Wednesday, January 27, 2010

Tầm nhìn Võ Văn Kiệt về đại đoàn kết dân tộc

Bài đã được xuất bản bởi TuanVietNam- 22/05/2009 15:38 GMT+7

(Tuần Việt Nam) - Tầm nhìn của Võ Văn Kiệt về đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa thời sự nóng bỏng khi mà đất nước ta đang đối diện với những thách thức và những vận hội chưa có tiền lệ. Thời sự là ở sự quyết tâm phát huy đại đoàn kết dân tộc, mở rộng dân chủ và tự do để cùng nhau thực hiện thành công mục tiêu chung: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Võ Văn Kiệt - Người học trò tiếp xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong lòng dân (Ảnh tư liệu)


Tin tưởng vững chắc, ra sức xây đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đó là điểm nổi bật nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác Hồ khẳng định: “Sử ta dạy cho ta bài học này: lúc nào nhân dân ta đoàn kết muôn người như một thì đất nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”[1].

Đại đoàn kết dân tộc cũng là thông điệp cuối cùng mà Hồ Chí Minh gửi lại: “Để giành thắng lợi trong cuôc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”[2]. Với Hồ Chí Minh, “đại đoàn kết dân tộc là một tư tưởng chính trị lớn, đồng thời là một đạo đức lớn…Tư tưởng và đạo đức ấy coi đoàn kết là lẽ sinh tồn của dân tộc ta từ ngàn xưa, là sức mạnh vô địch của cách mạng nước ta hiện nay và sau này. Tư tưởng và đạo đức ấy thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, tình tương thân tương ái của con người, sự độ lượng bao dung và lòng quý trọng từng nhân cách, tập hợp được đông đảo nhân dân, động viên được công sức tài năng của mọi người, không bỏ rơi, không để sót một ai[3]. Và chính Người là hình ảnh tiêu biểu, là điểm quy tụ của sức mạnh đại đoàn kết đó.

Có lẽ Võ Văn Kiệt là một trong những học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi vào lòng lời căn dặn ấy và thể hiện ra trong những quyết sách, trong những ứng xử cụ thể. Có thể nói, đây là một nét nổi bật trong tính cách và trong tư duy của Võ Văn Kiệt.

Điều cần phân tích để hiểu rõ sự nhất quán trong tư tưởng, tình cảm cũng như trong mọi ứng xử chính là tầm nhìn vượt lên phía trước của ông về khối đại đoàn kết dân tộc: Cả dân tộc chung sức mở rộng dân chủ và tự do là xác lập không gian rộng rãi hết cỡ để dân tộc đại đoàn kết, nhân tài được trọng dụng, mọi tiềm năng dân tộc được phát huy. Với Võ Văn Kiệt, đại đoàn kết dân tộc gắn liền với dân chủ và tự do, đó là hai mặt của một vấn đề, có mở rộng dân chủ và tự do thì mới có đại đoàn kết dân tộc bền vững.

Thực sự mở rộng dân chủ tự do được đến đâu, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được phát huy đến đấy. Như thế cũng có nghĩa là đại đoàn kết, dân chủ, tự do đều là của toàn dân tộc và của từng người Việt Nam.

Bình sinh, những ý tưởng của ông Sáu Dân từng gây được ấn tượng mạnh cho những ai đang ưu tư về vận nước, cho những trái tim biết rung động với những ngang trái của cuộc đời, những đầu óc dám vượt qua những hạn hẹp trói buộc của định kiến để không chịu nô lệ vào những giáo điều đã bị cuộc sống vượt qua, hướng suy nghĩ vào những tìm tòi, những tháo gỡ.

Nhưng quả thật, đến khi ông nằm xuống, thì cuộc đời mới dần phát hiện ở nhân cách lớn này những phẩm chất thật nổi bật mà trước đây chưa thấy được kỹ, chưa cảm được sâu. Ngẫm nghĩ chuyện này, bỗng nhớ lại trong một trang viết, Phạm Văn Đồng gợi lên một hình ảnh thú vị về Hồ Chí Minh gặp Các Mác: “Có thể Các Mác vui lòng nhắc lại một câu nói mà tôi luôn luôn ghi nhớ trong ký ức của mình: “Tôi đã gieo những con rồng và tôi đã gặt được những con bọ. Thật có đúng như vậy, song cũng có những con rồng…”[4]. Phải chăng Võ Văn Kiệt - Sáu Dân là một trong những sản phẩm xứng đáng, “một con rồng” theo cách nói của C.Mác và Phạm Văn Đồng, với hạt giống cách mạng mà Các Mác và Hồ Chí Minh đã gieo?

