Saturday, January 30, 2010

Để tránh ngoại xâm, đất nước phải hùng cường

Tuổi Trẻ - Chủ Nhật, 31/01/2010, 08:14 (GMT+7)

TT - Chủ tịch Tập đoàn thép Posco Park Tae Joon trở lại Việt Nam lần này để giới thiệu quyển sách Park Tae Joon - người đàn ông của thép dịch từ nguyên tác tiếng Hàn. Ông dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện về những đổi thay đã chứng kiến ở Việt Nam.

Ông Park Tae Joon tại buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội

* Thưa ông, lần đầu tiên ông đặt chân đến đất nước Việt Nam là tháng 11-1992, cũng là năm đầu tiên Việt Nam và Hàn Quốc chính thức nối lại quan hệ ngoại giao. 18 năm đã trôi qua, so với lần đầu tiên thì ấn tượng về Việt Nam trong sự trở lại lần này của ông có điều gì khác biệt?

Ông Park Tae Joon là người sáng lập và hiện là chủ tịch danh dự của Posco (Tập đoàn sắt thép Pohang), tập đoàn sản xuất thép lớn thứ hai thế giới. Sinh năm 1927 tại làng chài nghèo Jang Am, tỉnh Kyeong Am, vùng đất cực nam bờ biển Đông Hải (Hàn Quốc), bằng nỗ lực cá nhân, ông Park đã trở thành một trong những nhân vật thành đạt nhất và có ảnh hưởng nhất ở Hàn Quốc.

- Ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi vẫn là nguồn sinh khí toát lên từ đất nước, con người Việt Nam. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn có những nét thay đổi. Trong lần viếng thăm đầu tiên, tôi quan sát thấy vẫn còn rất nhiều xe đạp, nhưng lần này tôi thấy xe máy hối hả nối đuôi nhau trên đường.

Quả thật, tôi có cảm giác Việt Nam đang là con rồng mới đang trỗi dậy của châu Á. Xe hơi cũng nhiều, giao thông trên đường phố khá phức tạp. Tôi thiết nghĩ sự biến đổi về phương tiện giao thông cũng là biểu hiện cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam hôm nay. Nhớ lại buổi đầu, những nhân viên Posco ở Hàn Quốc chúng tôi cũng đến sở làm bằng xe đạp, về sau là xe máy, để rồi giờ đây là những chiếc xe hơi. Tôi thấy Việt Nam cũng đang đi lên theo chiều hướng đó.

Những phát biểu ấn tượng

* Từ khi thành lập công ty, tôi không bao giờ quên lý tưởng chủ nghĩa yêu nước trong làm thép. Thép giống như lúa gạo của công nghiệp. Nếu như lúa gạo là nguồn sống và phát triển thì thép là vật liệu căn bản của mọi ngành công nghiệp.

* Việc chúng ta có mặt trên đời này mang ý nghĩa gì đó thật đặc biệt. Vì thế đương nhiên chúng ta phải có trách nhiệm đối với đất nước và với cộng đồng. Bởi vậy khi tôi nhận dự án lập công ty thép quốc gia phục vụ mong ước khẩn cấp của người Hàn Quốc, tôi nghĩ đó là số phận của mình, là bổn phận cả đời của mình và là điều mà tôi phải làm cho được.

* Mỗi lần đối diện với thử thách mới, tôi đều bảo với nhân viên rằng họ phải cảm thấy vinh dự được tham gia dự án khổng lồ này vì nó sẽ làm thay đổi cả vận mệnh của quốc gia. Tôi đã yêu cầu họ hãy làm việc hơn cả ý nghĩa của phận sự.

* Giáo dục là sự nghiệp công ích lớn nhất trong thiên hạ và chỉ thành đạt với sự tận tâm của muôn vạn người.

* Trường đại học phải để cho người am hiểu đại học điều hành. Tôi sẽ không nhúng tay vào bất cứ việc gì. Còn chuyện đầu tư, trừ những điều không cần thiết, còn lại bất kể bao nhiêu tôi cũng sẽ dốc sức hỗ trợ.

* Là điều kiện tiên quyết của nước Đại Hàn dân quốc nghèo nàn về tài nguyên, việc phát triển sức sáng tạo vô hạn cũng là sứ mệnh lịch sử mà sự nghiệp giáo dục cần phải gánh vác.

N.Q.
(trích từ The Posco museum và Park Tae Joon - người đàn ông của thép)

* Cuộc đời ông đã có những thành công khiến cả thế giới phải chú ý. Vậy cả đời mình, đâu là những giá trị ông không ngừng đeo đuổi?

- Hãy nghĩ xem cuộc đời của mỗi cá nhân liệu có thể thoát được bối cảnh của thời đại? Chính vì vậy, mục tiêu của cuộc đời tôi không có gì khác hơn là cái đã được quyết định bằng vận mệnh của tổ quốc tôi. Sinh ra giữa lúc Hàn Quốc đang là thuộc địa của Nhật Bản, rồi sang Nhật học hành, tôi đã nghĩ rằng đất nước tôi phải là một quốc gia hùng cường để không phải gánh chịu nỗi bất hạnh nào thêm nữa từ sự xâm lược của nước khác.

