Tuoi Tre- 31.01.2010
TT - “Hơn 30 năm làm công tác mặt trận, tôi rất thấm thía lời dạy của Bác Hồ “Việc khó đến đâu, dựa vào nhân dân cũng xong”.
Bác nói câu ấy khi cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ mới bắt đầu, và Đảng đã dựa vào dân, sống trong dân từ buổi trứng nước cho đến khi trưởng thành, lớn mạnh. Thế rồi đất nước hòa bình, đôi khi mối quan hệ máu thịt ấy dường như có những lúc giãn xa”...
Nói đến đó, khuôn mặt ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, hằn một nếp nhăn. Rồi ông kể lại những câu chuyện dưới đây.
Người dân luôn biết giải pháp
Làm việc ở Mặt trận Tổ quốc, tôi thấu rõ rằng không ai hiểu cuộc sống và các vấn đề của người dân bằng chính những người ngày đêm vật lộn trong cuộc sống ấy. Câu chuyện chống ngập cách đây vài năm ở khu Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM) là một ví dụ. Hàng chục năm cả bán đảo Thanh Đa phải khổ sở vì nước ngập. Mưa ngập vì nước không thoát kịp. Nắng ngập vì triều cường.
Dân đưa kiến nghị lên phường, phường đưa lên quận, quận đưa lên thành phố, thành phố đưa sang Sở Giao thông vận tải, sở trả lời chờ hệ thống chống ngập chung của quận Bình Thạnh, quận 8, toàn thành phố... Và chờ. Tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Trong khi đó, ngày nào người dân cũng phải sống chung với nước ngập. Có người buôn bán ế ẩm. Có người bị bệnh ngoài da. Có người dọn nhà đi nơi khác. Có em bé chết vì ngã xuống nước...
Người dân lại đưa thêm giải pháp. Họ bảo: thời chế độ cũ có xây dựng ở đây bảy miệng cống có van tự động đóng mở để thoát nước, do các van cống này hỏng nên mới xảy ra ngập nước. Trong khi chờ đợi công trình tổng thể, hãy sửa chữa, phục hồi các van này. Nếu thành phố không có kinh phí, người dân Thanh Đa tự nguyện đóng góp và tổ chức thực hiện. Đôi vai của người dân đã ghé xuống gánh lấy gánh nặng của Nhà nước, nhưng sở vẫn lắc đầu.
Những chị tiểu thương, anh kỹ sư, bác hưu trí lại đến tìm Mặt trận Tổ quốc, đầy bức xúc và nhiệt thành. Tôi đi thẳng xuống Thanh Đa. Lúc ấy là giữa trưa, mùa khô trời nắng như lửa đổ. Xe vừa dừng, một chị tiểu thương xăng xái mang cho tôi đôi ủng cao su. Tôi xỏ chân vào ủng, bước theo mọi người và thấy chợ Thanh Đa lênh láng nước, người bán ngồi co chân buồn bã trên sạp, vài người mua xắn quần ngang gối, nhăn mặt lội bì bõm trong nước bẩn. Những người dân dẫn tôi lội đủ bảy miệng cống, giải thích cách khắc phục, cách vận hành... Tôi không có lời nào để nói nữa.
Rời Thanh Đa, tôi lên thẳng Sở Giao thông vận tải. Sở cho chuyên viên xuống khảo sát lại và đồng ý với phương án chống ngập cục bộ của người dân, xuất kinh phí sửa chữa bảy van điều tiết bị hỏng. 20 ngày sau Thanh Đa hết ngập. Khi nghiệm thu công trình, ông Trần Quang Phượng - giám đốc Sở Giao thông vận tải - đã có lời xin lỗi và cảm ơn người dân Thanh Đa. Sau đó sở mang kinh nghiệm này áp dụng chống ngập ở bến Mễ Cốc và đã rất thành công.
Những lúc đắng lòng
Ở Mặt trận Tổ quốc, chúng tôi đã nhận được không biết bao nhiêu đơn thư khiếu nại thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của người dân nghèo ở một góc nào đó trong thành phố đông đúc này, những nông dân khuất lấp sau một bụi tre, góc ruộng nào đó trên đất nước này. Họ khiếu nại, phản ảnh và các đoàn thanh tra, kiểm tra các cấp đã kết luận rằng đa số những phản ảnh, khiếu nại ấy là đúng.
Thế nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vẫn không giải quyết kịp thời. Những khiếu nại kéo dài mãi ra như nước mắt và mồ hôi của người dân, và khi được giải quyết thì lại vỡ ra nhiều chuyện để mất mát cán bộ như vụ việc ở Đồng Tháp mới đây. Nếu những phản ảnh ban đầu được lắng nghe, xem xét đầy đủ thì đâu đến nỗi kết quả đau xót như thế.
Một trong những công việc cuối cùng tôi thực hiện ở Mặt trận Tổ quốc là đưa những ý kiến tha thiết của những người mưu sinh bằng nghề chạy xe ba gác đến UBND thành phố.
Những người đàn ông mặt sạm sương gió, áo quần lam lũ, mồ hôi còn đọng trên trán đã đến gặp tôi: “Chúng tôi tuổi tác như vầy, trình độ như vậy, anh hãy chỉ cho chúng tôi một việc làm khác cái nghề này. Ba đứa con tôi gắng học để thoát cảnh nghèo, tôi mất việc thì chúng cũng phải nghỉ học”.
Tôi đắng lòng không tìm ra câu trả lời. Mỗi mùa thi đại học đi qua, đọc báo lại thấy bao tấm gương người cha đạp xích lô, người mẹ đẩy xe rác nhọc nhằn nuôi giấc mơ con mình, ấy thế mà họ còn phải gặp thêm những lao đao nghiệt ngã. Tôi đưa kiến nghị của bà con lên ủy ban, tôi mang ra thảo luận trong các kỳ họp. Quyết định cấm xe ba gác được hoãn lại nhiều lần, cả thảy hai năm, nhưng hai năm vẫn chưa đủ để giải quyết hết những loay hoay của người dân cũng như Nhà nước...
Chính những lúc như thế lại càng thấm rõ lòng người dân với Đảng, với Nhà nước. Không trách giận, không oán than, những người dân vĩ đại của chúng ta vẫn bình tâm tin tưởng, kỳ vọng vào những chủ trương, chính sách, vẫn ngày ngày đóng góp hết tâm lực của mình vào một tương lai tốt đẹp, vẫn tha thứ cho những sai lầm và chờ đợi mối thâm giao máu thịt sẽ hóa giải tất cả.
Dù thế nào, cuộc sống vẫn cứ sẽ lừng lững mà đi tới.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Bài viết cung cấp thông tin hữu ích. Khi nào có nhu cầu máy bơm nước, công ty mình có thể hỗ trợ. Vui lòng click Giá bán máy bơm chìm hút nước thải mini gia đình DAB để biết thêm chi tiết. Xin cảm ơn !
ReplyDelete