"Đoàn kết là lẽ sinh tồn của dân tộc ta từ ngàn xưa"

Chính yếu tố DÂN đã làm nổi bật lên tính cách Sáu Dân, sự nghiệp của Sáu Dân. Hiểu sâu sắc ý chí và nguyện vọng của dân, dựa vững vào sức mạnh vô bờ của dân, trưởng thành trong bão lửa của Nam kỳ khởi nghĩa và Cách Mạng tháng tám 1945, qua hai cuộc kháng chiến, với một sự nhạy bén chính trị đặc biệt, ông có được một tầm nhìn vượt lên phía trước, vượt xa nhiều người về mục tiêu và phương pháp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở lớn trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược.

Mà “đột phá” được chính là nhờ vào hoạt động thực tiễn, vì biết tắm mình trong biển cả nhân dân, học được từ dân tính năng động sáng tạo để bồi đắp cho trí tuệ của mình, do đó trí óc không bị xơ cứng vì không chịu trói mình trong những công thức lý luận, những giáo điều ẩm mốc đã bị cuộc sống vượt qua.

Nói đến dân tộc, trước hết và sau cùng là phải nói đến “dân”, nói đến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là nói đến quyền làm chủ của dân, nói đến mở rộng dân chủ và tự do, nói đến sự gắn bó, thông cảm, tin tưởng và khoan dung giữa những “người trong một nước phải thương nhau cùng” trong tự tình dân tộc, được khắc sâu đậm trong tâm hồn Việt Nam, truyền thống Việt Nam.

Bởi vậy khi nói “đoàn kết là lẽ sinh tồn của dân tộc ta từ ngàn xưa, là sức mạnh vô địch của cách mạng nước ta hiện nay và sau này” chính là nhằm khẳng định một giá trị truyền thống nổi bật của dân tộc Việt Nam ta.

Cũng vì vậy, phải đau đớn mà nhìn nhận một cách nghiêm cẩn rằng, truyền thống tốt đẹp đó từng bị rạn nứt, thậm chí có lúc bị băng hoại trong môi trường chiến tranh kéo dài. Khi ngôn ngữ của gươm giáo, súng đạn đã tạo nên chất men say, có khi là vô thức ở những người sử dụng nó, sẽ có sức tàn phá khủng khiếp vượt khỏi mọi dự kiến, mọi mong muốn.

Nguy hiểm nhất là không một thế lực ngoại xâm nào lại không biết khai thác và tận dụng một bộ phận không nhỏ những đám đông vì nhiều lý do đã trở thành lính đánh thuê, làm bia đỡ đạn cho chúng. Những thân phận con người bị hút vào cơn lốc tàn khốc và nghiệt ngã ấy ,“giống như những chiếc lá mà giông bão cuốn lên, tan tác mọi ngã, rồi tự rơi xuống”[5].

Ông Sáu Dân là người hiểu ra rất sớm để có cái nhìn thấm đẫm tính nhân văn thân phận bi đát ấy của những người trót phải đứng về phía “bên kia” để nếu chưa đưa được họ trở về lại với mình, thì cũng làm sao giảm thiểu những bi đát của họ.

Ôn từng khẳng định “Kháng chiến tức là phải đánh giặc, phải có quân đội, có vũ khí, có ý chí gang thép; nhưng nếu không hiểu khía cạnh chính trị của cuộc chiến đấu thì không thể hiểu gì về cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta cả”[6]. Chính vì hiểu rõ ý nghĩa chính trị của sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước nên từ đỉnh cao của chiến thắng 30 tháng 4 lịch sử đã dám thẳng thắng chỉ ra: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miến Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng vậy.

Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu… Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp
.”7

Không có một bản lĩnh chính trị vững vàng để hiểu rõ ý nghĩa chính trị cao cả của sự nghiệp chiến đấu với bao hy sinh của nhiều thế hệ Việt Nam, sẽ không thể đưa ra được tư tưởng mà nhất thời có thể chưa là cách nghĩ của số đông. Phải có một niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng vĩ đại mà vì nó dám chấp nhận mọi hy sinh như bản thân mình đã từng trải nghiệm, mới có được bản lĩnh dám chịu trách nhiệm về những ý tưởng mang tính đột phá có ý nghĩa mở đường mà ông hiểu rằng tất yếu sẽ gặp không ít lực cản, mà lực cản ấy sẽ không nhỏ, thậm chí là dai dẳng.

