Tuesday, January 26, 2010

Có thể nói ra mọi điều ta nghĩ

...

Lắng nghe thực tâm trạng quần chúng

Khi nói tập hợp trí tuệ và tâm huyết là nói đến chức năng quan trọng nhất của Mặt trận.

Lắng nghe thực tâm trạng quần chúng. Ảnh: Tư liệu

Phải thẳng thắn nói rằng, thực hiện được chức năng cơ bản này khó hơn rất nhiều vì nó phải vượt qua nhiều cửa ải. Tuy nhiên cái cửa ải khó nhất thì chúng ta đã vượt qua được nhờ đã xác lập được một nền móng vững chắc với một đột phá về tư duy để khẳng định rằng: phải "...đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới...".

Đương nhiên, để có được những dòng chữ đó ghi vào trong Điều lệ của Mặt trận được thông qua tại Đại hội VI của Mặt trận và vẫn giữ nguyên trong Đại hội VII vừa rồi, là cả một chặng đường chông gai, trầy trật. Bởi lẽ, "mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá".

Chính cái tập quán này là một sức trì kéo ghê gớm, và chúng ta vẫn đang phải đương đầu với những biến thái phức tạp của nó. Một trong những biến thái đó chính là không thực sự cầu thị để lắng nghe tiếng nói từ bên dưới.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, Bác Hồ đã đòi hỏi "Phải đưa chính trị vào giữa dân gian". Trước kia, việc gì cũng từ "trên dội xuống". Từ nay việc gì cũng phải từ "dưới nhoi lên". "Dưới nhoi lên" chính là thực thi việc mở rộng dân chủ một cách thiết thực nhất, cụ thể nhất.

Bước vào năm 2010, khi mà cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh "đã đi vào chiều sâu, mang tính phổ biến, đạt kết quả cụ thể và thuyết phục" như Trưởng ban Tuyên Giáo TƯ vừa khẳng định, thì Mặt trận chúng ta cần phải lấy việc "đưa chính trị vào giữa dân gian" làm thước đo cho kết quả cụ thể nói trên.

Trong việc làm đó, trước hết là Mặt trận phải dám thật sự lắng nghe tâm trạng quần chúng, ý chí và nguyện vọng của nhân dân và trung thực phản ánh với Đảng và Nhà nước. Không ai có thể thay thế Mặt trận làm điều này được.

Giáo sư Ngô Bảo Châu, người vừa đem lại niềm tự hào cho đất nước - được tạp chí Time đã xếp công trình nghiên cứu về toán học của ông là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu nhất năm 2009 và hiện là ứng viên sáng giá nhất cho giải thưởng toán học danh giá nhất, giải thưởng Fields mà thế giới gọi đó là giải Nobel trong toán học, trong thư gửi cho người thân có đoạn: "Qua theo dõi tình hình trong nước thời gian gần đây, cũng giống nhiều người khác, cháu cảm thấy băn khoăn nhiều. Bản thân cháu thì cho là nên hướng tiếng nói của mình về phía người dân, nhất là các bạn trẻ. Ai khi còn trẻ cũng có những giây phút khao khát hiểu biết và hướng thiện. Nếu những người lớn tuổi có tri thức trong xã hội mà để cái giây phút thiêng liêng đó trôi qua, thì đó mới là điều đáng tiếc nhất". Trong bài về Ngô Bảo Châu đăng trên báo PLTP HCM chúng tôi đã có viết về điều này.

Không cần nói gì thêm, những điều trích dẫn trên đã đủ để chúng ta, UBTƯMTTQVN suy ngẫm.

"Miễn là anh có suy nghĩ!"

Cùng với hiện tượng Ngô Bảo Châu, niềm vui lớn của người Việt Nam chúng ta trong năm qua là còn đón nhận những tin vui từ những người gốc Việt đang sống ở nước ngoài. Trung tá Lê Bá Hùng, một người Mỹ gốc Việt, hạm trưởng chiến hạm USS Lassen, vừa ghé cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm Việt Nam vừa rồi, Thảo Nguyễn, người Mỹ gốc Việt duy nhất trong danh sách 100 nhà khoa học trẻ vừa được nhận giải thưởng của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong năm 2009, chàng trai Lê Nam, người Úc gốc Việt, đã được trao Giải thưởng văn chương của Thủ tướng Úc, rồi Philipp Roesler, một người Đức gốc Việt vừa được chỉ định làm Bộ trưởng Y tế CHLB Đức... là những câu chuyện thú vị về gốc Việt.

Chắc phải có sự nghiên cứu nghiêm cẩn để đưa ra những nhận định đúng đắn vì sao có những "hiện tượng" lý thú nói trên, tìm hiểu kỹ về bối cảnh nào đã là điều kiện để cho những cái "gốc Việt" đó đâm ra những hoa trái của cuộc đời, vừa đậm hương sắc nopi7 thổ ngơi mới, nhưng vẫn ấp ủ những hương vị "gốc quê hương" để từ đó mà suy nghĩ về việc tạo môi trường cho những tài năng nảy nở. Tuy vậy, có một điều có thể nói ngay mà chưa cần phải nghiên cứu kỹ.

Đó là điều mà vị bộ trưởng Đức gốc Việt nêu lên thành khẩu hiệu hành động của mình: "Có thể nói mọi điều mà anh ta nghĩ - Miễn là anh có suy nghĩ!".

Chính ở đây Roesler đã thấm nhuần tư tưởng của nhà triết học Đức vĩ đại E.Kant: "Sapere aude! [Hãy dám có tư duy sáng suốt ]. Hãy dũng cảm sử dụng lý trí của chính mình. Đó là phương châm của khai sáng".

Kant đã phát huy tư tưởng của Voltaire, nhà Khai sáng Pháp: "Tôi có thể không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh được nói điều đó".

Quyền được nói lên suy nghĩ của mình, đó cũng là phương châm của khai sáng nhằm "đẩy lùi tất cả những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng lên những gì đi sau".

Sẽ không thể có sáng tạo, có đột phá nếu không có tự do tư tưởng. Điều này không mới, Chủ tích Hồ Chí Minh đã từng viết: "Trên đời ngàn vạn điều cay đắng. Cay đắng chi bằng mất tự do"!

Trong những điều kiện được tạo ra để mời gọi những trí thức Việt Nam ở nước ngoài về cống hiến trí tuệ, tài năng và kinh nghiệm của họ đã thành công ở nước ngoài góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương, thì có lẽ điều kiện tiên quyết chính là tạo một môi trường thông thoáng cho sự sáng tạo. Chưa có cái đó, thì dù có những đãi ngộ vật chất hào phóng cũng chưa chắc đã có sức hấp dẫn đối với họ.

Chúng ta đã có những bài học thật thuyết phục về một lớp trí thức cao cấp đi theo Bác Hồ mà tên tuổi của họ đã làm rạng rỡ sự nghiệp khoa học của nước nhà. Chuyện đó mọi người đều biết.

Xin gợi ra đây một chuyện khác, chuyện Trung Quốc mở đại chiến dịch kéo nhân tài hồi hương. Một tờ báo nước ngoài viết: Quyết đảo ngược tình trạng cạn kiệt tài năng hàng đầu, vốn đã đeo đuổi nước này kể từ khi mở cửa với thế giới bên ngoài trong suốt 3 thập kỷ qua, Trung Quốc đang sử dụng các nguồn tài chính dư dật hiện tại của mình cùng với niềm tự hào quốc gia để lôi kéo các nhà khoa học và học giả hồi hương.

Sự trở về của các nhà khoa học tiếng tăm khác là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thành công nhanh chóng hơn nhiều chuyên gia đã dự đoán trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nước này với các nước phát triển về công nghệ.

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang chịu nhiều áp lực hơn để cạnh tranh với những đồng nghiệp ở nước ngoài và trong một thập niên qua, họ đã nhân lên gấp 4 lần số công trình khoa học xuất bản trong 1 năm. Tổng số công trình khoa học được công bố năm 2007 của họ chỉ đứng thứ hai sau Mỹ.

Theo một cuốn sách gần đây - "Lĩnh vực công nghệ mới nổi của Trung Quốc" - của Denis Fred Simon và Công Cao, hai chuyên gia về Trung Quốc tại Mỹ thì khoảng 5.000 nhà khoa học Trung Quốc đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nano mới nổi. Một nghiên cứu năm 2008 của Viện Công nghệ Georgia kết luận rằng, trong vòng một hoặc hai thập niên tới, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về khả năng chuyển đổi hoạt động R & D của mình thành các sản phẩm và dịch vụ có thể rao bán cho thế giới.

"Khi Trung Quốc trở nên thành thạo hơn trong các quá trình cách tân, liên kết hoạt động R.&D đang đâm chồi nảy lộc của họ với các doanh nghiệp thương mại, thì điều gì sẽ xảy ra ? Hãy chờ xem"! Nghiên cứu nói trên đưa ra lời kết như vậy!

Gợi lên ba vần đề nói trên, chúng tôi kiến nghị trong năm 2010 này, cùng với những kinh nghiệm và thành tựu của năm 2009, Mặt trận nên tập trung vào chức năng cơ bản là chân thành lắng nghe tiếng nói của các tầng lớp nhân dân từ chính cuộc sống đang diễn ra, nắm bắt được tâm trạng và nguyện vọng, ý chí của người dân trước thời cuộc để phản ánh với Đảng và Nhà nước, đặc biệt chú trọng đến tâm trạng và suy nghĩ của lớp trẻ, nguồn sinh lực mạnh mẽ nhất của dân tộc.

Cùng với điều ấy, là có những cách làm mới trong việc tập hợp trí tuệ và tâm huyết của tầng lớp trí thức trong và ngoài nước, từ đó có những kiến nghị mạnh dạn nhằm hình thành những chính sách, những giải pháp thu hút và phát huy chất xám, một nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững.

No comments:

Post a Comment