao tôi quay trở về Trung Quốc, đặc biệt ở vị trí của tôi, từ bỏ mọi thứ đã có", Tiến sĩ Thi mới đây thổ lộ trước một đám đông khách viếng thăm tại văn phòng của ông ở Đại học Thanh Hoa.

"Ông ấy là một trong 4 ngôi sao của chúng tôi", Robert H. Austin - một giáo sư vật lý thuộc Đại học Princeton cho biết qua điện thoại. "Tôi nghĩ đó là hành động điên khùng hoàn toàn".

Bước đi đột phá

Các lãnh đạo Trung Quốc không như vậy. Nhất quyết đảo ngược tình trạng cạn kiệt tài năng hàng đầu, vốn đã đeo đuổi nước này kể từ khi mở cửa với thế giới bên ngoài trong suốt 3 thập kỷ qua, họ đang sử dụng các nguồn tài chính dư dật hiện tại của mình và niềm tự hào quốc gia để lôi kéo các nhà khoa học và học giả hồi hương.

Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vẫn là những nơi hấp dẫn hơn để học tiếp và nghiên cứu đối đối với nhiều học giả Trung Quốc. Tuy nhiên, sự trở về của Tiến sĩ Thi và một vài nhà khoa học tiếng tăm khác là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thành công nhanh chóng hơn nhiều chuyên gia đã dự đoán trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nước này với các nước phát triển về công nghệ.

Chi phí của Trung Quốc vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R & D) đã tăng liên tục trong một thập kỷ và hiện chiếm tới 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mỹ hiện dành 2,7% GDP cho R & D nhưng tỉ lệ này ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với phần lớn các nước đang phát triển.

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang chịu nhiều áp lực hơn để cạnh tranh với những đồng nghiệp ở nước ngoài và trong một thập niên qua, họ đã nhân lên gấp 4 lần số công trình khoa học xuất bản trong 1 năm. Tổng số công trình khoa học được công bố năm 2007 của họ chỉ đứng thứ hai sau Mỹ. Theo một cuốn sách gần đây - “Lĩnh vực công nghệ mới nổi của Trung Quốc" - của Denis Fred Simon và Công Cao, hai chuyên gia về Trung Quốc tại MỹKhoảng 5.000 nhà khoa học Trung Quốc đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nano mới nổi.

Một nghiên cứu năm 2008 của Viện Công nghệ Georgia kết luận rằng, trong vòng một hoặc hai thập niên tới, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về khả năng chuyển đổi hoạt động R & D của mình thành các sản phẩm và dịch vụ có thể rao bán cho thế giới.

"Khi Trung Quốc trở nên thành thạo hơn trong các quá trình cách tân, liên kết hoạt động R.&D đang đâm chồi nảy lộc của họ với các doanh nghiệp thương mại, hãy chờ xem", nghiên cứu nhấn mạnh.

Quyết tâm

Số lượng không tương đương với chất lượng. Bất chấp việc đầu tư lớn, Trung Quốc vẫn đang vật lộn trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ. Không một nhà khoa học nào sinh ra ở Trung Quốc từng được trao giải Nobel vì nghiên cứu được tiến hành ở đại lục, mặc dù rất nhiều người đã nhận được giải vì công việc đó ở phương Tây. Trong khi nỗ lực tiến lên, Trung Quốc chỉ xếp vị trí thứ 10 về số bằng sáng chế được cấp tại Mỹ trong năm 2008.

Các học sinh Trung Quốc tiếp tục lũ lượt ra đi. Gần 180.000 người đã xuất ngoại năm 2008, cao hơn năm 2007 xấp xỉ 25% vì ngày càng có nhiều gia đình có khả năng chi trả học phí ở hải ngoại cho con em họ. Theo các số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc, cứ 4 học sinh đi du học trong thập niên vừa qua thì chỉ có một người trở về. Những người giành được bằng tiến sĩ khoa học hoặc kĩ thuật tại các trường đại học Mỹ nằm trong số những du học sinh ít khả năng trở về nhất.

Mặc dù vậy, mới đây, Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng việc lôi kéo ngược. Trong 3 năm qua, các nhà khoa học danh tiếng giống như Tiến sĩ Shi đã bắt đầu quay về một cách nhỏ giọt. Và họ đang quay trở về với một sứ mệnh: cải tổ văn hoá đề cao chủ nghĩa vây cánh và sự tầm thường trong khoa học, vốn thường được trích dẫn như trở ngại lớn nhất đối với thành tựu khoa học của Trung Quốc.

Họ bị lôi kéo bởi lòng yêu nước, khát vọng được cống hiến như những chất xúc tác cho sự đổi thay và niềm tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ ủng hộ họ.

"Tôi cảm thấy mình nợ Trung Quốc một cái gì đó. Ở Mỹ, mọi thứ không ít thì nhiều cũng đã được định hình. Bất kỳ cái gì tôi làm ở đây, tác động có thể gấp 10 hoặc gấp trăm", Tiến sĩ Thi nói. Nhà khoa học 42 tuổi này được các sinh viên Đại học Thanh Hoa miêu tả là người chu đáo và vô cùng tham vọng.

Tiến sĩ Thi và những người khác giống như ông rời nước Mỹ ít hối tiếc hơn suy nghĩ của một số người Mỹ. Mặc dù bản thân ông được một loạt các trường đại học hàng đầu của Mỹ vồ vập và vươn lên nhanh chóng qua các học vị của Đại học Princeton nhưng Tiến sĩ Thi tin rằng nhiều người châu Á đang đối mặt với sự kỳ thị ở Mỹ.

Nghiêu Nghi, một nhà nghiên cứu sinh vật học 47 tuổi đã rời Đại học Northwestern (Mỹ) vào năm 2007 để trở thành hiệu trưởng Trường Khoa học cuộc sống thuộc Đại học Bắc Kinh, đã làm nổi bật sự khác biệt giữa "cuộc tìm kiếm tâm hồn" của Trung Quốc với sự tự mãn của Mỹ. Khi Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh yêu cầu ông giải thích lí do tại sao muốn từ bỏ quyền công dân Mỹ, ông đã viết thư trả lời rằng Mỹ đã để mất vai trò lãnh đạo đạo đức sau các cuộc khủng bố 11/9. Tuy nhiên, "người dân Mỹ vẫn đang say sưa với sự vĩ đại của đất nước và bản thân họ", trích bức thư của ông Nghiêu.

Khó khăn ngày trở về

Những nhà khoa học này dường như có quan điểm không tương đồng với nhau về nền dân chủ của Trung Quốc. Trong khi Tiến sĩ Nghiêu bày tỏ hy vọng và tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ trở thành một nền dân chủ đa đảng trong khoảng thời gian còn lại của cuộc đời mình, Tiến sĩ Thi lại tỏ ra nghi ngờ hệ thống chính trị đó "sẽ có thể phù hợp với Trung Quốc".

Là một sinh viên của Đại học Thanh Hoa, Tiến sĩ Thi từng tham gia các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Là một người đăng ký ủng hộ đảng Dân chủ ở Mỹ, ông đã háo hức tham gia các cuộc bầu cử. Ông cho rằng: "Dân chủ đa đảng hoàn hảo cho nước Mỹ. Nhưng tin rằng dân chủ đa đảng tốt cho Mỹ không có nghĩa mô hình đó cũng tốt cho Trung Quốc".

Tuy nhiên, sự tái quay trở lại một thế giới khoa học chính trị hoá ở Trung Quốc có thể là thách thức. Một số nhà khoa học với lý lịch yếu hơn đã xa lánh những người trở về. Trong cuộc bầu chọn viện sĩ hàn lâm hai năm diễn ra một lần của mình, Viện Khoa học Trung Quốc, cơ quan cố vấn cao nhất về khoa học và công nghệ của nước này, đã bỏ qua Tiến sĩ Thi và Tiến sĩ Nghiêu. Viện cũng không công nhận Vương Hiểu Đông, một điều tra viên nổi tiếng của Viện Y học Howard Hughes, người mới rời bỏ Đại học Y Tây Nam Texas để về Viện Khoa học sinh học quốc gia ở Bắc Kinh.

Căng thẳng cũng đã lan sang cả không gian blog của Trung Quốc, nơi Tiến sĩ Thi bị chỉ trích như một người không thành thực và không đáng tin cậy. Trong một bài viết đăng tải trên blog năm 2008, Lưu Trung Vũ, một giáo sư khoa học và kỹ thuật tại Đại học Kỹ thuật Nam Trung Quốc, cho rằng Tiến sĩ Thi cần phải bị loại bỏ khỏi bất kỳ dự án nào đụng chạm tới các quyền lợi quốc gia của Trung Quốc. "Hãy nhớ rằng, ông ấy là người nước ngoài", ông Lưu viết.

’Một năm rưỡi qua giống như 10 năm đối với tôi. Tôi thấy vui mừng là tôi vẫn còn đứng vững", Tiến sĩ Thi thổ lộ. Theo ông, những lời chỉ trích gợi nhớ lại cuộc Cách mạng văn hoá.

Nỗ lực cải cách

Tuy nhiên, những người trở về cũng có các bạn bè quyền lực, kể cả các vị chủ tịch trường đại học của họ và một số quan chức thuộc Ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tiến sĩ Thi và Tiến sĩ Nghiêu đã giúp phác thảo chương trình mới của đảng nhằm thuê mướn các nhà khoa học, danh nhân và chuyên gia hàng đầu khác ở hải ngoại - biểu hiện mới nhất cho chiến dịch lôi kéo các học giả hồi hương của chính phủ.

Tháng 5/2008, Tiến sĩ Thi được mời tới để trình bày về tương lai của nền khoa học và kỹ thuật Trung Quốc cho Phó Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác tại Trung Nam Hải, khu liên hợp dành cho giới lãnh đạo ở Bắc Kinh.

Tiến sĩ Nghiêu nói, chính phủ rất hào phóng - có thể quá mức như vậy - trong tài trợ cho khoa học. Theo ông, thách thức là phải chắc chắn rằng các nguồn quỹ được chi tiêu một cách khôn ngoan, không đơn giản là trao theo kiểu ân huệ quan liêu.

Cách đây 5 năm, khi còn là lãnh đạo một viện khoa học tại đại học Northwestern, ông từng có lập luận tương tự trên tờ Nature của Anh. Tiến sĩ Nghiêu viết rằng, các mối quan hệ có sức nặng hơn nhiều sự xứng đáng khi các khoản tài trợ được trao ở Trung Quốc. Ông đã đề xuất bãi bỏ Bộ Khoa học và kỹ thuật Trung Quốc và tái phân bổ ngân sách của bộ này cho một cơ quan "đáng tin cậy hơn".

Bài phê bình của ông bị cấm ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc nhật báo - tờ báo tiếng Anh của chính phủ Trung Quốc, đã tổng kết nó trong một bài hồ sơ về Tiến sĩ Nghiêu với tựa đề "Một người đàn ông với một sự mệnh".

"Đó sẽ là một cuộc chiến khó khăn. Họ là các nhà khoa học xuất sắc. Nhưng họ phải hình thành một số đông phê bình để cải cách hệ thống. Nếu họ không cải cách nó, họ sẽ phải ra đi", ông Cao, tác giả một cuốn sách về Trung Quốc, nhận xét.

Tại Đại học Thanh Hoa, Tiến sĩ Thi cho hay, ông rất lạc quan. Trong không đầy 2 năm, ông đã tuyển dụng khoảng 18 nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, phần lớn từ Mỹ. Mỗi người đã mở một phòng thí nghiệm độc lập. Trong vòng một thập kỷ, ông nói, Khoa khoa học cuộc sống của Đại học Thanh Hoa sẽ mở rộng gấp 4 lần.

Tiến sĩ Thi đã không nói quá lên rằng, khoa học ở ĐH Thanh Hoa hiện ngang tầm với ở ĐH Princeton. Đúng hơn là, ông ví ĐH Thanh Hoa với một trường đại học công lập đáng kính trọng của Mỹ. Nhưng "chỉ trong vài năm, chúng tôi sẽ tới được mức đó", Tiên sĩ Shi nói.

  • Thanh Bình (Theo NYT)

Nhân dân mới là vĩ đại

Tuoi Tre- 31.01.2010

TT - “Hơn 30 năm làm công tác mặt trận, tôi rất thấm thía lời dạy của Bác Hồ “Việc khó đến đâu, dựa vào nhân dân cũng xong”.

Bác nói câu ấy khi cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ mới bắt đầu, và Đảng đã dựa vào dân, sống trong dân từ buổi trứng nước cho đến khi trưởng thành, lớn mạnh. Thế rồi đất nước hòa bình, đôi khi mối quan hệ máu thịt ấy dường như có những lúc giãn xa”...

Nói đến đó, khuôn mặt ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, hằn một nếp nhăn. Rồi ông kể lại những câu chuyện dưới đây.

Người dân luôn biết giải pháp

Làm việc ở Mặt trận Tổ quốc, tôi thấu rõ rằng không ai hiểu cuộc sống và các vấn đề của người dân bằng chính những người ngày đêm vật lộn trong cuộc sống ấy. Câu chuyện chống ngập cách đây vài năm ở khu Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM) là một ví dụ. Hàng chục năm cả bán đảo Thanh Đa phải khổ sở vì nước ngập. Mưa ngập vì nước không thoát kịp. Nắng ngập vì triều cường.

Dân đưa kiến nghị lên phường, phường đưa lên quận, quận đưa lên thành phố, thành phố đưa sang Sở Giao thông vận tải, sở trả lời chờ hệ thống chống ngập chung của quận Bình Thạnh, quận 8, toàn thành phố... Và chờ. Tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Trong khi đó, ngày nào người dân cũng phải sống chung với nước ngập. Có người buôn bán ế ẩm. Có người bị bệnh ngoài da. Có người dọn nhà đi nơi khác. Có em bé chết vì ngã xuống nước...

Người dân lại đưa thêm giải pháp. Họ bảo: thời chế độ cũ có xây dựng ở đây bảy miệng cống có van tự động đóng mở để thoát nước, do các van cống này hỏng nên mới xảy ra ngập nước. Trong khi chờ đợi công trình tổng thể, hãy sửa chữa, phục hồi các van này. Nếu thành phố không có kinh phí, người dân Thanh Đa tự nguyện đóng góp và tổ chức thực hiện. Đôi vai của người dân đã ghé xuống gánh lấy gánh nặng của Nhà nước, nhưng sở vẫn lắc đầu.

Những chị tiểu thương, anh kỹ sư, bác hưu trí lại đến tìm Mặt trận Tổ quốc, đầy bức xúc và nhiệt thành. Tôi đi thẳng xuống Thanh Đa. Lúc ấy là giữa trưa, mùa khô trời nắng như lửa đổ. Xe vừa dừng, một chị tiểu thương xăng xái mang cho tôi đôi ủng cao su. Tôi xỏ chân vào ủng, bước theo mọi người và thấy chợ Thanh Đa lênh láng nước, người bán ngồi co chân buồn bã trên sạp, vài người mua xắn quần ngang gối, nhăn mặt lội bì bõm trong nước bẩn. Những người dân dẫn tôi lội đủ bảy miệng cống, giải thích cách khắc phục, cách vận hành... Tôi không có lời nào để nói nữa.

Rời Thanh Đa, tôi lên thẳng Sở Giao thông vận tải. Sở cho chuyên viên xuống khảo sát lại và đồng ý với phương án chống ngập cục bộ của người dân, xuất kinh phí sửa chữa bảy van điều tiết bị hỏng. 20 ngày sau Thanh Đa hết ngập. Khi nghiệm thu công trình, ông Trần Quang Phượng - giám đốc Sở Giao thông vận tải - đã có lời xin lỗi và cảm ơn người dân Thanh Đa. Sau đó sở mang kinh nghiệm này áp dụng chống ngập ở bến Mễ Cốc và đã rất thành công.

