Trước và trong thời Hai Bà Trưng, tiên tổ của người Việt Nam hôm nay gọi đất nước mình là gì? Đó là một câu hỏi khó. Tuy vậy, tôi cũng tạm nêu ra từ “Âu Lạc”, trong đó Âu là Đất, Lạc là Nước. Từ ghép “Âu Lạc” mang nghĩa là đất nước hay xứ sở[1]. So sánh hơi khập khiễng thì tổ chức xã hội Âu Lạc khi ấy không khác mấy vùng đồng bào thiểu số Tây Nguyên cách đây trên dưới 100 năm. Nếu người Pháp từng kí âm “Đạ Lạch” thành Đà Lạt (nghĩa gốc là nước của người Lạch, xứ sở của người Lạch) thì người Hán cũng đã kí âm “Đất nước” thành “Âu Lạc”. Chúng ta chỉ hình dung được: dường như Âu Lạc – Đất Nước có qui mô lớn hơn Đà Lạt – Nước Lạch.
Từ Âu Lạc xuất hiện lần đầu tiên trong Sử kí của Tư Mã Thiên. Song nó hàm nghĩa rất rộng, đó là một khu vực bao la gồm Quảng Tây, Quảng Đông và miền bắc Việt Nam ngày nay. Vương quốc Âu Lạc nửa hư nửa thực gắn với An Dương Vương hầu như chỉ là sự ghép nối vụng về các mảnh sử liệu rời rạc có sau Sử kí.
Trên một góc nhìn nào đấy thì nước Nam Việt của Triệu Đà cũng có thể mang tên bản địa là Âu Lạc. Sử kí viết về nước Nam Việt, nhưng luôn nêu rõ dân là dân Việt, tuồng như trong thông nghĩa Bách Việt (hàng trăm / nhiều tộc Việt khác nhau phía nam Trường Giang).
Vậy chủ nhân của mảnh đất Việt Nam hôm nay có phải người Việt không, hay Việt chỉ là một từ ngoại lai mà lịch sử trót dùng.
1. Nước Việt thời Xuân Thu – Chiến quốc.
Theo Việt vương Câu Tiễn thế gia (Sử kí thiên 41[2]): Việt vương Câu Tiễn là hậu duệ vua Hạ Vũ. Con thứ vua Thiếu Khang đời Hạ được phong đất Cối Kê để thờ cúng vua Hạ Vũ. Họ khai hoang lập ấp, cắt tóc xâm mình, trải qua hai mươi đời thì đến Doãn Thường. Doãn Thường đánh nhau với vua ngô là Hạp Lư. Doãn Thường chết, Câu Tiễn được lập làm Việt vương.
Các chú giải của đoạn Sử kí trên:
- Sách Chính Nghĩa, trích lại từ Ngô Việt xuân thu (viết vào năm 232 đến 300): Vua Hạ Vũ đi khắp thiên hạ, đến Đại Việt, lên Mao Sơn họp quần thần bốn phương phong thưởng, rồi mất và được an táng tại đó. Đến thời Thiếu Khang, vua sợ không ai tế tự tôn miếu, bèn phong con thứ là Ư Việt hiệu Vô Dư đất ấy.
- Sách Cối Kê kí viết rằng: Con thứ của vua Thiếu Khang hiệu là Ư Việt, do đó tên nước Ư Việt xuất phát từ tên hiệu ấy.
- Sách Chính Nghĩa viết: Sách Xuân Thu Công Dương truyện gọi Ư Việt là do vùng đất ấy chưa thông với Trung Quốc. Thông rồi thì gọi là Việt.
- Sách Xuân Thu Tả truyện cho rằng Việt là tiếng nói của người bản địa (Cối Kê) có âm như thế, dùng từ Việt để ghi lại.
- Sách Thích Danh của Lưu Hi (219 SCN): Việt mang nghĩa vượt, vì là nước man di khác vòng lễ nghĩa Hoa Hạ.
Sau khi Câu Tiễn diệt Ngô, quân Việt vượt sông Hoài cùng các nước Tề và Tấn hội ở Từ Châu, cung tiến vật phẩm cho triều Chu. Chu Nguyên Vương phong Câu Tiễn là Bá, trông coi các chư hầu vùng Giang Nam.
Đến đời Việt vương Vô Cương, Sở Uy Vương diệt nước Việt. Con cháu Câu Tiễn cũng như giới quí tộc Việt lưu lạc khắp miền Giang Nam, xưng tiểu vương hoặc quân trưởng và thần phục vua Sở.