Trong bài “Đại đoàn kết dân tộc, cội nguồn sức mạnh của chúng ta”, viết năm 2005 ông giải thích: “Đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung. Chính phủ Hồ Chí Minh chủ trương xóa bỏ mọi hận thù và chia rẽ do chế độ cũ để lại, sẵn sàng thu dụng những người có tài, có năng lực, có tâm huyết, mà không kể đến quá khứ…Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đầu năm 1951, vấn đề đại đoàn kết được đặt ra và nhìn nhận trong những hoàn cảnh khác. Đã có không ít ý kiến xung quanh vấn đề này. Bác kết luận:Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Lời giải thích đó của Bác có sức thuyết phục mạnh mẽ trong Đại hội Đảng.

Về phần mình, trải qua bao năm tháng suốt từ trước CMT8 năm 1945 đến ngày nay, từ những phút gian nguy giữa sống và chết, đến những ngày chia ngọt sẻ bùi từng thắng lợi, tôi đã bao lần được đồng bào che chở cưu mang, đã chứng kiến bao tấm gương hy sinh của những người thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi…tôi càng thấm thía những bài học lớn đó của Hồ Chí Minh.[8].

Đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung

Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt gặp mặt bà con kiều bào mừng xuân Đinh Hợi 2007 (ảnh: nguoivienxu)

Được tôi luyện trong bão táp của cuộc chiến đấu, tắm mình trong biển cả nhân dân đã hun đúc nên trong ông một đức tính rất quý của người cách mạng là hết sức quan tâm đến những con người mà ông hàng ngày gặp gỡ.

Ông biết cách chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của từng con người trong nhiều tầng lớp nhân dân, những người ông có dịp gần gũi và cả những người ông chưa từng gặp gỡ. Chính đức tính đó khiến cho nhiều giải pháp trong chủ trương chính sách ông đưa ra có được sự thấu tình đạt lý, chinh phục được lòng người.

Do cảm nhận được về những con người đang cùng ông chia ngọt sẻ bùi, đã cưu mang giúp đỡ ông, rồi con người ở nhiều cảnh ngộ khác nhau với cách biểu tỏ lòng yêu nước, thương nòi không giống nhau, thậm chí có khi rơi vào những tình huống éo le, khó xử mà ông từng chứng kiến, khiến cho ông thấm thía hơn ý nghĩa “đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung” trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chính ở đây gợi nhớ đến truyền thống đoàn kết và khoan dung của dân tộc được dẫn dắt từ cương lĩnh dựng nước của Khúc Hạo (907) mở đầu cho thời kỳ tự chủ của dân tộc ta đầu thế kỷ thứ X: “Chính sự cốt chuộng sự khoan dung giản dị để cho nhân dân đều được yên vui”.[9]

Tình cảm ấy, tư tưởng ấy dẫn dắt, chỉ đạo cách ứng xử của Võ Văn Kiệt trong rất nhiều trường hợp làm xúc động lòng người, giàu sức thuyết phục mà mọi người đã biết, tưởng chẳng cần phải nhắc lại. Những ứng xử ấy, về khách quan, mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Song Sáu Dân không định làm “chính trị”, mà là những ứng xử tự nhiên bộc trực rất dung dị, chân tình trong phong cách quen thuộc của ông. Đó là ứng xử giữa con người với con người, những con người bình thường “có tấm lòng” với nhau.

Đem tấm lòng chân thành và cởi mở để đến với những con người mà ông muốn tiếp xúc, để rồi khi nằm xuống, cuộc đời nhớ đến ông như nhớ tới “một người con ưu tú nhất của đất nước, một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng vào bậc nhất trong thời kỳ mới, một con người bình thường mà phi thường”[10] .

Và rồi trong sự phong phú và đa dạng của cuộc đời, cũng có người nhớ tới ông “như nhớ tới một con người đi chân đất, một con người mà chỉ với một lời cam kết có tính chất cội nguồn, đã vượt qua được mọi trở ngại trong guồng máy khắc nghiệt được bảo vệ bằng những giáo điều xơ cứng, để giữ mãi cho mình được mối liên hệ hồn nhiên với đông đảo những con người làm nên cái mảnh đất ngàn năm của ông”[11].