Những lúc đắng lòng

Ở Mặt trận Tổ quốc, chúng tôi đã nhận được không biết bao nhiêu đơn thư khiếu nại thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của người dân nghèo ở một góc nào đó trong thành phố đông đúc này, những nông dân khuất lấp sau một bụi tre, góc ruộng nào đó trên đất nước này. Họ khiếu nại, phản ảnh và các đoàn thanh tra, kiểm tra các cấp đã kết luận rằng đa số những phản ảnh, khiếu nại ấy là đúng.

Thế nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vẫn không giải quyết kịp thời. Những khiếu nại kéo dài mãi ra như nước mắt và mồ hôi của người dân, và khi được giải quyết thì lại vỡ ra nhiều chuyện để mất mát cán bộ như vụ việc ở Đồng Tháp mới đây. Nếu những phản ảnh ban đầu được lắng nghe, xem xét đầy đủ thì đâu đến nỗi kết quả đau xót như thế.

Một trong những công việc cuối cùng tôi thực hiện ở Mặt trận Tổ quốc là đưa những ý kiến tha thiết của những người mưu sinh bằng nghề chạy xe ba gác đến UBND thành phố.

Những người đàn ông mặt sạm sương gió, áo quần lam lũ, mồ hôi còn đọng trên trán đã đến gặp tôi: “Chúng tôi tuổi tác như vầy, trình độ như vậy, anh hãy chỉ cho chúng tôi một việc làm khác cái nghề này. Ba đứa con tôi gắng học để thoát cảnh nghèo, tôi mất việc thì chúng cũng phải nghỉ học”.

Tôi đắng lòng không tìm ra câu trả lời. Mỗi mùa thi đại học đi qua, đọc báo lại thấy bao tấm gương người cha đạp xích lô, người mẹ đẩy xe rác nhọc nhằn nuôi giấc mơ con mình, ấy thế mà họ còn phải gặp thêm những lao đao nghiệt ngã. Tôi đưa kiến nghị của bà con lên ủy ban, tôi mang ra thảo luận trong các kỳ họp. Quyết định cấm xe ba gác được hoãn lại nhiều lần, cả thảy hai năm, nhưng hai năm vẫn chưa đủ để giải quyết hết những loay hoay của người dân cũng như Nhà nước...

Chính những lúc như thế lại càng thấm rõ lòng người dân với Đảng, với Nhà nước. Không trách giận, không oán than, những người dân vĩ đại của chúng ta vẫn bình tâm tin tưởng, kỳ vọng vào những chủ trương, chính sách, vẫn ngày ngày đóng góp hết tâm lực của mình vào một tương lai tốt đẹp, vẫn tha thứ cho những sai lầm và chờ đợi mối thâm giao máu thịt sẽ hóa giải tất cả.

Dù thế nào, cuộc sống vẫn cứ sẽ lừng lững mà đi tới.

Saturday, January 30, 2010

Để tránh ngoại xâm, đất nước phải hùng cường

Tuổi Trẻ - Chủ Nhật, 31/01/2010, 08:14 (GMT+7)

TT - Chủ tịch Tập đoàn thép Posco Park Tae Joon trở lại Việt Nam lần này để giới thiệu quyển sách Park Tae Joon - người đàn ông của thép dịch từ nguyên tác tiếng Hàn. Ông dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện về những đổi thay đã chứng kiến ở Việt Nam.

Ông Park Tae Joon tại buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội

* Thưa ông, lần đầu tiên ông đặt chân đến đất nước Việt Nam là tháng 11-1992, cũng là năm đầu tiên Việt Nam và Hàn Quốc chính thức nối lại quan hệ ngoại giao. 18 năm đã trôi qua, so với lần đầu tiên thì ấn tượng về Việt Nam trong sự trở lại lần này của ông có điều gì khác biệt?

Ông Park Tae Joon là người sáng lập và hiện là chủ tịch danh dự của Posco (Tập đoàn sắt thép Pohang), tập đoàn sản xuất thép lớn thứ hai thế giới. Sinh năm 1927 tại làng chài nghèo Jang Am, tỉnh Kyeong Am, vùng đất cực nam bờ biển Đông Hải (Hàn Quốc), bằng nỗ lực cá nhân, ông Park đã trở thành một trong những nhân vật thành đạt nhất và có ảnh hưởng nhất ở Hàn Quốc.

- Ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi vẫn là nguồn sinh khí toát lên từ đất nước, con người Việt Nam. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn có những nét thay đổi. Trong lần viếng thăm đầu tiên, tôi quan sát thấy vẫn còn rất nhiều xe đạp, nhưng lần này tôi thấy xe máy hối hả nối đuôi nhau trên đường.

Quả thật, tôi có cảm giác Việt Nam đang là con rồng mới đang trỗi dậy của châu Á. Xe hơi cũng nhiều, giao thông trên đường phố khá phức tạp. Tôi thiết nghĩ sự biến đổi về phương tiện giao thông cũng là biểu hiện cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam hôm nay. Nhớ lại buổi đầu, những nhân viên Posco ở Hàn Quốc chúng tôi cũng đến sở làm bằng xe đạp, về sau là xe máy, để rồi giờ đây là những chiếc xe hơi. Tôi thấy Việt Nam cũng đang đi lên theo chiều hướng đó.

Những phát biểu ấn tượng

* Từ khi thành lập công ty, tôi không bao giờ quên lý tưởng chủ nghĩa yêu nước trong làm thép. Thép giống như lúa gạo của công nghiệp. Nếu như lúa gạo là nguồn sống và phát triển thì thép là vật liệu căn bản của mọi ngành công nghiệp.

* Việc chúng ta có mặt trên đời này mang ý nghĩa gì đó thật đặc biệt. Vì thế đương nhiên chúng ta phải có trách nhiệm đối với đất nước và với cộng đồng. Bởi vậy khi tôi nhận dự án lập công ty thép quốc gia phục vụ mong ước khẩn cấp của người Hàn Quốc, tôi nghĩ đó là số phận của mình, là bổn phận cả đời của mình và là điều mà tôi phải làm cho được.

* Mỗi lần đối diện với thử thách mới, tôi đều bảo với nhân viên rằng họ phải cảm thấy vinh dự được tham gia dự án khổng lồ này vì nó sẽ làm thay đổi cả vận mệnh của quốc gia. Tôi đã yêu cầu họ hãy làm việc hơn cả ý nghĩa của phận sự.

* Giáo dục là sự nghiệp công ích lớn nhất trong thiên hạ và chỉ thành đạt với sự tận tâm của muôn vạn người.

* Trường đại học phải để cho người am hiểu đại học điều hành. Tôi sẽ không nhúng tay vào bất cứ việc gì. Còn chuyện đầu tư, trừ những điều không cần thiết, còn lại bất kể bao nhiêu tôi cũng sẽ dốc sức hỗ trợ.

* Là điều kiện tiên quyết của nước Đại Hàn dân quốc nghèo nàn về tài nguyên, việc phát triển sức sáng tạo vô hạn cũng là sứ mệnh lịch sử mà sự nghiệp giáo dục cần phải gánh vác.

N.Q.
(trích từ The Posco museum và Park Tae Joon - người đàn ông của thép)

* Cuộc đời ông đã có những thành công khiến cả thế giới phải chú ý. Vậy cả đời mình, đâu là những giá trị ông không ngừng đeo đuổi?

- Hãy nghĩ xem cuộc đời của mỗi cá nhân liệu có thể thoát được bối cảnh của thời đại? Chính vì vậy, mục tiêu của cuộc đời tôi không có gì khác hơn là cái đã được quyết định bằng vận mệnh của tổ quốc tôi. Sinh ra giữa lúc Hàn Quốc đang là thuộc địa của Nhật Bản, rồi sang Nhật học hành, tôi đã nghĩ rằng đất nước tôi phải là một quốc gia hùng cường để không phải gánh chịu nỗi bất hạnh nào thêm nữa từ sự xâm lược của nước khác.

Muốn được như vậy, hơn bất cứ điều gì, tôi tâm niệm rằng phải thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nhân tố trọng yếu cho sức mạnh của mọi quốc gia. Tôi đã hiến dâng trọn cuộc đời tôi cho sự nghiệp phát triển kinh tế của Hàn Quốc, biến đất nước tôi trở thành quốc gia tiên tiến hàng đầu của thế giới. Về cuộc đời mình, tôi không chút gì hối hận.

* Phải nói rằng thế hệ chúng tôi được thừa hưởng thành quả kinh tế mà thế hệ cha mẹ chúng tôi, mà trước nhất là những người như ông, đã không quản máu xương, mồ hôi và nước mắt... để dày công tạo dựng. Tuy nhiên, với nhận thức phải xây dựng Hàn Quốc trở thành một quốc gia với những giá trị dân chủ và nhân văn hơn, đã có lúc thế hệ chúng tôi cũng phải xả thân đấu tranh để đạt được điều đó. Vậy trong suy nghĩ của ông, đâu là sự nhìn nhận về thế hệ chúng tôi?

- Câu hỏi cô đưa ra cũng chính là mối xung đột giữa hai thế lực công nghiệp hóa và phong trào dân chủ, là vấn đề đang được tranh luận gay gắt trong xã hội Hàn Quốc hiện tại. Nhưng dù thế nào đi nữa, trên thực tế bao giờ hai điều đó cũng luôn song hành với nhau. Tôi đã muốn tận tụy với nhiệm vụ mà tôi phải gánh vác là phát triển kinh tế. Rồi đến một ngày tôi chứng kiến sự trưởng thành của một thế hệ mới với những giá trị về xã hội nhân văn và dân chủ.

Tôi không hề tư duy theo lối tiêu cực một khi thế hệ mới đang đặt ra những vấn đề xã hội mới. Chỉ có điều tôi nghĩ rằng những thế hệ sau này cũng nên hiểu những giá trị chúng tôi đã cống hiến. Hãy nhớ lấy xiềng xích độc tài và cả xiềng xích của sự nghèo đói! Phải hiểu biết quá khứ một cách sáng suốt, cũng như phải biết tìm ra những giá trị mới!

* Sáng 29-1, ông đã có buổi nói chuyện ở Đại học Quốc gia Hà Nội với hơn 400 giáo sư và sinh viên. Vậy cuộc tiếp xúc với các bạn trẻ Việt Nam có mang lại cho ông những cảm xúc đặc biệt nào không?

- Bài thuyết giảng của tôi hôm ấy có chủ đề “Tọa độ thời đại của thế hệ trẻ và con đường hướng tới tầng lớp tinh hoa”. Tôi đã nói với các sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện những tinh hoa trẻ tuổi của Việt Nam, rằng cần phải xác định cho được một tọa độ thời đại của thế hệ trẻ các bạn. Khi đặt ra vấn đề này, tôi nhận thấy trong hàng trăm ánh mắt thông minh của các bạn trẻ sinh viên Việt Nam như đang sáng ngời lên những vẻ lạc quan, ước vọng tràn đầy.

Thêm vào đó, thái độ của các sinh viên khi lắng nghe bài nói chuyện của tôi cũng hết sức nghiêm túc. Tôi nhận thấy với thế hệ trẻ hôm nay, Việt Nam chắc chắn sẽ thành công trong công cuộc phát triển kinh tế và xây dựng quốc gia tiên tiến. Tôi sẽ còn nhớ mãi kinh nghiệm về buổi nói chuyện này.

* Theo quan điểm của cá nhân ông, đâu là sứ mệnh của đất nước Việt Nam ngày nay?

- Khi sáng lập Posco, tôi luôn nhấn mạnh rằng thế hệ của chúng tôi là thế hệ phải hi sinh như những người tử vì đạo, để những thế hệ sau này có thể sải bước trên sự hi sinh của chúng tôi mà vươn ra thế giới. Và sự tồn tại của Posco là vì hạnh phúc của thế hệ mai sau, vì sự phồn vinh của quốc gia trong thế kỷ 21.

Chủ tịch Park Tae Joon (phải) trò chuyện với tiến sĩ Ku Su Jeong

Ở bất kỳ xã hội nào, sự đấu tranh cho tương lai hiển nhiên sẽ luôn đi kèm với những khổ đau và thử thách mà hiện tại phải gánh chịu. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Và để thay cho lời giải đáp câu hỏi này, tôi xin được dẫn ra đây những lời nói của tôi đã được ghi lại trong phần cuối quyển sách Park Tae Joon - người đàn ông của thép: “Trong quá trình một quốc gia đang phát triển xúc tiến công cuộc phát triển kinh tế, sức mạnh quan trọng nhất là không tham nhũng và lòng tự tin của nhân dân. Việt Nam đã có Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thanh liêm nhất trong số các nhà lãnh đạo thế giới của thế kỷ 20, lại có cả lòng tự tin và niềm kiêu hãnh khi đã đẩy lùi được thế lực ngoại xâm của Pháp và Mỹ. Vấn đề còn lại là làm thế nào để vận dụng di sản tinh thần vĩ đại đó như một tiềm lực để đạt đến mục tiêu dân giàu nước mạnh, thiên hạ ấm no, hạnh phúc!”. Đây cũng chính là lời tôi muốn gửi gắm đến nhân dân Việt Nam hôm nay.

KU SU JEONG thực hiện

Mười bảy tháng hai: Trung Quốc nói gì?

Giáp Văn

Bằng chính sách tuyên truyền đồng bộ và rộng khắp của mình, Trung Quốc đã nhồi được vào đầu giới trẻ, kể cả trí thức trẻ, cách nhìn phiến diện về cuộc chiến bằng những giải thích đơn giản, siêu hình. Điều đáng lo ngại là họ đã thành công, đã làm cho dân của họ tin rằng, họ mới là người có chính nghĩa.

Đúng ngày này 30 năm trước, Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Cuộc chiến ngắn nhưng đẫm máu. Ba mươi năm sau, nguyên nhân thực sự của cuộc chiến, ít nhất là đối với tôi, vẫn còn chưa hoàn toàn rõ. Vì thế, trong một cố gắng tìm hiểu nguyên nhân thực sự của cuộc chiến theo lý giải của phía bên kia, tôi đã hỏi ba đồng nghiệp người Trung Quốc. Cả ba đều trên dưới ba mươi tuổi, tốt nghiệp Tiến sĩ ở trong nước, rồi sang Anh làm việc cùng nhóm với tôi. Điều tôi quan tâm là với những người Trung Quốc trẻ, được đào tạo bản bản ở trong nước, thì thông qua tuyên truyền và giáo dục của nhà nước Trung Quốc, họ hiểu về căn nguyên cuộc chiến như thế nào.

Sau một giờ trao đổi, cả ba người đều đưa ra cùng một kết luận giống hệt nhau: Trung Quốc tiến đánh Việt Nam, vì:

1. Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, nhưng Việt Nam đã liên kết với Liên Xô (cũ) để đe dọa Trung Quốc. Bằng chứng là Việt Nam đã cho Hải quân Liên Xô (cũ) sử dụng cảng Cam Ranh.
2. Do Việt Nam tiến đánh Campuchia, một đồng minh thân cận của Trung Quốc (họ dùng chữ “partner”, một chữ để chỉ người rất gần gũi như vợ/chồng hoặc đối tác rất thân thiết).
3. Do xung đột biên giới dai dẳng, Việt Nam đòi chia biên giới theo hướng có lợi cho mình (họ minh họa bằng hình một quả đồi đang tranh chấp, Việt Nam đòi đường biên giới đi vòng qua phía bên họ, còn Trung Quốc muốn đường biên giới đi qua đỉnh đồi).

Ba người đến từ ba vùng khác nhau của Trung Quốc, nhưng đều đưa ra những lập luận giống hệt nhau. Điều đó cho thấy, chính sách tuyên truyền của Trung Quốc được tiến hành đồng bộ và rộng khắp đến mức nào.

Cả ba đều đưa ra lý lẽ như vậy, nhưng không đi sâu phân tích xem lý lẽ đó đã thỏa đáng chưa, và nguyên nhân thực sự của những cái họ gọi là nguyên nhân kia là gì. Điều này hoàn toàn trái ngược với tác phong làm việc khoa học, tìm hiểu kĩ nguyên nhân, liên hệ đến các yếu tố tác động bên ngoài, như trong các vấn đề chuyên môn của họ.

