Hôm nay ngày cuối tuần, những làm việc lu bù, chuẩn bị cho hội nghị cuối tháng và trả lời (phản biện) mấy cái đề cương xin tài trợ. Toàn những chuyện “đau đầu”, quan trọng, và phải làm. Nhưng cái “nghiệp” nó theo mình. Theo dõi thời sự thấy người ta bàn về trí thức nên cũng phải tranh thủ viết một bài cho Người lao động. Bài này tôi viết nhân cảm hứng về những chuyện lùm xùm giữa tôi và mấy ông quan chức y tế. Xin chia sẻ cùng các bạn bài đó dưới đây, và một vài cảm nghĩ về ca nhạc DVD ngoài này.
===
Trí thức và quan chức
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 bàn về trí thức và vấn đề trọng dụng trí thức. Nhưng một trong những vấn đề cần được thảo luận là mối liên hệ giữa giới trí thức và các quan chức trong chính quyền. Bản chất của người trí thức là phản biện và hoài nghi, và thói quen này có khi mâu thuẫn trực tiếp với các quan chức. Trong thực tế, một số quan chức hành xử như là những người nắm trong tay chân lí và bác bỏ những phản biện của giới trí thức. Trong một mối liên hệ bất bình đẳng như thế, xã hội và quần chúng sẽ bị thiệt thòi. Do đó, các quan chức cần phải học văn hóa tranh luận và tôn trọng ý kiến phản biện của giới trí thức.
Đã có quá nhiều học giả bàn về những định nghĩa liên quan đến trí thức, để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đơn giản “Ai là trí thức”, nhưng hình như chưa ai nhất trí một định nghĩa phổ quát. Ở đây, tôi nhìn trí thức qua lăng kính của những người làm khoa học với một định nghĩa đơn giản: người trí thức là người sáng tạo ra tri thức mới. Khi nói "tri thức", tôi muốn nói đến bốn cái hiểu biết của con người mà ai trong chúng ta cũng từng có lần nghe qua: biết cái gì là tri thức loại thông tin; biết làm như thế nào là tri thức loại khoa học, công nghệ; biết ai và với ai là tri thức về xã hội; và biết ở đâu và lúc nào là tri thức kinh tế. "Sáng tạo" ở đây có nghĩa là đề bạt, sự cống hiến một tri thức mới cho kho tàng tri thức của con người. Đặt ra một khái niệm mới hoặc đem lại một ứng dụng mới cho các khái niệm cũ cũng có thể cho là sáng tạo.
Như vậy bằng cấp hay có trình độ đại học không hẳn là một điều kiện để trở thành người trí thức. Hiểu theo nghĩa này, một người có bằng cấp, dù là bằng tiến sĩ hay mang học hàm giáo sư vẫn chưa là người "trí thức" nếu người đó chưa sáng tạo ra tri thức mới. Những bác sĩ, kĩ sư, luật sư, v.v... nếu chỉ học xong, ra trường, và hành nghề dựa vào tri thức đã có sẵn (mà không có nghiên cứu, sáng tạo tri thức gì mới) không thể là người trí thức. Ngược lại, những người, dù chưa từng qua huấn luyện đại học, nhưng sáng tạo ra tri thức mới, có thể là người trí thức. Hiểu theo nghĩa này, lực lượng trí thức nước ta có lẽ không nhiều và cũng không mạnh. Số người sáng tạo ra tri thức mới (qua vai trò tác giả bài báo khoa học trên các tập san quốc tế và bằng sáng chế) ở nước ta không đầy 1.000 người. Số lượng tri thức đánh giá qua bài báo khoa học của nước ta chỉ bằng 1/10 Singapore, 1/5 Thái Lan, và 1/3 Mã Lai. Chúng ta có nhiều người tốt nghiệp đại học và mang hàm giáo sư, nhưng con số trí thức và số lượng tri thức sản xuất còn cực kì khiêm tốn.
Ngoài vai trò sáng tạo tri thức mới, người trí thức còn đóng vai trò phản biện. Qua vai trò phản biện, giới trí thức có thể có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển và tiến hóa của xã hội. Thật vậy, những phản biện qua hình thức tranh luận trên các diễn đàn công cộng là một hoạt động không thể thiếu được trong các xã hội dân chủ và văn minh. Ở nhiều nước Tây phương, lưu lượng của những phản biện cởi mở và nghiêm túc được xem là một dấu hiệu của một xã hội lành mạnh. Một lời phát biểu phản biện của người trí thức có cái đẹp của nó, vì nó có thể đánh thức chúng ta về một thế giới phức tạp, một thế giới không nằm gọn trong hai thái cực đúng với sai, tốt hay xấu, bạn hay thù.
