Monday, January 25, 2010

"Đàm phán đàng hoàng để đất nước được nể trọng"

Vị thế nước ta đã thay đổi nhiều. Chúng ta dành được sự yêu mến và nể trọng của bạn bè quốc tế. Nếu nhanh chóng hiện đại hoá mọi mặt của đất nước, và đảm bảo kinh tế phát triển nhanh trong một thời gian dài nữa, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ cải thiện nhanh chóng.
Tôi tâm đắc với nhiều nội dung thể hiện trong bài phong vấn sau. Trong này, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đã đặt nhiều câu hỏi hay. Tuy nhiên, có một câu nhắc đến các "nước nhỏ", "nhược tiểu', "hèn yếu". Không biết anh Tuấn muốn nói đến những nước nào, nhưng tôi từ lâu rất dị ứng với những suy nghĩ tự cho rằng Việt Nam một nước như vậy.
Việt Nam ngày nay tuy chưa phải là một cường quốc, nhưng tuyệt nhiên không phải là một nước nhỏ. Phải ý thức rằng đó hiện tại là một quốc gia hạng trung bình và đang rất có triển vọng....

Tác giả: Tuần Việt Nam
Bài đã được xuất bản.: 26.01.2010
TRONG MỤC NÀY (Đọc thêm)

* Độc lập tự chủ tạo nên bản sắc Việt Nam tại HĐBA
* Bản lĩnh Việt Nam tại Hội đồng Bảo an
* Trực tuyến: Việt Nam với vị thế mới sau 2 năm HĐBA

Cách thức của Việt Nam là đàm phán một cách đàng hoàng, nói rõ đây là lợi ích của chúng tôi, đâu là giới hạn không thể nhân nhượng được... Thứ trưởng Phạm Bình Minh nói.

Nước nhỏ có thể giữ vai trò lớn

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Hai năm là người trong cuộc tại cơ chế quan trọng của LHQ này, ông nhìn nhận thế giới hôm nay thế nào? Cuộc chơi của thế giới ngày nay đang thay đổi ra sao?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Thế giới đã trải qua rất nhiều biến động. Từ năm 1945, người ta nói đến thế giới hai cực. Sau Chiến tranh lạnh người ta nói đến thế giới một siêu, đa cường. Bây giờ thì người ta nói nhiều đến thế giới đa cực. Có thể thấy thế giới biến đổi rất nhanh và ẩn bên trong những biến đổi đó là so sánh lực lượng giữa các nước đã thay đổi rât nhiều.

Hiện nay, không riêng nước nào có thể chi phối được thế giới, mà cần có sự hợp tác của tất cả các nước để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Vai trò của LHQ và hợp tác đa phương vì thế ngày càng quan trọng.

Thứ trưởng Phạm BÌnh Minh. Ảnh: Phạm Hải
Thế giới cũng đang phát triển theo hướng dân chủ hơn. Các nước dù lớn hay nhỏ đều có thể tham gia đầy đủ vào quá trình hội nhập toàn cầu. Quan trọng là nước nào tham gia tích cực, chủ động, và đi đúng chiều hướng; khi đó thì dù nước nhỏ cũng có thể đóng vai trò quan trọng.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nghĩa là trong thế giới hôm nay, nước nhỏ không còn phải mặc cảm, cam chịu thân phận nhược tiểu, hèn yếu như trước đây?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Đúng vậy. Lịch sử đã chứng minh nhiều nước không lớn về diện tích, không đông về dân số nhưng lại có vị thế quan trọng trên nhiều vấn đề trong diễn đàn quốc tế. Điều đó chứng tỏ bất kì nước nào cũng có thể có được vị thế nếu chứng minh được sức mạnh của mình, cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, trong đó vai trò của sức mạnh mềm đang được chú trọng.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều bạn đọc cũng gửi câu hỏi về liên quan đến sức mạnh mềm của Việt Nam. Mới đây, GS Joseph Nye cũng đã phân tích về sức mạnh mềm Việt Nam. Với tư cách là một chính khách ngoại giao, ông đánh giá như thế nào? Đâu là những giá trị Việt Nam mang tới, đóng góp cho thế giới?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Chúng ta khá quen với khái niệm sức mạnh mềm vốn được nói nhiều. Tôi hiểu và điều này vừa qua cũng thể hiện trong hoạt động của ta tại HĐBA. Việt Nam được biết đến là dân tộc anh hùng, trải qua nghìn năm đấu tranh giành độc lập chủ quyền. Hình ảnh đó luôn được ghi đậm dấu ấn trong bạn bè quốc tế. Đó là hình ảnh mà không quyền lực nào, dù mạnh đến đâu có thể xây dựng được, nếu không dựa trên lịch sử lâu đời đó.

