Hà Văn Thùy
Đọc bài “Xây danh dự cho dân tộc Việt” của Nguyễn Lương Hải Khôi, “Thoát thân luận” của Giáp Văn Dương và “Thoát Á mới có thể ‘Thoát thân’” của Phạm Gia Minh trên TuầnViệtNam, tôi chia sẻ với nhiệt huyết của các vị lo cho dân, cho nước. Tuy nhiên xin được nói rằng, suy tư của các vị không mới. Hàng chục năm trước, ông Nguyễn Gia Kiểng viết cả cuốn sách dầy hơn 500 trang A4 Tổ quốc ăn năn nhằm chối bỏ văn hóa Việt đồng thời muốn thay đổi tận gốc văn hóa để canh tân… Qua ý kiến quý vị, tôi cảm tưởng rằng, là những người giầu lòng yêu nước nhưng ít hiểu về dân tộc nên khi ra ngoài gặp trăm hồng ngàn tía lấp lánh, có vị nóng lòng sốt ruột muốn “nhớm cây mạ”* cho nhanh có mùa màng!
Xin mạo muội trao đổi với quý vị đôi điều.
I. Xin được hỏi, quý vị biết gì về châu Á? Có phần chắc rằng, tất cả những điều các vị được học về “lịch sử châu Á” chỉ là phần nổi của tảng băng mà trong đó không thiếu lầm lẫn, dối trá! Ngay cả Carl Marx nữa, khi viết Tư bản luận thì anh chàng thông thái này cũng mù tịt về Á Đông! Ngộ nhận rằng mô hình châu Âu là tiến trình duy nhất của lịch sử nhân loại, học lóm từ du ký của những nhà phiêu lưu cưỡi ngựa xem hoa, anh ta vội vàng hư cấu rằng châu Á cũng trải qua giai đoạn nô lệ! Xin quý vị chứng minh cho giai đoạn nô lệ trong lịch sử phương Đông? “Phương thức sản xuất châu Á” là cái quái quỷ gì nếu không phải ngôn từ che đậy sự thiếu hiểu biết về phương Đông của Carl Marx?!
Cho đến nay, ít người biết được rằng, 10.000 năm trước, khi Kỷ Băng hà chấm dứt, tổ tiên người châu Âu từ bỏ cách sống hái lượm trong những hang hốc đóng băng để nuôi con cừu con dê đầu tiên làm người du mục thì ở phương Đông, người Việt cổ đã là dân cư nông nghiệp thuần thục. Tới 4000 năm TCN, Đông Á với hơn 60% nhân số thế giới đã xây dựng nền văn hóa nông nghiệp phát triển nhất hành tinh. Khoảng 2600 năm TCN, sự cố lớn xảy ra, người Mông Cổ du mục tràn qua Hoàng Hà xâm lăng giang sơn Bách Việt. Tầng lớp ưu tú của tộc Việt theo Lạc Long Quân vượt biển về Việt Nam dựng nước Văn Lang.
Vào Trung Nguyên, người Mông Cổ, nhân số ít và văn hóa thấp, đã bỏ lối sống du mục, học nghề nông cùng văn hóa của người Việt. Do sống chung, người Mông Cổ hòa huyết với dân Bách Việt, sinh ra chủng Mongoloid phương Nam, tự nhận là người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán hiện nay. Là con lai Việt, kế thừa kinh tế, văn hóa Việt, người Hoa Hạ tạo dựng văn minh Trung Hoa rực rỡ khoảng 1500 năm TCN. Từ đầu Công nguyên, người Hán xâm lược và đô hộ Việt Nam một thiên niên kỷ. Quá khứ vĩ đại của tộc người là chủ nhân đầu tiên của Á Đông bị chôn vùi. Mất đất đai, mất chữ viết và lịch sử nên khi giành lại quyền tự chủ, người Việt Nam biết rất ít, thậm chí ngộ nhận về lịch sử văn hóa của mình. Chính là trên cơ sở này, ông Nguyễn Gia Kiểng viết: “ Văn hóa Việt Nam chỉ là bắt chước Trung Hoa. Sở dĩ không hoàn toàn giống Tàu chỉ là vì chưa bắt chước kịp mà thôi (!)” Rồi ông đề nghị phải thay văn hóa truyền thống lạc hậu bằng văn hóa Thiên chúa giáo!