Khi được hỏi vì sao Việt Nam lại phải liên kết với Liên Xô (cũ), họ đều trả lời không biết. Họ chỉ lập luận rằng: Lúc đó tình hình Trung Quốc và Liên Xô (cũ) rất căng thẳng, có thể nổ ra chiến tranh bất cứ lúc nào. Nhưng Việt Nam, nước mà họ đã giúp đỡ rất nhiều, lại đứng về phía Liên Xô để đánh lại Trung Quốc. Khi được giải thích rằng, vì trước đó nhiều năm, với chính sách thực dụng, coi kẻ thù của kẻ thù là bạn, Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ với Mĩ, trong khi Việt Nam và Mĩ còn là thù địch, thì lực lượng duy nhất Việt Nam có thể liên kết là Liên Xô, chứ không phải liên kết với Liên Xô để đánh lại Trung Quốc, thì cả ba đều ớ người ra, nói rằng: Ừ, ừ, có thể thế. Và họ kết luận, đấy là cái tam giác rất phức tạp, mắc kẹt vào đấy là rất khó thoát ra.

Khi được hỏi vì sao Việt Nam lại tiến đánh Campuchia thì cả ba đều nói là không biết. Họ chỉ nói rằng: Campuchia là đối tác thân cận, đồng minh gẫn gũi của Trung Quốc, vì thế, khi Việt Nam tiến đánh Campuchia, bạn của Trung Quốc, thì Trung Quốc phải ra tay. Họ không biết một chút nào về việc Campuchia tấn công biên giới Tây Nam của Việt Nam lúc đó, và không quan tâm gì đến việc đối tác Campuchia của họ, cụ thể là Pol Pot, là một đối tác tàn ác, hủy diệt con người.

Về tranh chấp biên giới, khi được hỏi: Với lực lượng ít như vậy, thì làm sao Việt Nam có thể tấn công biên giới trước và liên tục được, trong khi trên thực tế, các trận đánh đều diễn ra trên đất Việt Nam. Còn cái đồi mà họ nói, thực chất là thác Bản Giốc, thuộc Việt Nam, thì cả ba đều nói rằng không rõ lắm. Rồi họ kết luận: Đến bây giờ họ cũng không biết bên nào đã nổ súng trước nữa.

Có một điểm đáng chú ý là cả ba đều không đề cập gì đến “Hoa kiều” như một phần nguyên nhân của cuộc chiến. Theo suy luận thông thường: Cái gì thực sự đáng kể thì ở lại, cái gì như váng bọt thì sẽ bị thời gian cuốn đi, thì có lẽ, vấn đề “Hoa kiều” không phải là một phần đáng kể của nguyên nhân cuộc chiến thật.

Khi nói: Nhiều người cho rằng, Đặng Tiểu Bình tiến hành cuộc chiến đó là vì muốn cho Quân đội Trung Quốc thấy họ đã lạc hậu đến mức nào; Đặng Tiểu Bình tiến hành cuộc chiến là để cho Quân đội luôn bận rộn, để ông ta rảnh tay tiến hành cải cách và thâu tóm quyền lực, v.v... thì cả ba đều tỏ vẻ ngạc nhiên, và cuối cùng thì kết luận: Có thể như vậy. Họ cũng nói thêm một ý nữa: Chiến tranh, thực ra chỉ là chuyện của mấy người ở trên...À, thì ra không chỉ có nước nhỏ mới là quân cờ cho bàn cờ chính trị của các nước lớn, mà ngay cả dân của nước lớn cũng chỉ là quân cờ của “mấy người ở trên”.

Cuộc thảo luận kết thúc mà không tìm được gì mới hơn so với những gì tôi đã biết. Có lẽ, chỉ một mình Đặng Tiểu Bình biết đâu là nguyên nhân thực sự của cuộc chiến. Chỉ có điều, ông ta đã chết rồi. Mà nếu còn sống, cũng chẳng bao giờ ông ta nói ra. Vì thế, nguyên nhân thực sự của cuộc chiến, đối với tôi, vẫn còn là một điều bí ẩn.

Điều duy nhất tôi rút ra được, là với chính sách tuyên truyền đồng bộ và rộng khắp của mình, Trung Quốc đã nhồi được vào đầu giới trẻ, kể cả trí thức trẻ, cách nhìn phiến diện về cuộc chiến bằng những giải thích đơn giản, siêu hình. Điều đáng lo ngại là họ đã thành công, đã làm cho dân của họ tin rằng, họ mới là người có chính nghĩa.

Và một điều không thôi day dứt, là vì sao Việt Nam lại mắc kẹt và cái tam giác chết tiệt ấy? Có cách nào để không mắc vào nó không?

Hình như là có, và người Việt Nam đã bỏ lỡ.

Liv. 17/02/2009.

Chế Lan Viên: Những bài thơ kỳ lạ!

Trừ đi

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau – giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm – giết một ước mơ – tôi giết
Cái cánh sắp bay – trước khi tôi viết
Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời lên trên biển – Giết mưa
Và giết cả cỏ trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi.
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi – Người có lỗi
Đã phải giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình

(Tạp chí Văn, Paris 1992)

Bánh vẽ

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi
Nhai nhồm nhoàm
(Prométheé 86, Văn học và Dư luận, 8-1991)

Friday, January 29, 2010

“Trận chiến sống còn” của Malaysia

TT - Malaysia vừa công bố một kế hoạch nhằm cải tổ chính phủ, cải thiện các dịch vụ công, chống tham nhũng trong vòng ba năm tới. Thủ tướng Najib Razak mô tả đây là “trận chiến sống còn” của Malaysia.

Thủ tướng Najib cam kết xây dựng một chính phủ minh bạch, vì dân - Ảnh: Reuters

Theo báo Malaysia Star, Thủ tướng Najib đã yêu cầu giới công chức nhà nước phải nhanh chóng đạt được kết quả trong sáu lĩnh vực chủ chốt: chống tham nhũng và tội phạm, cải thiện mức sống của người dân, cải thiện khả năng tiếp cận với giáo dục, nâng cấp hệ thống giao thông đô thị và hệ thống hạ tầng nông thôn. Thủ tướng Najib yêu cầu 1,2 triệu công chức khắp Malaysia phải nỗ lực để giúp chính phủ cải thiện các dịch vụ cơ bản cho người dân.

Để đạt mục tiêu giảm tỉ lệ tội phạm khoảng 20%, chính quyền sẽ lắp đặt 500 máy quay phim tại 50 “điểm nóng” tội phạm ở Kuala Lumpur. Khoảng 3.000 người tình nguyện sẽ hỗ trợ cảnh sát tuần tra trên đường phố. Trên lĩnh vực giáo dục, chính quyền cam kết đạt tỉ lệ 89% trẻ em được đi học mẫu giáo so với mức 69% hiện nay.

Chính quyền hi vọng đưa hơn 90.000 gia đình ra khỏi diện nghèo đói vào cuối năm nay và sẽ đầu tư hơn 5 tỉ USD để nâng cấp hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hệ thống cung cấp nước sạch và điện. Ngoài ra, chính quyền cũng sẽ tăng hơn 200 xe buýt và 26 đoàn tàu để phục vụ giao thông Kuala Lumpur.

Thủ tướng Najib đặc biệt nhấn mạnh đến nỗ lực chống tham nhũng. Theo chương trình cải tổ chính phủ, Malaysia đặt quyết tâm tăng chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) từ 4,5 hiện nay lên 4,9 trong năm 2010, và nâng tỉ lệ người đồng ý đánh giá hiệu quả chống tham nhũng của chính phủ từ 28% hiện nay lên 37%. Năm 1995, Malaysia xếp hạng 23 trong thứ tự CPI của Tổ chức Minh bạch thế giới, nhưng năm 2009 đã tụt xuống thứ 56.

Theo New Straits Times, ước tính nạn tham nhũng cướp đi của Malaysia gần 3 tỉ USD mỗi năm, tương đương 1-2% GDP. Cảnh sát, hải quan, sở nhập cư, sở giao thông đường bộ là những cơ quan kém minh bạch nhất trong chính phủ. Theo khảo sát của Trung tâm Merdeka thuộc chính phủ, 71% các công ty ở Malaysia cho rằng không hề có minh bạch trong đấu thầu các dự án lớn của nhà nước.

HIẾU TRUNG

Không tên

Bài trên Tuổi Trẻ - Chủ Nhật, 24/01/2010, 07:06 (GMT+7)

TT - “Đêm ấy, bác Lê lên cơn sốt. Những cái rùng mình lạnh lẽo nối nhau lướt trên da bác, manh chiếu rách không đủ đắp ấm thân. Trong lúc mê sảng, bác Lê tưởng nhớ lại cả cuộc đời mình, từ lúc còn bé đến bây giờ, chỉ toàn những khổ sở, nhọc nhằn. Cái nghèo nàn không biết tự bao giờ đã vào nhà bác.

Lúc sinh ra, bác đã thấy nó rồi, và từ đấy, nó cứ theo liền bác mãi. Bác mơ thấy vàng son chói lọi trong nhà ông Bá, thấy nét mặt gian ác và tinh nghịch của cậu Phúc, con chó tây nhe nanh chồm đến...

Hai hôm sau, bác Lê lại lên cơn mê sảng rồi chết. Người trong phố chợ gom góp nhau mua cho bác một cỗ ván mọt, rồi đưa giúp bác ra cánh đồng, chôn vào bãi tha ma nhỏ ở đầu làng.

Khi trở về, qua căn nhà lạnh lẽo âm u họ thấy mấy đứa con nhỏ bác Lê ngồi ở vỉa hè, con Tý đang dỗ cho thằng Hy nín khóc, nói dối rằng mẹ nó đi chợ một lát sẽ về. Nhưng họ biết rằng bác Lê không trở về nữa và họ thấy một cảm giác lo sợ đè nén lấy tâm can họ, những người ở lại, những người còn sống mà cái nghèo khổ cứ theo đuổi mãi không biết bao giờ dứt”.

Thạch Lam viết như thế từ những năm 1940, trong truyện ngắn đau buồn và ám ảnh Nhà mẹ Lê. Những cô cậu học sinh phổ thông suốt mấy thập kỷ đã được nghe thầy cô giảng trong giờ học văn rằng những cảnh ấy chỉ có ở nông thôn VN thời thuộc địa phong kiến, chỉ còn trong văn chương hiện thực phê phán hay Tự lực văn đoàn.

Nhưng mẩu tin hôm kia trên các báo thì bảo không phải thế.

“Người phụ nữ xấu số đó là bà Phạm Thị Ngắn (55 tuổi, trú tại buôn H’drát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc). Bà bị đàn chó bécgiê thuộc trang trại cà phê của một công ty cùng địa phương cắn chết khi mót cà phê rụng ở trang trại này chiều 21-1.Các nhân chứng cùng đi mót cà phê với bà Ngắn cho biết khi đang mót thì một đàn chó bécgiê lao ra, những người khác nhanh chân leo lên cây, còn bà Ngắn bị chó táp quật ngã xuống đất. Một người đàn ông của trang trại chứng kiến sự việc nhưng không can thiệp dù nạn nhân kêu la. Tại hiện trường, hầu hết các phần cơ đều bị chó cắn nát và ăn mất, toàn bộ da đầu, mặt bị mất”.

Chuyện của ngày hôm nay, ở xứ ta mà nghe cứ như của thời nào, ở xứ nào. Người đàn bà ấy chắc chắn là nghèo, vì không nghèo thì ai phải đi mót cà phê.

Chắc chắn nhà chức trách sẽ vào cuộc, công luận sẽ căm phẫn và thương xót. Nhưng có sự trừng phạt, sự lên án, sự thương xót hay chia sẻ nào trả lại mẹ cho con của bà Ngắn, như đã không trả lại được cho chín đứa con của mẹ Lê người mẹ mà chúng ngóng đợi. Sự trừng phạt có thể đến với kẻ đã nhẫn tâm thả đàn chó ra rồi đứng nhìn đàn chó xâu xé người mẹ tội nghiệp kia mà không thèm lên tiếng. Nhưng lẽ ra đã chẳng cần đến trừng phạt hay thương xót nếu bà Ngắn đừng nghèo đến thế để không phải đi mót cà phê trong vườn nhà người khác, nếu bà cũng có một mảnh vườn con con của mình, nếu bà có một cái nghề yên ổn hơn mót cà phê...

Thương cho phận nghèo...

THU HA

Cơn mưa hoa mận trắng

- Truyện ngắn của PHẠM DUY NGHĨA



Từ ngày lên Kin Chu Phìn, Thuận luôn có cảm giác sống trong một thế giới bưng bít, biệt lập. Căn nhà lợp tranh bé nhỏ của chị nép mình cạnh rừng vầu. Gian ngủ liền vách với lớp học. Những đêm xuân, Thuận nằm nghe tiếng dúi gặm măng gồn gột sau nhà. Quanh năm, sương mù vón lại trên núi Rú. Ngọn núi xám ngắt tỏa khí lạnh buốt, nhô ra bức thành đá sứt sẹo, lởm chởm, phủ cây dại bùng nhùng. Lâu lâu, từ núi vọng về một âm thanh đục ngầu của đá lở. Gió rít lục ục trong rừng vầu đắng, rừng nứa ngộ, nghe như nghẽn lại trong tầng lá rầm rì. Những buổi chiều vào rừng nhặt củi, Thuận thấy loi nhoi trong sương một đôi bóng áo chàm. Các cô bé người Dao lúi húi chặt cây khô, cắt cỏ ngựa. Tí tuổi đầu mà chiếc lù cở sau lưng chất đầy những khúc củi to gộc, dài gấp đôi thân người. Trên lối về thôn, trong ánh tà xanh lam nhập nhoạng, các cô bé lầm lũi bước. Những khuôn mặt nhem nhuốc lúc nào cũng buồn…

Thuận từ trường chính lên dạy chữ cho trẻ em người Dao ở phân hiệu này đã ba năm. Được tắm táp bằng mây gió vùng cao, da thịt không còn tươi mởn nưã nhưng chị đang ở độ chín mọng, tràn trề của người đàn bà bước vào thời kỳ sung mãn. "Người gì mà mồ hôi tiết ra ngọt như nước trái vả. Nhìn vào thấy toàn những múi, những khe, gợi cho người ta những ý nghĩ không tiện nói" - hiệu trưởng Tiến, kém Thuận hai tuổi, một tay tợn mồm lại ưa bông phèng nói vậy. Ba năm sống cô độc ở Kin Chu Phìn, Thuận đã thấm thía nỗi sợ, nỗi buồn của người giáo viên cắm bản. Những lần vận động trẻ đến lớp, chị chống gậy đi trong mưa gió, sương mù, ngã dúi mặt xuống bùn lầy nhầy phân ngựa. Có dạo mưa lũ, con suối ngoài thôn mênh mông trắng nước, không xuống chợ mua gạo và cá khô được, chị phải bẫy chuột nướng ăn suốt một tuần. Đêm ngủ, có con rắn xanh lét bò vào nhà tránh mưa, trườn qua ngực chị. Chờ nó bòn sang gian lớp học, chị lật chăn định ngủ tiếp, lại thấy một con rắn trắng nhợt, mềm oặt, nhỏ bằng cái đũa ngo ngoe giữa chiếu. Khi nắng lên rừng rực, chị lại sợ cháy rừng. Năm kia, một người Dao đốt nương đã để lửa cháy lan liếm sạch một dải rừng dâu da trong núi Rú. Tàn lửa bay đến vùng thượng Kin Chu Phìn, suýt thiêu rụi một góc núi toàn nhà lợp tranh của người Hà Nhì. Ông Tẩn Phù Siểu, trưởng thôn Kin Chu Phìn vào tận núi Rú, vác về một con khỉ cái chết thiêu, lông cháy đen thui, hai mắt lòi trắng dã. Ông bảo: "Cho cô giáo đấy, có ăn thì ăn. Nhìn mặt nó giống cái mặt đàn bà, tôi không muốn ăn nữa rồi.". Thuận đánh liều làm thịt con khỉ, gọi đứa con gái ông Siểu sang ăn cùng. Nồi thịt bốc mùi tanh nhức óc. Ngay đêm đó, Thuận lên cơn kinh giật, người lạnh toát. Trong lúc mê sảng, Thuận thấy con khỉ hiện về, vẩy máu vào mặt chị. Nó ngồi ở đầu giường, kêu khóc thảm thiết như người. Nghe chuyện, một giáo viên lâu năm tên là Thanh bảo Thuận: "Ngày trước ở xã này có người đàn bà oán hận nhà chồng, đang đêm bỏ nhà đi vào núi Rú rồi mất tích ở đó. Về sau có người nhìn thấy chị ta ở trong núi, thoắt hiện lại biến mất, nhanh như vượn. Chưa biết chừng Thuận ăn nhầm phải thịt người rồi đấy". Sợ toát mồ hôi, Thuận tìm nhặt lại những giẻ xương, bọc trong một mảnh ni lông, chôn ở đầu con dốc trước nhà. Quanh nấm mộ này, cỏ ngại và tam thất rừng mọc xanh ngằn ngặt.

