Xét về tính cách, Hồ Phùng tự nhận mang trong mình tính cách Nhật nhiều hơn là Việt. Đó là chữ tín, là sự kiên định, là nguyên tắc trong công việc. Sang Nhật từ năm 1970, khi còn là cậu thanh niên mới 17 tuổi, sau gần 30 năm sống và làm việc ở đất nước Mặt trời mọc, anh đã tiếp thu một nền văn hóa mới để hòa nhập, vươn lên tự khẳng định mình ở xứ người. Thế nhưng anh vẫn đau đáu ngày về Việt Nam, vì “không đâu sống vui bằng trên quê hương mình”.
Lập thân nơi xứ người
Thuở bé sống ở Pleiku, thi thoảng nhìn thấy máy bay trên bầu trời, trong đầu cậu học trò nhỏ hiện lên bao nhiêu thắc mắc. Trong những giấc mơ của mình, Hồ Phùng mơ ước sau này sẽ học chế tạo máy bay. Khi sang Nhật du học, anh quyết tâm học nghề đã mơ ước từ lâu nên chọn học ngành Hàng không và không gian. Thế nhưng vào đại học mới biết trường chỉ dạy những vấn đề cơ bản, trong khi thiết kế, chế tạo máy bay đòi hỏi kinh nghiệm thực tế. Thế là anh phải chuyển sang học chuyên sâu về khoa học cơ bản của ngành Hàng không là Chuyển động của chất lỏng tại Trường đại học Tokyo để trở thành chuyên gia về tính toán, giải quyết các bài toán chuyển động của lưu chất.
Đây là một ngành khoa học cơ bản và cũng là nền tảng của nhiều ngành khoa học ứng dụng khác. Từ đó, anh tiếp cận và làm việc nhiều năm trong các ngành kỹ thuật khác, từ công nghệ cao đến công nghệ cơ bản như tính toán thiết kế nam châm siêu dẫn (superconducting magnet), máy cắt lớp siêu dẫn (magnetic resonance imaging scanner) đến tính toán thiết kế đường hầm, cầu chống động đất...
Do lúc đó ngành tính toán kỹ thuật mà anh học còn rất mới mẻ ở Việt Nam, chưa thể ứng dụng vào thực tiễn nên sau khi tốt nghiệp tiến sĩ hàng không năm 1982, để có kinh nghiệm anh đành chọn con đường ở lại Nhật làm việc. Lúc đầu anh làm nghiên cứu về siêu dẫn cho Tập đoàn Toshiba, sau đó làm về phần mềm tính toán khoa học kỹ thuật cho một công ty đa quốc gia tại Nhật Bản.
Anh Hồ Phùng trong một chuyến công tác tại Mỹ
Ngày về
Năm 1997, khi đang làm cho một công ty về tư vấn thiết kế cầu đường ở Nhật thì công ty này có nhu cầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam và anh được đề nghị làm giám đốc chi nhánh tại Việt Nam. Vừa đảm nhiệm vị trí quản lý chi nhánh công ty, thực hiện nhiều dự án tư vấn xây dựng cho Nhật Bản và Việt Nam, anh cũng có điều kiện quan sát, dò xét thị trường để tìm những cơ hội mới.
Để thực hiện mong muốn sống lâu dài, ổn định ở Việt Nam, anh nghĩ phải làm một việc gì đó của riêng mình. Nhận thấy công nghệ thông tin là mảnh đất có nhiều tiềm năng, cũng chính là ngành mình đã có kinh nghiệm làm việc lâu năm ở Nhật, anh quyết định đầu tư vào lĩnh vực này. Anh hiểu trong tương lai, Việt Nam sẽ cần nhiều nhân lực có tay nghề cao về công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước lẫn phục vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư.
Anh nói: "Tôi nghĩ làm việc ở đâu trước hết cũng là để tự tồn tại và đóng góp cho cộng đồng nên nếu gặp khó khăn thì coi đó như là một sự quá độ. Tôi tự động viên mình cứ chủ động làm rồi mọi việc ắt sẽ trôi chảy chứ không trông chờ sự thông thoáng hay ưu đãi". Hình như với người đàn ông trung niên này, biết hài lòng với bản thân cũng là một điều giúp anh sống vui vẻ, thư thái. Trong gia đình, vợ chồng anh là người Việt, nhưng các con anh đã trở thành công dân toàn cầu. Dù vậy, anh vẫn muốn các con mình sống ở đâu thì cũng phải có ý thức góp phần xây dựng quê hương.