Sang thế kỷ XXI, nhờ những công trình lập Bản đồ gen người của khoa học thế giới, ta biết được rằng, khoảng 70.000 năm trước, trong Kỷ Băng hà, Người Khôn ngoan Homo sapiens từ châu Phi theo bờ biển Nam Á tới Việt Nam. Do điều kiện sống thuận lợi, họ hòa huyết sinh ra người Việt cổ. Khoảng 40.000 năm trước, nhờ khí hậu phía Bắc được cải thiện, người Việt cổ đi lên khai phá đất Trung Hoa, sau đó vượt eo Bêrinh sang chiếm lĩnh châu Mỹ. Khoảng 15000 năm trước, người Việt cổ phát minh ra cây lúa nước cùng với Đồ Đá mới và đưa lên xây dựng nền nông nghiệp trên đất Trung Hoa. Vì lẽ đó, toàn bộ nền văn hóa vật thể và phi vật thể có trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN là sản phẩm của Việt tộc. Nền văn hóa Trung Hoa là sự kế thừa, tiếp thu văn hóa của tộc Việt. Như vậy, nhờ thành tựu của khoa học nhân loại, chúng ta chắc chắn xác định được cội nguồn sinh học của mình.
Nhưng chuyện rất lớn khác: cái văn hóa nguyên bản mà tộc Việt sáng tạo là gì? “Một câu hỏi lớn không lời đáp”! Một thách đố khổng lồ không chỉ với trí tuệ Việt mà còn cả với nhân loại!
Thật may cho dân Việt, vào thập niên 70 thế kỷ trước, triết gia thiên tài Kim Định, bằng siêu nghiệm, quán tưởng, giải mã huyền thoại và truyền thuyết Việt đã khai quật được văn hóa cội nguồn của tộc Việt mà ông gọi là Nguyên Nho hay Việt Nho với những nội dung sau:
1. Quan niệm về một vũ trụ “tham thiên lưỡng địa”: Vũ trụ vận hành đi lên với 3 phần Dương, và 2 phần Âm. Đấy là sự phát triển tích cực nhưng cân đối mà nay gọi là phát triển bền vững. Quan niệm này trái ngược với văn minh du mục trọng động đẩy vũ trụ vận hành 4 Dương 1 Âm, tức Dương cực thịnh, Âm cực suy, một sự phát triển quá nóng đưa Trái đất tới hủy diệt.
2. Quan niệm nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh. Trong tam tài thiên – địa – nhân thì con người là chủ. Trong vị trí chủ nhân, con người phải sống thái hòa với nhau và với thiên nhiên. Con người không chỉ là thể xác vật chật mà còn là tâm linh, sống trong tương quan với những thế giới siêu nhiên khác.
3. Để được như trên, con người phải sống trong Đạo Việt An vi. Không hữu vi duy vật tranh giành chiếm đoạt, không vô vi lánh đời mà sống tích cực tận tâm tận lực làm việc cho mục đích hướng thiện, theo lẽ an nhiên, an hòa của lòng mình, hợp với sự vận hành của vũ trụ.
4. Sự tồn tại của xã hội dựa trên cơ sở bình sản.
Suốt 40 năm qua, phát kiến lớn nhất về lịch sử văn hóa này không được thừa nhận vì các nhà duy sử cho đó là ngược đời, là hoang tưởng. Nay, với việc xác định cội nguồn sinh học cùng quá trình lịch sử của tộc Việt, những dự báo thiên tài của triết gia Kim Định được chứng minh.