Đến Tần mạt, hai quân trưởng vùng đất Mân là Dao và Vô Chư giúp Hán cao tổ đánh quân Tần. Năm 202 TCN Vô Chư được phong Mân Việt Vương cai quản vùng phía nam đất Mân (Quận Mân Trung thời Tần). Năm 192 TCN Dao lại được nhà Hán phong làm Đông Âu vương, cai quản vùng phía bắc đất Mân, ở lưu vực sông Âu.
Trong Sử Kí của Tư Mã Thiên, Ư Việt (於越) còn được viết là Vu Việt (于越 – Hóa thực liệt truyện SK 129). Sách Thuyết văn giải tự : Vu = Ư dã (là Ư vậy).
2. Dân Âu Việt là ai?
Cũng Sử Kí (Triệu Thế gia SK 43[3]) ghi nhận: 夫翦发文身,错臂左衽, 瓯越之民也 / Phu tiễn phát văn thân, thác tí tả nhẫm, Âu Việt chi dân dã / Như người Âu Việt, đàn ông cắt tóc, vẽ mình, đặt vạt áo về bên tay trái.
Sách đời sau chú đoạn Sử Kí trên khá nhiều, với mục đích trả lời câu hỏi “Âu Việt chi dân” là ai:
- Sách Ẩn nói theo Lưu Thị thì người Châu Nhai, Đạm Nhĩ (Đảo Hải Nam ngày nay) là người Âu nên có từ Âu Việt.
- Sách Chính Nghĩa cho rằng họ là người Nam Việt của Triệu Đà.
Xét trên đặc trưng văn hóa được Sử Kí ghi nhận thì người Âu Việt, người Ư Việt hay Vu Việt gần như là một. Để chứng minh Ư = Vu = Âu, cần phải có một công trình ngôn ngữ học truy nguyên các ngữ âm Hán cổ, cũng như cách kí âm phương ngữ bằng Hán tự của người Trung Quốc xưa.
Chữ Âu ở đây rất quan trọng, nó có liên quan mật thiết với cổ sử Việt Nam, vì một trong những thuật ngữ mù mờ nhất trong cổ sử Việt Nam là từ Âu Lạc. Sử Kí đã dùng những chữ Âu sau:
- Đông Âu: Xứ sở của Đông Âu vương tên Dao. Từ này xuất hiện trong các thiên: Hiếu Vũ Bản Kỉ SK 12, SK 114, SK 22, SK 30.
- Âu Lạc : Nói chung toàn khu vực Nam Việt, kể cả Mân Việt / SK 20, SK 113.
- Người Đông Âu ở bên bờ sông Âu / SK 114, SK 22.
- Âu Việt : Người Âu Việt / SK 43.
- Âu nhân : người Đông Âu / SK 130.
- Âu Thoát : Tên một vùng đất của Hung Nô phía bắc / SK 114.
Theo Thuyết Văn giải tự, Âu = 甌:小盆也從瓦區聲 / Tiểu bồn dã tòng Ngõa Khu thanh (Cái bồn nhỏ, bộ Ngõa, âm như chữ Khu). Chữ Âu 甌 ghép bởi chữ Khu 區 (Khang Hi: vực dã) là vùng đất và chữ Ngõa 瓦 là ngói, đồ gốm.
Xin đề nghị một liên tưởng dân dã:
U = nhô lên = đồi, núi ~ vú (nguồn sống nhô lên từ ngực phụ nữ) = rú (âm Việt cổ chỉ núi, trong từ rừng rú).
Vú em = dưỡng mẫu
U = mẹ
Bu = mẹ già
Khu (đất) ~ u = mẹ.
Khu = vực = đất
Ý Đất trong chữ Âu có thể xuất phát từ âm Khu. Ta có thể có mối tương quan giữa các âm như sau: Ư = Vu = Khu = Âu = U = Bu = Mẹ = Đất = Rú (Núi = Non).