Đúng mười năm sau khi trở về Việt Nam, anh thành lập Công ty Global System Engineering (GSE), chuyên gia công phần mềm cho các công ty, có nhiều khách hàng từ Mỹ, Nhật... Quy mô công ty chỉ mấy chục nhân viên, nhiều nhất là khoảng 70 người, đa số là nhân viên trẻ, nhưng được tổ chức rất quy củ, bài bản.
Hồ Phùng rất chú trọng xây dựng văn hóa công ty. Ban đầu mọi người còn lạ lẫm, nhưng rồi dần nhận ra nó giúp ích được mọi người khá nhiều trong cả công việc lẫn trong cách sống. Anh nói: "Kỷ luật là cần thiết trong một tập thể. Mọi người cần biết tự giác và có ý thức trách nhiệm để không ảnh hưởng đến việc chung. Tôi thật sự muốn đội ngũ nhân viên xem công ty như ngôi nhà thứ hai của mình, nơi mà mọi người sống hòa đồng, vui vẻ, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ nhau".
Chia sẻ kinh nghiệm
Khi sang Nhật một thời gian ngắn, anh nghiệm ra rằng người Nhật thành công được phần lớn là do tính cách của họ. Một khi đã làm điều gì họ rất quyết tâm và thực hiện triệt để. Người Việt Nam về năng lực không thua kém người nước ngoài, nhưng tính kỷ luật không cao, do đó khó phát triển sâu trong nhiều lĩnh vực. Không chỉ vì "nhập gia tùy tục" mà với quan điểm cái gì hay thì phải học hỏi, anh đã cố gắng học tập những tinh hoa trong lối sống và cung cách làm việc của người Nhật.
Ở Việt Nam, khi nói chuyện với nhân viên, anh thường khuyên các bạn trẻ đừng sống dễ dãi với bản thân, phải luôn có mục đích và quyết tâm theo đuổi nhằm đạt cho được mục đích ấy, vì tương lai của mỗi người khởi nguồn từ chính suy nghĩ, hành động trong hiện tại. Không quá nghiêm khắc, giáo điều nhưng chính anh là tấm gương để nhân viên tin rằng những nguyên tắc sống của anh không phải là một mớ lý thuyết suông.
Ba năm nay, mỗi năm anh đều hướng dẫn và xem luận án tốt nghiệp cho sinh viên bộ môn Hàng không của Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Được biết, trường có kế hoạch và đang xúc tiến thành lập khoa sau đại học, anh đã nhận lời mời giảng dạy môn học Kết cấu hàng không chuyên sâu (Advanced Aicraft Structures).
"Hy vọng một ngày không xa, Việt Nam sẽ chế tạo những chiếc máy bay "made in Việt Nam" để không chỉ được đánh giá cao về chuyên môn, trình độ khoa học kỹ thuật mà vị thế về tầm văn hóa của Việt Nam cũng phải được nhìn nhận ở một mức cao hơn. Lúc ấy tôi sẽ rất vui và tự hào vì giấc mơ từ thời tuổi nhỏ của tôi được trở thành hiện thực" - anh tỏ ra rất lạc quan và tin tưởng.
Tuy nhiên, Hồ Phùng cũng có những băn khoăn về thực trạng chất lượng và sự cải cách giáo dục mà Việt Nam đang thực hiện. Sinh viên ra trường mà không tìm được việc làm thì quả là rất lãng phí nhân lực. Anh nói: "Phải có những người đồng tâm suy nghĩ tìm hướng giải quyết và vạch kế hoạch những việc cần làm ngay. Đại hội Việt kiều lần thứ nhất được tổ chức vào cuối năm 2009 cũng là một cách tốt. Tôi nghĩ làm được điều gì cho đất nước mình là hầu hết bà con Việt kiều đều sẵn sàng góp phần".
No comments:
Post a Comment