Wednesday, January 27, 2010

Thách thức của tân chủ tịch Asean

Tàu Trung Quốc ngoài Hoàng Sa

Việt Nam nhận vị trí chủ tịch luân lưu của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (Asean) từ ngày 01/01/2010.

Trong một loạt cách trách nhiệm đi cùng chức vụ này, là việc "hà hơi thổi ngạt" cho một cơ chế dàn xếp tranh chấp tại Biển Đông, mà báo chí khu vực cho là thách thức to lớn cho Hà Nội.

Tờ nhật báo tiếng Anh có uy tín xuất bản tại Hong Kong, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post), vừa có bài tựa đề 'Building tension' ('Gia tăng căng thẳng') xem xét các động thái phức tạp gần đây trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.

Bài báo mở đầu bằng câu: "Nếu Trung Quốc muốn chọc giận láng giềng Việt Nam thì ít có cách nào hiệu quả bằng việc khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa".

Tác giả bài báo nhận định rằng thông báo mới đây của Quốc vụ viện Trung Quốc về kế hoạch phát triển du lịch ở tỉnh Hải Nam, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, phản ánh tình hình căng thẳng tại Biển Đông nhiều hơn là ý nguyện thực sự của Bắc Kinh trong việc xây khách sạn hay khu nghỉ mát tại các lô đá ngầm và bãi cạn thường có bão này.

Thời điểm mà Trung Quốc đưa ra thông báo cũng được xem là gây chú ý.

Tháng Giêng là lúc mà người Việt Nam kỷ niệm 36 năm ngày Trung Quốc đánh bại hải quân Việt Nam Cộng hòa tại phía Đông Hoàng Sa, chiếm hoàn toàn quần đảo này từ đó cho tới nay.

Hoàng Sa, và Trường Sa ở phía Nam, được xem như có vị trí chiến lược hết sức quan trọng vì nằm trong khu vực lưu thông hàng hải chính của Đông Nam Á, đồng thời giàu tài nguyên dầu lửa và khí gas.

Lời qua tiếng lại

Tờ Bưu điện Hoa Nam viết rằng trong nhiều thập niên nay, Hà Nội tận dụng mọi cơ hội để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa thông qua nhiều hình thức như tìm kiếm trợ giúp pháp luật quốc tế và ký hợp đồng khai thác dầu khí với các tập đoàn lớn của nước ngoài.

"Giới chức luôn lớn tiếng cổ võ cho các tuyên bố chủ quyền trên khía cạnh luật pháp và lịch sử để bảo đảm rằng vấn đề chủ quyền nằm ở vị trí trung tâm trong kịch bản tuyên truyền quốc gia."

Thế nhưng, bài báo nhắc lại, hồi năm 1974 Hà Nội đã im lặng khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phản đối một cách vô hiệu lên Liên Hiệp Quốc.

Trận hải chiến Hoàng Sa 1974

Nỗi đau mất Hoàng Sa vẫn còn âm ỉ

Thời điểm đó, miền Bắc Việt Nam đang lên những kế hoạch tấn công cuối cùng vào chế độ Sài Gòn, kết thúc cuộc chiến, với sự hậu thuẫn của Liên Xô và Trung Quốc với tư cách hai đồng minh chính.

"Trong khi đã có dấu hiệu rạn nứt trong quan hệ Việt-Trung vốn đa nghi vì lịch sử, Hà Nội đã chọn cách im lặng."

Tác giả bài trên báo Hong Kong nhận xét sự im lặng đó nay thật tương phản với thái độ hiện thời của chính phủ Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Úc châu, được trích lời nói: "Thật rõ ràng là nỗi đau về việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa vẫn còn âm ỉ ở Hà Nội".

"Việc Hà Nội im lặng nhiều năm trước (về việc chiếm Hoàng Sa) nay vẫn là chủ đề nhạy cảm."

Việt Nam nay khá ồn ào trong các tuyên bố chủ quyền, trong khi chính phủ đang chịu nhiều áp lực của người dân đòi phải đương đầu với Trung Quốc tại Biển Đông.

Thông báo của Quốc hội Trung Quốc về du lịch Hải Nam được đưa ra chỉ một thời gian ngắn sau khi Hà Nội ký hợp đồng mua tàu ngầm với Moscow, mà giới quan sát nói chung xem như cử chỉ đối lại việc Bắc Kinh mở rộng năng lực hải quân.

Kế hoạch của Trung Quốc còn bao gồm chương trình thiết lập căn cứ tàu ngầm lớn ở Hải Nam, vốn thu hút chú ý ngày càng lớn của Mỹ, quốc gia hiện đang có quan hệ mới với Việt Nam.

Điều hiển hiện là tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Asean về cách ứng xử ở khu vực này, ký năm 2002, gần như vô tác dụng.

Việt Nam đã nhậm chức chủ tịch Asean năm nay, nhưng để biến "văn bản chết" này, theo báo Bưu điện Hoa Nam, thành quy chế có ý nghĩa thì thực là một việc khó làm.

Hiện thời, hai bên đang tiệ́p tục lời qua tiếng lại trong phòng họp ngoại giao.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nhanh chóng chỉ trích kế hoạch du lịch của Trung Quốc là "vi phạm chủ quyền Việt Nam, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình".

Về phần mình, Trung Quốc còn thẳng thừng hơn. Một quan chức Hải Nam nói toạc: "Đây là lãnh thổ của chúng tôi và chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn".

BBC-26.01.2010

No comments:

Post a Comment