Saturday, January 30, 2010

Mười bảy tháng hai: Trung Quốc nói gì?

Giáp Văn

Bằng chính sách tuyên truyền đồng bộ và rộng khắp của mình, Trung Quốc đã nhồi được vào đầu giới trẻ, kể cả trí thức trẻ, cách nhìn phiến diện về cuộc chiến bằng những giải thích đơn giản, siêu hình. Điều đáng lo ngại là họ đã thành công, đã làm cho dân của họ tin rằng, họ mới là người có chính nghĩa.

Đúng ngày này 30 năm trước, Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Cuộc chiến ngắn nhưng đẫm máu. Ba mươi năm sau, nguyên nhân thực sự của cuộc chiến, ít nhất là đối với tôi, vẫn còn chưa hoàn toàn rõ. Vì thế, trong một cố gắng tìm hiểu nguyên nhân thực sự của cuộc chiến theo lý giải của phía bên kia, tôi đã hỏi ba đồng nghiệp người Trung Quốc. Cả ba đều trên dưới ba mươi tuổi, tốt nghiệp Tiến sĩ ở trong nước, rồi sang Anh làm việc cùng nhóm với tôi. Điều tôi quan tâm là với những người Trung Quốc trẻ, được đào tạo bản bản ở trong nước, thì thông qua tuyên truyền và giáo dục của nhà nước Trung Quốc, họ hiểu về căn nguyên cuộc chiến như thế nào.

Sau một giờ trao đổi, cả ba người đều đưa ra cùng một kết luận giống hệt nhau: Trung Quốc tiến đánh Việt Nam, vì:

1. Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, nhưng Việt Nam đã liên kết với Liên Xô (cũ) để đe dọa Trung Quốc. Bằng chứng là Việt Nam đã cho Hải quân Liên Xô (cũ) sử dụng cảng Cam Ranh.
2. Do Việt Nam tiến đánh Campuchia, một đồng minh thân cận của Trung Quốc (họ dùng chữ “partner”, một chữ để chỉ người rất gần gũi như vợ/chồng hoặc đối tác rất thân thiết).
3. Do xung đột biên giới dai dẳng, Việt Nam đòi chia biên giới theo hướng có lợi cho mình (họ minh họa bằng hình một quả đồi đang tranh chấp, Việt Nam đòi đường biên giới đi vòng qua phía bên họ, còn Trung Quốc muốn đường biên giới đi qua đỉnh đồi).

Ba người đến từ ba vùng khác nhau của Trung Quốc, nhưng đều đưa ra những lập luận giống hệt nhau. Điều đó cho thấy, chính sách tuyên truyền của Trung Quốc được tiến hành đồng bộ và rộng khắp đến mức nào.

Cả ba đều đưa ra lý lẽ như vậy, nhưng không đi sâu phân tích xem lý lẽ đó đã thỏa đáng chưa, và nguyên nhân thực sự của những cái họ gọi là nguyên nhân kia là gì. Điều này hoàn toàn trái ngược với tác phong làm việc khoa học, tìm hiểu kĩ nguyên nhân, liên hệ đến các yếu tố tác động bên ngoài, như trong các vấn đề chuyên môn của họ.

Khi được hỏi vì sao Việt Nam lại phải liên kết với Liên Xô (cũ), họ đều trả lời không biết. Họ chỉ lập luận rằng: Lúc đó tình hình Trung Quốc và Liên Xô (cũ) rất căng thẳng, có thể nổ ra chiến tranh bất cứ lúc nào. Nhưng Việt Nam, nước mà họ đã giúp đỡ rất nhiều, lại đứng về phía Liên Xô để đánh lại Trung Quốc. Khi được giải thích rằng, vì trước đó nhiều năm, với chính sách thực dụng, coi kẻ thù của kẻ thù là bạn, Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ với Mĩ, trong khi Việt Nam và Mĩ còn là thù địch, thì lực lượng duy nhất Việt Nam có thể liên kết là Liên Xô, chứ không phải liên kết với Liên Xô để đánh lại Trung Quốc, thì cả ba đều ớ người ra, nói rằng: Ừ, ừ, có thể thế. Và họ kết luận, đấy là cái tam giác rất phức tạp, mắc kẹt vào đấy là rất khó thoát ra.