Công lao lớn của triết gia Kim Định là tách Việt nho, nền văn hóa nguyên bản của tộc Việt (trước cuộc xâm lăng của Mông Cổ) ra khỏi Hán nho, Tống, Minh, Thanh nho là những văn hóa mang đậm sắc thái du mục Mông Cổ. Trong những phát hiện của Kim Định về Việt nho thì quan niệm về vũ trụ hài hòa “tham thiên lưỡng địa” có ý nghĩa đặc biệt. Nó nói rằng tổ tiên chúng ta quan niệm về một vũ trụ phát triển cân đối, cuộc sống đi lên, theo chiều dương nhưng phải giữ sao cho Dương 3 phần còn Âm 2 phần. Một tỷ lệ như thế là hài hòa, quân bình đảm bảo duy trì lâu dài môi trường sống. Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh là quan niệm nhân sinh không chỉ đạt tới chiều sâu tận cùng, bản thể của cuộc sống mà còn là quan niệm vô cùng nhân bản. Đạo Việt an vi cùng cơ chế bình sản là những thể chế giúp cho xã hội hài hòa.
II. Nói cho cùng, mọi xung đột của thế giới 2000 năm nay là sự tranh chấp giữa văn minh du mục và văn hóa nông nghiệp. Những cuộc thánh chiến, những cuộc xâm lăng kinh hoàng của người Mông Cổ, những cuộc chinh phục thuộc địa từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, hai cuộc chiến tranh thế giới, sự bành trướng một thời của chủ nghĩa cộng sản, cuộc toàn cầu hóa hiện nay… là sự thắng thế của văn minh du mục trước văn hóa nông nghiệp. Văn minh du mục với bản chất của nó là sự tước đoạt tự nhiên và tha nhân để thu lợi ích tối đa cho bản thân, bộ lạc, tập đoàn mình. Với mục đích duy lợi, văn minh du mục đẩy cuộc sống vận hành theo chiều 4 Dương 1 Âm, tạo nên thế Dương cực thịnh, Âm cực suy. Nhờ thu hút toàn lực cho phát triển, văn minh du mục mà hậu duệ của nó là chủ nghĩa tư bản đã đạt được những thành quả kỳ diệu về hoa học, kỹ thuật, kinh tế, đưa nhân loại tới tầm mức văn minh “ngang với thánh thần.” Nhưng bên cạnh đó, chủ nghĩa tư bản để lại cho nhân loại những hệ lụy khủng khiếp. Không chỉ là nguyên nhân trực tiếp của những cuộc chiến tranh nóng, là chủ nghĩa khủng bố, những ông chủ tư bản còn đẩy bộ phận lớn nhân loại vào cảnh sống cùng quẫn. Mặt khác, với sự kích động lòng tham, cùng sự hưởng thụ vô chừng mực, chủ nghĩa tư bản đẩy con người vào trạng thái đạo đức suy đồi chưa từng có. Loài người mang tội trọng như đứng trước Ngày phán xét cuối cùng. Tội ác lớn nhất của chủ nghĩa tư bản là tàn phá Trái đất, gây khủng hoảng môi sinh, đang đe dọa sự sống còn của Loài người.
Truớc sự nóng lên của khí hậu, những chính trị gia hàng đầu thế giới mang nặng lợi ích cục bộ, với tầm nhìn thiển cận đã thất bại ở Copenhagen trong việc tìm ra cách cứu Trái đất. Trong khi đó, các nước thi nhau kích cầu, mà thực chất đó chỉ là cuộc thủ dâm kinh tế vĩ đại! Lòng tham của con người, nhu cầu của con người, như câu tục ngữ Việt, là vô đáy. Vậy kích cầu mãi rồi dẫn tới đâu trong khi nhân số thế giới tăng đến chóng mặt mà nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, cả tới bầu trời trên đầu, nơi trú ngụ của thánh thần tưởng như vô tận cũng đang bị ô nhiễm! Rõ ràng, khi đẩy thế giới phát triển tận lực, chủ nghĩa tư bản đang mù quáng dẫn dắt nhân loại đến bước hủy diệt.