Tư duy phản biện và thói quen hoài nghi của người trí thức có khi mâu thuẫn với các giới chức công quyền. Nhưng đó là những mâu thuẫn cần thiết, là một điều kiện cho một xã hội mở và văn minh. Trong xã hội mở và văn minh, chúng ta cần có những cuộc tranh luận có chất lượng cao, mà trong đó cả giới trí thức và quan chức phải tuân theo những qui tắc chung và căn bản: đó là chỉ phát biểu bằng cách vận dụng những lí lẽ logic và bằng chứng khoa học, với thái độ thành thật và cởi mở, chứ không phát biểu theo cảm tính, lười biếng, hay biểu hiện một sự thiển cận, đầu óc hẹp hòi. Nhưng trong thực tế và kinh nghiệm của chính người viết bài này, một cuộc tranh luận như thế rất ít khi xảy ra, bởi vì giới quan chức không quan tâm hay chưa có thói quen phản biện khoa học, mà thay vào đó là những thái độ ngụy biện và chụp mũ nặng nề cho những ai không có cùng quan điểm với họ.
Vai trò của giới trí thức cần phải đặt trong bối cảnh xã hội mà họ sống và làm việc. Một xã hội dân sự còn yếu, hay nơi mà sự đa nguyên còn chưa phát triển mạnh hay không được tôn trọng thì giới trí thức rất khó mà lèo lái xã hội đến một xã hội mở hơn. Có thể nói rằng từ xưa nước ta không có một truyền thống phản biện. Hệ thống giáo dục nước ta ngày xưa ca ngợi sự học thuộc lòng những điều chỉ dạy của Khổng Tử, và ngay cả ngày nay, học sinh vẫn phải tuân theo sách vở một cách máy móc, mà không được khuyến khích tự do tìm tòi, thử nghiệm, chất vấn những sự việc. Hậu quả là nhiều thế hệ học sinh thụ động, kém tưởng tượng, thiếu sáng tạo và tính chủ động, và không có tinh thần phản biện cao như hay thấy trong các xã hội mở khác.
Có ý kiến cho rằng chúng ta cần duy trì một xã hội đồng thuận, và cần tránh những tranh luận hay phản biện ồn ào. Tuy nhiên, tôi thấy ý này có vẻ ngụy biện, bởi vì một xã hội đồng thuận không có nghĩa là trong xã hội đó mọi người đều chỉ nói một ý, hay răm rắp nói theo những gì các quan chức đưa ra. Có thể tưởng tượng sự đồng thuận xã hội như một dàn nhạc, mà trong đó có nhiều người chơi các nhạc cụ với âm thanh khác nhau dưới sự điều khiển của nhạc trưởng. Tương tự, xã hội đồng thuận chính là sự phong phú của các thành phần xã hội, kể cả trí thức đóng vai trò quan trọng, dưới sự điều phối (chứ không phải áp đặt hay ban phát ân huệ) của Nhà nước.
Người trí thức lúc nào cũng hoài nghi, đặt vấn đề, cố gắng khai sáng, phê phán, thách thức, vượt qua các ý thức hệ. Thế nhưng, có lẽ nói không ngoa rằng trong một thời gian dài, do hoàn cảnh hay định mệnh lịch sử, giới trí thức nước ta đã đánh mất đi những thói quen vừa kể, vì phải qui phục trước những giáo điều và quyền lực. Trong khi đó, một bộ phận trí thức được trưng dụng để truyền bá những ý tưởng nhằm nâng cao quyền lực của những người có quyền thế. Chúng ta còn nhớ cái thời mà “trí thức” với những “nghiên cứu” cho rằng thuốc xuyên tâm liên trị bách bệnh, hay bo bo bổ dưỡng hơn gạo. Có thể nói không ngoa rằng ở một mức độ nào đó người trí thức Việt Nam đã từng phản bội lại lí tưởng và vai trò của mình, bất lực và nhắm mắt trước những sự thật đau lòng xảy ra ngay trước mắt mình.
Ngày nay, nước ta đang trên đà hội nhập quốc tế và xã hội càng ngày càng mở hơn, giới trí thức đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn này. Nhưng vai trò phản biện của giới trí thức chỉ có thể phát huy khi Nhà nước và Đảng phải sẵn sàng và thành thật lắng nghe những ý kiến phản biện của giới trí thức (đa số) ngoài hệ thống Nhà nước và ngoài Đảng.
No comments:
Post a Comment