Chính với “những con người làm nên cái mảnh đất ngàn năm của ông ”, những người thân thiết cùng một chiến hào với ông, những người cộng sản luôn đi tiên phong trong những cam go ác liệt nhất của cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, những đồng chí, đồng đội, đồng bào chí cốt, từng chia bùi sẻ ngọt với ông, cũng như với những người “chỉ đến với cuộc cách mạng như một sự gặp gỡ trên đường đi tìm một lời giải chung cuộc cho đời sống”[12] tình cờ gặp ông, rồi cả với những người hôm nao còn ở trên trận tuyến phía bên kia, nay vì những lý do không giống nhau, đã tìm đến ông, hay có khi chính ông chủ động tìm đến họ, để góp một tiếng nói, một nỗi niềm… đã hình thành nên một một mối quan hệ thân tình, cởi mở với Võ Văn Kiệt, mối quan hệ giữa người với người. Đúng là tính bền vững của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chỉ có được khi xây đắp trên mối quan hệ giữa người và người đó.

Mà muốn thể phải hiểu con người, phải tin ở con người, phải biết khơi dậy ngọn lửa ấm sáng trong từng con người có khi đã nguội lạnh hoặc bị vùi lấp trong sự nghiệt ngã đến phi lý của chiến tranh, đặc biệt là của cái hố sâu giả tạo về cuộc đối đầu của cái gọi là “ý thức hệ” giữa những người có cùng một dòng máu Việt Nam chảy trong huyết quản.

May mắn thay, cái gọi là “ý thức hệ” ấy đã được nhìn nhận lại với cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thông qua tại Đại hội VI của Mặt trận với sự khẳng định “…đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới…”. Đây là một bước quan trọng có ý nghĩa đột phá về tư duy nhằm xây dựng khổi đại đoàn kết dân tộc. Võ Văn Kiệt là người hết lòng cổ vũ cho bước đột phá đó.

Đảm bảo tính công minh lịch sử, phát huy từng cá nhân con người

Với nghệ sĩ Đặng Thái Sơn (Ảnh tư liệu)

Về mặt này, Võ Văn Kiệt là người học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh, bằng hành động thực tế đã thấm nhuần và thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống: chắt chiu, trân trọng gìn giữ và phát huy từng cá nhân con người. Với ông, mở rộng dân chủ và tự do là điều kiện để làm bừng nở những tiềm năng đang còn ấp ủ trong mỗi cá nhân góp vào sức mạnh chung của của dân tộc đồng thời sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc sẽ phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân.

Mà cũng chính vì hiểu con người, quan tâm đến con người, Võ Văn Kiệt biết dành những ưu tư của mình về một số nhân vật lịch sử đang bị hàm oan cần phải được nhìn nhận lại để trả về cho họ tính công minh của lịch sử.

Đảm bảo tính công minh lịch sử cũng chính là một nhân tố hết sức quan trọng đến việc tạo dựng niềm tin, chinh phục lòng người để gắn kết họ lại trong sự nghiệp cao cả. Khi người ta tin rằng, cuối cùng rồi lịch sử sẽ trả về cho con người sự phán xét công minh, thì đó là điểm tựa rất quan trọng để người ta tin vào chính nghĩa, tin vào chân lý, để bằng niềm tin đó mà chỉ đạo hành vi của mình trong cuộc sống hôm nay.

Có điều ấy bởi lẽ, trong cuộc sống, không phải lúc nào cái thiện cũng thắng cái ác, chính nghĩa có lúc bị lu mờ, thậm chí bị tước bỏ! Thì lịch sử đầy rẫy những hôn quân, bạo chúa lộng hành đấy thôi! Những cặn bã sâu mọt cũng có lúc chiếm lĩnh thế thượng phong, khiến cho nhiều bậc thức giả phải ngậm ngùi. Khi một người từng làm nên lịch sử như Nguyễn Trãi mà vẫn phải chịu hàm oan thảm khốc thì đâu chỉ “anh hùng di hận kỷ thiên niên”.

Sức tàn phá của nó ghê gớm hơn nhiều. Nó lung lạc niềm tin vào chính nghĩa, đầu độc bầu không khí xã hội.. Và khi lịch sử trả về cho người anh hùng dân tộc vị thế đúng như ông đã tạo dựng nên bằng bản lĩnh và tài năng của mình, thì lịch sử cũng trả về cho con người, cho công chúng niềm tin vào cái đúng, cái tốtcái đẹp. Những cái đó góp phần quan trọng xây đắp nên nền tảng tinh thần của đời sống xã hội . Để xây dựng vững chắc nền tảng ấy mà Võ Văn Kiệt bàn đến chuyện lịch sử. Đó là một ứng xử văn hóa, một tính cách văn hóa.