Tham gia HĐBA, các nước hiểu rằng khi Việt Nam nói muốn có hòa bình, vì độc lập chủ quyền của các quốc gia thì đó thực sự là nguyện vọng cháy bỏng xuất phát từ lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền của dân tộc mình. Các nước coi đó chính là sức mạnh mềm của Việt Nam.

Dàn xếp hòa bình

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thế giới khép lại một năm với nhiều biến động về kinh tế, chính trị... trong khi đó Việt Nam đã vượt qua 1 năm khó khăn đầy ấn tượng. Ông có thể chia sẻ những điều Ngoại giao Việt Nam phát huy trí tuệ của dân tộc, đem tinh hoa trí tuệ của dân tộc đóng góp những gì cho thế giới ?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Việc chúng ta tham gia HĐBA là muốn đóng góp vào công việc chung của thế giới. Đó là sự dấn thân mới, đóng góp trí tuệ của Việt Nam.

Nhìn lại cả quá trình đấu tranh ngoại giao, Việt Nam từ chỗ bị bao vây cấm vận, đến phá bao vây cấm vận và bây giờ là tham gia đóng góp vào công việc chung ở "sân chơi đa phương" lớn nhất. Đó là cả quá trình mà nếu như trong thời kỳ bị bao vây cấm vận, ngoại giao tập trung vào giành cảm thông, sự ủng hộ của các nước, thì bây giờ chúng ta sang giai đoạn mới, tham gia cùng các nước để giải quyết. Đó là chúng ta mang trí tuệ của Việt Nam từ quá khứ đến tương lai để đóng góp vào công việc chung của thế giới và qua đó cũng tạo điều kiện để Việt Nam đi đến tương lai.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Như anh đã nói: Việt Nam đã trải qua nghìn năm đấu tranh giành độc lập. Ngay thế kỉ 20, Việt Nam cũng trải qua không dưới 3 cuộc chiến tranh khốc liệt, với nhiều hi sinh, mất mát. Việt Nam có đủ tư cách là một nước có vai trò trung gian hòa giải, để thế giới hòa bình, hạnh phúc hơn. Quan điểm của anh thế nào? Việt Nam đã làm gì để góp phần hòa giải, đem đến hòa bình cho các dân tộc còn đang xung đột trên thế giới ?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Việt Nam có cơ hội và có khả năng để giữ vai trò trung gian hòa giải giúp các nước dàn xếp đi đến giải pháp hòa bình. Tuy nhiên làm trung gian hòa giải đòi hỏi nhiều yếu tố, vấn đề kể cả các sức mạnh cứng, tiềm lực kinh tế, vai trò, vị thế nước đó và các yếu tố khác. Còn Việt Nam khi đến giúp các nước ta có kinh nghiệm là nước từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đàm phán hòa bình và bình thường hóa quan hệ với các nước, thành công trong xây dựng đất nước và thực sự mong muốn thúc đẩy hòa bình để hợp tác và phát triển. Do đó ta có được sự tin cậy của các nước. Đó là tiêu chuẩn để họ coi Việt Nam có tiếng nói đóng góp vào hòa giải.

