Monday, January 25, 2010

Xuất khẩu: Nỗi ám ảnh mang tên Trung Quốc


Theo thông lệ, nhiều người sẽ bắt đầu năm mới bằng việc tự làm mới bản thân mình nhưng Trung Quốc là một ngoại lệ. Ngày 27/12, phó bộ trưởng thương mại Trung Quốc – ông Zhong Shan – tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng thị phần trong tổng khối lượng xuất khẩu toàn cầu.

Trong cả năm 2009, ước tính tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm thêm chừng 17% thế nhưng con số thâm hụt của các nước khác còn lớn hơn thế rất nhiều. Kết quả là, Trung Quốc đã vượt Đức lên thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới và tính chung, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc so với lượng xuất khẩu của toàn thế giới tăng khoảng 10% - so với năm 1999 chỉ có 3%. (xem biểu đồ).

Trung Quốc đã vượt Đức lên thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc so với lượng xuất khẩu của toàn thế giới tăng khoảng 10% - so với năm 1999 chỉ có 3%.

Trung Quốc thậm chí còn mở rộng được thị phần tại Mỹ. Trong 10 tháng đầu năm 2009, số lượng hàng Mỹ nhập từ Trung Quốc giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái thế nhưng số lượng hàng nhập khẩu từ các thị trường khác lại giảm tới 33%. Vô hình chung, thị phần của hàng Trung Quốc tại Mỹ đã tăng đến mức đỉnh điểm là 19%. Chính vì vậy, dù cho thâm hụt thương mại 2009 của Mỹ với Trung Quốc đã thu hẹp nhưng Trung Quốc lại chiếm tới phân nửa trong toàn bộ lượng thâm hụt của Mỹ với nước ngoài (tăng so với tỷ lệ 1/3 trong năm 2008).

Cùng lúc, tranh chấp thương mại của Trung Quốc với các nước khác cũng không ngừng nóng lên. Ngày 30/12, Ủy ban thương mại quốc tế của Hoa Kỳ đã thông qua mức thuế mới áp cho mặt hàng ống thép nhập khẩu từ Trung Quốc vì cho rằng mặt hàng này đã được chính phủ trợ cấp không công bằng. Đây được coi là vụ tranh chấp thương mại với Trung Quốc nổi bật nhất tính đến thời điểm này. Trước đó, ngày 22/12, Ủy ban châu Âu cũng biểu quyết gia hạn thuế chống phá giá đánh vào giày nhập khẩu từ Trung Quốc ra thêm 15 tháng nữa.

Giới quan sát nước ngoài quả quyết rằng sở dĩ Trung Quốc có thể tăng được thị phần là nhờ vào việc Bắc Kinh đã duy trì một đồng nội tệ quá yếu. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tính đến một vài lý do khác đóng góp cho thành công của Trung Quốc trước các đối thủ cạnh tranh trong thời kỳ suy thoái toàn cầu. Thực chất, hàng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường còn bởi hai lý do. Thứ nhất, thu nhập eo hẹp đã khuyến khích người tiêu dùng tìm đến những mặt hàng có giá thấp hơn. Thứ hai, quyết định bãi bỏ hạn ngạch xuất khẩu dệt may toàn cầu có hiệu lực từ tháng 1/2009 đã tạo đòn bẩy giúp Trung Quốc mở rộng thêm thị phần.

Liệu Trung Quốc có thể mở rộng thị phần lớn đến đâu?10 năm kể từ 2008 trở về trước, lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc tăng bình quân hàng năm là 23% về giá trị. Mức tăng này lớn gấp hai lần so với mức tăng chung của thương mại thế giới. Nếu cứ tiếp tục đà này, Trung Quốc có thể thâu tóm tới ¼ lượng hàng xuất khẩu thế giới chỉ trong 10 năm nữa. Nếu vậy Trung Quốc sẽ vượt qua thành tích 18% của Mỹ đã xác lập vào đầu những năm 50 (đến bây giờ, thị phần của Mỹ giảm xuống chỉ còn 8%). Trong thập niên tới, lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng chậm hơn do nhu cầu từ các nước giàu vẫn đang trầm lắng nhưng chắc chắn thị phần sẽ tăng. Theo tính toán của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thuộc IMF, lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc có thể đạt mức 12% thương mại thế giới vào năm 2014.

Mức 10% trong năm nay của Trung Quốc tương đương với mức đỉnh điểm của Nhật Bản vào năm 1986 nhưng sau đó, thị phần của Nhật Bạn đã tụt xuống chỉ còn 5%. Các nhà xuất khẩu của Nhật khi đó đã bị giáng một đòn chí mạng do đồng yen tăng giá thêm 100% so với đồng dollar trong giai đoạn 1985 – 1988 cùng với việc nhiều công ty dời nhà máy ra nước ngoài trong đó có Trung Quốc. Thị phần xuât khẩu của 4 con rồng châu Á (Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan) cũng đã từng đạt đến 10% nhưng rồi sau đó lại lao dốc. Liệu Trung Quốc có phải chịu hoàn cảnh tương tự nếu vấp phải các hàng rào bảo hộ ngày càng ngặt nghèo hay sức cạnh tranh của chính họ bị giảm sút?

Hệ quả của chủ nghĩa "trọng thương"

Một bản nghiên cứu của IMF công bố năm 2009 tính toán rằng nếu Trung Quốc tiếp tục phụ thuộc vào xuất khẩu như những năm gần đây thì để đạt được mức tăng trưởng kinh tế bình quân 8%, họ phải tăng được thị phần xuất khẩu toàn cầu lên 17% vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc phải đánh mạnh vào ba thị trường xuất khẩu là thép, đóng tàu và chế tạo máy. Các chuyên gia kết luận rằng để hiện thực hóa mục tiêu, Trung Quốc buộc phải giảm giá – một yếu tố rất khó đảm bảo cho dù họ đã tối đa hóa năng suất và tận thu lợi nhuận. Trong rất nhiều mặt hàng xuất khẩu - đặc biệt là thép – mức lợi nhuận cận biên vốn đã rất thấp rồi.

Tuy nhiên, tương lai tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc có khả năng vượt ra ngoài những ngành chủ lực hiện có mà có thể đến từ những mặt hàng có giá trị cao khác chẳng hạn như con chip máy tính hay ô tô. Nhật Bản đã từng gia tăng giá trị xuất khẩu từ những mặt hàng có giá trị cao nhưng mức lại thu về lại không đủ để duy trì lợi ích lâu dài đến từ việc mở rộng thị phần. Trung Quốc thì khác: họ có khả năng kiểm soát được vốn để tránh bị việc tỷ giá leo thang làm cho chao đảo giống như tình trạng của Nhật những năm 80. Chỉ khi Trung Quốc bắt đầu thả cho đồng nhân dân tệ tăng giá thì tác động của hiện tượng này mới dần rõ nét.

Một điểm khác biệt nữa là quy mô vĩ đại của nền kinh tế Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc có đến vài nền kinh tế với các tầng thu nhập khác nhau. Khi Nhật tiến đến các mặt hàng xuất khẩu giá trị cao, năng suất tăng đã đẩy giá nhân công lên cao khiến các ngành sản xuất cũ như dệt may trở nên kém sức cạnh tranh dần. Tại Trung Quốc, khi các nhà máy tại vùng duyên hải trù phú chuyển sang làm các mặt hàng có giá trị cao hơn thì các nhà máy dệt may và giày dép sẽ chuyển vào lục địa nơi vẫn duy trì được mặt bằng tiền công thấp. Nhờ thế, Trung Quốc vẫn duy trì được tính cạnh tranh rất cao ở nhiều ngành trong thời gian dài.

Hệ quả tất yếu, mối hiềm khích với sự lớn mạnh của hàng Trung Quốc cũng tăng lên dần. Trên số mới ra của tờ New York Times, nhà kinh tế đạt giải Nobel năm 2008 – ông Paul Krugman – cho rằng bằng việc ghìm giá trị đồng nội tệ ở mức thấp để hậu thuẫn xuất khẩu, Trung Quốc đang dần bòn rút cả những nhu cầu hiếm hoi lóe lên ở một nền kinh tế thế giới chìm trong khủng hoảng. Ông lập luận rằng những quốc gia hiện đang là nạn nhân của chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc có quyền đưa ra hành động bảo hộ.

Thế nhưng, nhìn nhận vấn đề từ phía Bắc Kinh, mọi thứ dường như diễn ra rất khác. Xuất khẩu hàng hóa đã giảm từ mức 36% GDP năm 2007 xuống còn 24% trong năm 2009. Thạng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đã giảm từ mức 11% xuống khoảng 6% GDP. Năm 2007, giá trị xuất khẩu ròng chiếm gần 3% trong tổng số mức tăng trưởng của Trung Quốc. Vậy mà trong năm 2009, con số này đã bị trượt dài. Nói cách khác, Trung Quốc không hề bòn rút nhu cầu toàn cầu khỏi tay các nước khác, trai lại chính Trung Quốc đã góp phần níu giữ nền kinh tế khỏi cơn sóng gió năm vừa rồi.

Thế giới mới chỉ có cái nhìn phiến diện vào nền kinh tế Trung Quốc. Trên thực tế, khối lượng nhập khẩu của Trung Quốc còn tăng mạnh hơn xuất khẩu (tính đến tháng 11, khối lượng nhập khẩu tăng thêm 27% trong khi lượng xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm). Tính đến tháng 10/2009, khối lượng hàng Mỹ xuất sang Trung Quốc (thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ) tăng thêm 13% cùng lúc mức xuất sang Canada vav Mexico (hai thị trường đứng trên Trung Quốc) lại giảm thêm 14%

Một số chuyên gia dự đoán - chẳng hạn như IMF, kỳ vọng thạng dư thương mại của Trung Quốc bắt đầu nới rộng nếu chính phủ không có bất kỳ thay đổi nào về chính sách chẳng hạn như định giá lại đồng nhân dân tê. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích của CLSA – ông Chris Wood – lập luận, so với Hoa Kỳ, Trung Quốc đang đóng góp nhiều hơn vào việc bình ổn nền kinh tế toàn cầu.

Việc bình ổn này đòi hỏi Trung Quốc phải chi ra nhiều hơn trong khi Mỹ lại đang thắt lưng buộc bụng hơn trước. Wood cho rằng việc Trung Quốc đang nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy tiêu dùng nội địa (chẳng hạn, minh chứng qua gói kích thích mua ô tô và các mặt hàng gia dụng hay chi nhiều hơn cho an sinh xã hội) trong khi Mỹ chỉ biết thít chặt hầu bao. Tổng tỷ lệ tiết kiệm của Mỹ đã giảm trong quý III/2009 xuống còn 10% GDP, mức này chỉ bằng một nửa so với một thập niên trước. Các hộ gia đình cũng tiết kiệm hơn nhưng lại chẳng thể bù đắp được cho mức gia tăng chi tiêu chính phủ.

Dù Trung Quốc có tăng chi tiêu và nhập khẩu nhiều hơn thì cũng chẳng thể xoa dịu được áp lực của chủ nghĩa bảo hộ bởi quan trọng là thế giới không thể ngồi yên khi thấy Trung Quốc ngày càng mở rộng thị phần xuất khẩu. Các nước khác sẽ gây áp lực buộc Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tê. Một năm mới đến nhưng người ta vẫn gợi lại mối hiềm khích cũ.

No comments:

Post a Comment