Đầu tháng sáu, Tiến dẫn Kiên lên nhận lớp dạy ở Kin Chu Phìn. Kiên vừa học xong năm thứ nhất ở trường sư phạm tỉnh, được điều động tham gia chiến dịch chống mù chữ sáu tháng tại vùng cao. Sự xuất hiện của cậu sinh viên trẻ trung, nhiệt tình như gió xuân thổi vào cuộc sống đầy sương mù của Thuận. Chị cùng Tiến chặt vầu, đóng thêm một chiếc giường. Trong gian buồng bé như ổ chuột, chỗ nằm của Thuận và người bạn mới chỉ cách nhau một sải tay. Tiến tặc lưỡi: "Ranh giới mong manh quá. Thôi, anh về. Chú mày giúp chị lấy củi, thổi cơm, nhớ đừng rình xem chị tắm".

Một hôm có người cán bộ trẻ của ngành giáo dục từ thị xã vào kiểm tra. Thấy cảnh ăn chung ở chạ của Thuận và Kiên, anh ta trợn mắt: "Nhét một nam một nữ vào một buồng, anh định xui họ làm gì hả?". "Thầy thông cảm, vùng cao mà" - Tiến nhồi thuốc lá vào cái nõ điếu, điềm tĩnh nói - "Dựng thêm một cái nhà, lại phải nhờ dân đóng góp công sức, gỗ lạt, cũng phiền. Tốt nhất là tận hưởng những gì đang có. Mà một trai một gái, nếu có tí dấm tí mẻ thì cũng vô hại. Cuộc sống càng lạc quan, hề hề…".

Sống với Kiên chưa được bao lâu, Thuận cảm thấy ở người thanh niên này có một cái gì là lạ không giống những người con trai khác. Những việc phải lăn lộn giữa bùn nước, phân tro, muỗi vắt như vượt suối băng rừng, giúp dân cấy gặt, thái cỏ ngựa, khuôn thồ thảo quả... Kiên chẳng nề hà. Cứ sục sôi, hùng hục, thích thú như thể đó là những trò khoái lạc. Nhưng hễ đặt mình xuống giường là hai mắt nhắm nghiền. Anh không mảy may để tâm đến những tiếng động cựa, tiếng thở đầy nhục cảm và đôi khi cả tiếng trút cởi sột soạt giữa đêm khuya ở chiếc giường bên cạnh. Có lần đang tắm trong ô buồng che chắn bằng phên nứa phía sau bếp, chị gọi Kiên mang giùm chiếc khăn mặt. Ngồi ở trong nhà, anh lờ đi như không nghe thấy. Vài lần, Thuận rủ Kiên ra con suối ven đồi cỏ tranh cuối dải rừng vầu rậm rạp. Chị thích tắm suối đêm. Trước kia chị vẫn thường ra suối tắm đêm một mình. trước khi cởi quần áo, lần nào chị cũng bảo Kiên: "Kiên ngồi ở gần đây thôi nhá. Vắng vẻ thế này, chị sợ...". Nhưng lần nào Kiên cũng bỏ ra xa. Anh để chị thoả sức ì oạp trong nước hàng giờ, thoả sức trồi hụp, mơn man, miết cọ và tận hưởng cảm giác rờn rợn, buồn buồn của sự giao tình giữa thịt da và nước. Rồi chị điềm nhiên bước lên bờ, phô ra ngồn ngộn giữa đêm mờ cái tươi trắng loã lồ, tràn trề sinh lực nguyên thuỷ. Xa lạ, trên mỏm đá đen sì trồi lên giữa bờ cỏ rậm, Kiên vẫn đứng nghiêm bất động như một người lính gác trung thành. Nhưng không một lần ngoái lại.

Sau những lần như thế, Thuận thấy bẽ bàng. Một người đà bà, dù vấn vít chồng con, dù gió trăng thừa thãi, vẫn thích một người con trai kém tuổi còn vụng dại để ý đến mình.

Một hôm, Kiên nhận được một lá thư. Phong thư vàng ố vì nước mưa, gửi kèm ảnh một cô gái còn rất trẻ đứng trong vườn mận. Mắt Kiên sáng rực, vì vui sướng. "Người yêu em đấy, xinh không chị?". "Học cùng lớp với Kiên à?". "Vâng. Đợt chống mù chữ này, Hà của em đi tận Cán Hồ". Trong thư còn kẹp dăm bông hoa nhỏ màu trắng đã nhàu nát, thâm lại. Kiên mang lá thư ra dưới nắng, giơ lên soi, đưa tay sờ vào từng chữ như muốn lần ra dấu vết gì đặc biệt. Ngày hôm sau, anh lang thang cả buổi trong rừng, mang về một đống lá úa của loài cây gì màu đỏ rực. Anh thức thâu đêm viết thư cho Hà, khuôn mặt nhàu nát vì suy tư, nghiền ngẫm. Mỗi lần xuống xã nhờ người chuyển thư ra huyện, anh không quên bỏ vào trong thư một chiếc lá đỏ có ba thuỳ.

Mùa thu này mưa nhiều. Cứ ào một cái, nghe ran ran trên rừng vầu, rừng nứa, ngoảnh lại đã thấy cả Kin Chu Phìn biến mất trong màn mưa trắng xoá. Ngôi nhà tranh ọp ẹp của Thuận oằn mình dưới sức nước xối, tưởng chừng như một trận mưa nữa, nó sẽ mủn nạt, mục ra, nhường chỗ cho những lùm cỏ ngải hung hăng thả sức trổ xanh rì.

Mưa tạnh, các khu rừng được rửa sạch, loáng ướt. Riêng ngọn núi Rú vẫn bị nhốt trong biển khói sương dày đặc. Những tràn ruộng bậc thang no ứ nước, sáng lấp lánh.

Buổi chiều, Kiên thấy mấy anh con trai nhà ông Siểu dong trâu ra đám ruộng trên sườn đồi cỏ tranh. Buổi sáng anh dạy họ học chữ, lúc này họ dạy anh cày bừa. Về nhà, mặt anh tươi rói, mình mẩy vàng khè như con chạch moi từ đáy ao lên. Thuận vừa xới cơm vừa nhìn chằm chằm vào bắp chân săn chắc của Kiên. Chị thấy nôn nao bởi cái mùi hôi vừa lạ lẫm vừa quen thuộc. Mùi bùn.

Cái mùi này làm xáo động một mảng ký ức đã ngủ quên trong thẳm sâu con người Thuận. Chị nhớ lại ngày còn là một đứa con gái chăn trâu, mò cua bắt ốc ở một miền thôn dã. Hồi ấy, tuy mới mười lăm, mười sáu, thân hình Thuận đã mẩy mang, căng nức như búp đa, búp gạo trên bãi chăn thả sau làng. Trong đám bạn chăn trâu của Thuận có Tốn. Tốn cưỡi con trâu cụt sừng, dáng oai vệ, cái mông bè bè, cái mồm lúc nào cũng nhai nhóp nhép. Côn trùng nướng là món khoái khẩu của Tốn. Đôi khi cảm hứng nguyên thuỷ trào dâng, Tốn ăn tươi nuốt sống một cách ngon lành. Có đứa đã nhìn thấy Tốn nhai rau ráu một con chuồn ớt đỏ tươi. Kinh dị hơn, có đứa thề độc đã nhìn thấy Tốn dùng gai bồ kết cắm phập vào thịt một con ốc sên còn sống nguyên, khều ra, đưa miếng thịt ngọ nguậy vào mồm, nuốt chửng. Con ốc sên đầy trứng lổn nhổn, phòi ruột xanh lè! Có lẽ thường xuyên tẩm bổ bằng món ăn nhiều đạm này nên người Tốn chắc nịch như viên gạch xỉ. Ăn như thuồng luồng mà tắm táp lại qua loa, bùn đóng vẩy ở khoeo chân Tốn sau một tuần vẫn không sạch vết. Vào một chiều hè nắng gắt, Thuận đang tìm trâu trên đồi cọ bỗng thấy mùi bùn sực nức và cái sừng trâu cụt ngỏng lên sau lùm cỏ chè vè. Huỵch một cái, một thân người lấm lem bùn đất từ đâu bất ngờ nhảy ra, dằn ngửa Thuận xuống tàu lá cọ. Thằng Tốn! Nó vừa cười he he vừa thọc tay vào chun quần Thuận. Con trâu cụt sừng đang ngoạm cỏ soàn soạt gần đó cũng nghếch mõm, nhăn răng cười. Chợt nghĩ đến cái mồm từng tắc lẻm cả con ốc sên bầy nhẩy, nhớt nhát, Thuận khiếp đảm dúi mặt vào đám cỏ. Đang quẫy đạp điên loạn, Thuận chợt cứng người. Từ đâu đó, xa xôi và bồng bềnh, có một mạch suối ngầm tươi mát tràn chảy giần giật. Nó làm tê liệt ý thức. Nó xoa đi ý niệm thiêng liêng. Cả sự ghê tởm. Khi chỉ còn lại một mình, Thuận ngôi ngây dại nhìn vũng nắng sáng chảy chan chan trong tàu lá cọ. Cô bé đang tuổi dậy thì không hiểu tại sao mình không chống cự. Mùi bùn xộc lên nồng nã. Lúc chiều tàn, đi qua bãi cỏ nát nhừ, Thuận thấy những giọt lờ nhờ màu tiết bồ câu đã cô lại thành nhựa trong kẽ tàu cọ rách, đỏ long lanh trong nắng quái chiều hè.
Màu đỏ cứ vón lại trong ký ức Thuận qua suốt thời hoa niên, không dễ gì gột tẩy. Dù vẫn rùng mình đau xót mỗi lần nhớ đến vụ cưỡng bức non dại, đôi khi Thuận ngạc nhiên thấy mình muốn trở về miền trung du, bì bõm lội đồng tìm lại cái mùi bùn ngấu một lần nữa.
Ngoài ma lực của bùn, Thuận còn thường xuyên bị ám ảnh bởi mùi cá.

Hồi mới rời quê lên vùng thượng du, Thuận ở với người thím, hàng ngày lột giang cho thím đan mũ bán. Nhà thím ở gần sông. Những buổi hoàng hôn, Thuận ngồi ở gốc cây gạo bên sông đợi cánh lái bè chở giang về. Chị tò mò ngắm anh với cả một niềm thích thú. Anh ngồi trên thuyền, cởi trần vá lưới. Bộ ngực lồi lõm, gồ ghề. Cái miệng lọt thỏm trong bộ râu quai nón đỏ hoe, hôi sặc mùi thuốc lào. Không biết anh từ đâu dạt về vùng này, chỉ nghe anh nói từng lặn lội đẵn gỗ trên ngàn, mua buôn thảo quả. Một đêm, Thuận nghe có tiếng người thổi sáo liền cầm bó lạt đan dở, chạy ra sông. Sương mịt mù trên sông, bàng bạc xanh lam, quẩn lại thành mây trong những bụi cây nước ngập gần hết ngọn. Tiếng dân vạn chài gõ thuyền lách cách. Anh đang ngồi ở mũi thuyền, thổi sáo một bài buồn thảm. Nghe cồn hết ruột gan như nghe tiếng dao cạo vào cật giang, cật nứa. Lúc ấy trời vừa mưa xong, trăng lên, trong không khí tươi mát có cái gì đó rất nồng nàn. Không khí của sự sinh sôi, hoan lạc. Ánh trăng xanh tưới đầm đìa bãi cỏ. Ếch ương nhô nhốp nhảy ra. Chẫu chàng từng cặp ấp nhau trong nhành cây tươi hăng mùi nhựa. Thuận thấy bồn chồn. Mùi bùn năm xưa bị đánh thức. Chị đi đi lại lại trên bờ. Chị gọi anh. Chị vén quần, xăm xắm lội nước. Trèo lên thuyền, chị bảo: "Anh thổi hay quá". Anh vẫn gắn mặt vào ống trúc. Chị nhặt thanh tre dùng để gõ thuyền đuổi cá, gõ vào đầu anh. Anh vẫn say sưa thổi. Chị giằng cây sáo, vứt xuống sông. Anh quắc mắt, nhe răng. Một cuộc vật lộn dữ dội xảy ra trong mui thuyền. Chị vẫy vùng như một con cá chép sông vật đẻ. Bỗng xoảng một tiếng, chị đá đổ cái xô tôn đựng cá mòi.

Trong bóng tối của khoang thuyền, cá xổ ra nhua nhúa, trắng lấp loá như những thỏi bạc. Những con cá ướt rượt, trơn nhẫy trườn lách trên lưng, trên bụng hai thân thể loã lồ. Có con thúc vào bọng chân. Có con rúc cả vào nách. Trong cơn cuồng hứng, chị cắn một mảng vai anh, máu tứa ra chảy vào miệng mằn mặn. Hai người quấn riết lấy nhau trên sàn thuyền nhớp nháp, sực mùi cá tanh nồng. Anh thở dài: "Tiếc thật". Chị tát yêu anh: "Tiếc gì? Tiếc rằng giá được biết em sớm hơn, phải không". Anh chép miệng: "Không. Tiếc cây sáo. Thế là mai phải khoét ống khác".

Tháng sau hai người trở thành vợ chồng. Anh bỏ nghề chài lưới, xin vào làm ở một xí nghiệp sành sứ. Chị đi học Trung học Sư phạm, ra trường lên Kin Chu Phìn, bắt đầu cuộc sống miền sơn dã. Cũng từ đấy, chị nhớ khắc khoải mùi tanh của cá, của sông nước, thuyền chài.
"Tình yêu nào qua đi cuộc đời ta cũng để lại một cái mùi gì đó" - có lần Tiến nói với Thuận - "Cái mùi ấy có thể ám ảnh ta suốt đời, chị ạ. Chẳng hạn, mối tình đầu của em có mùi phân trâu. Năm mười bốn tuổi, em mê tít một con bé cùng làng. Đêm đêm hai đứa bí mật gặp nhau ở gốc mít trong vườn trước nhà nó. Chỗ ấy là nơi dùng để buộc trâu. Phân trâu bãi khô, bãi tươi sục lên nhoe nhoét. Chị hỏi sao khong dẫn nhau đi đâu ư? Lộ chết. Có lần gọi không thấy con bé thưa, ông bố bước ra sân nghiêng ngó. Hai đứa em hốt hoảng trèo lên cây mít. Vừa ngồi con bé đã căn răng, kêu ư ử vì đau. Thì ra đầu nó đụng phải tổ kiến kết bằng phân trâu bọc quanh cành mít. Bọn kiến ùa ra cắn đốt rào rào. Hôm sau, vạch đầu con bé, em còn thấy một vảy phân khô lẫn trong tóc nó. Sau này đi xa, em chẳng thể quên cái mùi phân trâu nồng ấm. Nó gắn với những run rẩy đầu đời. Thôi thì, dù ngọt ngào hay khú khắm, ta vẫn phải nâng nui, tận hưởng những gì đang có, hề hề… Mối tình thứ hai của em, may mắn hơn, lại có mùi lá bạch đàn…".

Đêm. Lại một đêm. Những đêm vùng cao của người giáo viên cắm bản thật là dài…
Từ ngày có Kiên làm bạn, nỗi cô đơn trong Thuận vợi đi một nửa. Nhưng về đêm, những khoảng thiếu hụt chưa được khoả lấp càng nứt sâu thêm. Nó như cái lỗ thủng đói khát mở ra thăm thẳm, đen ngòm. Chị thèm chồng thèm con. Đã gần một năm, chị không được cọ mặt vào bờ râu nhặm nhội của anh, không được chằm bặp, hít hà mùi nắng khét trong tóc con, đứa con gái lên sáu có đôi mắt nhóng nhánh như hai hạt đỗ đen nhúng nước.

Mùa thu năm ngoái, chị nhận được thư anh. Lá thư hẹn ngày lên thăn chị. Đến trước ngày anh hẹn, vào lúc nhá nhem tối, một cú sét khủng khiếp giật vỡ toác cây chò chỉ rắn như thép trên đỉnh đèo dốc, làm rung chuyển của Kin Chu Phìn. Dưới vòm mây đen rầm bị cắt rạch liên tiếp bởi những tia chớp loằng ngoằng, triền đồi phủ đầy hoa giềng dại phía trước nhà sáng trắng lên nom rất kinh rợn. Cơn giông kéo dài đến hết hôm sau, nhấn chìm cả thôn trong một màn mưa mịt mùng trắng xoá. Lòng Thuận như lửa đốt. Sau hai ngày chờ mỏi mắt, chị nghe tin mưa lũ đã cuốn phăng cây cầu bắc qua con suối lớn chảy men theo dải đường dẫn về các xã. Nước réo ầm ầm, mạnh như thác. Người, xe từ phố huyện vào đến đó đều phải qua trở lại. Một gã trai liều lĩnh vượt suốt bị nước cuốn xô vào đá vỡ đầu.

Thuận vật mình vật mẩy suốt mấy ngày. Giận hờn trời đất. Trong những cơn mơ, chị thấy hai vợ chồng biến thành cá bơi băng băng trên dòng suối lũ. Anh là con cá lớn trắng phau quẫy trên mình chị. Ngực chị nâng lên hạ xuống như đôi mang cá đỏ phập phồng… Thời gian trôi, trong lòng chị, hy vọng về một lần được bù đắp lại âm thầm tích nhựa và lên xanh như một cụm tam thất rừng.

Sang xuân, sau một tháng đứa con về miền xuôi ăn Tết, anh xin nghỉ việc ở xí nghiệp hai ngày để lên thăm chị. Nhớ lại chuyến đi "trả nợ" này, chị dở cười dở khóc. Anh kể: gần đến Kin Chu Phìn, anh bắt gặp hai con ngựa cái trên bãi cỏ đỏ rực ánh tà bên con đường mòn xuyên núi. Bên kia đường, hai người Dao đang ngồi hút thuốc lào. Vốn máu mê ngựa nghẽo từ ngày lang bạt ở vùng cao, nhìn con màu đen tuyền, anh đánh rơi chiếc túi xuống cỏ. Trời! Con ngựa có cặp mắt lồi xanh biếc, dáng uyển chuyển, điệu đà. Sắc lông đen thẳm, mượt như sa tanh, mỗi lượt gió thổi qua lại rờn rợn như gợn nhung gợn tuyết. "Một mỹ nhân" - anh lẩm bẩm. "Một tiểu thư quý tộc có bờm, không phải là ngựa". Còn còn kia… một con nghẽo lông màu đất thó, bụng cóc, xương sườn nổi gờ nổi rãnh, dưới con mắt lác cộm lên cục mụn sần sùi. Anh nhìn nó bằng cái nhìn thương hại. "Mày xấu mã quá! Cái quý giá nhất của đàn bà là nhan sắc, thế mà mày không có, thật khổ thân mày. Hạng đàn bà không được ai nhòm ngó, nếu không cố theo đuổi sự nghiệp, lấy công danh bù lại khoản đời tư, thì phải rèn nết ở ăn cho khéo léo, dịu dàng, may còn có người thương xót. Nhìn cái vẻ nhẫn nhục, cam chịu trong mắt mày, ta biết mày cũng nhân hậu đấy". Nghĩ rồi anh đưa tay vuốt bờm con vật, định hạ cố làm một cử chỉ ban phát. Tức thì nó giật phắt mõm, phì hơi thối hoăng, nhe răng chực cắn. Anh đứng bật dậy, chùi tay vào quần. "Tiên sư mày, đồ chết giẫm! Thiếu chút nữa ông gửi lại hai đốt ngón tay trong mõm mày rồi. Xấu người xấu cả nết!".

Quay sang con ngựa đen, anh âu yếm vuốt cổ chân nó. "Trường túc bất chi lao". Phụ nữ chân dài thì hành lạc cả đêm không biết mệt. Mông em nở, bụng em thon, chân dài đẹp thế này, chạy không lỗi bước, đi đường trường thì ăn ý chủ, tinh tế nhạy cảm vô cùng". Có lẽ hiểu lòng anh, con ngựa liếc anh bằng đôi mắt xanh ảo huyền, rồi lại bẽn lẽn ngoẹo đầu gặm cỏ. Sau khi xem móng xem răng con ngựa một cách kỹ lưỡng, anh nhoài người ra phía sau, nhỏm dậy định chiêm ngưỡng nốt vòm mông mịn màng của nó. Con ngựa đột ngột rướn mình, phóng thẳng vào bọng đái của anh hai phát đá hậu. Anh oằn người, đau chói óc, nhặt chiếc túi chạy té qua triền cỏ đỏ hung xuống con suối thẫm rêu chảy ồ ồ trước mặt.

Anh chàng người Dao ngã lăn ra cỏ, cười ngặt cười nghẽo. Ông già ngồi cạnh vò râu bứt tóc, miệng kêu ài ài.
Đêm đó ở Kin Chu Phìn, anh loay hoay bên chị như một đứa trẻ to xác, èo uột, tơi bã, chườm trượt bên ngoài, trôi lều phều như sợi bấc. Vết đau cương tức, nhói vào tận ruột. Chị vùi mặt vào tảng ngực trần hôi khét, cào cấu, khóc suốt đêm. Đã bao ngày, chị là cái cây chết khô chết khát chờ đợi một cơn mưa tươi nhuần…

Sau mấy đêm mưa, cỏ ngải bốc xanh ngùn ngụt.
Ở những chỗ bị chân ngựa xéo nát, thân lá loài thảo mộc này chiết xuất ra một mùi thơm sâu đậm. Phân ngựa gặp nắng mới, toả khói trắng, ải đi, bở thành mùn.

Trong dải rừng ven núi Rú, tiếng gà rừng cất lên eo óc vào những buổi trưa. Sự quạnh vắng dường như được tiếng gà nhấn sâu thêm. Sương đặc tụ thành đám bùng nhùng trong thung lũng, từ sáng đến trưa vẫn không được giải thoát. Sương cuộn tròn thành nắm giắt trong bụi cây, luồn vào hốc đá.

Trước hôm Kiên rời Kin Chu Phìn, trời đang nắng lại đổ mưa. Bữa rượu chia tay các giáo sinh hết thời hạn dạy lớp xoá mù chữ được tổ chức vào buổi tối tại trường tiểu học ở xã. Bàn kê một dãy dài. Ngoài các giáo viên, giáo sinh, có phó chủ tịch xã Tẩn Phù Siểu, nguyên trưởng thôn Kin Chu Phìn. Mưa càng to, rượu càng say bốc. Mặt đỏ hồng nom đàng điếm kiểu trai lơ, hiệu trưởng Tiến vừa kiên nhẫn nhằn giẻ xương chó vừa khích lệ Kiên:

- Ra trường xin lên đây mà dạy, Kiên ạ, tội đếch gì phải ở thị xã, thành phố. Người ở đấy xúm xít, vón cục lại, trông ai cũng yếu ớt như cua bấy. Muốn hắt hơi một cái cũng không có chỗ. Lên vùng cao được thở khí sạch, ăn rau sạch, ngủ gái sạch. Rượu uống mềm môi, nhai thịt rừng mỏi răng, thỉnh thoảng được xem gái Mèo, gái Mán tắm truồng, đếch cần biết gì đến công nghệ thông tin hay chiến tranh vùng Vịnh. Hề hề!

Ngồi cạnh Tiến là Thanh - đồng nghiệp với Thuận ở một rẻo khác. Mặt Thanh đen như bôi mỡ trộn với bồ hóng, nhọ nồi. Giọng Thanh sào sạc như nhá sỏi.

- Kiên nó ở Kin Chu Phìn nửa năm rồi, lừa nó thế nào được. Thịt sạch ở tít núi Rú, còn dăm mống khỉ còm đấy, ai bắn được mà ăn. Gái sạch mà sẵn thì tao với mày đã không ế vợ. Sắp mọc đuôi ra như thằng Trương rồi!
- Trương nào mọc đuôi? Anh chỉ bịa! - Thuận phì cười.

- Em không biết thằng cha ấy đâu. Hắn lên vùng này cách đây chục năm, ở đội khai thác gỗ, sau làm gác rừng. Một lần về quê, bắt gặp vợ "trai trên gái dưới" với thằng khác, hắn uất quá, sinh ra khinh bỉ đàn bà. Đang ở Xéo Tả Lé, hắn vào rừng sâu dựng chòi để ở đỡ phải nhìn thấy con người. Hồi ấy trong núi Rú còn đầy gấu, khỉ. Bầy khỉ thấy người xuất hiện, trốn biệt, sau mon men ở bìa rừng, thấy hắn hiền như đất, đâm quen. Nhiều hôm chúng vặt quả ném cho Trương, hắn ngồi dưới gốc cây nhặt ăn trừ bữa. Sống với khỉ lâu ngày, hắn cười nghe khẹc khẹc như tiếng khỉ. Những lần tắm suối, hắn thấy có gì nhú ra trong khe thịt ở mông, ngỡ mình mọc mụn. Càng ngày càng thấy vướng, một hôm hắn nhờ người vạch ra xem thử, tái mặt đi. Đó là một cái đuôi dài bốn phân rưỡi. Cười cái đếch gì! Bao giờ về Long Khánh, hỏi gặp thằng Trương lâm trường, em cứ bảo hắn tụt quần ra cho mà xem. Hắn vào bệnh viện cắt đuôi rồi. Vẫn còn vết sẹo thâm sì ở chỗ xương cụt ấy!

Nhớ chuyện Thanh kể về người đà bà mất tích trong núi Rú, Thuận tủm tỉm:
- Trong con mắt đen tối của anh thì ai cũn thành khỉ hết. Đàn ông khỉ, đàn bà khỉ.
- Buồn quá hoá khỉ là chuyện thường - Thanh nhếch mép. Camêra chõ vào chỗ nào thì chỗ ấy toàn hoa ban trắng ngần, hoa đào đỏ thắm. Thế rồi bất ngờ pặp pặp pừ pừ, tí tú tủ, tí tí tủ… khèn sáo réo rắt nổi lên, rượt vít cong cần, trai gái nắm tay nhau ù xoẹ lên cả lũ. Cô gái nào cũng trắng nõn trắng hồng. Cả đời làm bục mặt, lấy đâu mà trắng mà thơm. Tao ở vùng cao nhiều năm, chả thấy gì, chỉ ngửi thấy mùi cứt ngựa.

- Nhìn đời thế cạn lắm! Tôi đổ chén rượu vào mồm anh bây giờ! - Tiến khuỳnh tay, giọng kẻ cả - Sống phải lạc quan. Chưa biết chừng mươi mười lăm năm nữa, ra thành phố, người Dao mình cưỡi xe hơi mà đi, phải không bác Tẩn Pù Siểu?
Ông Siểu gật gù:
- Thầy giáo Tiến nói đúng. Người Mông người Dao nhiều người có ti vi, xe máy rồi. Có đường lối, có quyết tâm thì việc gì cũng làm được cả. Chỉ sợ đến lúc có tiền không biết mua cái gì thôi.

- Hoan hô bác Siểu sáng suốt - Tiến quẳng vội giẻ xương chó xuống gậm bàn, chùi mép - Tóm lại, đến đây chúng ta có thể đưa ra kết luận: sống phải lạc quan và phải biết tận hưởng những gì mình đang có. Thịt chó sạch, gái sạch, rượu sạch đây, nào, cạn!
Tiếng ồn nổi lên. Chén dốc ngược xuống. Thuận cầm chén rượu đi dọc dãy bàn, uốn éo mình xà, nói cười bả lả. Chị uống cạn hết chén này, chén khác. Kiên ngạc nhiên. "Sao hôm nay chị chàng phởn chí thế không biết?".
Tiến thì thào:

- Cùng là giống đực với nhau, anh hỏi thật chú nhé. Ở với chị Thuận từng ấy ngày, chú đã được cho chị… ngửi nách bao giờ chưa?
Kiên không trả lời. Anh chăm chú rót rượu vào cái chén trước mặt. Thứ rượu Nậm Pung từ chai chảy ra mảnh như sợi chỉ óng ánh. Khi viền bọt tăm xôn xao tan hết, trên miệng chén như được tráng một lớp lửa xanh lam.
- Cái tạng đàn bà chân đi bậm bịch, tiếng thở như tiếng rên, mép nổi lông măng, mỗi năm được ngửi hơi chồng có một đôi lần là khát lắm đấy - Tiến lại khơi gợi.

Kiên nhìn quanh, mỉm cười ngượng nghịu:
- Trông chị ấy mọng nước như quả dâu da treo trước mắt, đàn ông ai mà chả thích. Nhưng…
Anh bỏ lửng câu nói, nhìn ra ngoài. Mưa đã ngớt. Chớp rạch xanh lè xa xa. Kiên mường tượng chớp xanh vừa bừng lên gương mặt một người con gái trinh trắng, sáng trong và thánh thiện - thánh thiện đến mức trước cô, không người đàn ông nào dám làm một việc tầm thường, dù chỉ là trong ý nghĩ…

Khi tiễn Kiên và Thuận ra về, Tiến chọc vào sườn Kiên, ghé tai nói nhỏ: "Nhìn thấy bà Thuận, ngựa đực nó còn thèm, nói gì người. Đừng quá sắt đá với mình. Phải biết tận hưởng những gì mình đang có". "Đối với người yêu, em tuyệt đối trung thành" - Kiên đáp khô lạnh. "Để rồi xem" - Tiến nói giọng khiêu khích.

Kin Chu Phìn cách trường chính chừng hai tiếng đi bộ. Kiên cầm đèn pin đi trước. Thuận lảo đảo như trong mơ. Mùi là mục trong rừng xông lên ngai ngái, nồng nồng. Đoạn dốc thoải không có lá phủ trơn truội. Thấy động, con chim gì đập cánh loạt xoạt trong vòm cây tăm tối làm nước mưa vãi xuống rào rào. Thuận kêu ối một tiếng, trượt chân, chúi đầu về phía trước. Kiên vừa xoay mình lại, cả người Thuận đổ ập vào anh. Trong giây lát, cơ thể anh chịu một sức đè tột cùng êm ái. Bàn tay anh vô tình chạm vào eo hông chị, ngón tay lún vào làn da mát rượi, mềm mềm. Mắt Thuận lờ đờ, miệng thở vào mặt Kiên mùi rượu thóc hôi hổi. Một nỗi khát thèm trỗi dậy làm Kiên bủn rủn nhưng anh vội buông tay.

"Con chim đáng chết, làm giật cả mình" - Thuận như bừng tỉnh, cười giòn tan rồi giành lấy đèn pin, xăm xăm đi trước.
Hai người về đến nhà lúc gần mười một giờ. Thuận nằm rất lâu vẫn chưa ngủ được. Được ủ hơi men, những miền nhạy cảm, khát khao trong chị lại cựa quậy. Sự hâm nóng của rượu cùng bóng đêm nhoè nhoẹt vây bọc quanh giọt lửa xanh tù mù, leo lét của cây đèn dầu đồng loã với những ý nghĩ hoang dại. Ở giường bên, Kiên thỉnh thoảng lại trở mình. Hình như anh cũng chưa ngủ. Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa, anh sẽ rời khỏi căn nhà và vùng rừng hiu quạnh này, trở về trường sư phạm đông vui ngoài thị xã. Nhớ lại cú đụng chạm ở rừng, Thuận thấy rạo rực, bồn chồn. Cái sinh thể rắn như một cây tre đực ấy đang nằm cách chị chỉ một sải tay. Từ nó toả ra mùi đàn ông cái mùi khen khét, mằn mặn có pha chất nắng, chất gió mà người đàn bà trải đời như chị thoảng qua đã nhận được. Nửa năm qua, hiện hữu ở Kiên, cái mùi ấy thường xuyên giày vò Thuận. Nó hồi sinh trong chị nỗi ám ảnh về mùi cá, mùi bùn.

Đêm yên lặng quá. Thuận nghe thấy tiếng máu chảy giần giật trong người mình. Chị biết mình không còn ở cái tuổi lãng mạn, vin bám vào những tín điều thiêng liêng mà sống như Kiên. Chị chỉ biết mình là đàn bà. Một người đàn bà đã có chồng cần đến thú vui trần thế như cỏ ngải xanh rờn cần mưa, thảo quả cần miếng đất lầy nhầy, ẩm ướt giữa rừng sâu hay những thân vầu, thân nứa tốt tươi cần hít thở sương mù. Đàn bà gần với mặt đất. Đàn bà đồng nghĩa với tự nhiên và dòng đời sinh hoạt bình dị, phàm trần.

Thuận nhớ ngày xưa ở quê chị có một người đà bà goá thủ tiết thờ chồng, từ thời con gái đã nức tiếng là người chính chuyên, hiền thục. Khi người đàn bà ấy ngoài ba mươi tuổi, một người trai trẻ chuyên làm mướn trong làng thường sang nhà chị ta giúp việc vườn tược, đồng áng. Mỗi lần nhìn anh ta cởi trần, gãi đám lông màu râu ngô mọc loăn xoăn trên ngực, người đàn bà lại đỏ bừng mặt và quay vào nhà thắp hương lên bàn thờ chồng. Một đêm mưa bão, người trai trẻ phải ngủ lại ngôi nhà ấy. Trong căn buồng tối, người đàn bà trằn trọc, vật vã suốt đêm. Không biết chị ta nghĩ gì. Chỉ biết đến sáng hôm sau, mái tóc dài, nặng trĩu thường ngày không còn sợi đen nào. Nó đổ trắng hoàn toàn thành mây, thành cước…

Thuận thấy ngực mình căng tức, ngộp thở. Ngọn lửa phấn khích từ men rượu bốc lên hừng rực. Chị kéo chăn phủ kín người, liếc trộm sang giường Kiên rồi lần cởi cúc áo, để trật ra bầu vú căng mẩy. Chị oằn mình trong chăn như một con thú non sập bẫy. Tại sao con người cứ phải giấu giếm, che đậy nỗi khát thèm mà tạo hoá trớ trêu buộc ai cũng có? Tại sao phải tự trói mình bằng sợi dây có tên là đạo đức, coi nó là tư dục, tà niệm xấu xa? Mấy năm qua, chị đã vắt kiệt tuổi xanh tưới bón cho nền giáo dục ở đấy này. Chị không hề nối tiếc. Được cống hiến là một lạc thú cao cấp của con người. Chị chỉ tiếc được làm đàn bà quá ít trong đời. Mà đời người thật là ngắn ngủi.

Kiên bỗng cựa mình, ngoảnh mặt về phía chị. Những sợi tóc đen nhánh và dài trước trán rủ xuống mép giường trông rất hoang dại. Thuận run lên. Chị không cưỡng lại mình được nữa. Chị sẽ ổ ập xuống chiếc giường bên kia như một cây chuối rừng bật rễ. Sự bứt xé điên cuồng. Sự vỡ oà sóng sánh. Sẽ mắc tội một lúc với bốn người. Chị nhoài lên. Bỗng chị sững lại khi liếc nhanh xuống khoảng tối giữa hai chiếc giường, cái khoảng trống lúc này nom sâu hoắm, đen ngòm như một lỗ huyệt.

Có một cái gì vô hình đã ngăn chị lại. Nó giống như một sự kinh sợ của một người sắp sửa chôn sống chính mình.

Năm phút sau, Thuận nằm vật xuống. Mồ hôi rịn ra nhễ nhại ở hai bầu vú. Thân thể như đứt ra trong trạng thái căng thẳng rã rời. Chị cảm thấy tóc trên đầu đang đổ trắng dần dần. Màu trắng của sự giằng giữ, bảo toàn đến tận cùng khốc liệt. Gần sáng, chị thiếp đi. Chị mơ thấy thằng Tốn chết đuối, xác nổi lềnh bềnh trên sông Thao. Con trâu cụt sừng hoá điên, mõm sủi bọt, mắt trợn ngược trắng dã, lồng lộn phi như xé gió quanh bờ. Chị kinh hãi thấy mồm Tốn ngậm một bông hoa gạo đỏ, mình mẩy hồng tươi như chú bé ôm cá chép trong tranh làng Hồ.
Cái xác sạch bong, mũm mĩm của thằng Tốn nhoè dần, một cơn lốc từ đâu thổi tới, cuốn lên thinh không mịt mù những chiếc lá đỏ rực có ba thuỳ. Khi những đốm lửa ấy cháy rần rật, xoay tròn rồi tạn rụng hết, Thuận trông thấy Hà, cô bạn gái của Kiên mà chị chỉ biết mơ hồ qua tấm ảnh. Hai người gặp nhau ở Cán Hồ, cùng lạc trong rừng mận. Điều kỳ lạ là cả Thuận và cô sinh viên trẻ trung đều không mặc quần áo. Tất thảy vẹn toàn, trinh trắng, nguyên thuỷ, ban đầu. Hoa mận trút xuống ào ào thành một cơn mưa trắng xoá, xác hoa dâng ngập bắp chân. Cả hai cứ trần truồng bước đi trong mưa hoa, không thấy ngượng ngùng, người nhẹ bỗng, bâng lâng trong những ý nghĩ siêu thoát và chay tịnh. Tấm thân Hà thơm ngát như một tiên đồng. Lòng Thuận trong vắt, sạch tinh, tuyệt không còn ham muốn.

Thursday, January 28, 2010

Active Thinking

Harvard Business Publishing

Câu hỏi có tính nhận biết: Khi làm việc với người khác, làm thế nào để biết đó là người hướng nội hay hướng ngoại? Câu trả lời: Người hướng ngoại là người sẽ nhìn chăm chăm vào đôi giày của bạn. Chúng ta đánh giá con người như thế thật thuận tiện, nhưng cũng rất nguy hiểm.

Đánh giá như vậy vô hình chung đã ghép họ vào những hộp nhỏ riêng biệt và hạn chế những tiềm năng có thể nảy sinh giữa những mối quan hệ ấy.

Ví dụ minh họa xác thực cho chủ đề này là chiếc hộp cơ bản nhất mà mỗi chúng ta đều có - những chiếc hộp mà chúng ta cố nén mình vào cùng với những bố, mẹ và anh chị em. Trong một khoảnh khắc, hãy tưởng tượng rằng cha chúng ta "vui tính", mẹ chúng ta "ích kỷ", những chị gái "lắm lời" và một cái ta "thông thái".

Bất cứ thời kỳ nào, khi tham gia vào một gia đình, chúng ta đều đảm nhận những vai trò đã được định trước. Và tất nhiên, nếu không có ý thức định nghĩa lại các mối quan hệ, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được tiếng cười của cha, tại sao mẹ cứ luôn muốn những gì mà mình không sở hữu, và vì sao chị gái lại cần nhiều sự quan tâm hơn.

Hiểu người khác với chân giá trị của họ, từ những thành công huy hoàng cho đến những điểm yếu, đều đòi hỏi một nỗ lực có ý thức. Và điều này là rất đáng làm - cả từ phương diện con người và công việc. Nếu muốn đổi mới chương trình lãnh đạo, hãy đảm bảo rằng bạn đã đổi mới được các mối quan hệ công việc cần thiết. Để làm được như vậy, hãy hành động như sau:

Thử đóng vai người khác. Khi đến công ty, mọi người đều cố hoàn thành công việc theo cách tốt nhất có thể. Nhưng ngoài con người công sở mà bạn nhìn thấy, họ còn là con trai, con gái, anh, chị, bố, mẹ của một người nào đó. Họ đóng thuế, dạy lũ trẻ chơi bóng, nấu ăn cho những người hàng xóm khốn khó. Vì vậy, những khi họ muốn rẽ phải trong khi bạn nghĩ phải rẽ trái không có nghĩa là họ "không nhìn thấy toàn cảnh", "làm việc không mục đích", hay thậm chí "vô tổ chức." Bởi họ có những mục đích, áp lực, và kinh nghiệm khác bạn.

Nhận thức về các thành tố tạo nên cuộc sống của người khác. Thật đáng ngạc nhiên khi chúng ta cứ quanh quẩn trong thế giới của cái tôi rồi lại muốn cộng tác và ảnh hưởng đến những người mà chúng ta hiểu biết rất ít về họ. Nếu muốn phát triển một mối quan hệ công việc vững mạnh, bạn cần phải thấu hiểu lai lịch, ước mơ, mục tiêu công việc và những trở ngại của người khác.

Phục vụ nhu cầu của người khác. Bạn cần phải giúp người khác trước khi vọng có thể nhận lại sự giúp đỡ. Hãy đi xa hơn và làm hơn mong đợi. Hãy giúp họ, ngợi khen họ, chia sẻ và giới thiệu họ. Bạn phải chắc chắn rằng những người này nhìn thấy hình bóng của mình trong chương trình lãnh đạo của bạn bằng cách hiện thực hóa phương cách "lôi kéo họ" khi hình thành những "làm thế nào" và "làm cái gì" trong kế hoạch và phương pháp/cách tiếp cận.

Nhận trách nhiệm. Khi vấn đề xảy ra, hãy nhìn thẳng vào sự thật thay vì lảng tránh. Những tự vấn bản thân này là thật sự kinh khủng kể cả với những cái tôi vững vàng nhất, vì vậy, hãy khiến nó trở nên nhẹ nhàng hơn bằng cách xin phản hồi sớm và thường xuyên. Như vậy, những thay đổi mà bạn phải thực hiện sẽ nhỏ và tương đối riêng tư thay vì những lời xin lỗi công khai và nghiêm trọng.

Luôn giải thích theo chiều tích cực. Hãy củng cố những hành động tích cực này (cho bản thân và cả đội của bạn) bằng cách diễn giải hành động và động cơ của người khác theo cách tích cực nhất. Ví dụ như, thay vì "Họ phớt lờ nhu cầu của chúng ta!", hãy giải thích theo hướng "Rõ ràng là họ đang rất bận, chúng ta hãy giúp họ bằng cách đưa ra những sáng kiến có giá trị". Than phiền về người khác làm giảm sức mạnh của bạn và biến bạn trở thành nạn nhân. Rõ ràng là suy nghĩ tích cực sẽ tập trung vào giải quyết vấn đề thay vì tìm người đổ lỗi.

Đánh giá một cách chủ quan ghép người khác vào những cái hộp nhỏ xấu xí và che đi những tiềm năng có thể nảy sinh giữa những mối quan hệ ấy. Vào cuối một ngày dài, quy kết những tiêu cực vào hành vi và tính cách của người khác chỉ giúp hạn chế chính bạn mà thôi.

Hãy vượt qua những đánh giá chủ quan bằng việc thay đổi tư duy của chính bạn. Quẳng sự ngạo mạn đi và thay thế vào đó là sự khiêm nhường. Và thay thế thói quen buộc tội với sự tò mò về mọi thứ.

- Bài viết của Susan Cramm trên Harvard Business Publishing -

Trí thức và quan chức

- July 12-2008

Hôm nay ngày cuối tuần, những làm việc lu bù, chuẩn bị cho hội nghị cuối tháng và trả lời (phản biện) mấy cái đề cương xin tài trợ. Toàn những chuyện “đau đầu”, quan trọng, và phải làm. Nhưng cái “nghiệp” nó theo mình. Theo dõi thời sự thấy người ta bàn về trí thức nên cũng phải tranh thủ viết một bài cho
Người lao động. Bài này tôi viết nhân cảm hứng về những chuyện lùm xùm giữa tôi và mấy ông quan chức y tế. Xin chia sẻ cùng các bạn bài đó dưới đây, và một vài cảm nghĩ về ca nhạc DVD ngoài này.

===

Trí thức và quan chức

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 bàn về trí thức và vấn đề trọng dụng trí thức. Nhưng một trong những vấn đề cần được thảo luận là mối liên hệ giữa giới trí thức và các quan chức trong chính quyền. Bản chất của người trí thức là phản biện và hoài nghi, và thói quen này có khi mâu thuẫn trực tiếp với các quan chức. Trong thực tế, một số quan chức hành xử như là những người nắm trong tay chân lí và bác bỏ những phản biện của giới trí thức. Trong một mối liên hệ bất bình đẳng như thế, xã hội và quần chúng sẽ bị thiệt thòi. Do đó, các quan chức cần phải học văn hóa tranh luận và tôn trọng ý kiến phản biện của giới trí thức.

Đã có quá nhiều học giả bàn về những định nghĩa liên quan đến trí thức, để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đơn giản “Ai là trí thức”, nhưng hình như chưa ai nhất trí một định nghĩa phổ quát. Ở đây, tôi nhìn trí thức qua lăng kính của những người làm khoa học với một định nghĩa đơn giản: người trí thức là người sáng tạo ra tri thức mới. Khi nói "tri thức", tôi muốn nói đến bốn cái hiểu biết của con người mà ai trong chúng ta cũng từng có lần nghe qua: biết cái gì là tri thức loại thông tin; biết làm như thế nào là tri thức loại khoa học, công nghệ; biết ai và với ai là tri thức về xã hội; và biết ở đâu và lúc nào là tri thức kinh tế. "Sáng tạo" ở đây có nghĩa là đề bạt, sự cống hiến một tri thức mới cho kho tàng tri thức của con người. Đặt ra một khái niệm mới hoặc đem lại một ứng dụng mới cho các khái niệm cũ cũng có thể cho là sáng tạo.

Như vậy bằng cấp hay có trình độ đại học không hẳn là một điều kiện để trở thành người trí thức. Hiểu theo nghĩa này, một người có bằng cấp, dù là bằng tiến sĩ hay mang học hàm giáo sư vẫn chưa là người "trí thức" nếu người đó chưa sáng tạo ra tri thức mới. Những bác sĩ, kĩ sư, luật sư, v.v... nếu chỉ học xong, ra trường, và hành nghề dựa vào tri thức đã có sẵn (mà không có nghiên cứu, sáng tạo tri thức gì mới) không thể là người trí thức. Ngược lại, những người, dù chưa từng qua huấn luyện đại học, nhưng sáng tạo ra tri thức mới, có thể là người trí thức. Hiểu theo nghĩa này, lực lượng trí thức nước ta có lẽ không nhiều và cũng không mạnh. Số người sáng tạo ra tri thức mới (qua vai trò tác giả bài báo khoa học trên các tập san quốc tế và bằng sáng chế) ở nước ta không đầy 1.000 người. Số lượng tri thức đánh giá qua bài báo khoa học của nước ta chỉ bằng 1/10 Singapore, 1/5 Thái Lan, và 1/3 Mã Lai. Chúng ta có nhiều người tốt nghiệp đại học và mang hàm giáo sư, nhưng con số trí thức và số lượng tri thức sản xuất còn cực kì khiêm tốn.

Ngoài vai trò sáng tạo tri thức mới, người trí thức còn đóng vai trò phản biện. Qua vai trò phản biện, giới trí thức có thể có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển và tiến hóa của xã hội. Thật vậy, những phản biện qua hình thức tranh luận trên các diễn đàn công cộng là một hoạt động không thể thiếu được trong các xã hội dân chủ và văn minh. Ở nhiều nước Tây phương, lưu lượng của những phản biện cởi mở và nghiêm túc được xem là một dấu hiệu của một xã hội lành mạnh. Một lời phát biểu phản biện của người trí thức có cái đẹp của nó, vì nó có thể đánh thức chúng ta về một thế giới phức tạp, một thế giới không nằm gọn trong hai thái cực đúng với sai, tốt hay xấu, bạn hay thù.

Tư duy phản biện và thói quen hoài nghi của người trí thức có khi mâu thuẫn với các giới chức công quyền. Nhưng đó là những mâu thuẫn cần thiết, là một điều kiện cho một xã hội mở và văn minh. Trong xã hội mở và văn minh, chúng ta cần có những cuộc tranh luận có chất lượng cao, mà trong đó cả giới trí thức và quan chức phải tuân theo những qui tắc chung và căn bản: đó là chỉ phát biểu bằng cách vận dụng những lí lẽ logic và bằng chứng khoa học, với thái độ thành thật và cởi mở, chứ không phát biểu theo cảm tính, lười biếng, hay biểu hiện một sự thiển cận, đầu óc hẹp hòi. Nhưng trong thực tế và kinh nghiệm của chính người viết bài này, một cuộc tranh luận như thế rất ít khi xảy ra, bởi vì giới quan chức không quan tâm hay chưa có thói quen phản biện khoa học, mà thay vào đó là những thái độ ngụy biện và chụp mũ nặng nề cho những ai không có cùng quan điểm với họ.

Vai trò của giới trí thức cần phải đặt trong bối cảnh xã hội mà họ sống và làm việc. Một xã hội dân sự còn yếu, hay nơi mà sự đa nguyên còn chưa phát triển mạnh hay không được tôn trọng thì giới trí thức rất khó mà lèo lái xã hội đến một xã hội mở hơn. Có thể nói rằng từ xưa nước ta không có một truyền thống phản biện. Hệ thống giáo dục nước ta ngày xưa ca ngợi sự học thuộc lòng những điều chỉ dạy của Khổng Tử, và ngay cả ngày nay, học sinh vẫn phải tuân theo sách vở một cách máy móc, mà không được khuyến khích tự do tìm tòi, thử nghiệm, chất vấn những sự việc. Hậu quả là nhiều thế hệ học sinh thụ động, kém tưởng tượng, thiếu sáng tạo và tính chủ động, và không có tinh thần phản biện cao như hay thấy trong các xã hội mở khác.

Có ý kiến cho rằng chúng ta cần duy trì một xã hội đồng thuận, và cần tránh những tranh luận hay phản biện ồn ào. Tuy nhiên, tôi thấy ý này có vẻ ngụy biện, bởi vì một xã hội đồng thuận không có nghĩa là trong xã hội đó mọi người đều chỉ nói một ý, hay răm rắp nói theo những gì các quan chức đưa ra. Có thể tưởng tượng sự đồng thuận xã hội như một dàn nhạc, mà trong đó có nhiều người chơi các nhạc cụ với âm thanh khác nhau dưới sự điều khiển của nhạc trưởng. Tương tự, xã hội đồng thuận chính là sự phong phú của các thành phần xã hội, kể cả trí thức đóng vai trò quan trọng, dưới sự điều phối (chứ không phải áp đặt hay ban phát ân huệ) của Nhà nước.

Người trí thức lúc nào cũng hoài nghi, đặt vấn đề, cố gắng khai sáng, phê phán, thách thức, vượt qua các ý thức hệ. Thế nhưng, có lẽ nói không ngoa rằng trong một thời gian dài, do hoàn cảnh hay định mệnh lịch sử, giới trí thức nước ta đã đánh mất đi những thói quen vừa kể, vì phải qui phục trước những giáo điều và quyền lực. Trong khi đó, một bộ phận trí thức được trưng dụng để truyền bá những ý tưởng nhằm nâng cao quyền lực của những người có quyền thế. Chúng ta còn nhớ cái thời mà “trí thức” với những “nghiên cứu” cho rằng thuốc xuyên tâm liên trị bách bệnh, hay bo bo bổ dưỡng hơn gạo. Có thể nói không ngoa rằng ở một mức độ nào đó người trí thức Việt Nam đã từng phản bội lại lí tưởng và vai trò của mình, bất lực và nhắm mắt trước những sự thật đau lòng xảy ra ngay trước mắt mình.

Ngày nay, nước ta đang trên đà hội nhập quốc tế và xã hội càng ngày càng mở hơn, giới trí thức đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn này. Nhưng vai trò phản biện của giới trí thức chỉ có thể phát huy khi Nhà nước và Đảng phải sẵn sàng và thành thật lắng nghe những ý kiến phản biện của giới trí thức (đa số) ngoài hệ thống Nhà nước và ngoài Đảng.

Wednesday, January 27, 2010

Thách thức của tân chủ tịch Asean

Tàu Trung Quốc ngoài Hoàng Sa

Việt Nam nhận vị trí chủ tịch luân lưu của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (Asean) từ ngày 01/01/2010.

Trong một loạt cách trách nhiệm đi cùng chức vụ này, là việc "hà hơi thổi ngạt" cho một cơ chế dàn xếp tranh chấp tại Biển Đông, mà báo chí khu vực cho là thách thức to lớn cho Hà Nội.

Tờ nhật báo tiếng Anh có uy tín xuất bản tại Hong Kong, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post), vừa có bài tựa đề 'Building tension' ('Gia tăng căng thẳng') xem xét các động thái phức tạp gần đây trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.

Bài báo mở đầu bằng câu: "Nếu Trung Quốc muốn chọc giận láng giềng Việt Nam thì ít có cách nào hiệu quả bằng việc khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa".

Tác giả bài báo nhận định rằng thông báo mới đây của Quốc vụ viện Trung Quốc về kế hoạch phát triển du lịch ở tỉnh Hải Nam, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, phản ánh tình hình căng thẳng tại Biển Đông nhiều hơn là ý nguyện thực sự của Bắc Kinh trong việc xây khách sạn hay khu nghỉ mát tại các lô đá ngầm và bãi cạn thường có bão này.

Thời điểm mà Trung Quốc đưa ra thông báo cũng được xem là gây chú ý.

Tháng Giêng là lúc mà người Việt Nam kỷ niệm 36 năm ngày Trung Quốc đánh bại hải quân Việt Nam Cộng hòa tại phía Đông Hoàng Sa, chiếm hoàn toàn quần đảo này từ đó cho tới nay.

Hoàng Sa, và Trường Sa ở phía Nam, được xem như có vị trí chiến lược hết sức quan trọng vì nằm trong khu vực lưu thông hàng hải chính của Đông Nam Á, đồng thời giàu tài nguyên dầu lửa và khí gas.

Lời qua tiếng lại

Tờ Bưu điện Hoa Nam viết rằng trong nhiều thập niên nay, Hà Nội tận dụng mọi cơ hội để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa thông qua nhiều hình thức như tìm kiếm trợ giúp pháp luật quốc tế và ký hợp đồng khai thác dầu khí với các tập đoàn lớn của nước ngoài.

"Giới chức luôn lớn tiếng cổ võ cho các tuyên bố chủ quyền trên khía cạnh luật pháp và lịch sử để bảo đảm rằng vấn đề chủ quyền nằm ở vị trí trung tâm trong kịch bản tuyên truyền quốc gia."

Thế nhưng, bài báo nhắc lại, hồi năm 1974 Hà Nội đã im lặng khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phản đối một cách vô hiệu lên Liên Hiệp Quốc.

Trận hải chiến Hoàng Sa 1974

Nỗi đau mất Hoàng Sa vẫn còn âm ỉ

Thời điểm đó, miền Bắc Việt Nam đang lên những kế hoạch tấn công cuối cùng vào chế độ Sài Gòn, kết thúc cuộc chiến, với sự hậu thuẫn của Liên Xô và Trung Quốc với tư cách hai đồng minh chính.

"Trong khi đã có dấu hiệu rạn nứt trong quan hệ Việt-Trung vốn đa nghi vì lịch sử, Hà Nội đã chọn cách im lặng."

Tác giả bài trên báo Hong Kong nhận xét sự im lặng đó nay thật tương phản với thái độ hiện thời của chính phủ Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Úc châu, được trích lời nói: "Thật rõ ràng là nỗi đau về việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa vẫn còn âm ỉ ở Hà Nội".

"Việc Hà Nội im lặng nhiều năm trước (về việc chiếm Hoàng Sa) nay vẫn là chủ đề nhạy cảm."

Việt Nam nay khá ồn ào trong các tuyên bố chủ quyền, trong khi chính phủ đang chịu nhiều áp lực của người dân đòi phải đương đầu với Trung Quốc tại Biển Đông.

Thông báo của Quốc hội Trung Quốc về du lịch Hải Nam được đưa ra chỉ một thời gian ngắn sau khi Hà Nội ký hợp đồng mua tàu ngầm với Moscow, mà giới quan sát nói chung xem như cử chỉ đối lại việc Bắc Kinh mở rộng năng lực hải quân.

Kế hoạch của Trung Quốc còn bao gồm chương trình thiết lập căn cứ tàu ngầm lớn ở Hải Nam, vốn thu hút chú ý ngày càng lớn của Mỹ, quốc gia hiện đang có quan hệ mới với Việt Nam.

Điều hiển hiện là tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Asean về cách ứng xử ở khu vực này, ký năm 2002, gần như vô tác dụng.

Việt Nam đã nhậm chức chủ tịch Asean năm nay, nhưng để biến "văn bản chết" này, theo báo Bưu điện Hoa Nam, thành quy chế có ý nghĩa thì thực là một việc khó làm.

Hiện thời, hai bên đang tiệ́p tục lời qua tiếng lại trong phòng họp ngoại giao.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nhanh chóng chỉ trích kế hoạch du lịch của Trung Quốc là "vi phạm chủ quyền Việt Nam, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình".

Về phần mình, Trung Quốc còn thẳng thừng hơn. Một quan chức Hải Nam nói toạc: "Đây là lãnh thổ của chúng tôi và chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn".

BBC-26.01.2010

Tầm nhìn Võ Văn Kiệt về đại đoàn kết dân tộc

Bài đã được xuất bản bởi TuanVietNam- 22/05/2009 15:38 GMT+7

(Tuần Việt Nam) - Tầm nhìn của Võ Văn Kiệt về đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa thời sự nóng bỏng khi mà đất nước ta đang đối diện với những thách thức và những vận hội chưa có tiền lệ. Thời sự là ở sự quyết tâm phát huy đại đoàn kết dân tộc, mở rộng dân chủ và tự do để cùng nhau thực hiện thành công mục tiêu chung: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Võ Văn Kiệt - Người học trò tiếp xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong lòng dân (Ảnh tư liệu)


Tin tưởng vững chắc, ra sức xây đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đó là điểm nổi bật nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác Hồ khẳng định: “Sử ta dạy cho ta bài học này: lúc nào nhân dân ta đoàn kết muôn người như một thì đất nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”[1].

Đại đoàn kết dân tộc cũng là thông điệp cuối cùng mà Hồ Chí Minh gửi lại: “Để giành thắng lợi trong cuôc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”[2]. Với Hồ Chí Minh, “đại đoàn kết dân tộc là một tư tưởng chính trị lớn, đồng thời là một đạo đức lớn…Tư tưởng và đạo đức ấy coi đoàn kết là lẽ sinh tồn của dân tộc ta từ ngàn xưa, là sức mạnh vô địch của cách mạng nước ta hiện nay và sau này. Tư tưởng và đạo đức ấy thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, tình tương thân tương ái của con người, sự độ lượng bao dung và lòng quý trọng từng nhân cách, tập hợp được đông đảo nhân dân, động viên được công sức tài năng của mọi người, không bỏ rơi, không để sót một ai[3]. Và chính Người là hình ảnh tiêu biểu, là điểm quy tụ của sức mạnh đại đoàn kết đó.

Có lẽ Võ Văn Kiệt là một trong những học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi vào lòng lời căn dặn ấy và thể hiện ra trong những quyết sách, trong những ứng xử cụ thể. Có thể nói, đây là một nét nổi bật trong tính cách và trong tư duy của Võ Văn Kiệt.

Điều cần phân tích để hiểu rõ sự nhất quán trong tư tưởng, tình cảm cũng như trong mọi ứng xử chính là tầm nhìn vượt lên phía trước của ông về khối đại đoàn kết dân tộc: Cả dân tộc chung sức mở rộng dân chủ và tự do là xác lập không gian rộng rãi hết cỡ để dân tộc đại đoàn kết, nhân tài được trọng dụng, mọi tiềm năng dân tộc được phát huy. Với Võ Văn Kiệt, đại đoàn kết dân tộc gắn liền với dân chủ và tự do, đó là hai mặt của một vấn đề, có mở rộng dân chủ và tự do thì mới có đại đoàn kết dân tộc bền vững.

Thực sự mở rộng dân chủ tự do được đến đâu, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được phát huy đến đấy. Như thế cũng có nghĩa là đại đoàn kết, dân chủ, tự do đều là của toàn dân tộc và của từng người Việt Nam.

Bình sinh, những ý tưởng của ông Sáu Dân từng gây được ấn tượng mạnh cho những ai đang ưu tư về vận nước, cho những trái tim biết rung động với những ngang trái của cuộc đời, những đầu óc dám vượt qua những hạn hẹp trói buộc của định kiến để không chịu nô lệ vào những giáo điều đã bị cuộc sống vượt qua, hướng suy nghĩ vào những tìm tòi, những tháo gỡ.

Nhưng quả thật, đến khi ông nằm xuống, thì cuộc đời mới dần phát hiện ở nhân cách lớn này những phẩm chất thật nổi bật mà trước đây chưa thấy được kỹ, chưa cảm được sâu. Ngẫm nghĩ chuyện này, bỗng nhớ lại trong một trang viết, Phạm Văn Đồng gợi lên một hình ảnh thú vị về Hồ Chí Minh gặp Các Mác: “Có thể Các Mác vui lòng nhắc lại một câu nói mà tôi luôn luôn ghi nhớ trong ký ức của mình: “Tôi đã gieo những con rồng và tôi đã gặt được những con bọ. Thật có đúng như vậy, song cũng có những con rồng…”[4]. Phải chăng Võ Văn Kiệt - Sáu Dân là một trong những sản phẩm xứng đáng, “một con rồng” theo cách nói của C.Mác và Phạm Văn Đồng, với hạt giống cách mạng mà Các Mác và Hồ Chí Minh đã gieo?

"Đoàn kết là lẽ sinh tồn của dân tộc ta từ ngàn xưa"

Chính yếu tố DÂN đã làm nổi bật lên tính cách Sáu Dân, sự nghiệp của Sáu Dân. Hiểu sâu sắc ý chí và nguyện vọng của dân, dựa vững vào sức mạnh vô bờ của dân, trưởng thành trong bão lửa của Nam kỳ khởi nghĩa và Cách Mạng tháng tám 1945, qua hai cuộc kháng chiến, với một sự nhạy bén chính trị đặc biệt, ông có được một tầm nhìn vượt lên phía trước, vượt xa nhiều người về mục tiêu và phương pháp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở lớn trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược.

Mà “đột phá” được chính là nhờ vào hoạt động thực tiễn, vì biết tắm mình trong biển cả nhân dân, học được từ dân tính năng động sáng tạo để bồi đắp cho trí tuệ của mình, do đó trí óc không bị xơ cứng vì không chịu trói mình trong những công thức lý luận, những giáo điều ẩm mốc đã bị cuộc sống vượt qua.

Nói đến dân tộc, trước hết và sau cùng là phải nói đến “dân”, nói đến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là nói đến quyền làm chủ của dân, nói đến mở rộng dân chủ và tự do, nói đến sự gắn bó, thông cảm, tin tưởng và khoan dung giữa những “người trong một nước phải thương nhau cùng” trong tự tình dân tộc, được khắc sâu đậm trong tâm hồn Việt Nam, truyền thống Việt Nam.

Bởi vậy khi nói “đoàn kết là lẽ sinh tồn của dân tộc ta từ ngàn xưa, là sức mạnh vô địch của cách mạng nước ta hiện nay và sau này” chính là nhằm khẳng định một giá trị truyền thống nổi bật của dân tộc Việt Nam ta.

Cũng vì vậy, phải đau đớn mà nhìn nhận một cách nghiêm cẩn rằng, truyền thống tốt đẹp đó từng bị rạn nứt, thậm chí có lúc bị băng hoại trong môi trường chiến tranh kéo dài. Khi ngôn ngữ của gươm giáo, súng đạn đã tạo nên chất men say, có khi là vô thức ở những người sử dụng nó, sẽ có sức tàn phá khủng khiếp vượt khỏi mọi dự kiến, mọi mong muốn.

Nguy hiểm nhất là không một thế lực ngoại xâm nào lại không biết khai thác và tận dụng một bộ phận không nhỏ những đám đông vì nhiều lý do đã trở thành lính đánh thuê, làm bia đỡ đạn cho chúng. Những thân phận con người bị hút vào cơn lốc tàn khốc và nghiệt ngã ấy ,“giống như những chiếc lá mà giông bão cuốn lên, tan tác mọi ngã, rồi tự rơi xuống”[5].

Ông Sáu Dân là người hiểu ra rất sớm để có cái nhìn thấm đẫm tính nhân văn thân phận bi đát ấy của những người trót phải đứng về phía “bên kia” để nếu chưa đưa được họ trở về lại với mình, thì cũng làm sao giảm thiểu những bi đát của họ.

Ôn từng khẳng định “Kháng chiến tức là phải đánh giặc, phải có quân đội, có vũ khí, có ý chí gang thép; nhưng nếu không hiểu khía cạnh chính trị của cuộc chiến đấu thì không thể hiểu gì về cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta cả”[6]. Chính vì hiểu rõ ý nghĩa chính trị của sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước nên từ đỉnh cao của chiến thắng 30 tháng 4 lịch sử đã dám thẳng thắng chỉ ra: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miến Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng vậy.

Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu… Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp
.”7

Không có một bản lĩnh chính trị vững vàng để hiểu rõ ý nghĩa chính trị cao cả của sự nghiệp chiến đấu với bao hy sinh của nhiều thế hệ Việt Nam, sẽ không thể đưa ra được tư tưởng mà nhất thời có thể chưa là cách nghĩ của số đông. Phải có một niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng vĩ đại mà vì nó dám chấp nhận mọi hy sinh như bản thân mình đã từng trải nghiệm, mới có được bản lĩnh dám chịu trách nhiệm về những ý tưởng mang tính đột phá có ý nghĩa mở đường mà ông hiểu rằng tất yếu sẽ gặp không ít lực cản, mà lực cản ấy sẽ không nhỏ, thậm chí là dai dẳng.

Trong bài “Đại đoàn kết dân tộc, cội nguồn sức mạnh của chúng ta”, viết năm 2005 ông giải thích: “Đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung. Chính phủ Hồ Chí Minh chủ trương xóa bỏ mọi hận thù và chia rẽ do chế độ cũ để lại, sẵn sàng thu dụng những người có tài, có năng lực, có tâm huyết, mà không kể đến quá khứ…Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đầu năm 1951, vấn đề đại đoàn kết được đặt ra và nhìn nhận trong những hoàn cảnh khác. Đã có không ít ý kiến xung quanh vấn đề này. Bác kết luận:Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Lời giải thích đó của Bác có sức thuyết phục mạnh mẽ trong Đại hội Đảng.

Về phần mình, trải qua bao năm tháng suốt từ trước CMT8 năm 1945 đến ngày nay, từ những phút gian nguy giữa sống và chết, đến những ngày chia ngọt sẻ bùi từng thắng lợi, tôi đã bao lần được đồng bào che chở cưu mang, đã chứng kiến bao tấm gương hy sinh của những người thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi…tôi càng thấm thía những bài học lớn đó của Hồ Chí Minh.[8].

Đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung

Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt gặp mặt bà con kiều bào mừng xuân Đinh Hợi 2007 (ảnh: nguoivienxu)

Được tôi luyện trong bão táp của cuộc chiến đấu, tắm mình trong biển cả nhân dân đã hun đúc nên trong ông một đức tính rất quý của người cách mạng là hết sức quan tâm đến những con người mà ông hàng ngày gặp gỡ.

Ông biết cách chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của từng con người trong nhiều tầng lớp nhân dân, những người ông có dịp gần gũi và cả những người ông chưa từng gặp gỡ. Chính đức tính đó khiến cho nhiều giải pháp trong chủ trương chính sách ông đưa ra có được sự thấu tình đạt lý, chinh phục được lòng người.

Do cảm nhận được về những con người đang cùng ông chia ngọt sẻ bùi, đã cưu mang giúp đỡ ông, rồi con người ở nhiều cảnh ngộ khác nhau với cách biểu tỏ lòng yêu nước, thương nòi không giống nhau, thậm chí có khi rơi vào những tình huống éo le, khó xử mà ông từng chứng kiến, khiến cho ông thấm thía hơn ý nghĩa “đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung” trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chính ở đây gợi nhớ đến truyền thống đoàn kết và khoan dung của dân tộc được dẫn dắt từ cương lĩnh dựng nước của Khúc Hạo (907) mở đầu cho thời kỳ tự chủ của dân tộc ta đầu thế kỷ thứ X: “Chính sự cốt chuộng sự khoan dung giản dị để cho nhân dân đều được yên vui”.[9]

Tình cảm ấy, tư tưởng ấy dẫn dắt, chỉ đạo cách ứng xử của Võ Văn Kiệt trong rất nhiều trường hợp làm xúc động lòng người, giàu sức thuyết phục mà mọi người đã biết, tưởng chẳng cần phải nhắc lại. Những ứng xử ấy, về khách quan, mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Song Sáu Dân không định làm “chính trị”, mà là những ứng xử tự nhiên bộc trực rất dung dị, chân tình trong phong cách quen thuộc của ông. Đó là ứng xử giữa con người với con người, những con người bình thường “có tấm lòng” với nhau.

Đem tấm lòng chân thành và cởi mở để đến với những con người mà ông muốn tiếp xúc, để rồi khi nằm xuống, cuộc đời nhớ đến ông như nhớ tới “một người con ưu tú nhất của đất nước, một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng vào bậc nhất trong thời kỳ mới, một con người bình thường mà phi thường”[10] .

Và rồi trong sự phong phú và đa dạng của cuộc đời, cũng có người nhớ tới ông “như nhớ tới một con người đi chân đất, một con người mà chỉ với một lời cam kết có tính chất cội nguồn, đã vượt qua được mọi trở ngại trong guồng máy khắc nghiệt được bảo vệ bằng những giáo điều xơ cứng, để giữ mãi cho mình được mối liên hệ hồn nhiên với đông đảo những con người làm nên cái mảnh đất ngàn năm của ông”[11].

Chính với “những con người làm nên cái mảnh đất ngàn năm của ông ”, những người thân thiết cùng một chiến hào với ông, những người cộng sản luôn đi tiên phong trong những cam go ác liệt nhất của cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, những đồng chí, đồng đội, đồng bào chí cốt, từng chia bùi sẻ ngọt với ông, cũng như với những người “chỉ đến với cuộc cách mạng như một sự gặp gỡ trên đường đi tìm một lời giải chung cuộc cho đời sống”[12] tình cờ gặp ông, rồi cả với những người hôm nao còn ở trên trận tuyến phía bên kia, nay vì những lý do không giống nhau, đã tìm đến ông, hay có khi chính ông chủ động tìm đến họ, để góp một tiếng nói, một nỗi niềm… đã hình thành nên một một mối quan hệ thân tình, cởi mở với Võ Văn Kiệt, mối quan hệ giữa người với người. Đúng là tính bền vững của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chỉ có được khi xây đắp trên mối quan hệ giữa người và người đó.

Mà muốn thể phải hiểu con người, phải tin ở con người, phải biết khơi dậy ngọn lửa ấm sáng trong từng con người có khi đã nguội lạnh hoặc bị vùi lấp trong sự nghiệt ngã đến phi lý của chiến tranh, đặc biệt là của cái hố sâu giả tạo về cuộc đối đầu của cái gọi là “ý thức hệ” giữa những người có cùng một dòng máu Việt Nam chảy trong huyết quản.

May mắn thay, cái gọi là “ý thức hệ” ấy đã được nhìn nhận lại với cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thông qua tại Đại hội VI của Mặt trận với sự khẳng định “…đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới…”. Đây là một bước quan trọng có ý nghĩa đột phá về tư duy nhằm xây dựng khổi đại đoàn kết dân tộc. Võ Văn Kiệt là người hết lòng cổ vũ cho bước đột phá đó.

Đảm bảo tính công minh lịch sử, phát huy từng cá nhân con người

Với nghệ sĩ Đặng Thái Sơn (Ảnh tư liệu)

Về mặt này, Võ Văn Kiệt là người học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh, bằng hành động thực tế đã thấm nhuần và thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống: chắt chiu, trân trọng gìn giữ và phát huy từng cá nhân con người. Với ông, mở rộng dân chủ và tự do là điều kiện để làm bừng nở những tiềm năng đang còn ấp ủ trong mỗi cá nhân góp vào sức mạnh chung của của dân tộc đồng thời sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc sẽ phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân.

Mà cũng chính vì hiểu con người, quan tâm đến con người, Võ Văn Kiệt biết dành những ưu tư của mình về một số nhân vật lịch sử đang bị hàm oan cần phải được nhìn nhận lại để trả về cho họ tính công minh của lịch sử.

Đảm bảo tính công minh lịch sử cũng chính là một nhân tố hết sức quan trọng đến việc tạo dựng niềm tin, chinh phục lòng người để gắn kết họ lại trong sự nghiệp cao cả. Khi người ta tin rằng, cuối cùng rồi lịch sử sẽ trả về cho con người sự phán xét công minh, thì đó là điểm tựa rất quan trọng để người ta tin vào chính nghĩa, tin vào chân lý, để bằng niềm tin đó mà chỉ đạo hành vi của mình trong cuộc sống hôm nay.

Có điều ấy bởi lẽ, trong cuộc sống, không phải lúc nào cái thiện cũng thắng cái ác, chính nghĩa có lúc bị lu mờ, thậm chí bị tước bỏ! Thì lịch sử đầy rẫy những hôn quân, bạo chúa lộng hành đấy thôi! Những cặn bã sâu mọt cũng có lúc chiếm lĩnh thế thượng phong, khiến cho nhiều bậc thức giả phải ngậm ngùi. Khi một người từng làm nên lịch sử như Nguyễn Trãi mà vẫn phải chịu hàm oan thảm khốc thì đâu chỉ “anh hùng di hận kỷ thiên niên”.

Sức tàn phá của nó ghê gớm hơn nhiều. Nó lung lạc niềm tin vào chính nghĩa, đầu độc bầu không khí xã hội.. Và khi lịch sử trả về cho người anh hùng dân tộc vị thế đúng như ông đã tạo dựng nên bằng bản lĩnh và tài năng của mình, thì lịch sử cũng trả về cho con người, cho công chúng niềm tin vào cái đúng, cái tốtcái đẹp. Những cái đó góp phần quan trọng xây đắp nên nền tảng tinh thần của đời sống xã hội . Để xây dựng vững chắc nền tảng ấy mà Võ Văn Kiệt bàn đến chuyện lịch sử. Đó là một ứng xử văn hóa, một tính cách văn hóa.

Tầm nhìn đại đoàn kết dân tộc của Võ Văn Kiệt

Bức tượng bán thân Phan Thanh Giản do ông phụng hiến được trao tặng cho Vĩnh Long dạo tháng 8.2008 sau khi ông qua đời là thực hiện ý nguyện của ông. Ông tranh thủ gặp gỡ nhằm thúc đẩy những nhà sử học tâm huyết vượt qua những “sức ỳ” của lịch sử, những quán tính của tư duy cũ, để góp phần làm sáng tỏ bộ mặt chân thực của lịch sử trong tính phong phú và phức tạp của nó.

Quả thật chân lý vốn đơn giản, nhưng nhận thức cho được sự đơn giản đó hóa ra không đơn giản chút nào. Ông Sáu Dân đã có lần lập luận về những vấn đề hết sức gay cấn một cách rất dung dị: “Cách mạng tháng 8 năm 45 đánh đổ thực dân phong kiến là chuyện tất yếu phải làm để giành lại độc lập cho đất nước và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng rồi theo trớn đó mà chửi phong kiến tùm lum thì vô tình đã chửi cha ông mình chứ còn gì nữa!

Thử hỏi các vua Trần cùng Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan quân Nguyên, Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi diệt quân Minh xâm lược và lên ngôi vua thì đều là
phong kiếncả chứ gì? Liệu có ai dung túng cho chuyện xúc phạm đến ông cha? Thế mà cứ thoải mái chửi phong kiến thì khoa học cái nỗi gì?”. Chẳng phải chỉ đối với chuyện của tiền nhân, ngay cả chuyện đang diễn ra cũng vậy thôi.

Ông nhiều lần nhắc lại hình ảnh: “Sau 30.4, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai”. Sau ba mươi năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người Việt Nam cảm nhận được điều đó”. Nhận thức được sâu sắc chuyện “không phải dễ dàng” đó, ông kiên trì thuyết phục, và bằng hành động cụ thể, ông góp phần thúc đẩy cho chuyện “không phải dễ dàng” ấy đi được vào cuộc sống.

Từ cách nhìn đó ông khẳng định: “…nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hóa để giải quyết thù hận thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh ngày càng dồi dào hơn. Nếu cứ còn chia rẽ do thù hận vì bại, kiêu vì thắng thì có ích gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế ?”.

Tầm nhìn của Võ Văn Kiệt về đại đoàn kết dân tộc, vì vậy, có ý nghĩa thời sự nóng bỏng khi mà đất nước ta đang đối diện với những thách thức và những vận hội chưa có tiền lệ. Thời sự là ở sự quyết tâm phát huy đại đoàn kết dân tộc, mở rộng dân chủ và tự do để cùng nhau thực hiện thành công mục tiêu chung mà dân tộc ta đồng tình và cộng đồng quốc tế hoan nghênh: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

  • GS. Tương Lai
    __________________

1. Báo “Việt Nam độc lập ngày 1 tháng 2 năm 1942

2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tâp 12. NXBCTQG. Hà Nội, 1996. tr.505

3. Phạm Văn Đồng. “Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh”NXBCTQG. Hà Nội 1998, tr. 186

4. Phạm Văn Đồng. “Hồ chí Minh. Quá khứ, Hiện tại vàTương lai”NXB Sự Thật. 1991, tr. 98

5. Gustave Le Bon. “Tâm lý học đám đông” NXB Tri thức. 2008.tr.57

6. Dấu ấn Võ Văn Kiệt. Tạp chí Xưa&Nay và NXBVHSG.2008, tr. 128, 129, 266

7, 8, 13, 14 .Những câu chuyện về anh Sáu Dân. Nhà Xuất bản Thông tấn. Hà Nội 2008. tr.75, tr.106, tr.211, tr.76, tr. 77, tr.109

9. Đại cương Lịch sử Việt Nam. Trương Hữu Quýnh chủ biên. NXBGiáo dục.2005, tr.104

10, 11,12 “Ông Sáu Dân trong lòng dân” NXB Tri thức Hà Nội 2008. tr.281,tr. 234, tr.232