III. Giữa thế kỷ XX, khi thấy trước mối nguy mà chủ nghĩa tư bản đang dẫn con người đi tới, một số thức giả phương Tây đã đi tìm con đường cứu thế giới. Không ít người “hành trình về phương Đông” mong tìm thấy nơi “mặt trái” của xã hội phương Tây một cứu cánh. Nhưng cho tới nay, hầu như phương Tây đã thất vọng vì ngoài một số cuốn sách phát giác những bí ẩn Tây Tạng, Ấn Độ, họ chưa tìm được gì! Chưa thấy không có nghĩa là không có! Chưa thấy bởi lẽ phương Tây còn thiếu cặp mắt xanh nhìn ra những gì cần tìm. Điều này cũng là thường tình vì lẽ tư duy du mục phương Tây với cách nhìn chủ biệt khó mà thấy được một vấn đề quá đa dạng, xa lạ với truyền thống của họ. Chưa thấy cũng còn do phần lớn trí thức phương Đông mang đầu óc vong bản, quá phụ thuộc phương Tây, chưa đủ trưởng thành để giác ngộ về gia sản văn hóa, minh triết vĩ đại mà tiền nhân để lại! Không thiếu những người như các vị Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Lương Hải Khôi, Phạm Gia Minh… bức xúc trước những bộn bề cản trở đất nước, gặp là bùa rách “thoát Á luận” tưởng như mới mẻ liền lượm mang về! Một ngộ nhận đáng buồn và đáng trách. Những vị này bị mê hoặc về huyền thoại Nhật nên không thấy những đặc điểm không gian và thời gian của cuộc Duy tân nước Nhật. Nhật bản là ngoại biên, là phần rìa của châu Á, có lịch sử hình thành dân cư và văn hóa khá muộn màng. Việc Nhật ly khai “thoát Á” phù hợp hoàn cảnh địa lý của họ và cũng trong cơ hội riêng của nó hơn trăm năm trước. Tuy nhiên sự “thoát Á” này không phải không có mặt trái mà trước hết là vai trò điên khùng của nước Nhật trong Thế chiến II. Mặc dù vượt lên, trở thành cường quốc thứ 2 về kinh tế, nhưng “sự thần kỳ” mấy thập kỷ qua cũng để lại cho xã hội Nhật biết bao vấn nạn. Và bây giờ, chung số phận phương Tây, Nhật cũng phải đối đầu với cuộc suy thoái toàn cầu chưa tìm thấy lối ra! Nếu “thoát Á” có thể tốt với Nhật thì khẳng định đó là điều không thể với nước Việt cả về không gian lẫn thời gian. Nước Việt là cái nôi văn hóa không chỉ của châu Á mà của cả nhân loại. Trong quá khứ đã có thời kỳ, từ Hòa Bình Việt Nam, những vòng xoáy đồng tâm lan tỏa văn hóa ra châu Á và thế giới. Là trung tâm của nhân chủng và văn hóa Á Đông, Việt Nam cố kết số phận với Đông Á, không nên và cũng không thể “thoát Á” đi tìm văn hóa khác! Những phẩm chất văn hóa hình thành suốt trong 70.000 năm qua thực chất đã trở nên những yếu tố di truyền (fenotype), không qua gene nhưng cũng qua tâm linh, qua tinh thần chúng ta truyền mãi tới mai sau. Những đặc tính văn hóa như thế không thể nào chối bỏ, chưa nói tới chuyện có đáng chối bỏ không? Những ý đồ “thoát Á” tưởng như hay ho tân kỳ nhưng thực chất là ngây thơ, vong bản, gieo vào thế hệ trẻ chủ nghĩa hư vô rất nguy hiểm!