Ảnh: Phạm Hải

Trong 2 năm tham gia HĐBA, Việt Nam đã có những hoạt động bước đầu liên quan đến việc hỗ trợ giúp tìm giải pháp hòa bình. Ví dụ như, tranh chấp biên giới giữa Thái Lan - Campuchia cũng đã được đề nghị đưa ra tại HĐBA. Là thành viên HĐBA, và ASEAN, Việt Nam đã cùng hai nước thảo luận tìm giải pháp phù hợp cho vấn đề.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có xung đột làm thế giới đau đầu, ngay cả nước lớn cũng chưa giải quyết được, cụ thể như xung đột Israel - Palestine. Nhiều giải pháp đưa ra nhưng chưa đi đến kết quả cuối cùng. Việt Nam có quan hệ tốt với cả hai nước. Việt Nam có thể làm trung gian hòa giải cho 2 quốc gia này không?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Tình hình Trung Đông trong hơn 60 năm qua đã có nhiều căng thẳng. Nhiều sáng kiến mong muốn mang lại hòa bình cho Trung Đông đã được đưa ra, đã có nhiều nỗ lực và đã có những tiến bộ, song đến nay chưa có tiến triển thực sự giúp đưa đến một nền hòa bình lâu dài. Khi Việt Nam tham gia HĐBA , Hòa bình Trung Đông cũng là vấn đề ta coi là trọng tâm, luôn sẵn sàng và có những sáng kiến đóng góp cụ thể.

Cả hai lần làm Chủ tịch HĐBA (tháng 7/2008, và tháng 10/2009), Việt Nam đều đưa sáng kiến và tổ chức thành công Thảo luận mở về Trung Đông, được các nước ủng hộ và đánh giá cao. Ban đầu, nhiều ý kiến lo ngại chúng ta không làm được do vào thời gian đó gần một năm không có bất kì cuộc thảo luận mở nào về vấn đề này. Nhưng Việt Nam đã tổ chức thành công và được các nước đánh giá cao. Đông đảo các nước thành viên LHQ, nhất là các nước Ả-rập, thành viên Không liên kết đã tham dự và phát biểu đóng góp cho việc thúc đẩy hòa bình Trung Đông...

Dĩ bất biến, ứng vạn biến không có nghĩa là không làm gì

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thế giới đã có những gương mặt ngoại giao gây ấn tượng. Trong lịch sử Việt Nam, chúng ta đã có những gương mặt như: ông Lê Đức Thọ thời Hội nghị Paris, sau này là Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch... Trong tương lai Việt Nam tiếp tục xây dựng hình ảnh gương mặt ngoại giao như thế nào để thế giới tiếp tục nể trọng Việt Nam?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Trên thế giới có nhiều nhà ngoại giao và nhiều người không làm ngành ngoại giao nhưng đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong các hoạt động ngoại giao, vì sự đóng góp to lớn của họ cho công việc chung, và thể hiện bản sắc, phong cách ngoại giao riêng của mình.

Với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà ngoại giao đầu tiên và kiệt xuất đã xây dựng và đặt nền móng cho nền ngoại giao của Nước Việt Nam mới. Những Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang chỉ đạo cho hoạt động hàng ngày của ngoại giao Việt Nam, như tư tưởng "dĩ bất biến, ứng vạn biến" đã được thể hiện suốt trong 2 năm ta tham gia HĐBA.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta học tập, kế thừa những quá khứ đó. Thế nhưng, cuộc sống luôn phát triển và vận động không ngừng. Ngoại giao Việt Nam hôm nay, ngoài kế thừa những di sản đó, thì thế hệ hậu sinh đã đóng góp như thế nào để làm giàu vốn ngoại giao của đất nước?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Chắc chắn trí tuệ Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp trí tuệ. Tin rằng trong tương lai Việt Nam còn nhiều nhà ngoại giao giỏi cho đất nước.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nguyên tắc "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Bác cũng được hiểu thiên biến vạn hóa, theo nhiều cách khác nhau. Có người hiểu rằng đó là khi gặp bất kỳ khó khăn thách thức nào chúng ta cần bình tĩnh, suy sét sâu sắc, từ đó đưa ra quyết sách đúng đắn. Có người thì cho rằng đó là ngồi im án binh bất động chờ thời. Ông lí giải như thế nào về nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong ngoại giao, thưa Thứ trưởng?