Muốn được như vậy, hơn bất cứ điều gì, tôi tâm niệm rằng phải thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nhân tố trọng yếu cho sức mạnh của mọi quốc gia. Tôi đã hiến dâng trọn cuộc đời tôi cho sự nghiệp phát triển kinh tế của Hàn Quốc, biến đất nước tôi trở thành quốc gia tiên tiến hàng đầu của thế giới. Về cuộc đời mình, tôi không chút gì hối hận.

* Phải nói rằng thế hệ chúng tôi được thừa hưởng thành quả kinh tế mà thế hệ cha mẹ chúng tôi, mà trước nhất là những người như ông, đã không quản máu xương, mồ hôi và nước mắt... để dày công tạo dựng. Tuy nhiên, với nhận thức phải xây dựng Hàn Quốc trở thành một quốc gia với những giá trị dân chủ và nhân văn hơn, đã có lúc thế hệ chúng tôi cũng phải xả thân đấu tranh để đạt được điều đó. Vậy trong suy nghĩ của ông, đâu là sự nhìn nhận về thế hệ chúng tôi?

- Câu hỏi cô đưa ra cũng chính là mối xung đột giữa hai thế lực công nghiệp hóa và phong trào dân chủ, là vấn đề đang được tranh luận gay gắt trong xã hội Hàn Quốc hiện tại. Nhưng dù thế nào đi nữa, trên thực tế bao giờ hai điều đó cũng luôn song hành với nhau. Tôi đã muốn tận tụy với nhiệm vụ mà tôi phải gánh vác là phát triển kinh tế. Rồi đến một ngày tôi chứng kiến sự trưởng thành của một thế hệ mới với những giá trị về xã hội nhân văn và dân chủ.

Tôi không hề tư duy theo lối tiêu cực một khi thế hệ mới đang đặt ra những vấn đề xã hội mới. Chỉ có điều tôi nghĩ rằng những thế hệ sau này cũng nên hiểu những giá trị chúng tôi đã cống hiến. Hãy nhớ lấy xiềng xích độc tài và cả xiềng xích của sự nghèo đói! Phải hiểu biết quá khứ một cách sáng suốt, cũng như phải biết tìm ra những giá trị mới!

* Sáng 29-1, ông đã có buổi nói chuyện ở Đại học Quốc gia Hà Nội với hơn 400 giáo sư và sinh viên. Vậy cuộc tiếp xúc với các bạn trẻ Việt Nam có mang lại cho ông những cảm xúc đặc biệt nào không?

- Bài thuyết giảng của tôi hôm ấy có chủ đề “Tọa độ thời đại của thế hệ trẻ và con đường hướng tới tầng lớp tinh hoa”. Tôi đã nói với các sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện những tinh hoa trẻ tuổi của Việt Nam, rằng cần phải xác định cho được một tọa độ thời đại của thế hệ trẻ các bạn. Khi đặt ra vấn đề này, tôi nhận thấy trong hàng trăm ánh mắt thông minh của các bạn trẻ sinh viên Việt Nam như đang sáng ngời lên những vẻ lạc quan, ước vọng tràn đầy.

Thêm vào đó, thái độ của các sinh viên khi lắng nghe bài nói chuyện của tôi cũng hết sức nghiêm túc. Tôi nhận thấy với thế hệ trẻ hôm nay, Việt Nam chắc chắn sẽ thành công trong công cuộc phát triển kinh tế và xây dựng quốc gia tiên tiến. Tôi sẽ còn nhớ mãi kinh nghiệm về buổi nói chuyện này.

* Theo quan điểm của cá nhân ông, đâu là sứ mệnh của đất nước Việt Nam ngày nay?

- Khi sáng lập Posco, tôi luôn nhấn mạnh rằng thế hệ của chúng tôi là thế hệ phải hi sinh như những người tử vì đạo, để những thế hệ sau này có thể sải bước trên sự hi sinh của chúng tôi mà vươn ra thế giới. Và sự tồn tại của Posco là vì hạnh phúc của thế hệ mai sau, vì sự phồn vinh của quốc gia trong thế kỷ 21.

Chủ tịch Park Tae Joon (phải) trò chuyện với tiến sĩ Ku Su Jeong

Ở bất kỳ xã hội nào, sự đấu tranh cho tương lai hiển nhiên sẽ luôn đi kèm với những khổ đau và thử thách mà hiện tại phải gánh chịu. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Và để thay cho lời giải đáp câu hỏi này, tôi xin được dẫn ra đây những lời nói của tôi đã được ghi lại trong phần cuối quyển sách Park Tae Joon - người đàn ông của thép: “Trong quá trình một quốc gia đang phát triển xúc tiến công cuộc phát triển kinh tế, sức mạnh quan trọng nhất là không tham nhũng và lòng tự tin của nhân dân. Việt Nam đã có Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thanh liêm nhất trong số các nhà lãnh đạo thế giới của thế kỷ 20, lại có cả lòng tự tin và niềm kiêu hãnh khi đã đẩy lùi được thế lực ngoại xâm của Pháp và Mỹ. Vấn đề còn lại là làm thế nào để vận dụng di sản tinh thần vĩ đại đó như một tiềm lực để đạt đến mục tiêu dân giàu nước mạnh, thiên hạ ấm no, hạnh phúc!”. Đây cũng chính là lời tôi muốn gửi gắm đến nhân dân Việt Nam hôm nay.

KU SU JEONG thực hiện

No comments:

Post a Comment