Biến âm giữa U sang Âu được ghi nhận khá nhiều: Chu / Châu , Thu / Thâu, U / Âu ( u sầu = âu sầu) …
Như vậy, hoàn toàn tồn tại khả năng người Trung Quốc đã dùng Hán tự để kí âm phương ngữ vùng Giang Nam để nói về nước Ư Việt thời Xuân Thu – Chiến quốc. Từ nước Việt bên giòng Trường Giang ấy mà liên hệ ngôn ngữ với nước Việt Nam hôm nay là rất khó thuyết phục, tuy nhiên đặc trưng văn hóa cắt tóc xâm mình tương đồng là không thể phủ nhận. Có chăng một cuộc di cư lớn, kéo dài hàng trăm năm của cư dân và quí tộc Ư Việt sau khi nước Việt bị nước Sở sáp nhập? Nếu hậu duệ Câu Tiễn từng được ghi nhận chạy loạn xuống Mân Việt (địa bàn tỉnh Phúc Kiến ngày nay), thì không có lí do gì không có những nhánh khác đi xa hơn như đến Quảng Đông, đảo Hải Nam, bờ biển Hợp Phố (Quảng Tây) và đồng bằng sông Hồng.
3. Âu Lạc – Lạc Việt
Khi hai dân tộc, hai nền văn hóa vì những biến động lịch sử vô tình hòa vào nhau, kết hợp làm một, nó sẽ để lại dấu tích trong ngôn ngữ. Đó sẽ là những tổ hợp từ sinh ra trên cơ sở phối hợp hai từ đồng nghĩa của hai nền văn hóa riêng biệt. Từ mới nọ tất nhiên phải đồng nghĩa với hai từ cũ. Ví dụ:
Chó = Má = Chó má (Thái + Việt)
Chia = Ly = Chia ly (Việt + Hán)
Vậy phải chăng Âu Lạc chính là hợp từ sinh ra bởi Âu và Lạc. Nếu câu chuyện này thuyết phục, thì ta có thể truy ngược được nghĩa Âu.
Tại hội nghị nghiên cứu thời kì Hùng Vương năm 1971, trong tham luận “Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố Lạc”, Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc đã giải thích Lạc nghĩa là nước. Hai ông cũng liên hệ được Lạc với Nác (tức nước) theo phương ngữ miền trung Việt Nam. Bằng các phương pháp truy nguyên ngữ âm học, các chuyên gia ngôn ngữ học Việt Nam hiện nay đã đi đến kết luận chữ Giang trong Trường Giang là Hán tự kí âm phương ngữ. Thật vậy, chữ Giang ghép bởi chữ Thủy (mang nghĩa nước, sông) và chữ Công (kí âm). Công có họ hàng với Krông, tức là dòng sông, dòng suối trong ngôn ngữ của cộng đồng người Đông Nam Á cổ và hiện vẫn tồn tại trong ngôn ngữ Tây Nguyên. Trường hợp tên gọi Mêkông[4] (tiếng Thái, tức là mẹ của các dòng sông, dòng suối) cũng vậy. Ngày nay ở Tây Nguyên nhóm từ Đạ / Đak / Krông đều chỉ nước, sông, suối.
Theo tôi từ Lạc không đơn thuần chỉ là nước mà nó đôi khi còn được sử dụng với nghĩa Xứ Sở với các dẫn chứng liên hệ như Negeri (tiếng của người Mianagkabau ở Malaysia), Nưgar (tiếng của người Chiêm Thành).
Như vậy, khi xâu chuỗi các nghiên cứu trên lại với nhau ta có một nhóm từ tố mang nghĩa rất giống nhau là : Đạ / Đak / Krông / Lạc / Nác / Nước / Nưgar / Negeri.
Giả định Âu Lạc = Đất nước đến đây đã trở nên không hề hoang tưởng. Thậm chí nó có thể mở ra cách giải nghĩa một từ có liên đới là Lạc Việt: tên gọi này thể hiện sự kết hợp hai chủng tộc là bản địa (Lạc) với con dân cũ của nước Việt di cư xuống. Ở góc độ nào đó, nó là sự rút gọn của Lạc – Âu Việt.
4. Nam Việt
Mở đầu thiên Nam Việt liệt truyện (Sử kí 113[5]) đã thấy Tư Mã Thiên dùng từ Việt với hàm í dân Việt: 秦时已并天下,略定杨越 置桂林, 南海、象郡, 以谪 徙民,与越杂处十三岁 / Tần thời dĩ tính thiên hạ, lược định Dương Việt trí Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận, dĩ trích tỉ dân, dữ Việt tạp xứ thập tam tuế. Nghĩa là: Nhà Tần, sau khi chiếm cả thiên hạ bèn lấy đất Dương Việt chia thành quận Quế Lâm, quận Nam Hải và quận Tượng, bắt những người bị tội đày xuống sống chung với người Việt, việc diễn ra đã được 13 năm. Về tổng thể, thời Tây Hán sách sử Trung Quốc đều thống nhất cho rằng chủ nhân nước Nam Việt là người Việt.
