Friday, January 29, 2010

Không tên

Bài trên Tuổi Trẻ - Chủ Nhật, 24/01/2010, 07:06 (GMT+7)

TT - “Đêm ấy, bác Lê lên cơn sốt. Những cái rùng mình lạnh lẽo nối nhau lướt trên da bác, manh chiếu rách không đủ đắp ấm thân. Trong lúc mê sảng, bác Lê tưởng nhớ lại cả cuộc đời mình, từ lúc còn bé đến bây giờ, chỉ toàn những khổ sở, nhọc nhằn. Cái nghèo nàn không biết tự bao giờ đã vào nhà bác.

Lúc sinh ra, bác đã thấy nó rồi, và từ đấy, nó cứ theo liền bác mãi. Bác mơ thấy vàng son chói lọi trong nhà ông Bá, thấy nét mặt gian ác và tinh nghịch của cậu Phúc, con chó tây nhe nanh chồm đến...

Hai hôm sau, bác Lê lại lên cơn mê sảng rồi chết. Người trong phố chợ gom góp nhau mua cho bác một cỗ ván mọt, rồi đưa giúp bác ra cánh đồng, chôn vào bãi tha ma nhỏ ở đầu làng.

Khi trở về, qua căn nhà lạnh lẽo âm u họ thấy mấy đứa con nhỏ bác Lê ngồi ở vỉa hè, con Tý đang dỗ cho thằng Hy nín khóc, nói dối rằng mẹ nó đi chợ một lát sẽ về. Nhưng họ biết rằng bác Lê không trở về nữa và họ thấy một cảm giác lo sợ đè nén lấy tâm can họ, những người ở lại, những người còn sống mà cái nghèo khổ cứ theo đuổi mãi không biết bao giờ dứt”.

Thạch Lam viết như thế từ những năm 1940, trong truyện ngắn đau buồn và ám ảnh Nhà mẹ Lê. Những cô cậu học sinh phổ thông suốt mấy thập kỷ đã được nghe thầy cô giảng trong giờ học văn rằng những cảnh ấy chỉ có ở nông thôn VN thời thuộc địa phong kiến, chỉ còn trong văn chương hiện thực phê phán hay Tự lực văn đoàn.

Nhưng mẩu tin hôm kia trên các báo thì bảo không phải thế.

“Người phụ nữ xấu số đó là bà Phạm Thị Ngắn (55 tuổi, trú tại buôn H’drát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc). Bà bị đàn chó bécgiê thuộc trang trại cà phê của một công ty cùng địa phương cắn chết khi mót cà phê rụng ở trang trại này chiều 21-1.Các nhân chứng cùng đi mót cà phê với bà Ngắn cho biết khi đang mót thì một đàn chó bécgiê lao ra, những người khác nhanh chân leo lên cây, còn bà Ngắn bị chó táp quật ngã xuống đất. Một người đàn ông của trang trại chứng kiến sự việc nhưng không can thiệp dù nạn nhân kêu la. Tại hiện trường, hầu hết các phần cơ đều bị chó cắn nát và ăn mất, toàn bộ da đầu, mặt bị mất”.

Chuyện của ngày hôm nay, ở xứ ta mà nghe cứ như của thời nào, ở xứ nào. Người đàn bà ấy chắc chắn là nghèo, vì không nghèo thì ai phải đi mót cà phê.

Chắc chắn nhà chức trách sẽ vào cuộc, công luận sẽ căm phẫn và thương xót. Nhưng có sự trừng phạt, sự lên án, sự thương xót hay chia sẻ nào trả lại mẹ cho con của bà Ngắn, như đã không trả lại được cho chín đứa con của mẹ Lê người mẹ mà chúng ngóng đợi. Sự trừng phạt có thể đến với kẻ đã nhẫn tâm thả đàn chó ra rồi đứng nhìn đàn chó xâu xé người mẹ tội nghiệp kia mà không thèm lên tiếng. Nhưng lẽ ra đã chẳng cần đến trừng phạt hay thương xót nếu bà Ngắn đừng nghèo đến thế để không phải đi mót cà phê trong vườn nhà người khác, nếu bà cũng có một mảnh vườn con con của mình, nếu bà có một cái nghề yên ổn hơn mót cà phê...

Thương cho phận nghèo...

THU HA

No comments:

Post a Comment