Tuesday, January 26, 2010

Đổi Mới: nhóm tư vấn và tinh thần dân chủ

LTS: Trong 80 năm qua, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã dẫn dắt dân tộc trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đạt được nhiều vinh quang và những thành tựu to lớn. Tuy vậy, cũng có những khúc quanh khi Đảng mắc phải sai lầm, nhưng bằng nỗ lực của mình cũng như sự giúp sức của toàn dân tộc, Đảng luôn tự đổi mới và điều chỉnh để vượt lên.

Lần đổi mới mang tính chiến lược, then chốt nhất gần đây là ở Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986. Sự thay đổi lịch sử ấy vẫn để lại những bài học còn nguyên giá trị tới ngày nay.

-----

Bài 1: Đổi Mới: Lắng nghe, phản tỉnh và nhận thức lại

Giờ đây, đa số đều cho rằng câu chuyện đổi mới những năm 86 đã cũ và là lẽ đương nhiên. Nhưng đặt trong bối cảnh chính trị và tư duy thời điểm ấy mới thấy đó là một bước ngoặt lớn. Hàng chục năm tư duy theo lối nhà nước kiểm soát nay có những dấu hiệu bước sang mô hình kinh tế thị trường là không đơn giản, đặc biệt khi sự thay đổi đó động chạm tới những nền tảng lý luận truyền thống về CNXH.

Đổi mới, như đã phân tích, bắt nguồn từ sự nhận thức lại những vấn đề cơ bản của cố TBT Trường Chinh. Nhưng, để từ nhận thức đổi mới khái quát được thành chủ trương, đường lối đòi hỏi phải có đội ngũ tư vấn và một môi trường dân chủ nội bộ.

Các bà nội trợ chờ mua gạo tại cửa hàng lương thực phường 10, quận 5, TP.HCM (ảnh chụp ngày 15-10-1983) - Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ

Bài học nhóm tư vấn

Ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng, kể lại: "lúc đó TBT Trường Chinh có một trợ lý là anh Hà Nghiệp, một người có trình độ nghiên cứu và thẳng thắn. Chính anh Hà Nghiệp đề xuất với TBT mời nhóm cố vấn lại để báo cáo và trình bày. Tất cả đều là chuyên gia nghiên cứu, chỉ có một thứ trưởng, nên không bị vướng vào chuyện chức quyền."

Nhóm nghiên cứu là tập hợp những người có lý luận, thực tiễn và tư duy mới như Hà Nghiệp, Nguyễn Thiệu, Lê Văn Viện, Võ Đại Lược, Trần Đức Nguyên, Đào Xuân Sâm, Trần Nhâm, Dương Phú Hiệp, Lê Xuân Tùng... Cố TBT trực tiếp tham gia và chỉ đạo nhóm.

Trong cuốn "Tư duy kinh tế Việt Nam", tác giả Đặng Phong đã trích lời ông Trần Nhâm, nguyên trợ lý TBT Trường Chinh: "Suốt 4 năm tồn tại, (từ tháng 12 năm 1982 tới tháng 12 năm 1986), nhóm nghiên cứu đã sinh hoạt thường xuyên, đều kỳ, làm việc tận tụy, hết mình, để nghiên cứu, phân tích, gợi mở một số vấn đề lý luận và thực tiễn Việt Nam, giúp đồng chí Trường Chinh nắm vững và hiểu rõ cội nguồn để từ đó hình thành tư duy đổi mới của ông."

Nhóm tư vấn đã không chỉ giúp cố TBT Trường Chinh nhận thức đúng nhiều vấn đề kinh tế xã hội mà ông băn khoăn, mà còn trực tiếp soạn thảo nhiều văn bản quan trọng để cố TBT phát biểu tại Hội nghị TW cũng như các cuộc họp ở Bộ Chính trị.

Thời điểm trước Đại hội VI năm 1986, TBT Trường Chinh không hài lòng với Báo cáo chính trị do tổ biên tập Văn kiện Đại hội đang soạn thảo và đề nghị viết lại. 3 thành viên của nhóm tư vấn có "tư duy mới" là Hà Nghiệp, Trần Đức Nguyên và Lê Văn Viện đã được bổ sung vào Tổ biên tập.

Ông Trần Đức Nguyên, kể lại: "Tôi chịu trách nhiệm viết quan điểm thứ ba trong ba quan điểm đổi mới là đổi mới cơ chế quản lý: từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế vận dụng quan hệ hàng hóa tiền tệ gắn với thị trường. Lúc đó chưa dám dùng hẳn chữ "cơ chế thị trường" đâu mà dùng chữ "cơ chế hạch toán kinh doanh XHCN. Đó là một trong ba điểm quan trọng nhất của đổi mới những năm 1986."