Chữ Việt trong tiếng Hán: 越. Thuyết Văn tự giải của Hứa Thận thời Đông Hán định nghĩa: 度也從走戉聲 / Độ dã tòng tẩu việt thanh (Nghĩa là vượt qua, bộ tẩu, âm như chữ Việt là chiếc rìu đá). Một chữ Việt khác đồng âm, đồng nghĩa nhưng dị tự vẫn hay được các bản in xưa nay dùng là 粵.
Trong ghi chép của Tư Mã Thiên, con người bản địa nước Nam Việt do Triệu Đà dựng lên là người Việt. Tuy vậy, dường như chữ Việt này được rút từ từ ghép Bách Việt, chứ không dính dáng gì đến nước Việt thời Chiến Quốc trước đó. Bách Việt không phiếm chỉ một dân tộc, một đất nước. Nó gần như là một khái niệm và mang nặng hàm nghĩa văn hóa. Phổ quát nhất và thường được lập đi lập lại là đặc trưng “văn thân, đoạn phát / xăm mình, cắt tóc”. Theo Đông Việt liệt truyện (SK 114)[6] và Việt vương Câu Tiễn thế gia(SK 41)[7], vùng Mân Việt (Phúc Kiến) phía đông bắc Nam Việt là đất nước dưới quyền cai trị của hậu duệ Việt vương Câu Tiễn. Năn 202 TCN nhà Hán phong Vô Chư làm Mân Việt Vương, năm 192 TCN nhà Hán lại cắt một phần phía bắc Mân Việt phong cho quân trưởng Dao làm Việt vương (theo SK 41) hoặc Đông Âu vương (theo SK 114).
Thật khó khăn nếu muốn giải nghĩa Triệu Đà lấy tên Nam Việt với hàm í gì. Xét theo ngữ pháp tiếng Hán ta có Nam Việt = Đất nước phía nam nước Việt. Do đó người Việt ở nước Nam Việt có lẽ là người Bách Việt hơn là người Việt đồng chủng với cư dân Mân Việt? Điều này sẽ bị mấy câu văn vần của Thái sử công ở cuối thiên SK 113 phủ nhận, khi mô tả sự kiện Mân Việt đánh nhau với Nam Việt : Âu Lạc tương công, Nam Việt động dao / (Người, xứ) Âu Lạc đánh nhau, (Nước) Nam Việt xáo động. Hơn nữa, tục cắt tóc xăm mình cũng rất thịnh hành ở nước Việt của Câu Tiễn. Có không khả năng giai cấp lãnh đạo Mân Việt là người Việt (con cháu Câu Tiễn), trong khi đại bộ phận nhân dân là người Lạc?
5. Việt nam
Sau khi diệt Nam Việt, có một cách đoạn nhiều trăm năm cái tên Nam Việt không được cả người Hán lẫn người Âu Lạc cũ dùng tới. Sau đây là biên niên và tên gọi Việt Nam[8] ngày nay theo dòng lịch sử:
Hán: quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam
Tam quốc (thuộc Ngô) trở đi : Giao Châu
Đường : An Nam
Tống : An Nam, như việc phong Đinh Bộ Lĩnh làm An Nam quận vương. Năm 1017 nhà Tống phong Lý Công Uẩn Nam Bình Vương. Năm 1164 nhà Tống lại dùng danh xưng An Nam Quốc Vương cho vua Lý.
Minh: An Nam, năm 1428 Lê Lợi thay Trần Cao và được nhà Minh phong làm An Nam quốc vương, sau đến nhà Mạc được phong An Nam đô thống sứ.
Thanh: An Nam, như đã phong cho vua Quang Trung là An Nam Quốc vương.
Đến năm 1802, lần đầu tiên bắc triều mới chấp nhận để chữ Việt vào quốc danh để thành Việt Nam. Tai sao bắc triều tránh dùng chữ Việt, có những lí do sau:
- Sợ nhầm lẫn với nước Nam Việt thời Tây Hán hoặc nước Việt thời chiến quốc.
- Chữ Việt nhắc đến một quốc gia độc lập và tự chủ, trong khi bắc triều luôn muốn áp đặt đô hộ trực tiếp hoặc thống thuộc gián tiếp mảnh đất phương nam này như một thuộc quốc.