Tầm nhìn đại đoàn kết dân tộc của Võ Văn Kiệt

Bức tượng bán thân Phan Thanh Giản do ông phụng hiến được trao tặng cho Vĩnh Long dạo tháng 8.2008 sau khi ông qua đời là thực hiện ý nguyện của ông. Ông tranh thủ gặp gỡ nhằm thúc đẩy những nhà sử học tâm huyết vượt qua những “sức ỳ” của lịch sử, những quán tính của tư duy cũ, để góp phần làm sáng tỏ bộ mặt chân thực của lịch sử trong tính phong phú và phức tạp của nó.

Quả thật chân lý vốn đơn giản, nhưng nhận thức cho được sự đơn giản đó hóa ra không đơn giản chút nào. Ông Sáu Dân đã có lần lập luận về những vấn đề hết sức gay cấn một cách rất dung dị: “Cách mạng tháng 8 năm 45 đánh đổ thực dân phong kiến là chuyện tất yếu phải làm để giành lại độc lập cho đất nước và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng rồi theo trớn đó mà chửi phong kiến tùm lum thì vô tình đã chửi cha ông mình chứ còn gì nữa!

Thử hỏi các vua Trần cùng Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan quân Nguyên, Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi diệt quân Minh xâm lược và lên ngôi vua thì đều là
phong kiếncả chứ gì? Liệu có ai dung túng cho chuyện xúc phạm đến ông cha? Thế mà cứ thoải mái chửi phong kiến thì khoa học cái nỗi gì?”. Chẳng phải chỉ đối với chuyện của tiền nhân, ngay cả chuyện đang diễn ra cũng vậy thôi.

Ông nhiều lần nhắc lại hình ảnh: “Sau 30.4, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai”. Sau ba mươi năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người Việt Nam cảm nhận được điều đó”. Nhận thức được sâu sắc chuyện “không phải dễ dàng” đó, ông kiên trì thuyết phục, và bằng hành động cụ thể, ông góp phần thúc đẩy cho chuyện “không phải dễ dàng” ấy đi được vào cuộc sống.

Từ cách nhìn đó ông khẳng định: “…nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hóa để giải quyết thù hận thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh ngày càng dồi dào hơn. Nếu cứ còn chia rẽ do thù hận vì bại, kiêu vì thắng thì có ích gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế ?”.

Tầm nhìn của Võ Văn Kiệt về đại đoàn kết dân tộc, vì vậy, có ý nghĩa thời sự nóng bỏng khi mà đất nước ta đang đối diện với những thách thức và những vận hội chưa có tiền lệ. Thời sự là ở sự quyết tâm phát huy đại đoàn kết dân tộc, mở rộng dân chủ và tự do để cùng nhau thực hiện thành công mục tiêu chung mà dân tộc ta đồng tình và cộng đồng quốc tế hoan nghênh: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

  • GS. Tương Lai
    __________________

1. Báo “Việt Nam độc lập ngày 1 tháng 2 năm 1942

2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tâp 12. NXBCTQG. Hà Nội, 1996. tr.505

3. Phạm Văn Đồng. “Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh”NXBCTQG. Hà Nội 1998, tr. 186

4. Phạm Văn Đồng. “Hồ chí Minh. Quá khứ, Hiện tại vàTương lai”NXB Sự Thật. 1991, tr. 98

5. Gustave Le Bon. “Tâm lý học đám đông” NXB Tri thức. 2008.tr.57

6. Dấu ấn Võ Văn Kiệt. Tạp chí Xưa&Nay và NXBVHSG.2008, tr. 128, 129, 266

7, 8, 13, 14 .Những câu chuyện về anh Sáu Dân. Nhà Xuất bản Thông tấn. Hà Nội 2008. tr.75, tr.106, tr.211, tr.76, tr. 77, tr.109

9. Đại cương Lịch sử Việt Nam. Trương Hữu Quýnh chủ biên. NXBGiáo dục.2005, tr.104

10, 11,12 “Ông Sáu Dân trong lòng dân” NXB Tri thức Hà Nội 2008. tr.281,tr. 234, tr.232

No comments:

Post a Comment