Ảnh: Phạm Hải
Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Tôi hiểu câu nói của Hồ Chủ tịch, có nhiều nghĩa, nhiều hoàn cảnh. Bản thân điều đó đã cho thấy câu nói có thể áp dụng trong nhiều trường hợp, hoàn cảnh khác nhau. Tựu chung lại, câu đó nghĩa là nắm vững nguyên tắc, xử lý linh hoạt để đảm bảo mục tiêu nguyên tắc đó.Trong ngoại giao, chúng tôi luôn quán triệt tư tưởng này.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Như vậy, dĩ bất biến không có nghĩa không làm gì?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Đôi lúc cũng là vì hoàn cảnh mà chúng ta không làm gì, đợi cơ hội.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Không làm gì thì chúng ta có sợ mất cơ hội. Trong khó khăn, nếu sáng tạo, đột phá để vượt lên, thành anh hùng?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Theo tôi, nếu nắm vững được dĩ bất biến, ứng vạn biết, thì hiểu lúc nào là thời cơ để chớp. Đương nhiên trong ngoại giao, chúng ta cũng có lúc chưa tận dụng được thời cơ, bỏ phí nó.

Gương mặt đất nước

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thời đổi mới Việt Nam đã giới thiệu những gương mặt lãnh đạo để thế giới nể trọng như: Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt với nụ cười tự tin trong các chuyến đi đưa Việt Nam kết nối hội nhập cùng các nước, và gần đây là hình ảnh đĩnh đạc, thân thiện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngoại giao Việt Nam đã làm gì để góp phần tôn vinh hình ảnh lãnh đạo đất nước?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Trong mỗi thời kì, lãnh đạo Việt Nam đều đến LHQ, phát biểu tại Diễn đàn toàn cầu này. Đằng sau gương mặt các vị lãnh đạo ta là tư thế, là tầm vóc của cả dân tộc. Chắc chắn, Việt Nam sẽ tiếp tục có lãnh đạo của Việt Nam đến LHQ, với thế giới, thể hiện tầm vóc Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ngoại giao Việt Nam làm thế nào để thu hút trí tuệ dân tộc, gánh vác việc quốc gia, chọn lọc được những cán bộ xuất sắc nhất, gánh vác nhiệm vụ đất nước trong thời điểm hiện nay?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Có lẽ không thừa khi nhắc lại câu nói của Lênin: "Học, học nữa, học mãi". Để vươn lên, con đường học tập, giáo dục, từ giáo dục truyền thống, chính trị và kiến thức đều quan trọng. Việt Nam cần vươn lên với trí tuệ của mình, và vấn đề giáo dục phải được coi trọng và ưu tiên.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tư tưởng ngoại giao Việt Nam không phải đến Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có, mà trước đó, đã có các nhà tư tưởng lớn như Nguyễn Trãi, Trần Nhân Tông.. Ngoại giao Việt Nam đã tiếp thu các tư tưởng lớn đó như thế nào?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Ngoại giao Việt Nam luôn tiếp thu truyền thống của cha ông: Độc lập, Tự chủ. Đó luôn là kim chỉ nam, là nguyên tắc của Việt Nam trong hoạt động ngoại giao.

Tư tưởng của Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh đều xuất phát là độc lập dân tộc.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Giữa Nguyễn Trãi, Trần Nhân Tông và Hồ Chí Minh có điểm gì khác?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Có lẽ gần nhất với chúng ta ngày nay là tư tưởng của Hồ Chí Minh được triển khai nhiều nhất là phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Tư tưởng của Nguyễn Trãi về "lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo" đã thể hiện trong chủ trương là bạn, là đối tác tin cậy của Việt Nam ngày nay. Trong lịch sử, cũng có những nước đã từng đánh chiếm, xâm lược Việt Nam, nhưng chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, để tăng cường quan hệ. Và chúng ta tiếp tục thực hiện theo hướng đó.