Khi được hỏi vì sao Việt Nam lại tiến đánh Campuchia thì cả ba đều nói là không biết. Họ chỉ nói rằng: Campuchia là đối tác thân cận, đồng minh gẫn gũi của Trung Quốc, vì thế, khi Việt Nam tiến đánh Campuchia, bạn của Trung Quốc, thì Trung Quốc phải ra tay. Họ không biết một chút nào về việc Campuchia tấn công biên giới Tây Nam của Việt Nam lúc đó, và không quan tâm gì đến việc đối tác Campuchia của họ, cụ thể là Pol Pot, là một đối tác tàn ác, hủy diệt con người.

Về tranh chấp biên giới, khi được hỏi: Với lực lượng ít như vậy, thì làm sao Việt Nam có thể tấn công biên giới trước và liên tục được, trong khi trên thực tế, các trận đánh đều diễn ra trên đất Việt Nam. Còn cái đồi mà họ nói, thực chất là thác Bản Giốc, thuộc Việt Nam, thì cả ba đều nói rằng không rõ lắm. Rồi họ kết luận: Đến bây giờ họ cũng không biết bên nào đã nổ súng trước nữa.

Có một điểm đáng chú ý là cả ba đều không đề cập gì đến “Hoa kiều” như một phần nguyên nhân của cuộc chiến. Theo suy luận thông thường: Cái gì thực sự đáng kể thì ở lại, cái gì như váng bọt thì sẽ bị thời gian cuốn đi, thì có lẽ, vấn đề “Hoa kiều” không phải là một phần đáng kể của nguyên nhân cuộc chiến thật.

Khi nói: Nhiều người cho rằng, Đặng Tiểu Bình tiến hành cuộc chiến đó là vì muốn cho Quân đội Trung Quốc thấy họ đã lạc hậu đến mức nào; Đặng Tiểu Bình tiến hành cuộc chiến là để cho Quân đội luôn bận rộn, để ông ta rảnh tay tiến hành cải cách và thâu tóm quyền lực, v.v... thì cả ba đều tỏ vẻ ngạc nhiên, và cuối cùng thì kết luận: Có thể như vậy. Họ cũng nói thêm một ý nữa: Chiến tranh, thực ra chỉ là chuyện của mấy người ở trên...À, thì ra không chỉ có nước nhỏ mới là quân cờ cho bàn cờ chính trị của các nước lớn, mà ngay cả dân của nước lớn cũng chỉ là quân cờ của “mấy người ở trên”.

Cuộc thảo luận kết thúc mà không tìm được gì mới hơn so với những gì tôi đã biết. Có lẽ, chỉ một mình Đặng Tiểu Bình biết đâu là nguyên nhân thực sự của cuộc chiến. Chỉ có điều, ông ta đã chết rồi. Mà nếu còn sống, cũng chẳng bao giờ ông ta nói ra. Vì thế, nguyên nhân thực sự của cuộc chiến, đối với tôi, vẫn còn là một điều bí ẩn.

Điều duy nhất tôi rút ra được, là với chính sách tuyên truyền đồng bộ và rộng khắp của mình, Trung Quốc đã nhồi được vào đầu giới trẻ, kể cả trí thức trẻ, cách nhìn phiến diện về cuộc chiến bằng những giải thích đơn giản, siêu hình. Điều đáng lo ngại là họ đã thành công, đã làm cho dân của họ tin rằng, họ mới là người có chính nghĩa.

Và một điều không thôi day dứt, là vì sao Việt Nam lại mắc kẹt và cái tam giác chết tiệt ấy? Có cách nào để không mắc vào nó không?

Hình như là có, và người Việt Nam đã bỏ lỡ.

Liv. 17/02/2009.

No comments:

Post a Comment