- Chia để trị là một đối sách mà các nước đế quốc ưa dùng. Quá trình Hán hóa các dân tộc thiểu số ở Hoa Nam bắt buộc phải thủ tiêu thuật ngữ Bách Việt. Hán hóa chính là xâm lăng văn hóa, thôn tính văn hóa, bước tiếp theo của vũ lực quân sự.
- Sau khi nước Việt thời chiến quốc và nước Nam Việt của Triệu Đà đã bị gộp vào Hán tộc, bắc triều gọi các nước phương nam là Nam cũng có thể xác nhận cách nhìn nhận phi Hán trong văn hóa, con người cũng như cương vực của khu vực này.
Ngược lại với bắc triều, các phong trào giành độc lập cũng như các vương triều của cư dân Việt Nam xưa có xu hướng chuộng chữ Việt:
Năm 544 Lý Bí tự xưng Nam Việt đế, đặt tên nước là Vạn Xuân.
Năm 549 Triệu Quang Phục xưng là Việt Vương.
Năm 939 Ngô Quyền mở nước Đại Việt.
Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh đặt tên nước là Đại Cồ Việt.
Năm 1054 Lý Thánh Tông đổi quốc hiệu là Đại Việt.
Năm 1400 Hồ Quí Ly lấy tên Đại Ngu.
Năm 1427 Lê Lợi dùng lại tên Đại Việt.
Năm 1802 Nguyễn Ánh lấy tên nước là Nam Việt nhưng Thanh triều đổi thành Việt Nam.
Năm 1838 vua Minh Mạng dùng lại tên Đại Nam.
Năm 1945 chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tên nước là Việt Nam.
Trường hợp dân tộc Tráng (Choang): Không riêng gì người Việt Nam, người Tráng ở Quảng Tây cũng có một lịch sử chống bắc thuộc dai dẳng và bền bỉ. Từ thời Đường, các lãnh tụ khởi nghĩa của họ đã xưng vương và lấy những danh xưng có liên quan đến từ Việt và từ Nam như: Trung Việt Vương, Nam Hải Vương, Nam Việt Vương. Ngang thời Lý ở Việt Nam, Nùng Trí Cao xuất thân từ tỉnh Cao Bằng đã xây dựng nước Đại Lịch Quốc, sau lại đổi thành Nam Thiên Quốc với cương giới gần phủ kín hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông [9].
Có hai khuynh hướng chủ đạo thiết lập nền độc lập ở các dân tộc phía nam Hoa Hạ:
- Lãnh đạo từ phương bắc xuống (hoặc hậu duệ nhiều đời của họ), hòa đồng với người phương nam, phát triển văn minh nhà nước tập quyền trên cơ sở thống nhất các bộ lạc tự trị, các vùng quyền lực bản xứ: Tổ tiên Câu Tiễn, Triệu Đà, Hậu duệ Câu Tiễn, Sĩ Nhiếp, Lý Bí, Trần Thủ Độ, Hồ Quí Ly…
- Người bản xứ đứng lên tự cởi ách đô hộ, xưng vương: Hai Bà Trưng, các tù trưởng người Tráng ở thời Đường, Nùng Trí Cao, Lê Lợi…
Không kể Lê Lợi xây dựng vương triều từ nền móng chính trị sẵn có, ta thấy rõ khuynh hướng thứ nhất phổ biến hơn, thành công hơn. Trừ Hồ Quí Ly muốn ngang hàng bắc triều bằng cách đổi tên nước thành Đại Ngu (với giải thích ông là hậu duệ vua Nghiêu khai quốc Hoa Hạ), Sĩ Nhiếp tìm sự độc lập trong khuôn khổ hẹp, đa phần các lãnh tụ chọn từ Việt cho vương quốc mình. Các lí do hữu quan:
- Phần nào đó tầng lớp lãnh đạo chính trị phương nam có huyết thống phương bắc, tác động của yếu tố này sẽ khiến họ chủ động thực nghiệm văn hóa chính trị tiến bộ trong khu vực vào quốc gia họ xây dựng trên mảnh đất phương nam.
- Dư âm nước Việt tiểu bá phương nam của Câu Tiễn thời chiến quốc có thể là biểu trưng tinh thần, khích lệ các lãnh tụ tự tin và nỗ lực bồi đắp độc lập, tự chủ, thâu tóm quyền lực. Trong í nghĩa ấy, nước Việt mới, dân tộc Việt mới vẫn chứa nội dung phi Hán.
- Một cách tự nhiên, từ Việt dần dần hóa thạch vào văn hóa chính trị phương nam với í nghĩa li khai, bất khuất. Nó mang tính chính thống hiển nhiên trong đối nội và đối ngoại của bất cứ chế độ nào.