Tinh thần dân tộc - sức mạnh của ngoại giao Việt Nam

Phạm Ngọc Hoàng (nhungdieutot@yahoo.com): Tôi muốn hỏi ông Phạm Bình Minh là ông đánh giá thế nào về vị thế của Việt Nam hiện tại, và 5 năm nữa?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Việt Nam tham gia LHQ từ 1977. Từ đó đến nay, ta ngày càng tham gia sâu hơn vào công việc của LHQ. Chúng ta đã tham gia hầu hết cơ chế với LHQ, với HĐBA là cơ chế quan trọng nhất.

Sắp tới, với quan điểm đối ngoại rằng Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chúng ta sẽ tham gia tích cực, trách nhiệm sâu hơn nữa vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế, không chỉ là các vấn đề khu vực. Đó là con đường Việt Nam tham gia tích cực và trách nhiệm hơn.

Lê Đình Sang: Là Chủ tịch ASEAN ta có thêm cơ hội giải quyết tranh chấp Biển Đông. Việt Nam có tận dụng cơ hội này không? Năm 2010 có nhiều thuận lợi: Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, kỉ niệm 60 quan hệ hữu nghị Việt - Trung, liệu ta có thể mang vấn đề ra giải quyết giữa Việt - Trung và ASEAN - Trung Quốc?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Trong hai năm 2008-2009, Việt Nam đã đạt được bước tiến quan trọng trong giải quyết vấn đề biên giới: hoàn thành phân giới cắm mốc trên bộ với Trung Quốc, tăng dày và tôn tạo hế thống mốc quốc giới với Lào, phân giới cắm mốc với Campuchia. Có thể nói Việt Nam đang phấn đấu để có đường biên giới quốc tế hoàn chỉnh với các nước láng giềng.

Năm 2009, Việt Nam đã trình lên LHQ Báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. ASEAN là một diễn đàn có cơ chế DOC (Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông).

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ngoại giao là người lính tiên phong, đối mặt giải quyết vấn đề lợi ích quốc gia. Trong chống Pháp, chống Mỹ, các thắng lợi ngoại giao được hậu thuẫn bằng chiến thắng trên chiến trường. Trong thời đại ngày nay, đất nước Việt Nam cần làm gì để hậu thuẫn cho các chiến sĩ ngoại giao ở tiền tiêu? Là người lãnh đạo ngoại giao, ông thấy cần sức mạnh gì hậu thuẫn đằng sau?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Đoàn kết dân tộc hậu thuẫn đằng sau hay nói cách khác tinh thần dân tộc luôn là sức mạnh của ngoại giao Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nói như GS Joseph Nye, đó là chủ nghĩa dân tộc lành mạnh Việt Nam. Những năm qua, tinh thần dân tộc thể hiện như thế nào, đã thực sự là chỗ dựa cho ngoại giao chưa?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Chúng ta hay nói, trong hoạt động ngoại giao, sức mạnh dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại. Các hoạt động ngoại giao khi ra bên ngoài luôn như thế, kết hợp trào lưu bên ngoài với sức mạnh dân tộc mới đạt được. Ngay cả khi đàm phán, thương lượng nghị quyết cụ thể, khi ta cất tiếng nói, họ nhìn ta không chỉ là cán bộ ngoại giao đơn thuần mà đằng sau là cả dân tộc Việt Nam nói tiếng nói đó.

Là người Việt, ai cũng muốn một Việt Nam mạnh

Bạn đọc Nguyễn Cảnh Toàn (nguyencanhtoan@...gov.vn): Chúng ta có một cộng đồng người Việt gần 4 triệu người sinh sống trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong thời gian tới, theo Thứ trưởng thường trực, chúng ta có thể có một chiến lược riêng trong vận động những kiều bào chưa hoàn toàn hiểu hết các chủ trương chính sách ngoại giao của đất nước, nhất là kiều bào đang hoạt động trong lĩnh vực chính trị có thể tác động tới chính sách của nước sở tại đối với Việt Nam hoặc tham gia tư vấn về đối ngoại (cả song và đa phuơng) cho đất nước không?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Đúng là chúng ta có lực lượng Việt kiều đông đảo, và lực lượng này ngày càng đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước cũng như có vị trí tại nước sở tại. Dù có thái độ, ý kiến còn khác nhau, nhưng bất cứ người Việt nào cũng có lòng yêu quê hương, hướng về đất nước. Đây là điểm chung nhất. Ai cũng muốn một Việt Nam mạnh.