Chính những nhà nghiên cứu trong nhóm tư vấn đã góp phần quan trọng định hình tư duy đổi mới, tạo ra quan điểm, đường lối, chiến lược cho công cuộc đổi mới. Để làm được điều ấy, họ cũng phải vất vả đương đầu với các quan điểm bảo thủ.

Nhà nghiên cứu Trần Việt Phương nhớ lại: "Còn có cả một cuộc đấu giữa các chuyên gia, giữa các chuyên gia có đầu óc nghiên cứu, đổi mới và những "chuyên gia" khác cơ hội, giáo điều, bảo thủ. May mắn là cuối cùng nhóm chuyên gia có tư duy đổi mới đã chiến thắng."

Cố TBT Trường Chinh sau này đã nhìn nhận: việc hình thành một nhóm nghiên cứu với tư duy khái quát và năng lực phân tích mạnh là kinh nghiệm quan trọng mà các nhà lãnh đạo nên duy trì và tận dụng.

Trung tướng Đặng Quốc Bảo kết luận: "Bản chất của chiến lược là năng lực làm chủ không gian và thời gian, muốn làm được điều ấy cần kiến thức uyên bác, mà kiến thức của một người không bao giờ đủ được, nên muốn làm chủ cần một hệ thống tư vấn. Trong lịch sử cổ kim, người nào làm chủ đất nước khôn ngoan cũng phải có hệ thống tư vấn."

Cố TBT Trường Chinh xem một số đề án xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (9/2/1978). Ảnh: TTXVN

Dân chủ nội bộ

Không chỉ có nhóm nghiên cứu cho cố TBT Trường Chinh, trước áp lực đòi hỏi của thực tế những năm trước đổi mới cũng như sau đó, nhiều nhóm chuyên gia khác đã ra đời.

Ông Đặng Phong viết: "Đây là thời kỳ trăm hoa đua nở của các tổ chức, các nhóm nghiên cứu, các Bộ cũng có, các tỉnh và thành phố cũng có... Chỉ đạo các nhóm chuyên gia đó là một vị lãnh đạo của Chính phủ hoặc của Đảng, phương pháp làm việc là tự do ngôn luận, không áp đặt trước những định hướng... "

Sở dĩ, những nhóm nghiên cứu có đất phát triển và nở rộ một phần nhờ tinh thần dân chủ lên cao vào giai đoạn đó.

Ông Trần Đức Nguyên kể lại: "Khi đồng chí Trường Chinh chuẩn bị các bài phát biểu ở Hội nghị TW, đưa ra các quan điểm mới, ông bao cũng chuẩn bị rất kỹ càng, cả tình hình và lập luận. Bao giờ, ông cũng sang làm việc trước với TBT Lê Duẩn và cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng trên tinh thần tôn trọng. Lúc bấy giờ có điểm rất hay là ai có quan điểm đều đưa ra nói thẳng và tranh luận rõ ràng trong Bộ Chính trị, không khí thảo luận sôi nổi và hăng hái lắm."

Không khí cởi mở, dân chủ ấy đã tạo ra sự đa dạng, phong phú và sức sống cho hoạt động tư duy kinh tế, những ý kiến thẳng thắn, thậm chí trái ngược hoàn toàn với quan điểm truyền thống đều được đem ra trao đổi, nghiên cứu, thảo luận.

Trung tướng Đặng Quốc Bảo kể về những góp ý rất thẳng thắn của ông với cố TBT: "Tôi đã nói rằng nhân loại không có một con đường nào khác ngoài kinh tế thị trường. Nhân loại đã trải quan 6 thiên niên kỷ dậm chân tại chỗ của văn minh nông nghiệp do nền văn minh ấy là nền kinh tế tự cung tự cấp, làm ra của cải chỉ để sinh tồn.

Khi chuyển sang văn minh công nghiệp, nền kinh tế thị trường ra đời là động lực của sự phát triển. Nhưng những người Cộng sản chúng ta đã để cho nền kinh tế trở về thời tự cung tự cấp, nên bây giờ phải chuyển trở lại kinh tế thị trường.

Nếu Đảng Cộng sản không chơi con bài kinh tế thị trường thì không có cách gì phát triển hết, đó là cứu cánh duy nhất. Và TBT Trường Chinh đã tán thành với những luận điểm đó."

Việc tạo ra bầu không khí thừa nhận những ý kiến khác nhau, cùng thảo luận, tranh luận là sự thúc đẩy và động lực to lớn cho đổi mới. Sức sống trong tư duy thổi luồng sinh khí tạo ra sức sống cho nền kinh tế nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Ông Trần Đức Nguyên kết luận: "Người lãnh đạo vì dân vì nước, biết sử dụng chuyên gia nhưng đồng thời không khí dân chủ nội bộ cũng rất quan trọng, có như thế thì mới có đổi mới được."

No comments:

Post a Comment