6. Kết luận
Tóm lại, Việt越 là một từ cổ, một từ bình thường trong bể từ vựng giữa đời sống văn minh Hoa Hạ. Nó được áp vào tên nước thời chiến quốc với í nghĩa[10]:
- Sách Cối Kê kí cho rằng Ư Việt là tên của một hậu duệ vua Hạ Vũ, đến Cối kê lập nên nước Việt để tiện việc thờ tự Hạ Vũ (vốn mất và được chôn cất tại Đại Việt).
- Sách Chính Nghĩa viết: Sách Xuân Thu Công Dương truyện gọi Ư Việt là do vùng đất ấy chưa thông với Trung Quốc. Thông rồi thì gọi là Việt.
- Sách Xuân Thu Tả truyện cho rằng Việt là tiếng nói của người bản địa (Cối Kê) có âm như thế, dùng từ Việt để ghi lại.
- Sách Thích Danh của Lưu Hi (219 SCN): Việt mang nghĩa vượt, vì là nước man di khác vòng lễ nghĩa Hoa Hạ.
Vì nhiều lí do (một số đã dẫn ở trên) ngày nay Việt Nam đã trở thành tên gọi chính thống của dải đất hình chữ S bên bờ Tây Thái Bình dương. Để được như thế, hai từ Việt và Nam đã trải qua một quá trình vận động bổ xung ngữ nghĩa hàng ngàn năm, với biết bao thăng trầm của lịch sử. Một lần nữa ta thấy dấu ấn của Triệu Đà ở đây, như một người gieo mầm văn minh chính trị tiến bộ phương bắc vào khu vực có đất nước Việt Nam hôm nay. Nếu có thể phân biệt được con người huyết thống (sinh học) và con người văn hóa trong tổng thể con người nói chung của nhân vật lịch sử Triệu Đà, thì rõ ràng không thể gọi ông là con người văn hóa Hán tộc. Đánh đồng con người huyết thống Hán của ông với con người văn hóa, một thứ văn hóa khởi sinh bởi sự tương tác văn hóa Tiền Hán – Tiền Việt mà ông là nhạc trưởng, là việc làm đành tình đoạn lí.
Tôi tin rằng, gần như đã đến lúc người Việt Nam đặt câu hỏi họ là người Việt, người Nam, người Việt Nam hay người Âu Lạc? Văn minh Việt Nam hôm nay đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ về nhận thức quá khứ, với chiều hướng dân trí và kinh tế đi lên, sáng sủa hơn bao giờ hết trong cuộc đời văn hiến đã khá dài của mình. Nó cần định hình và đồng thuận những giá trị mới của lịch sử, trên căn bản hài hòa xưa – nay, trước – sau và thấm đẫm tinh thần khoa học, trung trực. Chắc chắn quá trình vượt thoát, thực thi tinh hoa tự chủ, độc lập truyền thống trong bối cảnh chuyển biến thời cuộc khác trước rất nhiều, sẽ tiềm ẩn nhiều giải pháp hứa hẹn thú vị và lớn lao.
Thảo Điền 3.2007
[1] Xin xem thêm cùng một tác giả: Cổ sử Việt Nam, một cách tiếp cận vấn đề – NXB Lao Động 2007.
[2] http://www.guoxue.com/shibu/24shi/shiji/sj_041.htm
[3] http://www.guoxue.com/shibu/24shi/shiji/sj_043.htm
[4] Nếu Âu là Mẹ, thì sông Âu nơi người Âu Việt sống có thể hiểu là Sông mẹ, sông lớn, tương tự Mêkong.
[5] http://www.guoxue.com/shibu/24shi/shiji/sj_113.htm
[6] http://www.guoxue.com/shibu/24shi/shiji/sj_114.htm
[7] http://www.guoxue.com/shibu/24shi/shiji/sj_041.htm
[8] Theo Việt Nam niên biểu, Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim. Bản điện tử của viethoc.com.
[9] Đoạn này tham khảo Journal of Southeast Asian Studies, Vol. XVIII, No. 2, September 1987. Người Choang các dân tộc ít người, vùng biên giới Việt – Hoa trong triều đại nhà Tống. JEFFREY G.BARLOW. Bản dịch của Ngô Bắc.
[10] Có tham khảo Văn Minh Lạc Việt – Nguyễn Duy Hinh – NXB VHTT 2004.
No comments:
Post a Comment