Tôi cũng được biết, nhiều người Việt, qua theo dõi hoạt động ngoại giao của Việt Nam, nhất là hoạt động tại HĐBA, họ cũng tự hào về Việt Nam. Đó là cơ sở thôi thúc người Việt dù ở đâu cũng có thể đóng góp xây dựng Việt Nam giàu mạnh hơn.

Đó cũng là chủ trương của ta, làm sao để kiều bào đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cũng có thực tế, bên cạnh đa số kiều bào hiểu và gắn bó với Việt Nam, thậm chí phản biện chính sách nhưng mang tính xây dựng để tốt hơn, thì cũng có bộ phận nhỏ hận thù, cay cú quá khứ. Truyền thống Việt Nam vị tha, bao dung, cảm hóa. Ngoại giao làm gì để lôi kéo bộ phận tuy nhỏ này về với dân tộc ,về với đất nước đồng hành cùng với chúng ta ?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Đúng là người Việt Nam ở nước ngoài có bộ phận còn mặc cảm với quá khứ, không ủng hộ chủ trương của Nhà nước Việt Nam, thậm chí chống phá. Tuy nhiên, ai cũng yêu quê hương, hướng tới quê hương giàu đẹp. Đó là lẽ tự nhiên. Việc của chúng ta là hướng họ tới điều đó. Những bất đồng thì qua trao đổi, thông tin sẽ thu hẹp.

Một trong các phương thức là tăng cường trao đổi, đối thoại hơn nữa. Ta có nhiều cơ hội và đã tiến hành nhiều hoạt động. Ví dụ, năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm Mỹ, đã đến Los Angeles, nơi có nhiều người Việt để gặp gỡ người Việt. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Mỹ cũng đã có gặp gỡ kiều bào... Tôi nghĩ, tăng cường đối thoại sẽ tốt hơn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Liệu chúng ta có chủ động, tích cực hơn nữa được không? Liệu ta có mời những người bất đồng, thậm chí đối lập về nước, đối thoại trực tiếp với cá nhân đó?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Cánh cửa Việt Nam luôn mở rộng. Việt Nam đã từng nói đất nước luôn mở rộng, sẵn sàng trao đổi, mời những vị đó về Việt Nam đế thấy Việt Nam hôm nay như thế nào, để có cách nhìn nhận khác. Có thể nêu những ví dụ như việc ông Nguyễn Cao Kỳ đã về nhiều lần và có các cuộc trao đổi. Mới đây ông Joseph Cao cũng về Việt Nam. Họ cũng có ý kiến khác, nhưng là điều hiểu được, vì sự thay đổi nhận thức cần có thời gian.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có lẽ bởi một phần do thiếu thông tin hoặc chưa hiểu hết thông tin?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Đó cũng là khuyết điểm của ta là thông tin còn hạn hẹp. Sắp tới ta cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vai trò chủ động của các Đại sứ và Đại sứ quán trong việc chủ động thông tin như thế nào, ví dụ có thể gặp gỡ chia sẻ thông tin trực tiếp, thuyết phục họ hiểu hơn. Đó cũng là tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Bác Hồ giỏi cảm hóa, ngay cả người được giao nhiệm vụ ám sát Bác, nhưng Bác đã cảm hóa để người đó đi theo và bảo vệ Bác. Bằng đại nghĩa, Ngoại giao Việt Nam có thể làm được điều đó?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Các Đại sứ, nhất là ở các nước có đông kiều bào đều có nhiệm vụ tăng cường trao đổi, tiếp xúc, thông tin hơn nữa về tình hình và chủ trương của đất nước. Tuy nhiên, đây vẫn là điểm hạn chế của ta.