Những khuyết tật, những thói hư tật xấu của người Việt như tiến sĩ Giáp Văn Dương nêu ra là có thật. Nhưng như bài học vỡ lòng chúng ta từng học về triết học Macxit: “Cái tồn tại là hợp lý”! Hợp lý vì những khuyết tật trên là sản phẩn của nghìn năm nô lệ phương Bắc, nghìn năm dưới chế độ quân chủ chuyên chế và gần thế kỷ dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Hơn nửa thế kỷ nay, tuy đất nước độc lập nhưng dân cũng không thực sự được tự do. Trong khu rừng tối thì dây leo thắng thế! Trong xã hội thiếu dân chủ thì đám cơ hội lộng hành. Để sống sót, Đức Hạnh buộc phải cúi đầu khoanh tay trong địa vị tôi đòi! Một cuộc thăm dò dư luận mới đây trong sinh viên cho thấy, sự trung thực không phải là phẩm chất họ cần tu dưỡng! Trong hoàn cảnh lịch sử như vậy, những thói xấu là có lý do để tồn tại! Không phải là vi trùng, nên không thể trục mầm bệnh khỏi cơ thể bằng thuốc kháng sinh, có nghĩa là tự thân rất khó thoát khỏi thói xấu! Muốn thoát, cần một cơ chế xã hội. Hôm nay dù còn bề bộn, nhưng cơ chế như vậy đang hình thành. Có một thời, rời khỏi hộ khẩu, rời khỏi sổ gạo không ai sống được. Nhưng hôm nay, không ít quan chức cấp khá cao, cố nhiên với quyền hành và bổng lộc đi kèm, tự nguyện rời nhiệm sở để sống theo tự do và ý chí của mình. Đó là sự trưởng thành về nhân cách. Điều này sở dĩ có được là một cơ chế đảm bảo cho Nhân chủ – con người tự làm chủ bản thân – đang hình thành. Từ một xã hội đóng kín, cô lập với bên ngoài, nay ta mở cửa, làm bạn với thế giới. Từ sự tàn phá môi sinh một cách tự do, tự phát, nay từng bước ý thức được việc bảo vệ môi trường sống. Như vậy, chúng ta đang tiến tới Thái hòa. Từ chủ trương duy vật khô cứng “trời không có thiên thần, đất không có thánh nhân”, nhiều đình chùa miếu mạo bị đập phá, hoạt động tín ngưỡng bị cấm đoán, nay trong chừng mực, đã có tự do tín ngưỡng. Với những hoạt động dùng khả năng đặc biệt để tìm hài cốt thân nhân, việc con người gặp rồi trò chuyện với vong linh người đã khuất, từ đó biết sợ làm ác, sống nhân đức hơn… chúng ta đang xây dựng lại con người Tâm linh. Chậm nhưng rõ ràng, những gì đang diễn ra là không thể đảo ngược, dòng đời đang trở lại với cái ngày xưa của văn hóa Việt…
IV. Trong họa có phúc, đó là dịch lý phương Đông. Giữa vô vàn đổ vỡ, cuộc suy thoái toàn cầu đem lại cơ may lớn cho nhân loại: tìm con đường đi tới! Chính là lúc này, chúng ta thực thi Minh triết mà tổ tiên Việt sáng tạo kết tinh trong “Tham thiên lưỡng địa”, “Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh”, “Đạo Việt An vi” và “Bình sản”. Trong hoàn cảnh hiện tại của thế gới, nếu huy động được trí tuệ, tâm huyết toàn dân tộc, chúng ta có điều kiện thuận lợi nhất mở con đường tới tương lai. Và chính con đường này sẽ cứu nhân loại.
Năm trăm năm trước, nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm dự báo vào đầu thiên niên kỷ này: nhân đào đáo hoàn, xã tắc an lạc. Nghĩa là những người đi trốn sẽ trở về, đất nước yên vui. Khi những người “thoát thân” thực sự tìm về xây dựng đất nước thì không có lý gì dân Việt lại “thoát Á”?! Không chỉ vậy, Trạng Trình còn nói:
Hồng Lam ngũ bách niên thiên hạ,
Hưng tộ diên trường ức vạn xuân.
(Đất nước Hồng Lam này 500 năm sau sẽ là thời kì hưng thịnh trăm nghìn năm).
Không “thoát Á”, cũng không (thể) “thoát thân” mà giờ là lúc tìm về Minh triết Việt để dùng minh triết xây dựng giang sơn cùng dân tộc.
12.1.2010
* Ngụ ngôn xưa: có người nhớm từng cây mạ cho mạ lên nhanh.
(Theo http://boxitvn.wordpress.com/2010/01/21/khong-tron-chay/#more-417)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment