Monday, January 25, 2010

Trả công thầy cô Xô Viết bằng gì?

Có hai cách tác động lên quá trình học tập: hoặc coi thầy là trung tâm, hoặc coi trò là trung tâm. Các thầy cô Xô Viết có lẽ đã chọn cách thứ hai để “không chỉ đào tạo ra các nhà khoa học, mà chính là đào tạo ra nhân cách”.

Một cái nhìn đối chiếu vào kết quả học tập của các thế hệ lưu học sinh Việt Nam ở Liên Xô sau 1975 sẽ đem lại nhiều cảm nghĩ.

Không thày đố mày …

Công lao của các thày cô Xô Viết trong đào tạo các thế hệ học sinh Việt Nam là vô cùng to lớn. Có thể đem ví với cầu Thăng Long - tượng đài của tình hữu nghị Việt Xô trên đường vào thiên niên kỷ mới, điều mà Kremlin đã mong muốn ở đầu thập kỷ 80, nay đà ứng nghiệm ngay cả khi Liên Xô đã sụp. Đó quả là một mẫu mực về kiến trúc thiết kế và thi công. Nhiều nhà xây dựng Việt Nam hôm nay vẫn nhắc tới những người thày, những đồng nghiệp Xô Viết với lòng biết ơn mỗi lần xây những công trình hiện đại.

Trước đó, hình ảnh người thày giáo và người chuyên gia Liên Xô cũng hiện lên trong nhiều sự kiện lớn của cuộc kháng chiến của Việt Nam. Những con rồng lửa SAM và A – 72 “vác vai”, những chiếc MiG – 21 khét tiếng vì bay ngoắt ngéo trên bầu trời Việt… đã làm nguội những cái đầu nóng ở toà Bạch ốc. Những chiếc T – 54 “vỏ thép dày nhưng cơ động nhanh” lao vào Dinh Độc lập năm 1975 trở thành hình tượng của vãn hồi hoà bình cho cuộc chiến dài nhất thế kỷ XX. Nhiều cựu chiến binh Việt Nam - như ông Nguyễn Văn Cốc, người phi công hạ nhiều máy bay đối phương nhất thế giới - hôm nay vẫn ứa nước mắt nhớ các thày Xô Viết, mỗi lần đeo huân chương.

"Đêm thứ sáu Varvara kỷ niệm sinh nhật với thật nhiều vodka. Sáng tỉnh dậy tưởng sẽ tham gia ngày thứ bảy Cộng sản Chủ nghĩa, ngờ đâu đã là sáng thứ ba". Nguồn ảnh: báo Nga

Liên Xô đã kịp thời đào tạo nhiều thế hệ cán bộ cho Việt Nam. Hãy cùng nhớ lại năm 1980 khi Bộ Tư pháp tái lập với những luật gia trẻ Việt Nam vừa tốt nghiệp ở Liên Xô và CHDC Đức về. Các lưu học sinh Việt Nam từng được vào học những trường tốt nhất trong lịch sử Liên Xô. Nhiều diễn viên, vận động viên của Việt Nam vẫn nắm tay tôi hỏi thăm sức khoẻ của các chuyên gia Nga đã từng sang Hà Nội dạy dỗ họ, và được họ xem như cha mẹ ở trường. Mặt họ buồn hẳn đi khi tôi nói thật – rằng “không biết”.

Nhưng hôm nay, đã không ít lần các cán bộ khoa học trẻ Việt Nam kêu ca hiệu ứng Pugatrova (bệnh Pugatrikha – theo tiếng Nga, tiếng Việt là “cây đa rủ bóng”) trong khoa học. (Nghệ sĩ U70 này tới nay vẫn đang cố làm Người đàn bà hát duy nhất trong lịch sử nhạc nhẹ Nga, biến thành vật cản đường tiến của các ca sĩ trẻ đầy tài năng của nước Nga mới … )

Ở ngưỡng cửa thế kỷ 21, trước cả khi các nhà bác học Việt Nam có tầm cỡ - như Võ Hồng Anh, Lê Viết Kim Ba với giải thưởng Kovalevskaya - về hưu, giới bác học Nga đã cảnh báo hiện tượng biến mất các báo cáo khoa học của Việt Nam trong các hội nghị quốc tế.

"Trò… quên mất tiếng Nga rồi"

Khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chọn con đường đổi mới năm 1986, những người thày và đồng nghiệp Xô Viết đã chúc mừng chúng ta, mong muốn Việt Nam từ nay sẽ quay về với phương châm “dựa vào sức mình là chính” của Hồ Chí Minh, và không còn đóng vai người “vác rá đi xin” (chữ dùng của ông Trần Phương, Phó Thủ tướng Việt Nam tới năm 1985).

Nhưng mối lo ngại Việt Nam thiếu chuyên gia lành nghề, thiếu hệ thống tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm lao động trí óc và chân tay … vẫn còn hiện trong mắt những chuyên gia Xô Viết cuối cùng rời khỏi Việt Nam đầu thập niên 90.

Khoảng năm 2000, ông tham tán thương mại Nga, có công tác ở Việt Nam từ hậu kỳ Xô Viết, bảo tôi rằng, thế hệ các nhà khoa học do Liên Xô đào tạo từ 1975 đã "biến mất". “Họ đã trở thành các doanh nghiệp của nền kinh tế “xám” (ông ngụ ý kinh tế tư nhân thời mở cửa). Đây còn là một trong những nguyên nhân dẫn tới để ngỏ “mặt trận” khoa học cho các Sở Khanh lẻn vào (ý của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn).

Khi còn ở Nga giữa những năm 90, có lần một quan chức Việt Nam nhờ tôi đi cùng tới chào thày cũ. Ông thày thật “mừng mừng, tủi tủi”. Mừng vì có học trò thành đạt. Tủi vì trò … quên mất tiếng Nga rồi.

Vừa qua nhà báo Bích Ngọc cứ khuyên trò cũ Việt Nam sang Nga thăm lại thày cũ. Không khéo từ nay ta lại được mở các “cua” tiếng Nga cấp tốc cho các “tiến sĩ giấy” và các cử nhân “bằng hữu nghị” từ thời bác Bửu, thời chú Tứ trở đi.

Và bài hát “Thiên đường lúa gạo” (ban nhạc Diuna) đã ra đời thời Gorbachov để “kể” tính dựa dẫm của một đồng minh của Liên Xô ở Đông Nam Á dường như hôm nay lại vang lên trong tai chúng ta. Nhiều cán bộ chủ chốt, sau một số nỗ lực đổi mới thấy trầy trật, nay chỉ cố xin cho địa phương mình vào diện xã nghèo, huyện nghèo … để còn được nhà nước hỗ trợ theo “cái” 135. Ta phải gạt bỏ định kiến, để không cố tìm xem trong tên những vị “quan lang” mới này xem có ai từng học ở Liên Xô về.

Lại thấy thấm thía lời của một cô giáo Xô Viết miền Kuban trù phú dặn trò Việt Nam: về nước nhớ tiếp tục “dùi mài kinh sử”, đừng như anh lính Cô-dắc, đánh nhau xong chỉ biết uống rượu rồi đeo cựa-gà (mề đay) lẻng xẻng.

Nhưng cũng có chữ cần phải trả thày. Tại khoá nâng cao trình độ quản lý kinh tế mà tôi làm phiên dịch năm 1988, thày của một môn thực tập đến từ Glavmostroy (Tổng công ty xây dựng Matxcơva) đã nhắc đi nhắc lại với học viên rằng chớ có học những kinh nghiệm sai về quản lý vĩ mô của Liên Xô. Lớp này - gồm các trưởng ty xây dựng ở Việt Nam tới lúc đó vẫn còn theo chuẩn “trái tim nóng, đầu lạnh, và hai tay sạch”, theo tôi - đã lĩnh hội được những điều mà thày giáo này muốn chuyển tải.

Chớ để lỡ mãi tuyến tàu tương lai

Đúng vào ngày thày trò Xô - Việt hội ngộ tại Hà Nội, Truyền hình ORT của Nga phát đi buổi hội thảo Trường học - trường đời (Школа жизни). Các khách mời của chương trình ra sức phân tích chủ đề trường học chính là tấm gương soi của đời thường … Phát vào lúc sáng sớm, người dẫn chương trình đã nhắc đi nhắc lại câu: “Đừng thức dậy trễ, kẻo bình minh tương lai qua đi” (не просыпать будущего).

Một chiều xưa, giữa trời tuyết lạnh, tôi đi thăm thày cũ của mình. Giáo sư Kerov I.P, hôm đó ốm, nhưng đôi mắt vẫn linh lợi. Ông trông còn tỉnh táo hơn nhiều người Nga lúc đó, còn đang bàng hoàng vì màn “bạo lực là bà đỡ” ngay sau ngày Liên Xô sụp, khi tổng thống Nga dùng xe tăng bắn thẳng vào toà nhà Xô Viết tối cao Nga - nơi các đồng minh cũ của ông đang cố thủ.

Thày nằm trên tấm đệm đã cũ trong căn phòng đầy những sách kinh tế tiếng Anh - những chứng tích về nhiều năm giảng dạy ở châu Âu và Hoa Kỳ của ông. Vợ ông - một cô giáo - trông có vẻ phiền muộn, hẳn còn vì túi hàng tiêu dùng ngày một co lại so với đồng lương giáo viên còm cõi. Tôi chưa kịp hỏi thày về các dự báo nền kinh tế Nga thì bác sĩ đã tới để chăm sóc ông. Ứa nước mắt, tôi từ biệt thày, nhưng ông cố lưu tôi lại vài phút nữa. Thày mỉm cười, nhắc lại thói quen của tôi thích những bài hát mà tới lúc đó đã “quá đát” như Suliko (Сулико), Siberi hãy nở hoa (Расцветай, Сибирь). Rồi thày chơi chữ, bảo tôi:

Việt Nam, hãy nở hoa

Tôi hiểu rằng từ Расцветать ngoài nghĩa nở hoa còn có nghĩa là phồn vinh. Từ ấy, tôi không được gặp lại thày nữa.

Gần hai thập kỷ qua từ ngày ấy, Việt Nam đạt được những thành tựu kinh tế vô cùng to lớn, theo cách đánh giá của các thày dạy môn công tác chính trị.

Giữa năm 2008 có cựu chuyên gia Liên Xô xem bài Việt Nam: từ huyền diệu đến ảo ảnh (Miracle to mirage in Vietnam) đăng trên báo phương Tây đã gọi điện sang Hà Nội biểu lộ sự lo lắng về nền kinh tế “bong bóng” của Việt Nam.

Còn nếu theo lý thuyết “xa lộ” của thày Kerov, thì kinh tế Việt Nam hôm nay chắc là giống một ngõ hẹp trong đó các xe hơi Turbo nhập ngoại đang ra sức chèn nhau, những tấm biển 5km/h ẩn ẩn, hiện hiện. Còn những ai không muốn bon chen thì dường như vẫn đứng ở bến ‘lần sau tàu chạy”...

No comments:

Post a Comment