Đối thoại đàng hoàng, thẳng thắn để được trọng

Bạn đọc Phương Linh, TP.HCM: Khi đàm phán, có được có mất, và có bên mất nhiều hơn, trong khi bên kia được nhiều hơn. Trong giải quyết quan hệ, được lòng người này, mất lòng người kia. Làm thế nào để họ có thể ghét, không hài lòng, nhưng không khinh mà vẫn trọng ta?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Trong thương lượng, nhà thương lượng nào cũng muốn giành phần lớn hơn, giành được nhiều hơn. Và thông thường họ chỉ dành được phần lớn hơn khi dùng sức ép.

Trong thương lượng ngoại giao, Việt Nam luôn tính tới lợi ích của Việt Nam, cũng như lợi ích chính đáng của các nước, đảm bảo cả hai bên cùng có lợi. Đương nhiên trong thương lượng, có phần được và có phần nhân nhượng. Đó là lí thuyết bình thường.

Trong đàm phán, ta tính lợi ích của ta, cũng như của bạn. Có vấn đề ta thuận hơn, có vấn đề bạn thuận hơn. Và ta luôn nỗ lực để ra giải pháp bền đều, hai bên chấp nhận được.

Làm thế nào mà thương lượng để có giải pháp trong đó người ta chịu thua thiệt một chút, hoặc không đạt được hết các mục tiêu đề ra, nhưng vẫn coi trọng ta. Cách thức của ta là đàm phán một cách đàng hoàng, nói rõ đây là lợi ích của chúng tôi, đâu là giới hạn không thể nhân nhượng được. Nói cách khác, trong đàm phán, ta đàng hoàng, thẳng thắn, chân thành, nói rõ mức nào ta nhân nhượng, chấp nhận được, mức nào không.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Đó là cách ta có tư thế riêng của mình?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Đó là bài học trong Hội nghị Paris. Ông Kissinger sau khi đàm phán, ra bắt tay đ/c Lê Đức Thọ và nói phục bản lĩnh thương lượng của ngoại giao Việt Nam.

Đảng tiếp tục Đổi mới hơn nữa

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bản lĩnh ấy là một phần giá trị của dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất, định hình nên bản sắc dân tộc Việt Nam.

Câu hỏi cuối cùng cho ông, một Ủy viên Trung ương. Ngày 3/2/2010, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 80 tuổi. Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua những chặng đường lịch sử hết sức vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Mỗi Đảng viên có quyền tự hào về Đảng.

Hôm nay, dân tộc đang đòi hỏi Đảng có tầm cao mới về trí tuệ mới, xứng đang với câu nói của Bác Hồ: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Nhân ngày thành lập Đảng , ông có thể chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở về Đảng trong thời gian tới?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Sắp tới ngày 3/2, kỉ niệm 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt chặng đường lịch sử, Đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt là đưa vị thế Việt Nam từ một đất nước nô lệ, thành đất nước có vị thế như ngày hôm nay. Và Đảng sẽ tiếp tục nâng cao sức chiến đấu của mình, tiếp tục đổi mới, phát huy trí tuệ toàn dân tộc, đưa nước Việt Nam phấn đấu trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Đảng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tiếp tục đổi mới hơn nữa, nâng cao trí tuệ, tăng cường phát huy đoàn kết, dân chủ.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian trực tuyến đã dài. Trước khi kết thúc, xin được nói thêm, qua rất nhiều các ý kiến, câu hỏi bạn đọc gửi về, bạn đọc đã bày tỏ sự đánh giá cao, ghi nhận những nỗ lực của ngoại giao Việt Nam, thực chất là Đảng và các nhà lãnh đạo trong 2 năm qua, cũng như trân trọng những nỗ lực của các nhà ngoại giao, những người làm việc trực tiếp. Chúc mừng ngoại giao Việt Nam 2 năm qua đã giành kết quả nhất định, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Chúc ngoại giao dấn thân hơn nữa, tiếp tục bảo vệ lợi ích dân tộc, xứng đáng hơn nữa với niềm tin người dân đã trao trên mặt trận này.

No comments:

Post a Comment